Chi tiết nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 76)

Cũng như tình huống nghệ thuật, trong truyện ngắn chi tiết nghệ thuật cũng rất quan trọng. Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: “Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện ly kỳ, gay cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã”. [59, tr. ]. Nhà văn Nguyễn Công Hoan thì lại định nghĩa “truyện ngắn không phải là truyện mà là vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”. Như thế, chúng ta có thể hiểu chi tiết có vai trò quan trọng như thế nào trong truyện ngắn, đặc biệt là những chi tiết hay, đắt giá. Chi tiết là “vật liệu xây dựng” để tạo nên truyện ngắn. Tất cả mọi yếu tố trong truyện ngắn từ cốt truyện, chủ đề, nhân vật, tình huống, hành động, diễn biến, tình cảm...đều phải được tạo ra và dựng nên bởi các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết sẽ là chìa khóa, là các nấc thang để đưa người đọc đến với thế giới nghệ thuật truyện ngắn.

Trong truyện ngắn Nguyễn Khải, chi tiết nghệ thuật là một yếu tố rất được nhà văn chú ý. Thậm chí nhiều người còn khẳng định rằng truyện ngắn Nguyễn Khải có thể thiếu đi những cốt truyện lắt léo, li kì, thiếu đi những tình huống độc đáo, thiếu đi những nhân vật sắc sảo nhưng truyện của ông không bao giờ nghèo về chi tiết cả.

Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải rất phong phú, đa dạng từ chi tiết sự việc, chi tiết hành động, chi tiết xung đột, chi tiết hài kịch đến chi tiết hồi ức, chi tiết tâm lí đến mức nhiều lúc người ta có cảm tưởng truyện ngắn của ông là truyện của các chi tiết, rậm rịt các chi tiết.

Khảo sát trong truyện ngắn Nguyễn Khải, chúng ta thấy có rất nhiều chi tiết rất hay và đặc sắc, đặc biệt là những chi tiết tâm lí. Chi tiết tâm lí là những chi tiết chứa đựng cảm xúc, tâm trạng và chiều sâu thế giới nội tâm của nhân vật mà qua những chi tiết đặc sắc đó, người ta có thể hiểu được tính cách, cảnh ngộ, số phận, tâm lí nhân vật cũng như chủ đích nghệ thuật mà tác giả muốn truyền đạt.

Đây là bước chân ra đi của một người ông, tự cảm thấy mình già, yếu mà trở thành gánh nặng cho đứa cháu mồ côi vừa tìm thấy việc làm ở chốn thị thành:

“Ông nó đi bước chân nhon nhón, đi một quãng lại quay lại nhìn nó, miệng hơi

cười” (Ông cháu). Ai hiểu được cái cười của một nỗi lòng đang nổi cuộn giông bão mà mai này sẽ chết vật chết vạ ở phương trời nào!.

Đây là giọt nước mắt chua xót một đời người của Khang trong ngày giỗ vợ:

“Bưng mâm cơm cúng lên bàn thờ vợ, thắp mấy nén nhang, chẳng kịp khấn khứa gì cứ đứng xuôi tay mà khóc, khóc cho vợ, khóc cho mình...” (Cái thời lãng mạn). Còn đây là lòng hiếu thảo của một đứa con mỗi lần bị ông bố say rượu đuổi đánh:

“Bố vẫn chạy nhưng lần nào ông đuổi theo cũng bị vấp ngã, ngã rất đau nên lại không dám chạy” để rồi sau đó, lỡ tay mà “giết” chết bố mình trong truyện ngắn

Ngòi bút nhà văn đào rất sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật bằng những

chi tiết ám ảnh tâm lí đầy day dứt. Khi “đứa con gườm gườm nhìn bố, nói phụng phịu: Con đã nói rất thèm , con rất thèm mà”. Y vừa chạm vào cái nhìn hờn giận của con liền buông búa, cái búa rơi xuống châm làm tóe máu một đầu ngón”. Rồi khi đứa con “quỳ xuống lấy bàn tay bịt tia máu. Y như bừng tỉnh, hất mạnh tay con ra, nói như người sảng: “rửa tay ngay đi, không được để máu của bố dính vào tay, rửa nhanh lên” “rồi một tay y nắm chặt lấy ngón chân bị thương, người rúm lẩy bẩy, cái nhìn thất thần như kẻ mất trí”. Khi y đi làm về, “dắt xe về đến đầu nhà, vừa nhìn thấy con vung rìu bổ củi gộc, y liền quăng xe lao người lại. Y ôm chặt lấy con, giằng cây búa trong tay con, quẳng vào một góc, nói líu lưỡi: “Không được dùng rìu, bố xin con đừng dùng rìu, bố sợ lắm, bố rất sợ”. Rồi y ngồi rụi xuống như cây chuối bị phạt...”. Hóa ra những chi tiết như “thèm cá”, “chiếc rìu”, “máu bố”

