1. Điểm nhìn trần thuật
1.1. Điểm nhìn hướng ngoạ
Những năm trước Đổi mới, do cách nhìn đời sống một cách xuôi chiều của nhà văn đã chi phối mối quan hệ giữa người viết với hiện thực. Trong những truyện ngắn của mình, Nguyễn Khải hoàn toàn chỉ có nhu cầu "hướng ngoại", ông đã đứng trên quan điểm chung của cộng đồng, của dân tộc mà miêu tả, kể chuyện và đánh giá hiện thực. Khi hiện thực đời sống được soi chiếu trên cùng một lập trường tư tưởng thống nhất, nó đã tạo ra tính chất đơn thanh, độc thoại trong sáng tác của Nguyễn Khải.
Điểm nhìn trần thuật thời gian đầu trong hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Khải là từ bên ngoài, do tính chất hướng ngoại của nhân vật. Người trần thuật thường xuyên xuất hiện ở ngôi thứ 3, một vị trí lí tưởng để quan sát, chiêm bái và phân tích nhân vật. Chủ thể trần thuật không mấy khi dành cho nhân vật những dòng hồi tưởng, suy ngẫm. Hình ảnh người trần thuật chi phối khắp tác phẩm từ lời dẫn truyện, cách kể và tả, lời trữ tình ngoại đề...đều là tư tưởng chung của thời đại mà nhà văn đưa vào tác phẩm.
Lấy mảnh đất hiện thực làm đối tượng, đề tài phản ánh, ngòi bút Nguyễn Khải luôn cố gắng thâm nhập vào mọi ngõ ngách sâu của đời sống. Viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhà văn đi sâu vào quan hệ giữa con người và con người. Ông đến với nhân vật bằng tình cảm yêu thương và thái độ trân trọng, vừa ca ngợi con người nhưng cũng lại khám phá thế giới tinh thần vốn đa dạng, phức tạp để cải hóa con người. Bên cạnh những cái tốt đang nảy sinh, ông cũng nhìn thấu được và phê phán một cách quyết liệt những xấu xa, tiêu cực, những cái cũ, lạc hậu còn rơi rớt lại như tầm nhìn hạn hẹp, ranh ma, hám lợi của nhân vật Tư Kiền trong
Tầm nhìn xa; thói kiêu ngạo, ích kỉ, thích hư danh của Khôi trong Anh đội phó và người thợ mộc....
Với điểm nhìn hướng ngoại, ưu điểm truyện ngắn thời kì này của Nguyễn Khải chính là ở tầm khái quát triết lí cao và những vấn đề đạo đức nhân sinh rộng lớn. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm của ông là vấn đề: Làm thế nào để con
người được giải phóng? Làm thế nào để con người có tự do, hạnh phúc? Cái nhìn hiện thực tỉnh táo, nghiêm ngặt đã giúp nhà văn phát hiện và nắm bắt vấn đề rất nhanh tuy nhiên đây cũng là hạn chế của nhà văn. Chính bởi tư duy nghệ thuật bằng vấn đề, sự kiện nên hầu hết các nhân vật trong các truyện ngắn của Nguyễn Khải là những con người chịu sự điều khiển chứ chưa phải là con người tự mình làm chủ mình. Nhà văn đến với con người và cuộc sống trước tiên bằng lí trí, bằng sự phân tích mổ xẻ để tìm ra cội nguồn và những lí do tồn tại của nó chứ chưa phải hoàn toàn bằng sự yêu ghét của trái tim.
Chính vì thế, nhân vật trong truyện ngắn của ông ít có được những nét tính cách hoàn chỉnh. Sự phát triển tính cách của nhân vật thường được quyết định bởi sự cần thiết phải kết thúc vai trò của nó ở đoạn này hay đoạn kia phục vụ cho việc giải quyết vấn đề mà nhà văn đặt ra. Khi vấn đề đã được nêu ra, được giải quyết thì vai trò nhân vật trở nên lu mờ hoặc bị bỏ quên. Nhiều nhân vật như Đào, Tuy Kiền, Khôi...ít nhiều đều là những nhân vật sinh động, chuyển tải được rất thành công những vấn đề tư tưởng mà nhà văn muốn phản ánh. Tuy nhiên, người đọc vẫn còn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó ở nhân vật, hoặc là thiếu một sự phát triển tính cách đa dạng, hợp lí hoặc mới chỉ là những cái lõi tính cách được khai thác lệch về một phía để phục vụ cho mục đích của tác giả.
