Người thứ hai chúng tôi muốn nhắc đến là một người phụ nữ đã có gia đình. Cô tên là P, sinh năm 1984, đã có hai con: một trai và một gái. Cô không xinh, có phần già hơn tuổi nhưng khi tiếp xúc chúng tôi ấn tượng bởi đây là người phụ nữ thương chồng, thương con hết mực, là một người phụ nữ của gia đình. Cô lớn lên tại một vùng quê thuần nông của Nam Định. Bố mẹ cô đều là nông dân, cuộc sống gia đình tương đối chật vật. Nhà cô lại đông anh em nhưng vì là người có tầm nhìn bố mẹ đều cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cô kể vì từ bé khó nuôi nên bố mẹ khá chiều chuộng cô. Tuy nhà làm nông nghiệp nhưng cô hầu như không phải ra đồng cấy gặt như chúng bạn. Bản thân cô sau khi học hết cấp III, thi đại học ngoài Hà Nội không đỗ cô đã chuyển nguyện vọng vào học một trường đại học du lịch trong Thành phố Hồ Chí Minh.
Sống và học trong một nơi xa lạ, lại là người con gái có cá tính cô có nhiều người theo đuổi. Hơn nữa ngành học của cô tiếp xúc khá nhiều người nhưng cô không cảm thấy rung động trước bất kỳ ai. Bởi lẽ tính cô khá nghiêm túc trong chuyện tình cảm, cô xác định khi học xong cô sẽ trở về miền Bắc để sống gần bố mẹ. Và cho đến năm thứ hai đại học cô gặp một người công tác tại xí nghiệp đường sắt Hà Nội – là chồng cô hiện nay, trong một chuyến tàu về quê. Cô tâm sự với tôi rằng ngay từ ban đầu tình cảm cô dành cho người chồng là tình yêu, tình thương và sự cảm phục. Chồng cô là người có chí, từ một vùng quê Nam Định một mình lên lập nghiệp tại Hà Nội. Mải sự nghiệp nên anh đã muộn lập gia đình. Có sự đồng cảm, yêu thương và trân trọng lẫn nhau nên khi người đó ngỏ lời yêu cô đã đồng ý. Sau khoảng một năm tìm hiểu hai người đã tiến hành hôn lễ. Khi lấy cô, người chồng đã bước vào tuổi hơn 40, có một nền tảng kinh tế khá vững chắc.
68
Lập gia đình khi đang theo học đại học năm thứ ba, vợ chồng không thể hai người ở hai nơi nên cô đã nghỉ học chuyển ra Hà Nội sinh sống. Không có bằng cấp gì trong tay, ban đầu ra Hà Nội cô xin làm cho một hãng điện thoại công việc là giao dịch với khách hàng qua tổng đài. Nhưng khi sinh đứa con đầu tiên cô đã phải nghỉ việc chăm sóc gia đình, người chồng thì đi công tác liên tục không giúp gì nhiều cho cô. Cô nói khoảng thời gian sau khi lấy chồng cô thấy hụt hẫng và cô đơn. Không thể tâm sự cùng bố mẹ bởi quyết định kết hôn sớm trong lúc đang học của cô đã làm bố mẹ rất thất vọng. Vì thế những nỗi vất vả cô gặp phải trong hôn nhân cô không thể nói được. Hơn nữa tâm lý của người phụ nữ sau khi sinh có những thay đổi cộng với việc không được chia sẻ dẫn đến cô bị trầm cảm một thời gian. Chồng cô là người tâm lý nhưng có sự cách biệt lớn về tuổi tác dẫn đến trong cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng được hòa đồng với nhau. Kể từ khi sinh đứa con thứ hai sự xa cách này càng lớn. Có lẽ vì vậy trong cô lúc này chỉ có tình thương và trách nhiệm với chồng và con. Cô và chồng tuy sống cùng nhà nhưng trong tình trạng “đồng sàng dị
mộng”.