là nhữngám ảnh tâm thức suốt một đời dằn vặt, đày đọa hành hạ tâm trí ông, một đứa con lỡ tay cầm rìu (để gạt đỡ cái gậy tre ông vụt tới) mà đã “giết” chết bố đẻ ra mình.

Trong thế giới truyện ngắn Nguyễn Khải, còn có rất nhiều chi tiết tâm lí đặc sắc khác mà nhà văn xây dựng rất thành công. Để thể hiện những đổi thay của đời sống hiện đại và cái tội nghiệp, đáng thương của kiếp sống lệ thuộc vào con cái của

những người già, nhà văn đã xây dựng chi tiết những cái nhìn rất sắc sảo trong truyện ngắn Chúng tôi và bọn hắn.

Nhân vật tôi đến chơi nhà một người bạn. Mỗi lần đến thăm đều được giữ lại ăn cơm nhưng lần này “ngồi đến 10 giờ 30 chả thấy ông bà bảo sao”. Thế là nhân vật tôi cố tình “ngồi gan cho đến 11 giờ xem họ có mời mình không nào” “không phải vì bữa cơm, cơm bụi Hà Nội rẻ lắm” “chỉ muốn gây khó chơi, xem họ phản ứng thế nào, vì sao mà thay đổi” như thế. Nhà văn sử dụng chi tiết thật đắt:

chồng, như người có lỗi. Tôi nhìn họ thích thú, một cách độc ác, có chuyện rồi, chưa hiểu là chuyện gì”- Những cái nhìn trái ngược, độc ác, tội nghiệp, lật tẩy.

Bên cạnh chi tiết tâm lí, trong truyện ngắn Nguyễn Khải, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều kiểu chi tiết nghệ thuật khác. Đây là chi tiết sự việc về một lèo tủ được đục chạm rất tỉ mẫn, cận thận, công phu trong truyện “Nghệ nhân ở làng”, một cái lèo tủ “không có chim thú gì cả, không có tùng bách gì cả. Chỉ có người thôi, lô nhô những hình người, không phải là người của ngày xưa mà là người hôm nay, là các anh bộ đội và súng cao xạ, người đứng bắn và người chết trong các tư thế”. Đây quả là một thứ nghệ thuật “vị nhân sinh”, hướng con người đến với những giá trị lịch sử, nhân văn bởi cái nghĩa tình đối với những người đồng đội cũ ẩn chứa trong từng thớ gỗ.

Đây là những chi tiết lớp sóng: “Từ ngày li hôn, Hạnh vẫn ở trong căn hộ cũ, một gian phòng suốt hai chục năm luôn luôn là ba người, hai người rất nhàn, chỉ nằm đọc sách và nghe nhạc. Và một người rất bận, về đến nhà là bận, là người vợ và mẹ. Vừa làm vừa nói, vừa làm vừa cằn nhằn, quần áo bẩn không ném ra chậu, quăng mỗi nơi mỗi cái rồi ai đi nhặt đây; thức ăn thừa không cho vào tủ lạnh, đổ thì tiếc, nấu lại có ai dám ăn không, không ai thay bấc bếp dầu à, nói cả tuần cả bố cả con cứ giả điếc là sao hả trời! đàn ông con trai gì mà đối với phụ nữ vô lương tâm!” (Một bà mẹ chồng tuyệt vời). “Anh đã ngoài bốn mươi tuổi, ở nông trường thì việc nước, việc nhiều người ít, làm đủ mọi việc, không còn thì giờ ngồi ăn, ngồi thở. Về nhà thì việc gia đình, vợ vừa bận, vừa ốm đau, những việc lớn trong nhà đều phải đợi người đàn ông về thu xếp. Giọi nhà, quét vôi, làm lại đường dây điện, làm gác xép cho con có chỗ ngồi học...” (Bạn viết cũ). Với mớ những công việc bề bộn, ngổn ngang như thế, nhà văn đã rất tài tình trong việc lựa chọn chi tiết cũng như câu văn khiến cho người đọc có cảm giác như bị nhấn chìm trong lớp sóng ngập đầu của công việc.

