Nghi lễ cắt giải tiền duyên do đồng thầy Đạo Mẫu thực hiện

Một phần của tài liệu Nghi lễ cắt giải tiền duyên trong lên đồng của đạo mẫu ở Việt Nam ( Qua nghiên cứu thực tế tại Phủ Dày - Xã Kim Thái - Huyện Vụ Bản - Tỉnh Nam Định (Trang 45)

Còn nghi lễ cắt giải tiền duyên thực hiện trong Đạo Mẫu lại có sự khác biệt nhiều. Đồng thầy N là người tiến hành nghi lễ cắt giải tiền duyên cho những người mà khi bóng cậu bé Hoàng Thiên nhập vào cô xem và cho biết họ có duyên âm theo hay không. Nghi lễ này thường được cô đồng N làm trong các ngày lễ lớn. Đó là những ngày đẹp trong tháng và người nào muốn làm lễ phải đăng ký trước với đồng thầy N. Chi phí cho nghi lễ này được cô đồng N thu với giá là 1 triệu đồng. Khi đã đóng tiền làm lễ, người đi làm lễ cắt giải tiền duyên không phải chuẩn bị một đồ lễ nào khác. Đúng vào ngày giờ đã định, họ đến tham dự lễ hầu và làm nghi lễ nói trên.

Bất cứ nghi lễ dân gian, truyền thống nào của dân tộc Việt Nam chúng ta cũng thấy không thể thiếu trong đó yếu tố biểu tượng. Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên trong bất cứ nghi lễ nào ta cũng dễ dàng bắt gặp sự mô phỏng cuộc sống trần tục được làm bằng giấy từ con người đến đồ dùng, vật dụng. Những vật làm bằng giấy này sau lễ cúng được đốt đi

45

cho người đã khuất ở cõi khác có thể dùng được. Đây là một quan niệm hết sức thú vị biểu lộ sự quan tâm của con người nơi trần gian với người đã khuất. Theo dòng chảy của quan niệm này, trong các nghi lễ của Đạo Mẫu yếu tố biểu tượng nói trên cũng xuất hiện và thường được làm rất đẹp để dâng lên các vị thần linh. Nhưng do đối tượng thờ cúng của Đạo Mẫu là các Mẫu, các Quan lớn, Chúa, Chầu… nên các đồ vật làm để dâng cũng đều có đặc trưng riêng về màu sắc như Nhạc phủ phải làm đồ mã bằng màu xanh, Thoải phủ màu trắng, Thiên phủ màu đỏ, Địa phủ màu vàng…

Để chuẩn bị cho nghi lễ cắt giải tiền duyên và nhiều nghi lễ cùng diễn ra hôm đó đồng thầy N lựa chọn một ngày đẹp trong tháng. Sau đó cô cùng con nhang đệ tử đi đặt cung tại phủ Dầy. Các đồ lễ được chuẩn bị công phu bao gồm: hoa, trái cây, bánh kẹo, rượu thịt… và quan trọng nhất là đồ mã để cúng tiến các bóng, các tòa như voi, ngựa, hình nhân, tòa sơn trang. Nghi lễ cắt giải tiền duyên nằm trong hệ thống các nghi lễ của Đạo Mẫu tứ phủ nên các bước thực hiện phải tiến hành thành tuần tự là một phần trong đàn lễ lớn. Cô đồng N cho biết phải có đàn lễ voi, ngựa, thuyền rồng thì mới cắt được duyên âm hiệu quả nhất. Theo quan sát của mình chúng tôi thấy việc chuẩn bị đồ mã cho nghi lễ của Đạo Mẫu có những quy định chặt chẽ và số lượng đồ mã làm để dâng cúng cũng nhiều. Và nhìn vào sự chuẩn bị đồ cúng lễ này chúng ta không khỏi choáng ngợp về quy mô của buổi lễ, trong khi nghi lễ cắt giải tiền duyên do pháp sư thực hiện lại rất ít đồ mã.

