Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 111)

1. Điểm nhìn trần thuật

2.2. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật

Quả là ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Khải có nhiều điều thật thú vị. Chúng tôi rất tâm đắc với nhận xét tinh tế của Lại Nguyên Ân: “Đọc Nguyễn Khải, riêng tôi thích những đối thoại. Tôi cảm thấy như đang nghe được những cuộc tranh cãi, những luồng suy nghĩ, những luồng tư tưởng đang có thực ngoài đời” [42, tr.80]. Cũng có nghĩa là nhà văn đã biết thổi hồn vào trong từng câu chữ, lời nói.

Truyện ngắn Nguyễn Khải bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống chính vì thế những đối thoại của Nguyễn Khải bao giờ cũng sống động, chân thực, xô bồ, ồn ào, góc cạnh: “Tôi hỏi: “Anh không thích nói chuyện với bọn tôi à?”. Nó nhè miếng xương, nhăn mặt: “Toàn chuyện ông này ra, ông kia vào, ông này lên, ông kia xuống, chuyện của các cơ quan quyền lực dính líu gì đến bọn cháu”. – “Quyền lực vẫn chỉ huy kinh tế đấy anh ạ”.Nó cười: “Danh nghĩa là thế, còn thực chất vẫn là tiền chỉ huy.Đồng tiền lớn chỉ huy đồng tiền bé. Chúng cháu chỉ có một ông chủ thôi, đó là thị trường mà quy luật thị trường thì bất biến nên dễ ứng xử lắm”. Rồi nó nói giọng xỏ xiên: “Ông chủ của chú là ai?” Tôi cũng huênh hoang: “Tôi cũng có một ông chủ như anh, đó là bạn đọc”. Nó cười rất

đểu: “Bạn đọc bây giờ không thích ăn của chú nữa. Toàn là né, nói gì thì nói vẫn là một cách né” (Chúng tôi và bọn hắn).

Nhà văn để cho nhân vật của mình tự do thoải mái trong tranh luận, bàn cãi, đối thoại với nhau về tất cả mọi vấn đề của cuộc sống. Những cuộc đối thoại luôn diễn ra dồn dập, câu hỏi và lời đáp cứ tiêp nối khiến ngôn ngữ nhân vật như cuộn xoắn, kết chuỗi, tạo sinh khí và sức lôi cuốn với độc giả. Ngôn ngữ đối thoại vốn là đặc trưng của kịch bởi đối thoại là trực tiếp bộc lộ cảm xúc yêu, thương, thù, ghét để làm nổi bật quan điểm của các cá nhân và của chính tác giả trong tác phẩm. Do vậy, ngôn ngữ đối thoại thường giàu kịch tính.

Nguyễn Khải đã vận dụng và có vẻ vận dụng thành công đặc tính này. Trong truyện ngắn của ông, “lời thoại trong giọng điệu triết lý, tranh biện thường dồn dập, va xiết, tất cả đều phải “chạm nọc” nhân vật, kích động, chất vấn, từ đó toát lên khuynh hướng, vấn đề” [42, tr.124]. Những cuộc đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Khải thường là những cuộc đối thoại tay đôi, tay ba với nhau mà ở đó, cùng tham gia vào tranh luận, triết lý với nhân vật. Tôi lại hỏi: “ Nói thật đi, như anh chẳng hạn, anh có mong muốn được tham chính không?”. Hắn nói ngay là có nhưng phải chuẩn bị đủ về tài chính đã, phải có nguồn tài chính mạnh mới nhảy vào cuộc chơi này được. Nó đắt tiền lắm. Tôi hét lên: :”Bố láo! Anh đang sống ở đâu thế hả? Hắn vẫn trả lời rất điềm nhiên:

“Tất nhiện cháu phải có tài, có đức và có một lý lịch tốt. Nhưng chỉ như thế thôi chưa đủ, còn cần có thế lực nữa. Không có thế lực thì phải có tiền, có nhiều tiền. Không ai dùng nước dãi để nói suông với nhau những vấn đề như thế cả”. Tôi đỏ mặt, nói gay gắt: “Rồi anh xem, riêng trong lĩnh vực này đồng tiền chả có nghĩa lý gì”. Hắn lại cười mủm mỉm, một nụ cười rất “cáo”. (Chúng tôi và bọn hắn).

Những lời thoại này hết sức thoải mái, dân chủ và tất cả đều hướng tới nhân vật, quay mặt về phía nhân vật. Nó được cảm thấy như là “lời nói về người

có mặt, chứ không phải là lời nói về người vắng mặt, như là lời nói của ngôi thứ hai, chứ không phải là ngôi thứ ba”(M.Bakhtin). Nhờ sự thâm nhập của đối thoại mà cả nhà văn và người đọc có thể đi sâu vào đời sống bên trong của nhân cách, khám phá thế giới tâm hồn của nhân vật.