Đây là những chi tiết hài hước: “Lửa và cháy đã trở thành một ám ảnh, lúc thức cũng như lúc ngủ. Đang nằm thiu thiu chợt nghe trong bếp có tiếng ai kêu “cháy”, lập tức Thọ vùng dậy chạy vọt ra đường, nhìn nghe lơ láo xem nơi nào đã cháy. Ai kêu cháy? Chỉ là đứa con gái đang rán cá, bỏ đi làm việc khác, mẹ nó ngửi mùi khét vội kêu: Cháy cá kìa! Nhưng Thọ chỉ nghe tiếng cháy” (Lính chữa cháy). Chỉ với một chi tiết ấy, nhà văn đã cho ta thấy được chân dung một vị trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đầy tinh thần, trách nhiệm với công việc.

Những chi tiết nghệ thuật đắt, có chọn lựa đã làm nổi bật được bản chất, tính cách, tâm lí, nội tâm cũng như của hành động của nhân vật. Truyện ngắn Nguyễn Khải đã xây dựng được rất nhiều chi tiết nghệ thuật như thế. Thêm vào đó, nhiều chi tiết nghệ thuật còn mang đậm dấu ấn của riêng ông bởi nó đã được nhìn và khai thác bằng chính con mắt của nhà văn. Ai đó đã nói rằng, những chi tiết nghệ thuật nếu được nhìn bằng con mắt của chính mình thì không bao giờ sợ thừa, không bao giờ sợ lặp lại với người khác. Hay nói như cách nói hình ảnh của Sêkhốp thì “có những con chó lớn, nhưng cũng có những con chó nhỏ, có điều tiếng chó nhỏ đừng lẫn vào tiếng chó lớn mới được. Mỗi bên sủa bằng cái tiếng của mình, bằng cái giọng trời cho của mình” [59, tr.392]. Đó có thể xem là một thế mạnh trong nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Khải.Những chi tiết nghệ thuật hay, độc đáo giống như những cánh cửa sổ trong lâu đài nghệ thuật của ông, những cánh cửa sổ mở toang ra để đón nhận cái lồng lộng của gió, cái vàng rộm của nắng trời.

Tuy nhiên, hay, đặc sắc, có dấu ấn riêng không phải chỉ nói chuyện của mình. Trong truyện ngắn Nguyễn Khải chúng ta thấy có không ít những chi tiết rườm rà, ôm đồm, chi tiết số mệnh hay những chi tiết khai thác một cách lạm dụng hồi ức của bản thân tác giả. Có nhiều chi tiết được lặp đi lặp lại rất nhiều lần và ít nhiều đến khai thác từ những câu chuyện trong gia đình, chuyện bố mẹ, anh em, cô dì, chú bác hay trong thế giới ký ức của nhà văn. Chẳng hạn như những chi tiết

“Gia đình chuyển về Hưng Yên sống với một bà dì đằng ngoại”; “Tôi gia nhập đội Dân quân tự vệ Hưng Yên”; “Năm ấy tôi còn mắc bệnh lở, từ nửa thân người trở xuống lùng bùng toàn mụn lở” được lặp đi lặp lại rất nhiều trong truyện ngắn của ông như Một giọt nắng nhạt, Hoa cỏ may, Đã từng có những ngày vui… Đặc biệt như chi tiết “ông chú (cô, anh họ) có xe chạy tuyến”. Thử khảo sát, chúng tôi thấy xuất hiện trong những truyện ngắn sau:

- Chú tôi có mấy cái xe chạy đường Hà Nội – Hải Phòng , Hà Nội – Nam Định. (Tiền [38, tr. 74]).

- Chú Nhì là ông em họ của bố tôi, ngày ấy ông đã có ba xe chở khách chạy các tuyến đường Hà Nội – Hải phòng, Hà Nội – Nam Định (Danh phận [38, tr. 92]).

- Ông chủ ngôi nhà và cái xóm nhỏ đó làm nghề lái xe, có một cái xe chở khách, chạy đường Hà Nội – Hải Phòng, (Cái thời lãng mạn [tr. 598]).

- Đại tá Bút về quê ở với con trai, nó là ông chủ một hãng xe gồm hai xe chở hành khách chạy các tuyến đường Thái Bình – Buôn Ma Thuột, Thái Bình – thành phố Hồ Chí Minh (Những người già [tr.327]).