Chồng cô một năm có đến 4 tháng công tác các tỉnh phía Nam. Do có hai con nhỏ ba mẹ con cô phải về quê ở cùng họ hàng để có người giúp đỡ trong việc chăm sóc con. Bên nhà chồng cô có người chị dâu hay đi lễ tại các cửa điện thờ mẫu và chùa chiền. Trong thời gian về nhà chồng cô hay nằm mơ thấy gia tiên nhà chồng về. Cô đem chuyện kể lại cho người chị nghe. Bác đã đưa cô đến cửa điện cô đồng N để xem. Cô đồng N đã nói cô là người có căn Tứ phủ, từ bé đã có những tai nạn gì xảy ra, con cái vợ chồng thế nào. Trong lần xem đó cũng nói đến tình trạng đời sống vợ chồng cô không được thuận lợi. Nguyên nhân do cô là người có căn đồng và có tiền duyên kiếp trước theo. Tiền duyên đó nó ám ảnh khiến cho cuộc
69
sống gia đình không yên ấm, cô ban đầu rất yêu chồng nhưng có nó dẫn đến càng ngày tình cảm với chồng cạn đi. Nếu cứ để tiền duyên thì đời sống vợ chồng cô sẽ càng ngày càng tồi tệ.
Cô nói trước và sau khi lấy chồng cô có nhiều giấc mơ kỳ quặc, thường xuyên bị bóng đè. Giấc mơ đó không rõ hình ảnh nhưng nó trở đi trở lại với cô nhiều lần và dù nằm xuống giường ban đêm hay ban ngày cô đều có cảm giác nặng nề, khó thở. Ban đầu cô nghĩ mình có vấn đề về sức khỏe nên đã đi khám nhiều nơi nhưng được kết luận rằng sức khỏe của cô rất tốt. Lúc đó cô nghĩ rằng mình suy nghĩ nhiều việc quá thành ra mới thế. Bây giờ khi đi xem bói cô được lý giải là do tiền duyên từ kiếp trước ám ảnh nên mới bị thế. Nghe lời người chị chồng khuyên cô tiến hành làm lễ cắt giải tiền duyên do cô đồng N làm cho tại phủ Dầy để mong có cuộc sống gia đình như ý muốn.
Cũng như Q.H, cô P đã lập gia đình có con nhưng cuộc hôn nhân lại không mặn nồng, sống trong cảnh “ đồng sàng, dị mộng”. Nên việc cô đi cắt giải tiền duyên với mong muốn làm cho cuộc sống gia đình dễ chịu hơn. Với vai trò là người phụ nữ giữ lửa trong cuộc sống gia đình, cô không muốn con cái lớn lên lại nhìn thấy cảnh gia đình không hạnh phúc.
Tôi hỏi việc đi lễ này của cô chồng cô có biết không? Cô P cho biết là việc này chồng cô không hề biết. Tuy là một người khô khan nhưng chồng cô không hề gia trưởng. Anh ấy không cấm đoán cô trong bất cứ việc gì mà để cho cô có thể tự do đưa ra quyết định. Đấy là bản tính tốt mà không phải đàn ông nào cũng có được. Trong xã hội Việt Nam người ta vẫn coi đi lễ là việc của đàn bà nên cô chủ động đi mà không hỏi ý kiến chồng.
Nếu chồng cô phản đối việc cô làm nghi lễ này vì sợ cô sẽ sinh ra mê tín dị đoan, cô có làm không? Dù lệ thuộc kinh tế vào chồng nhưng ở cô P
70
lại có cá tính mạnh mẽ. Cô bảo cuộc đời người phụ nữ cần nhất là mái ấm gia đình nên cô phải giữ gìn và trân trọng nó. Nên dù chồng có phản đối thì cô vẫn làm. Bản thân cô là người tự chủ được trong mọi việc nên cô sẽ thuyết phục được chồng tin tưởng vào việc làm của mình. Nhưng việc đi làm nghi lễ này cô cũng gặp phải sự khuyên can của một số người họ hàng vì theo quan điểm của họ làm những nghi lễ trên sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gia đình cô. Hơn nữa có thể cô đi vào con đường mê tín hết lần này đến lần khác làm lễ khiến gia đình căng thẳng thêm. Tuy nhiên cô vẫn làm vì cô hi vọng khi làm lễ xong cuộc sống của cô sẽ được thần thánh bảo vệ giống như người chị dâu chồng cô khi biết đến Mẫu và tứ phủ cuộc sống đã khá hơn, hạnh phúc hơn.
Vậy khi tin tưởng vào hiệu quả nghi lễ cắt giải tiền duyên đem lại nên khi tiến hành cô có cảm nhận gì đặc biệt không? Cô cho chúng tôi biết rằng mình không hề nhận thấy điều gì thay đổi trong trạng thái. Làm xong nghi lễ cô chỉ cảm thấy người nhẹ nhàng đôi chút vì nghĩ cuộc đời mình đã hết những ràng buộc của kiếp trước. Đồng thời trong cô cũng có cảm giác lạ lẫm khi chứng kiến hàng loạt nghi lễ Đạo Mẫu được tiến hành trong khóa lễ này.