Với truyện ngắn, càng về sau cái nhìn nghệ thuật của nhà văn càng trở nên đa dạng, nhiều chiều. Để khám phá tính muôn mặt của cuộc sống, nhà văn trao cho nhân vật của mình quyền tự do về tư tưởng. Các nhân vật của ông không bao giờ chấp nhận sự hướng đạo của ai khác mà tự tìm lấy con đường đi cho mình trong nhiều khả năng lựa chọn, sau khi đã trải qua những cuộc đối thoại nảy lửa về quan điểm, về tư tưởng. Có lẽ vì thế mà ngôn ngữ đối thoại của nhân vật lúc nào cũng có tính quyết liệt, gay gắt, băm bổ và rất ham nói lý.

Nhân vật của ông dù ở lứa tuổi nào, già hay trẻ, dù thuộc tầng lớp nào, nghề nghiệp gì thảy đều thông minh, giỏi suy tư và biện luận như chị Đại trong

Nắng chiều; Tuy Kiền trong Tầm nhìn xa, ông đại tá quân báo Quang trong

Danh dự; Khang trong Danh phận. Qua lời thoại và qua những cuộc đối thoại, Nguyễn Khải tỏ ra có khả năng trong việc tạo dựng một lối văn suồng sã, dồn đẩy, băm bổ mà như ông đã từng tự bạch qua lời một nhân vật trong Phía khuất mặt người:” “Văn tôi thì khác, kẻ ra người vào ồn ào, nói năng băm bổ, chõ vào mặt nhau mà nói, mà lý sự, đã lý sự thì người đọc không kịp thở, không kịp cãi, phải sau đấy mới thấy còn nhiều điều phải bàn, phải cãi”. Chính kiểu đối thoại này cũng đóng góp phần tạo nên một đặc điểm riêng trong lời văn Nguyễn Khải. Nó gần với đời và cũng vì thế độc giả thấy gần với nhà văn hơn.

Khi tìm hiểu về ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Khải, chúng tôi nhận ra một đặc điểm rất riêng nữa, đó là một sự đa thanh trong giọng điệu mà biểu hiện ở ngôn ngữ đối thoại là một dòng chảy đối thoại ngầm. Ngôn ngữ đa thanh vốn là một đặc điểm của thể loại tiểu thuyết và được nhà nghiên cứu M.Bakhtin chỉ ra lần đầu tiên trong Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki.

Trong chuyên luận có tính chất phương pháp luận này, M.Bkhtin đã chỉ ra được một cách khá toàn diện các dạng thức tồn tại của lời văn, đó là:

- Lời văn trực tiếp hướng thẳng tới đối tượng của nó - Lời văn có tính khách thể.

- Lời văn nhắm vào lời của người khác

Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Khải, chúng tôi nhận thấy trong lời văn của ông ít nhiều có được những đặc điểm này. Tuy nhiên, trong phạm vi khóa luận tốt nghiệp của mình, chúng tôi chỉ có điều kiện tìm hiểu về lời văn đối thoại ngầm trong truyện ngắn của ông.

Đọc Nguyễn Khải trong những năm gần đây, nhiều người đều thừa nhận rằng, trong miêu tả kể chuyện, nhà văn rất hay di chuyển điểm nhìn. Nhà văn không bao giờ đặt nhân vật trong một không gian khép kín mà luôn có sự mở rộng, liên hệ, lồng ghép, đan cài. Trong những câu chuyện đang kể, luôn được gia tăng những chuyện của quá khứ, chuyện của người khác. Nhà văn luôn có sự

hóa thân, lúc là nhân vật, lúc là người kể chuyện, lúc lại là tác giả với nhiều giọng điệu, sắc thái khác nhau, hòa trộn, đen xen, tranh cãi và đối lập tạo dựng một lối văn tiểu thuyết đa thanh và hiện đại.

Đây là một đoạn đối thoại trong Luật trời:

Người vợ hỏi:

- Ông cụ lại say sưa đến thế ư?

- Y nói nhỏ:

- Tôi cũng không hiểu sao ông lại hay uống đến thế. Đã uống say là hay chửi mắng mọi người, chửi mắng cũng chả sao nhưng ông ấy hay đánh vợ đánh con những lúc say.

- Đứa con hỏi:

- Ai cầm rìu trước?

- Bố cầm rìu, cầm để gạt đỡ cái gậy tre ông vụt tới và cũng để dọa ông nữa. Nhưng người say đâu có biết sợ nên ông cứ lao tới.