Tuy nhiên nghi lễ cắt giải tiền duyên là một nghi lễ nhỏ, đồ mã chuẩn bị trực tiếp phục vụ cho nghi lễ là hai hình nhân bằng giấy. Một hình nhân làm bằng giấy màu đỏ, một được làm bằng giấy màu vàng. Hình nhân màu đỏ tượng trưng cho người nam giới, còn hình nhân màu vàng tượng trưng cho người nữ giới. Theo giải thích của cô đồng N sở dĩ phải quy định

46

như trên là do màu đỏ tượng trưng cho cõi Thiên phủ nơi người nam giới ở, còn màu vàng là tượng trưng cho cõi Địa phủ trần gian nơi người con gái tồn tại. Quan sát hai hình nhân, chúng tôi thấy hình nhân màu đỏ không ghi chữ gì, còn hình nhân màu vàng trên thân được khoác một dải giấy trắng ghi tên, tuổi của người đi cắt giải tiền duyên bằng chữ Nho và chữ Việt. Và hai hình nhân được nối với nhau bằng một dải giấy trắng ghi dòng chữ Nho được viết hai đầu với hai nội dung khác nhau. Gắn với hình nhân nam là dòng chữ “Thai trừ quỷ hồn chúng đẳng bất đắc vãng lai sa hạ”, còn đầu giấy gắn với hình nhân nữ ghi chữ “Thai sinh nhân thọ mệnh duyên trường

sa hạ”. Và chúng tôi được giải thích nghĩa của hai dòng chữ trên chính là

mong muốn đẩy lui tất cả vong hồn không được làm cản trở cuộc sống con người nữa, bảo vệ cho họ thọ mệnh, duyên được bách niên giai lão. Ngoài ra cô đồng N còn phải nhờ thầy cúng làm một loạt sớ viết bằng chữ Nho để dâng lên Mẫu và hội đồng các bóng, các giá, các tòa để cầu cho nghi lễ thành công. Rõ ràng các bước chuẩn bị cho nghi lễ này không cầu kỳ nhưng nó đóng vai trò quan trọng bởi nó sẽ mở ra một trang mới trong cuộc đời người phụ nữ về nhân duyên.

Đạo Mẫu là tôn giáo bản địa với nhiều nghi lễ đặc biệt đôi khi nhắc đến người chưa tìm hiều nhiều sẽ không hình dung được. Trong các nghi lễ đó, cắt giải duyên âm chỉ là một nghi lễ nhỏ thường được thực hiện ghép trong một buổi hầu đồng lớn. Tuy nhiên ở mỗi địa phương, nghi lễ Đạo Mẫu được tiến hành có sự sai khác ít nhiều. Theo cô đồng N nói mỗi thầy lại được Mẫu ban cho cung cách làm việc khác nhau nhưng cơ bản các bước tiến hành đều giống nhau ở những điểm chính. Một buổi lễ lớn của Đạo Mẫu được bắt đầu sau nghi thức cúng Phật và các vị thánh. Và sau đó lễ hầu sẽ được diễn ra từ đầu giờ chiều và kéo dài đến khoảng 6 giờ tối.

47

Khi bắt đầu vào lễ, cô đồng N xin phép mọi người đến dự và làm lễ để vào lễ hầu.

Buổi lễ hầu được mở đầu bằng việc tráng bóng Mẫu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam sau đó đồng thầy N lần lượt hầu đến các giá quan lớn. Quan đệ Nhất se giá, quan đệ Nhị được cô N hầu nhằm mục đích cho ngài chứng đàn lễ làm việc. Sau đó là quan đệ Tam được thỉnh về làm việc chứng đàn, chứng mã, chứng sớ của buổi lễ vì theo quan niệm ngài là người cầm mệnh, sổ sinh sổ tử. Khi quan đệ Tam hồi cung, quan lớn đệ Tứ cũng về se giá. Cuối cùng của hàng quan lớn chính là quan lớn đệ Ngũ hay chính là quan lớn Tuần Tranh. Nghi lễ cắt giải tiền duyên sẽ được thực hiện trong giá Quan Tuần Tranh. Cô đồng N làm lễ nhập đồng giống như bao giá hầu khác rồi tiến hành các nghi thức dâng hương và múa đao. Sau khi hầu mừng đàn lễ, quan đệ Ngũ sẽ chứng đàn mã bao gồm voi, ngựa, thuyền rồng, đàn động, thoi mảng, tòa động sơn trang, tam đầu cửu vĩ, chứng hình lốt của gia chủ làm đàn. Xong ngài cho tán đàn hóa mã để lại hình để cắt giải tiền duyên mà thôi.

