Nhìn chung, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ huyện ở Từ Liêm (Hà Nội) hiện nay đã cơ bản đạt chuẩn từ trung cấp trở lên.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng thống kê (mục 2.1.2.1) cho thấy trình độ của đội ngũ cán bộ vẫn còn hạn chế, bất cập về nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý Nhà nước, thể hiện ở; trình độ sơ cấp: Chuyên môn (11,1%), quản lý nhà nước (6,2%), lý luận chính trị (13,2%); trình độ trên Đại học (2,3%), cao cấp lý luận chính trị (9,3%), ngoại ngữ, tin học hạn chế. Đấy là nguyên nhân khiến cho năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền ở địa phương thời gian qua còn hạn chế, lúng túng. Điều này, do trong quá trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch, chử trương và sự cụ thể hóa đường lối, Nghị quyết của Đảng, Thành phố còn nhiều bất cập, đặc biệt thể hiện ở năng lực lãnh đạo, điều hành còn hạn chế; năng lực cụ thể hoá các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu; chưa có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết các vụ việc chưa thực sự khoa học, hiệu quả.
Việc duy trì hoạt động của các cấp uỷ đảng có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Năng lực lãnh đạo, công tác giám sát ở một số đơn vị cơ sở còn thấp. Kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, còn có cán bộ chưa nắm vững thẩm quyền, chức trách nhiệm vụ và các quy định của pháp luật khi thực thi nhiệm vụ, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, quy hoạch, giải quyết
đơn thư khiếu nại tố cáo. Do vậy, còn để xảy ra nhiều sai sót, thậm chí có những sai phạm phải xử lý kỷ luật.
Vấn đề đặt ra là một bộ phận cán bộ từ cấp huyện tới cấp cơ sở tuổi khá cao (nhất là cấp cơ sở), nên có tư tưởng ngại học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước; mặt khác, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho thực trạng của đội ngũ cán bộ như trên, mất rất nhiều thời gian và công sức; đồng thời, dành nhiều thời gian đi học, sẽ ảnh hưởng đến công việc lãnh đạo, điều hành ở một số đơn vị cơ sở.
Một số cán bộ đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ rất khó sắp xếp; việc luân chuyển từ huyện về công tác tại xã và ngược lại cũng hết sức khó khăn, khi đa số các đồng chí này chỉ có trình độ chuyên môn hoặc lý luận chính trị là trung cấp, sơ cấp. Mặt khác, đối với cán bộ cấp xã, hầu như đã đều bố trí kín, định biên cán bộ chuyên trách, cán bộ không chuyên chách thì chế độ thấp, nên rất khó tuyển được sinh viên tốt nghiệp đại học về cơ sở công tác.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải giải quyết được đầu ra cho số cán bộ không đạt chuẩn và năng lực yếu, thì mới bổ sung được lớp cán bộ trẻ và có trình độ về công tác tại huyện và xã.
Nguyên nhân chính là do trong nhiều năm, đội ngũ cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, năng lực chuyên môn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện. Vì vậy, việc khắc phục những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ cần phải tiến hành trong thời gian dài với nhiều hình thức, phương châm thiết thực để thu hút và đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng, có ý thức trách nhiệm trong việc đóng góp công sức vào xây dựng quê hương đất nước.