- Đứa con lại hỏi: - Ông chết ngay à?

Trong đoạn đối thoại trên, ta thấy nhân vật đang phải sống trong hai thế giới: thế giới ám ảnh của quá khứ và thế giới day dứt của thực tại. Có một dòng chảy đối thoại ngầm và một sự hóa thân – nhập vai giữa các nhân vật tham gia cuộc đối thoại. Người cha nói chuyện với vợ con mà như đang đứng xưng tội trước tòa án còn những câu hỏi ngắn, sắc, đanh, trịch thượng của vợ con lại như lời thẩm vấn, tra khảo của quan tòa. Điểm nhìn và giọng điệu người kể chuyện luôn di chuyển, biến đổi. Có lúc người kể chuyện hóa thân vào nhân vật để cảm nhận, giãi này đến tận cùng cái đau đớn, vật vã trong tâm thức của một đứa con phạm tội giết cha đẻ của mình, lúc nào cũng lo sợ, phấp phỏng, trốn chạy và đón đợi lời phán quyết của Trời, lời tuyên án lời văn hai giọng và sự nhại phong cách đúng như M.Bakhtin đã từng nói đến.

Trong truyện ngắn Đổi đời, nhà văn lại xây dựng một đoạn đối thoại kịch rất thành công. “Ông đang viết lách gì mà ốm thế”. Con gái đưa mắt nhìn mẹ, mẹ đưa mắt lườm nhự nhìn chồng:”Lúc nào chả đang viết. Viết một đời mà vợ con có nhìn thấy đồng tiền, phân bạc nào, tiếng tăm cũng chẳng có”. Con gái vừa cười vừa bảo: “Bố cháu viết “bôn” quá nên bọn trẻ không thích đọc”. Bà vợ nói thêm: “Viết chính trị lắm, chả có tí tình cảm nào, tôi chỉ đọc được vài dòng là bỏ”. Tôi nói đỡ cho bạn: “Tôi viết cũng chính trị lắm, cũng khô lắm cùng một khuôn với ông nhà mà”. Chị Tần nói ráo hoảnh: “Vậy phải đổi cách viết đi”. Anh Tần lấy thuốc ra hút nói đủng đỉnh: “Lương nhà nước vẫn đủ sống ngày hai bữa cơm rau”. Bà vợ buông đũa nhìn chồng mặt hằm hằm: “Thế vợ con ông bỏ đói à?” Anh Tần vẫn nói bằng cái giọng trễ nải: Vợ có lương hưu, con cái đã trưởng thành, chả ai phải nuôi con cả”. Bà vợ quên phắt luôn ông

khách mời, hét lên: “Thế thì phải giải tán gia đình đi!” Anh Tần cười mệt mỏi:

“Giải tán thì đi đâu bây giờ?”.

Những lời thoại đầy căng thẳng, kịch tính và nhất là có xung đột trong mục đích đối thoại. Nhưng lời đối đáp này rõ ràng là những đối thoại khác hướng kiểu như Ông nói gà bà nói vịt, râu ông nọ chắp cằm bà kia, nhấm nhẳng, rời rạc, gay gắt, kịch tính. Trong khi mục đích lời thoại của vợ, con là hướng đến một sự phê phán lối sống và cách viết của chồng, của cha và chờ đợi một sự thay đổi . Còn người chồng thì cứ né tránh, dửng dưng, bất hợp tác trong mục đích giao tiếp.

Trong ngôn ngữ đa thanh, ở truyện ngắn Nguyễn Khải có một dòng ý thức chảy ngầm ở bên trong, hoặc là trong những lời đối thoại, giao tiếp, hoặc là trong những lời độc thoại nội tâm nhưng cũng có khi nó xuất hiện trong tiềm thức, trong cơ chế của những giấc mơ. Trong những lời thoại (đối thoại - độc thoại) như thế, lời văn bao giờ cũng là lời văn hai giọng, nhắm vào lời của người khác.

Người cha trong Luật trời luôn phải sống trong những giây phút hốt hoảng, tâm thần bất định. Nhiều lúc vợ hỏi một đằng, y lại trả lời một nẻo, như người đãng trí. Nhiều đêm ngủ, y hay nói mê, chắc là những giấc mơ rất đáng sợ vì y kêu thét như bị bóp cổ, nói lảm nhảm: “cái vũng ấy không có cá, mưa nhiều con không thể bắt được cá, lần sau, lần sau...””Bố đừng uống rượu nữa, con xin bố đừng uống rượu nữa”

Bà mẹ trong Tiền cũng sống một cơ chế giấc mơ, ám ảnh tâm thức như thế khi bà “ngày ngày lang thang khắp các chợ nhặt giấy vụn nhét đầy các túi bị mang theo, tối về quăng một đống trước mặt chồng, nói hể hả: “Tiền tôi đòi về đấy, mất thế nào được!”