Và dưới bóng của Quan Tuần, cô đồng N bắt đầu tiến hành nghi lễ cắt giải tiền duyên cho từng người một. Người làm lễ theo tên gọi lần lượt lên bục lễ ngồi. Họ giữ hình nhân tượng trưng cho bản thân mình, còn hình nhân tượng trưng cho người nam giới tiền kiếp được một người khác giữ - thường đó là những người hầu dâng hoặc thầy cúng trong buổi lễ đó giữ giúp. Hai hình nhân đứng song song đối diện nhau nối với nhau là một dải giấy, khoảng cách dải giấy là 1m. Người đi làm lễ thường chưa hiểu nhiều về nghi lễ nên người hầu dâng sẽ nói lời kêu tiếng khấn thay cho gia chủ lên Quan để ngài phù hộ cho nguyện ước của gia chủ đạt được.

Cô đồng N lúc này mang bóng Quan Tuần sẽ lắng nghe lời thỉnh cầu và dùng hai đồng tiền âm dương xin ý chỉ của Thánh Mẫu và hội đồng. Khi

48

đồng tiền đài gieo xuống một đồng là mặt âm và một đồng là mặt dương tức là Mẫu đã chấp thuận lời thỉnh cầu, còn nếu không được người lễ phải kêu da diết hơn và Quan Tuần sẽ xin âm dương lại. Được chấp thuận từ Mẫu, quan cầm 3 nén hương chứng dải giấy và hình nhân, rồi sau đó ngài sẽ dùng một cây kéo – theo quan niệm là đã được làm phép, để cắt đứt cây cầu tiền duyên giữa hai người mà tượng trưng chính là dải giấy nối giữa hai hình nhân. Một nửa có chữ bên hóa cùng với hai hình nhân . Người đi làm lễ sẽ giữ lại một nửa dải giấy gắn với hình nhân nữ tượng trưng của cây cầu tiền duyên và gối dưới đầu giường mình nằm ngủ. Cuối cùng đồng thầy N dùng một khăn mặt mới lau mặt cho người làm lễ cắt giải tiền duyên với hàm nghĩa họ đã có một khuôn mặt mới mang lại nhiều niềm vui và tiếng cười. Như vậy nghi lễ trên đã được tiến hành xong. Chúng tôi quan sát thấy đồng thầy N tiến hành nghi lễ cho mỗi người trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 phút. Cũng có người lâu hơn theo giải thích của người trong giới là do duyên âm quá lưu luyến nên phải xin đài âm dương nhiều lần.

Sau ba đến chín ngày người làm lễ cắt giải tiền duyên quay trở lại cửa điện của đồng thầy N để trả lại mảnh giấy cùng một chút tiền vàng để cô đồng làm lễ kêu Mẫu và hội đồng. Cô N nói với chúng tôi là cô sẽ kêu lên Mẫu và hội đồng giúp cho họ trong khoảng 3 tháng.

Từ việc tìm hiểu về nghi lễ cắt giải tiền duyên chúng ta thấy về cơ bản nghi lễ này tiến hành khá đơn giản, không tách biệt với nghi lễ hầu đồng của Đạo Mẫu. Và trong nghi lễ này chúng tôi ấn tượng nhất là hình ảnh dải giấy tượng trưng của cây cầu tiền duyên. Hình tượng cây cầu đã xuất trong một số nghi lễ của các tôn giáo khác. Trong đời sống thực cây cầu là mối liên hệ hai bên bờ song xóa bỏ sự ngăn cách thì trong Đạo Mẫu hình ảnh cây cầu tiền duyên xuất hiện là biểu tượng cho mối liên hệ giữa các kiếp. Độc đáo làm sao khi mối liên hệ nhân duyên được bắc với nhau

49

bằng một cây cầu – một biểu tượng gần gũi, quen thuộc đồng thời mang tính biểu tượng giữa một bên cầu là của kiếp trước còn một bên cầu là của hiện tại, giữa người sống và người đã mất, giữa những điều đang tồn tại và những ám ảnh. Khi cắt cây cầu tiền duyên thì mối liên hệ kiếp trước và kiếp sau sẽ chấm dứt, con người sẽ sống trọn vẹn không còn vướng bận gì từ kiếp trước. Nghi lễ tuy đơn giản, ngắn gọn nhưng mang đầy tính triết lý sâu sa.