Bước sang thời kì đổi mới, Nguyễn Khải đi sâu miêu tả và phản ánh xã hội trên một bình diện rộng lớn. Ông không chỉ chỉ xoay quanh những câu chuyện đời thường đang xảy ra trong đời sống hiện tại mà còn mở rộng tầm quan sát ra cuộc sống xung quanh để rút ra những bài học triết lí về thế sự. Cái nhìn một chiều đã nhường chỗ cho cái nhìn đa chiều. Nhân vật được nhà văn rọi chiếu từ nhiều điểm khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau để tìm ra cái cốt lõi bên trong với cả ánh sáng và bóng tối, cái hoàn thiện lẫn chưa hoàn thiện.
Truyện ngắn Nguyễn Khải sau 1986 đã thành công trong quan điểm trần thuật từ nhiều điểm nhìn. Với quan điểm trần thuật này, Nguyễn Khải đã tổ chức
nhiều cuộc đối thoại có sự tham gia của nhiều ý thức độc lập qua hệ thống hình tượng cụ thể. Nhân vật không chỉ nhìn theo hướng tác giả chỉ dẫn, họ nhìn ra xung quanh để hiểu đối tượng mình và để nhìn lại chính mình.
Cách kể "truyện trong truyện" đã phá vỡ tính đơn thanh cố hữu của tiểu thuyết truyền thống, tác giả - người kể chuyện như di chuyển không ngừng với nhân vật của mình. Bức tranh phản ánh hiện thực trở nên chân thực, đa dạng, sinh động hơn do các sự kiện được kể từ nhiều góc độ, nhiều bình diện khác nhau. Người kể chuyện được nhân vật hóa, thõa mãn hai chức năng: chức năng miêu tả các biến cố, sự kiện và chức năng phát hiện ra thế giới bên trong của nhân vật- người kể chuyện. Người kể không chỉ kể mà còn phải đóng vai nhân vật, do vậy tất yếu phải tự biểu hiện với một thái độ, tình cảm nhất định, với ngôn ngữ, giọng điệu của một người cụ thể. Vì thế câu chuyện không chỉ lôi cuốn sự chú ý của người đọc theo dòng các biến cố, mà còn lôi cốn người đọc vào cả lời kể, cách kể. Cho nên câu chuyện dù thấm đẫm một tình cảm chủ quan vẫn tạo ra được một hình thức kể khách quan.
Nguyễn Khải đã sử dụng một số phương thức tăng các điểm nhìn trần thuật bằng cách di chuyển điểm nhìn. Diễn biến câu chuyện không chỉ phụ thuộc vào điểm nhìn của tác giả mà có thể di chuyển điểm nhìn theo các nhân vật trong truyện như trong truyện ngắn. Ở đây nhân vật là các chủ thể kể chuyện, cùng tham gia tiến trình trần thuật cùng người trần thuật. Lúc này, vị trí của tác giả - người kể chuyện như di chuyển không ngừng với các nhân vật do mình sáng tạo. Điểm nhìn của nhân vật - người kể chuyện có giá trị tương đương điểm nhìn người trần thuật chuyển dịch, xen kẽ điểm nhìn từ người kể chuyện này sang người kể chuyện khác trong cùng một tác phẩm. Việc di chuyển điểm nhìn trần thuật khiến cho các vấn đề được soi chiếu từ nhiều bình diện, nhiều góc độ nhờ thế câu chuyện trở nên chân thực, sinh động và đa dạng hơn.
Tăng điểm nhìn trần thuật là vấn đề được văn học học hiện đại quan tâm. Nguyễn Khải là người sớm tìm ra con đường thể nghiệm này và đã có những thành công nhất định. Việc tăng điểm nhìn trần thuật làm cho mối tương quan ba chiều giữa người kể chuyện- nhân vật- độc giả thay đổi. Chính ở những cuộc đối thoại tay đôi giữa người kể chuyện và nhân vật mà những vấn đề về tư tưởng được khám phá, được phát hiện và phân tích ở bề sâu tâm hồn con người. Thế giới xung quanh cũng như chiều sâu tâm lí con người vì thế được bộc lộ một cách toàn diện, sâu sắc. Không những thế, điều này còn xóa bỏ khoảng cách giữa nhân vật - nhà văn - bạn đọc. Nhà văn không còn là người biết trước, biết hết, người phán truyền chân lí nữa, mà chỉ là người dẫn dắt nhân vật vào câu chuyện. Mỗi nhân vật là một ý thức độc lập. Những ý thức ấy tự do thể hiện tư tưởng riêng của mình. Cái nhìn dân chủ, lối trần thuật từ quan điểm nhân vật đã tạo tính đối thoại cho tác phẩm. Sự đối thoại của những ý thức, tư tưởng khác nhau nêu bật lên vấn đề của đời sống mà nhà văn quan tâm.