Trong việc thực hiện nghi lễ này của đồng thầy N có điều gì khiến cô không hài lòng ? Từ thủa bé cô chưa bao giờ xem bói, nên khi đồng thầy N nói khá chuẩn về gia đình mình cô đã bỏ tiền để lễ. Nhưng trong khóa lễ của mình cô cảm thấy nghi lễ làm chưa hoàn thiện như đồ mã không đẹp, trong lúc làm sớ còn ghi nhầm tên gia đình cô, các bước làm lễ nhanh nên bản thân cô chưa hình dung ra nghi lễ thế nào đã kết thúc. Cô có cảm giác đồng thầy N chú trọng nhiều hơn vào việc hầu đồng chứ không phải là làm lễ. Những việc này khiến cô thấy nghi lễ mà mình thực hiện không hoàn hảo như cô hi vọng. Nhưng cô cũng khá vui khi chị dâu chồng cô nói
71
duyên âm của cắt dễ dàng, chỉ cần một lần xin đài âm dương. Nhiều người xin hàng chục lần mà vẫn không được. Từ việc này cô sẽ chăm đến các đền, phủ để lễ Phật, thánh hơn.
Cô P là người để ý nhiều nhất đến nghi lễ cắt giải duyên âm của đồng thầy N tại phủ Dầy. Qua sự nhìn nhận này đã cho chúng tôi cảm nhận cô là người rất kỹ tính trong cuộc sống. Có thể là cô ý thức được đồng tiền mà mình bỏ ra làm lễ không phải là nhỏ nên cô có đòi hỏi nghi lễ phải được làm cẩn thận. Tuy có một số chỗ không hài lòng nhưng cô cũng không có thái độ chê trách gì nhiều.
Sau một khoảng thời gian chúng tôi tìm đến nhà cô P để hỏi về sự thay đổi của gia đình cô diễn ra như thế nào. Cô nói với chúng tôi là trong cô có sự thoải mái hơn trước. Cô không còn gặp những giấc mơ như trước, khi ngủ cô không còn cảm giác bị bóng đè. Vì thế người cô trông tươi tắn hơn trước đó. Còn trong cuộc sống gia đình, cô và chồng cô không còn những giận hờn nhỏ nhặt nữa. Hai người đã nhận ra những khuyết điểm của nhau và cùng nhau sửa chữa. Dường như hai người đã có sự thông cảm cho nhau, chồng cô cũng hiểu cô vất vả vì chồng con và hàng trăm công việc không tên trong gia đình như thế nào nên đi làm về anh đã chủ động chia sẻ công việc gia đình với cô. Còn cô cũng hiểu gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của chồng, cô cùng chia sẻ những mệt nhọc trong công việc với chồng. Cô và chồng không còn cảnh “đồng sàng dị mộng” nữa. Cô cảm giác như có một điều gì đó sắp đặt cho gia đình cô ổn định hơn trước.
Nhưng trong cuộc sống tình cảm của vợ chồng mình dường như cô thấy vẫn còn khoảng cách. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ cả hai người đã tự tạo cho mình khoảng cách khá xa trong đời sống vợ chồng nên không thể một sớm một chiều quay trở về như buổi ban đầu được. Ngoài ra sự cách biệt về tuổi tác, suy nghĩ cũng là trở ngại đáng kể trong việc hàn
72
gắn tình cảm. Cô nói với tôi rằng cả cô và chồng đều là người khô khan, ít biểu lộ tình cảm. Chính những điều này khiến cô phải tự mình điều chỉnh lấy chứ không gì có thể giúp được. Cô nghĩ trong những thời gian sắp tới cô sẽ dành nhiều tình cảm, sự quan tâm nhiều hơn cho chồng. Cô cũng nói sau khi làm lễ cắt giải duyên âm cô năng đi lễ ở các đền, phủ hơn trước để cầu Mẫu ban cho sức khỏe, sự may mắn và hạnh phúc. Và cô thổ lộ mong ước trong thời gian tới khi con cái lớn một chút, kinh tế ổn định hơn cô sẽ ra hầu đồng như người chị dâu của mình để gia đình hạnh phúc, có nhiều tài lộc hơn nữa. Với cô nghi lễ này giống như một liều thuốc an thần để cô có thể bình tĩnh tìm một hướng đi mới tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc như mong ước bấy lâu của mình.