Ngôn ngữ đa thanh vốn bao hàm trong nó nhiều lời kể hoặc là trong một lời kể thì có nhiều giọng điệu, nhiều màu sắc. Cái tự tin xen lẫn với cái hoài nghi, cái

tự hào, lạc quan lẫn trong cái ý vị ngậm ngùi, chua chát. Nhà văn cũng sử dụng nhiều ngôn ngữ nửa trực tiếp , đan xen, nhập nhòa giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ của người khác hóa thân khiến cho trong một câu văn, nhiều lúc ta như nghe được giọng nói của nhiều người khác xen vào. Cứ đọc trong mạch suy nghĩ của một nhân vật nào đó mà xem, sẽ thấy từ ý nghĩ đích thị của bản thân nhân vật ấy sẽ nối sang những cách nghĩ, cách bình giá của nhân vật khác, nhân vật vừa tính đến những cách nghĩ ấy, lại ngay lập tức như muốn cãi lại.

Nhân vật tôi trong Người ngu là một trường hợp như thế khi tự nhiên giữa đường lại đùng đùng có người giữ xe mình lại, bắt đền hai chai rượu đắt tiền mà nhân vật tôi ấy “không có một chút cảm giác nào đã đụng phải xe người khác, đã làm rơi bể cái gì đó của người khác”. Biết là thế nhưng cái mạch suy nghĩ của nhân vật tôi cứ nối mãi sang phía người đang bắt đền mình, lo lắng, hốt hoảng thay cho cảnh ngộ của họ. Hàng loạt câu văn nửa trực tiếp diễn tả cái thái độ ngập ngừng, nhún nhường, lo lắng, đầy phỏng đoán như hình như, chắc cũng là, nếu như, còn nếu, chẳng lẽ, không ngừng. Hoá thân, lo hộ cho người khác và chấp nhận đền những rồi lại muốn cãi lại họ, muốn “thét ầm ĩ lên để có nhiều người xúm đến nhờ họ phân xử dùm”. Vừa có thái độ “Thà bị thua thiệt đến chín lần để khỏi có một lần xúc phạm tới nhân cách một con người lương thiện” lại vừa dằn vặt, đau đớn, đày đọa mình vì đã quá ngu, đã để mất tiền một cách quá ngớ ngẩn “đau vì uất ức, vì không thể trả lời tại sao lại để mất tiền một cách vô lí như thế”. Cái tôi vừa tranh luận với chính mình lại vừa tranh luận với một cái tôi hoàn toàn khác do mình hoá thân vào.

Chính là ngôn ngữ đa thanh, đa giọng điệu ấy làm nên mãnh lực trong truyện ngắn Nguyễn Khải và làm cho truyện của ông trở nên chân thực, sinh động và mang dáng dấp hiện đại hơn.

Kết luận

Trải qua hơn nửa thế kỉ cầm bút, cho đến khi xuôi tay vào cõi hư vô, Nguyễn Khải vẫn là một trong những tên tuổi tiêu biểu của nền Văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi trang văn của ông là một trang đời của người cầm bút, thấm quyện vào trong từng câu chữ mà suốt cuộc đời mải mê đi kiếm tìm sự thật ở bề sâu của cuộc sống. Những trang đời không một chút hổ thẹn với Danh dựDanh phận của người cầm bút, bởi lẽ, đi hết cuộc đời, ông đã sống và viết như một người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đã đem ngòi bút của mình trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân.

Một đời cầm bút, ngòi bút tài năng vinh danh trên nhiều thể loại nhưng truyện ngắn Nguyễn Khải vẫn để lại nhiều dấu ấn đặc sắc. Càng về giai đoạn sau, cái già dặn của tuổi đã biết tìm đến với cái lắng đọng, cô đúc của thể loại truyện ngắn, giúp nhà văn có dịp suy ngẫm, triết lí nhiều hơn về lẽ sống ở đời. Không phải ngẫu nhiên mà người đọc đánh giá ông là một trong số hiếm hoi những người kể chuyện "có duyên" của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi đi sâu vào khảo sát và phân tích những đặc sắc trong phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải, góp phần tạo nên một diện mạo riêng của nhà văn trên văn đàn Việt Nam trong thế kỉ XX.

1. Như hàng trăm con sông nhỏ đổ ra biển lớn, truyện ngắn Nguyễn Khải là một quá trình vận động, đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ cái riêng hòa nhập vào cái chung của cộng đồng, của dân tộc. Càng về sau, cái nhìn về cuộc sống, về con

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)