Vẫn dựa trên nền tảng vững chắc của một cái nhìn hiện thực tỉnh táo, sắc cạnh, có chiều sâu, những năm sau Đổi mới, cái nhìn nghệ thuật về con người của Nguyễn Khải có phần thâm trầm, hồn hậu, thắm thiết yêu thương hơn. Cái nhìn ấy xuất phát bởi một lòng tin yêu người và tha thiết gắn bó với cuộc đời. Nhà văn nhìn con người trong mọi mối quan hệ phức tạp với đời sống, ở đó những nét tính cách, suy nghĩ, cái tốt – xấu, trắng - đen đều có điều kiện bộc lộ rõ. Tuy nhiên, Nguyễn Khải là người có tài phát hiện ra vấn đề nhưng ông giải quyết vấn đề không phải lúc nào cũng khôn ngoan. Ông không đưa ra chân lí của riêng mình, không là người biết trước, biết hết bằng một lối kể chuyện, lối dẫn dắt câu chuyện có duyên, bằng cách tạo môi trường để cho các nhân vật tranh luận. Nguyễn Khải mở ra nhiều hướng giải quyết trước một vần đề của đời sống, đặt câu hỏi, cách lựa chọn để cho bạn đọc cùng suy nghĩ và lựa chọn.
Để thực hiện điều này, trong tác phẩm của Nguyễn Khải, nhu cầu đối thoại, tranh biện được phát huy cao độ. Nhiều tác phẩm được kết cấu như một cuộc hội thảo trong đó các nhân vật trình bày, tranh cãi một cách thoải mái. Nhà văn để nhân vật có quyền bình đẳng về kinh nghiệm sống, có quyền bộc lộ tư tưởng riêng, người kể chuyện chỉ giữ vai trò "tổ chức đối thoại" mà không là người nói tiếng nói phán quyết. Những kết thúc có phần giả tạo hay tượng trưng như ở "chúng tôi và bọn hắn" chứng tỏ mối quan hệ giữa nhà văn- nhân vật- bạn đọc đã được dân chủ hóa. Đó là nét đổi mới trong xây dựng nhân vật văn xuôi sau 1975 nói chung và của ngòi bút Nguyễn Khải nói riêng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình nhận xét: "Lời kể rất ít khi là lời trần thuật trung tính. Kể bằng phân tích, bình luận, vừa kể vừa chất vấn giãi bày, vừa kể vừa ngẫm nghĩ. Người kể chuyện luôn luôn là nhân vật quan trọng của câu chuyện, trực tiếp tham gia vào câu chuyện, khoảng cách giữa anh ta và các nhân vật khác được rút ngắn tối đa để cho quan hệ đôi bên trở nên hoàn toàn bình đẳng, thân mật".
Đi vào cuộc sống để tìm hiểu con người và nhìn cuộc sống trong một quá trình vận động có tác động quyết định đến sự thay đổi hay đến những biểu hiện của tính cách nhân vật là một đặc điểm trong sự đổi mới về nghệ thuật của nhà văn trong thời gian này. Bên cạnh cái nhìn sắc lạnh của lý trí sáng suốt, người đọc đã nhận diện thêm được cái nhìn nồng ấm, hồn hậu, thắm thiết với cuộc sống và con người của nhà văn
Say sưa với những chuyển biến tích cực của con người trong cuộc sống mới nhưng ngòi bút Nguyễn Khải lại không hề đơn giản và xuôi chiều. Ông không bao giờ chịu dừng lại ở những cái ước lệ ít nhiều bị thói quen và lối suy nghĩ dễ dãi ràng buộc mà luôn đi sâu tìm hiểu, khám phá. Khả năng phát hiện tinh tường và thái độ thẳng thắn như muốn “lật áo” hay “đi guốc trong bụng” của ông khiến cho người ta liên tưởng tới cách nói của M.Gorki: “đã biết tìm thấy rêu mốc của thói
tầm thường, dung tục, thậm chí cả ở chỗ mà người ta có cảm tưởng rằng tất cả đều đã được sắp đặt rất tốt, thậm chí xuất sắc nữa” hay như cách nói của Chế Lan Viên ở trong thơ: “phát giác sự vật ở bề chưa thấy, ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa”.