Phủ Dầy là tên gọi chung cho một quần thể các di tích kiến trúc tôn giáo ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ở đây không có một di tích đơn lẻ nào được gọi là Phủ Dầy. Các di tích này bao gồm đình, chùa, đền, phủ, lăng được xây dựng rải rác trong một cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình có nước, có sông giữa một đồng bằng trù phú và ở trên sườn núi, đỉnh núi hòa lẫn với cây cỏ, đồng ruộng và ao hồ lung linh. Gần 5 thế kỷ nay, tục thờ Mẫu Liễu Hạnh tại địa phương đã tồn tại cùng Đạo Phật cũng như tín ngưỡng thờ các thần trong tự nhiên, thờ thành hoàng, các danh nhân, danh tướng có công với đất nước quê hương. Gắn liền với tục thờ Mẫu Liễu Hạnh, Phủ Dầy đã trở thành trung tâm của Đạo Mẫu và tín ngưỡng Tứ phủ.
Theo văn bia, sắc phong và những tài liệu cổ còn lưu giữ, Phủ Dầy được xây dựng vào thời Lê Cảnh Trị (1663 - 1671). Ban đầu nơi đây chỉ là một ngôi miếu cổ được nhân dân địa phương và khách thập phương công đức tiền của sức lực xây dựng thành một quần thể kiến trúc để thờ Mẫu và các bậc danh nhân. Triều đại phong kiến xưa đã ban sắc phong cho các nhân vật thờ trong các di tích, ghi nhận sự tồn tại của họ trong các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Quần thể kiến trúc Phủ Dầy có kiến trúc đa dạng, phong phú, độc đáo nhiều cổ vật quý được bảo tồn, giữ gìn.
29
Di tích Phủ Dầy gắn liền với sự tích Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài việc thờ Mẫu, từ xa xưa ở đây đã có nhiều đền thờ được xây dựng để thờ các danh nhân, những nhân vật lịch sử, những người có công với đất nước, quê hương và được tôn là Thành hoàng làng như: vua Lý Nam Đế lập lên nước Vạn Xuân, Đình Lôi tướng quân của Lý Bí, Nguyễn Minh Không ông tổ nghề đúc đồng… Cũng như các vùng quê khác, Phủ Dầy có nhiều nhà thờ họ do con cháu lập ra để thờ cúng tổ tiên như Phủ Tổ, Phủ Nội, Phủ Khải Thánh, Phủ Nguyệt Lãng... Nhưng hiện nay các di tích và phủ trên đều trở thành nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh cùng hệ thống thần linh Tam phủ, Tứ phủ. Khách thập phương về thăm quan Phủ Dầy được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, một hệ thống nhân vật thờ tự do bàn tay khối óc ông cha để lại trên mảnh đất văn hiến có đầy đủ các yếu tố địa lý, văn hóa, lịch sử để phát tích, tồn tại và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu. Với hàng chục quần thể đền, miếu, phủ điểm xuyết trong cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình làm cho Phủ Dầy trở thành một trung tâm tín ngưỡng của đồng bằng Bắc Bộ. Trong khung cảnh đất trời lung linh huyền ảo như thế, con người khi tiến hành nghi lễ tôn giáo ở đây cũng muốn hòa mình vào cái linh thiêng huyền diệu của vũ trụ, cảm thấy như có thiện tâm thanh thản trong cuộc sống đời thường.
Ngày nay Phủ Dầy có hai phủ lớn là Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu. Ngoài ra bao quanh hai phủ là hệ thống các đền, miếu. Theo các cụ già trong làng, cách đây 100 năm tại mỗi thôn có một phủ nhỏ hàng năm mở phủ từ 2 – 3 ngày và số lượng người tham gia cũng không ít.
Phủ Vân Cát được viên tổng đốc Nam Định là Cao Xuân Dục đứng ra xây dựng từ một ngôi đền nhỏ, xây dựng thành một phủ bề thế. Phía trước phủ có hồ bán nguyệt nối với bờ bằng cầu đá được chạm trổ rất công phu. Phủ Vân Cát có Ngũ Môn và bốn cung, trung tâm thờ chúa Liễu, bên
30
trái là thờ Phật, bên phải thờ Vua Lý Nam Đế. Phủ Vân Cát còn có tên là Phủ Vân là nơi lễ chính ở Phủ Dầy thu hút khách ngày càng đông.