Cũng giống như các nghi lễ khác của Đạo Mẫu, các bước thực hiện nghi lễ cắt giải tiền duyên này được diễn ra tuần tự từ bước chuẩn bị đồ lễ cho đến lúc làm lễ. Và người lần đầu làm nghi lễ xong sau cũng hiểu về ý nghĩa của nó. Có thể ở một vài nơi đồng thầy làm lễ cắt giải tiền duyên thường tiến hành riêng rẽ và trực tiếp tại cửa điện thờ tư gia nhưng với đồng thầy N mọi nghi lễ của Đạo Mẫu đều được cô làm tại đền to phủ lớn. Việc tiến hành nghi lễ ở đâu là do đồng thầy chọn lựa nhưng phương thức tiến hành của nghi lễ đều có những điểm chung như trên.

Từ việc tìm hiểu nghi lễ cắt giải tiền duyên trong Đạo Mẫu và trong lễ cúng của các thầy pháp sư chúng ta thấy có những điểm tương đồng về các bước cúng lễ như lễ Phật, lễ thánh. Mục đích tiến hành nghi lễ của hai bên cũng giống nhau nhưng trong cách tiến hành có sự sai khác. Trong Đạo Mẫu thì cắt giải tiền duyên là một phần của buổi hầu đồng đồng thầy trong buổi hầu còn ghép vào đó nghiều nghi lễ khác như trả nợ tào quan, trình đồng tiễn căn… còn ở lễ cúng của các thầy pháp sư tất cả tiến hành chỉ dành riêng cho việc cắt giải duyên âm ngoài ra không có nghi lễ nào khác. Các bước cúng của pháp sư và đồng thầy Đạo Mẫu cũng có sự khác biệt nhau rất nhiều và khi tham dự chúng ta thấy lễ cắt giải duyên âm của Đạo Mẫu thực hiện đơn giản hơn. Do đó đây cũng là lý do khiến nhiều người lựa chọn việc cắt giải tiền duyên bên Đạo Mẫu nhiều hơn các tôn giáo khác.

50

Chương 3: NGHI LỄ CẮT GIẢI TIỀN DUYÊN TỪ CÁI NHÌN CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG .

Nhìn chung trong xã hội Việt Nam xưa và nay, mọi người khi nhìn nghi lễ của Đạo Mẫu đều không mấy thiện cảm. Họ đều nghĩ đó là do một lớp người đồng bóng mượn danh thần thánh để lấy tiền thiên hạ, làm con người “tiền mất tật mang”, còn người đi làm các nghi lễ của Đạo Mẫu là mê tín dị đoan. Nhưng họ đâu biết bất cứ tôn giáo nào bản thân cũng không mang trong nó yếu tố lành hay dữ. Quan trọng là người đến và sử dụng nó khiến nó phát huy tác dụng tốt hay không tốt mà thôi. Vì thế trong luận văn của mình chúng tôi không đi tìm hiểu nghi lễ cắt giải tiền duyên của Đạo Mẫu theo phương pháp truyền thống mà đi vào việc xem xét vấn đề từ bản thân của người trong cuộc để tự họ bày tỏ ra những suy nghĩ, quan điểm hay ý tưởng, cách nhìn nhận của mình. Người trong cuộc ở đây chính là những người đồng thầy và người đi làm nghi lễ cắt giải tiền duyên. Họ chính là người phát ngôn trung thực nhất về nghi lễ mình đã trải qua và cho ta cái nhìn toàn diện nhất. Còn chúng tôi chỉ làm một nhiệm vụ là viết giúp nhân vật của mình mà thôi, còn lại toàn bộ câu chuyện là cuộc đời thực của chính nhân vật. Và từ đó chúng tôi sẽ bước đầu đưa ra nhận xét yếu tố tích cực và tiêu cực của nghi lễ đối với xã hội hiện đại ngày hôm nay.

Một phần của tài liệu Nghi lễ cắt giải tiền duyên trong lên đồng của đạo mẫu ở Việt Nam ( Qua nghiên cứu thực tế tại Phủ Dày - Xã Kim Thái - Huyện Vụ Bản - Tỉnh Nam Định (Trang 45)