- Người vợ hiện nay là một người đẹp của Hà Nội, gia đình có dăm cáixe vừa lớn, vừa nhỏ chạy đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định (Luật trời [tr.224]).

Thật sự chúng tôi hơi ngỡ ngàng trước sự lạm dụng chi tiết này của nhà văn. Trong văn chương, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp sự lặp lại của các chi tiết nghệ thuật, với điều kiện nó ẩn chứa dụng ý nghệ thuật sâu xa của nhà văn đồng thời nó xuất hiện với tư cách là một tín hiệu thẩm mỹ. Tiếc rằng, ở chi tiết này của Nguyễn Khải, dụng ý nghệ thuật không được lớn lao bao nhiêu. (hoặc có thể do chúng tôi chưa nhận ra).

Đọc truyện ngắn Nguyễn Khải, ở đôi chỗ, chúng ta thấy nhà văn còn hơi ôm đồm, tham lam trong chi tiết nghệ thuật. Có nhiều luận đề (mà truyện luận đề của

Nguyễn Khải chiếm số lượng rất nhiều), nhiều nhân vật, nhiều luận điểm, luận cứ, đôi lúc không cần đầu tư đến nhiều thời gian, câu chữ, chi tiết nghệ thuật như thế

(Danh dự, Sống ở đời, Một giọt nắng nhạt …) nhưng ông vẫn dành cho chúng khá nhiều khiến cho mạch truyện đôi lúc thiếu tập trung.

Có thể nói, yêu cầu về mặt thể loại ở sự cô đọng, hàm súc, chắt lọc, dồn nén, đậm đặc, nghiêm ngặt trong từng câu chữ nhiều khi đã không được nhà văn chú ý đúng mức. Nhiều chỗ, người ta thấy Nguyễn Khải như một người hay la cà, say mê, say nói, say kể, say diễn thuyết đủ thứ, từ kể tường tận lý lịch dây mơ rễ má một nhân vật, từ thuật lại kỹ lưỡng một hành động hay chỉ là động cơ một hành động hoặc đôi chỗ “cao hứng” trữ tình ngoại đề hơi dài (Đoạn miêu tả vườn thượng uyển của cụ Vĩnh ở phố Hàng Trống, hay “độc diễn” “thăng hoa” về thú chơi hoa lan, hoa mai của các tao nhân mặt khách (Đất kinh kỳ).

Theo chúng tôi, điều này có thể được giải thích bởi hai nguyên nhân, hoặc là một người chưa làm chủ được ngòi bút của mình, còn để pha tạp nhiều thể loại tương tự như tuỳ bút, ghi chép hay cũng có thể là “dấu vết” của một thời gian dài viết tiểu thuyết, kiểu muốn nói, muốn ôm đồm quá nhiều trong một dung lượng hạn chế . Nhưng cũng có thể đó lại là một ngòi bút đã thực sự lão luyện, vững chãi, cao tay như một vị tướng tài ba có thể tung hoành ngang dọc, có thể nhẩn nha trên trận đồ câu chữ mà mỗi chữ, mỗi câu viết ra đều có dụng ý nghệ thuật sâu xa của nó.

Đọc truyện ngắn Nguyễn Khải, đôi lúc phải thú nhận rằng, ranh giới giữa hai yếu tố này thật không dễ gì phận biệt được. Tuy nhiên, lại cũng phải nhìn nhận rằng, đi vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Khải chúng ta không nên mải mê, chăm chắm đi tìm kiếm những chi tiết nghệ thuật, những hình ảnh, sự việc vụn vặt mà quan trọng hơn cả là phải cố gắng hướng đến cáI “thông điệp cuối cùng”(chữ dùng của G.Genette) ẩn giấu đằng sau từng câu chữ, cũng tức là hướng đến chiều sâu những triết lý nhân sinh mà ông còn đang chiêm nghiệm suy ngẫm. Chính vì vậy, nói một cách hình ảnh, đọc Nguyễn Khải, giống như một người đi ra biển, đừng

quá mải mê đi lượm lặt những vỏ sò và san hô nhét cho đầy bị mà quên đi khung cảnh rộng lớn mênh mông của biển cả. Hãy để cho những lớp sóng bạc đầu ngoài đại dương xô đi và hãy cùng nhà văn mở hồn mình ra đón nhận những va động của cuộc đời.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)