Phủ Tiên Hương xây dựng sau Phủ Vân Cát nên quy mô còn to lớn và cao đẹp hơn Phủ Vân Cát do tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển đứng ra giúp người thôn Tiên Hương xây dựng. Tất cả các công trình với địa thế núi non, cây cảnh thiên nhiên làm Phủ Tiên Hương đẹp hơn Phủ Vân Cát. Đó là kiến trúc khá quy mô gồm ba lớp điện thờ, mặt đều quay về hướng nam, trước điện là giếng tròn và cột cờ, trên sân rộng phía trước có xây các nhà bia, nhà trống, nhà chiêng, kiến trúc kiểu bốn mái hai lớp. Chúa Liễu và hệ thống Tứ Phủ được thờ ở tòa điện trong cùng. Mẫu Thượng Thiên hóa thành Mẫu Liễu Hạnh thờ ở trung tâm, bên trái là Mẫu Thoải, bên phải là Mẫu Địa, phía trước là Mẫu Thượng Ngàn. Do quy mô và bài trí hoàn thiện nên sau này đây trở thành phủ chính thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Bà Chúa Liễu Hạnh sinh ra ở Vân Cát, mất ở Tiên Hương vậy mộ phần của bà ở đâu? Tương truyền Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại mãi không sinh con đã đi cầu tự Mẫu Liễu Hạnh tại đền Sòng, Thanh Hóa được thánh Mẫu ban cho hoàng tử Bảo Long. Để tạ ơn Mẫu, vua và hoàng hậu đã cho xây dựng lăng Thánh Mẫu tại làng Tiên Hương. Thánh Mẫu đã báo mộng cho bà đồng Thục biết mộ của Mẫu ở cái miếu của làng. Năm 1938, lăng Mẫu được xây bằng đá xanh và đá đỏ trên ngôi miếu đã gây một tiếng vang lớn cho làng Tiên Hương. Từ đó khách thập phương đến lễ phủ chính và lăng Mẫu rất nhiều[48, tr. 74].
Quần thể di tích Phủ Dầy nằm ngay trên quê hương của vị nữ thần chủ Đạo Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh nên hệ thống thờ tự trong Đạo Mẫu được sắp xếp tương đối hoàn chỉnh ở các Phủ Tiên Hương và Vân Cát. Trên các điện thờ ở đây, cao nhất là Ngọc Hoàng sau đó đến các vị Thánh Mẫu, Ngũ vị Vương Quan, Tứ vị Chầu bà, các ông Hoàng rồi đến hàng Cô,
31
hàng Cậu cuối cùng là bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và chồng của Mẫu Liễu Hạnh cũng được thờ ở đây. Do tính chất linh thiêng cùng sự thờ tự có hệ thống nên nơi đây được coi là “thánh địa” của tín đồ Đạo Mẫu. Hiện nay không chỉ trong các phủ mới thờ Thánh Mẫu mà tại các ngôi chùa thờ Phật, các đền thờ danh nhân danh tướng thì các vị thánh trong Đạo Mẫu ngày càng chiếm vị trí quan trọng[19, tr. 32].
Trong ngày lễ hội tại Phủ Dầy, khi có dịp trở về chúng ta thấy khắp nơi tại các đến, phủ nhộn nhịp bởi nghi lễ hầu đồng. Từng đoàn người ở khắp mọi nơi về dâng lễ hầu và tiến hành hầu đồng ngay tại đây. Các tín đồ của Đạo Mẫu quan niệm Phủ Dầy là trung tâm nên một năm nếu có một vấn hầu tại quê Mẫu sẽ gặp nhiều may mắn. Ngày nay các nghi lễ của Đạo Mẫu được diễn ra quanh năm không còn bó hẹp trong những ngày lễ hội như trước kia nữa. Rất nhiều đồng thầy ở các nơi hàng năm đều hành hương dẫn con nhang đệ tử của mình lễ Mẫu và làm các nghi lễ ở đây. Mỗi người về lễ Mẫu đều mang theo những nguyện vọng riêng tư, những mong ước thầm lặng của đời mình, nhưng họ đều có chung một ý nghĩ, đều cảm thấy Mẫu là vị thánh có quyền uy và có khả năng siêu phàm để phù hộ cho muôn chúng sinh và có thể ban phúc lộc cho mọi người. Điều này khiến cho các nghi lễ thực hiện ở đây ngày một nhiều. Xuất phát từ niềm tin về sự linh thiêng của nơi này nhiều đồng thầy đã chọn đây để làm các nghi lễ của Đạo Mẫu như trình đồng tiễn căn, di cung hoán số hay cắt giải tiền duyên cho những người có nhu cầu với mong muốn được Mẫu phù hộ độ trì. Đây cũng là một trong những lý do để chúng tôi chọn địa điểm này để nghiên cứu về việc thực hành nghi lễ cắt giải tiền duyên.
Chương 2: NGHI LỄ CẮT GIẢI TIỀN DUYÊN CỦA ĐẠO MẪU Ở VIỆT NAM (QUA NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI PHỦ DẦY – XÃ KIM THÁI - HUYỆN VỤ BẢN - TỈNH NAM ĐỊNH).
32