Ngôn ngữ người kể chuyện

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 105)

1. Điểm nhìn trần thuật

2.1. Ngôn ngữ người kể chuyện

Nói đến ngôn ngữ trần thuật là nói đến ngôn ngữ của tác giả và ngôn ngữ người kể chuyện. Trong truyện ngắn, ngôn ngữ trần thuật là yếu tố rất quan trọng bởi nó giữ nhịp điệu và tạo nên giọng điệu cho truyện ngắn.

Trong vai người kể chuyện, ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Khải có khi mộc mạc, suồng sã một cách dân dã, có khi hồn nhiên, dí dỏm, đùa nghịch, lại có khi thâm trầm, kín đáo trong những suy nghiệm trải đời.

Là một người tha thiết gắn bó với cuộc đời, chịu khó đi và viết, lúc nào cũng như quăng quật giữa cuộc sống xô bồ thời hiện tại, nhà văn đã đem được chất sống ngồn ngộn của cuộc đời vào trong tác phẩm của mình. Ngôn ngữ trong tác phẩm vì thế luôn là những lời ăn tiếng nói hàng ngày giản dị, mộc mạc của người bình dân. Ông không có tham vọng sáng tạo nên những từ ngữ mới nhưng những câu chữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày đi vào truyện ngắn của ông, đặt đúng chỗ lại có một phong vị, dáng dấp thật mới lạ, thật có duyên. Điều này chính là do tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn.

Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải phong phú, đa dạng, được sử dụng một cách biến hoá, đa nghĩa. Cách miêu tả của ông bao giờ cũng có nhiều tầng lớp. Miêu tả cuộc sống những ngày đầu khó khăn trong bãi Phúc Xá, ông viết: “Những dãy nhà một tầng xây đối nhau, mười hai gian một dãy, như trại lính. Mỗi nhà có hai cửa ra vào, hai cửa sổ, một cái bếp và một nhà tắm chung cho hai hộ, mùi vôi mùi xi măng còn nồng lên. Một dãy nhà đã có vài bốn gia đình dọn đến ở, chồng xách nước giội, vợ gò người lấy chỗi rễ cọ nền,

vừa làm vừa cười, rồi gọi mời nhau sang uống nước, hút thuốc, hả hê, khoan thai vì đã có một mái nhà, đã mất rất nhiều tâm sức để có được một gian nhà…” (Đời khổ).

Về miêu tả con người ông cũng có nhiều trang văn đặc sắc. “Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hình dung anh Hạnh với bộ quần áo mùa hè. Anh là người của mùa thu, mùa đông, những mùa buồn và lạnh. Người anh đã thấp nhỏ lại mặc cái áo bađờsuy màu lông chuột hơi dài và hơi rộng, đội cái mũ vành nhỏ kéo sụp xuống tận chân mày, lúc đi thân người lại hơi cúi xuống, gương mặt héo hon như bị lút đi trong khăn len, trong vành mũ, nom buồn quá, cô đơn quá” (Phía khuất mặt người).

Cũng có khi nhà văn lại sử dụng ngôn ngữ trang phục ngôn ngữ màu sắc một cách rất tài tình: “Người vợ may quần trắng, áo dài và một chuỗi ngọc giả để được bằng chúng bạn trong các tiệc cưới và tiệc liên hoan xí nghiệp. Con trai mặc quần áo bò, con gái nhỏ mặc váy và áo thun màu sắc sặc sỡ. Chỉ có người chồng vẫn mặc quần áo bằng vải xanh, như thời chiến. Gia đình kéo nhau đi chơi, ba mẹ con là một mảng màu riêng, màu của thời bình, của dư đủ và vui tươi. Còn người chồng là một vệt màu riêng, u tối, khắc khổ, cứ tủi tủi, buồn buồn thế nào…” có lẽ chỉ cần những trang văn như thế, nhà văn đã nói được rất nhiều cái đổi thay đến chóng mặt của cuộc sống hiện tại, ồn ã, xô bồ.

Trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ, nhiều người vẫn nhắc đến nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ, lặp cấu trúc của nhà văn khi muốn miêu tả hay nhấn mạnh một cái gì. Đây là một bữa rượu tri kỉ của những người lãng tử: “Nhậu với bạn bè ở nhà hay ở quán cũng chả có gì là vui, có tri kỉ nhưng không có trời đất, không có gió trăng chứng giám, rượu uống có say cũng là cái say tục, cái say cưỡng. Bất ngờ mà có một đám bạn, bất ngờ lại bắn được một con thú, thịt nướng lên, rượu rót ra, tứ hải giai huynh đệ, thác réo dưới xa, suối chảy dưới chân, trong chén rượu sóng sánh bao nhiêu là mây là núi, là những kì ngộ,

những duyên trời, rượu nặng từng giọt, rơi vào trong cổ từng giọt, giọt vui giọt buồn, giọt mừng giọt tủi, chỉ uống một chén là say, có thể say cả năm vì một chén rượu được trời đất tặng, được bạn bè tặng, được đời mình tặng”. Những trang văn cứ như nao nức, như lên hương.

Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải vốn dĩ bắt nguồn từ cuộc sống, là thứ ngôn ngữ mộc mạc, chân chất bình dân nhưng ông lại biết cách sử dụng và sử dụng rất sáng tạo. Trong lời ăn tiếng nói của nhân vật chúng ta thấy thấp thoáng lối so sánh, lối suy nghĩ của người bình dân trong nhưng câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Chúng đã được biến hoá một cách linh hoạt, sáng tạo theo mục đích trần thuật của nhà văn. Chẳng hạn như:

- Thắng thì làm vua, thua thì đi tù, ăn cơm muối hoặc chết cũng chả sao (Tiền – T.90).

- Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu nhưng ở cái xã này còn phải nói thêm chớ nghe tiếng sáo của thằng Sinh (Lãng tử – T.403).

- Giàu hai con mắt, không có mắt biết sống sao đây? (Một cặp vợ chồng ở chân động Từ Thức – T.240).

- Người khôn nhọc lo, người dại ăn no lại nằm. Tôi mới là người sung sướng chứ chú (Đời khổ T.206).

Cũng có lúc nhà văn sử dụng đại từ quan hệ một cách rất tài tình, đến mức ngạc nhiên mà cũng hết sức tự nhiên “Là con gái thời phải đi lấy chồng. Lấy lần đầu không thành, mình còn trẻ thì lấy lần thứ hai. Gia đình bảo thế, phố phường nói thế, xưa nay nói thế, thì mình làm theo thế” (Má hồng T.216).

Có lúc nhà văn lại có một lối liên tưởng – so sánh khá thú vị, dí dỏm nhưng người đọc lại không thể dễ dàng mà cười vui được: “Ông giống như một chàng Từ Hải tân thời còn cô Dịu như một nàng Kiều muốn nương mình nơi bóng cả. Một ông Từ Hải tiêu tiền như nước, nói năng hênh hoang, táo tợn. Nhưng Từ Hải không đánh nàng Kiều còn ông chú tôi lại hay đánh vợ” (Má hồng).

Có thể nói, chính nghệ thuật sử dụng từ ngữ, chính lối so sánh, liên tưởng độc đáo và cách vận dụng một cách tài tình, sáng tạo ngôn ngữ dân gian đã tạo nên thành công cho truyện ngắn Nguyễn Khải, làm cái phong vị rất riêng, rất có duyên trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn.

Bên cạnh nghệ thuật sử dụng từ ngữ, sức hấp dẫn trong ngôn ngữ trần thuật của truyện ngắn Nguyễn Khải còn ở chính sự sâu sắc, phong phú, am hiểu tường tận nhiều lĩnh vực khác nhau của một cái tôi rất thông minh, sắc sảo. Nhiều từ ngữ thuộc về lĩnh vực hình sự, quân báo, lĩnh vực kinh tế, làm ăn cả đến những thú chơi tao nhã của những tao nhân mặc khách như thú chơi lan, chơi mai, thú đi săn, uống rượu, cũng được nhà văn trình diễn một cách rất tài tình. Nhiều lúc nhà văn đã biết vận dụng thuật ngữ chuyên môn trong nghệ thuật trần thuật làm cho câu chuyện có một sức cuốn hút đến lạ kì. “Sinh bước lại gần người đẹp, tay cầm ống sáo khẽ vung vẩy. Con mồi như bị buộc chặt tay chân, đứng không nhúc nhích nhìn con thú nguy hiểm đang trườn dần tới. Con thú nhe hàm răng trắng loá gầm gừ:

- Nghe nói em sắp lấy chồng phải không?

Con mồi run rẩy, nói như tỉnh như mê: - Anh nghe ai nói, em còn lâu mới lấy chồng.

Con thú cười khìn khịt:

- Đừng có dối quanh. Cả làng nói mà.

Con mồi cụp mắt, tự thu nhỏ thêm để trở thành dễ nuốt: - Không có đâu anh Sinh ơi.

Một hơi nóng ấm phả ra trùm kín lấy bông hoa đã mở hết mọi cánh. Một giọng nói mềm mại làm tê liệt hết mọi chút kháng cự cuối cùng:

- Em đợi anh nhá. Đi đâu anh cũng chỉ nghĩ có em thôi. (Lãng tử)

Những từ ngữ như con thú, con mồi với những hành động như trườn, nhe hàm răng, tự thu nhỏ, dễ nuốt…là những thuật ngữ đi săn vậy mà như có ma lực trong việc thể hiện một cách rất tài tình cuộc chinh phục người đẹp độc đáo, có một không hai này. Thấp thoáng đằng sau đấy là nụ cười hóm hỉnh, đa tình của nhà văn.

Trong ngôn ngữ trần thuật, Nguyên Khải còn hay sử dụng những từ ngữ mang tính chất hài hước, dí dỏm. Trong một tác phẩm, người kể chuyện hé lộ:

“Nếu như đây đó thấp thoáng một nụ cười thì cũng là cái mỉm cười hiền lành, vui một chút, nghịch một chút cho câu chuyện đậm đà”. Ở chỗ này, người kể chuyện có lúc tự chế nhạo, tự giễu mình, ở chỗ khác lại thân mật, suồng sã với nhân vật. Tất cả đều rất tự nhiên, như không. “Văn anh buồn, chữ nghĩa mệt mỏi, nhưng đọc thì không thể quên được, nó dính vào da thịt mình cho đến tận bây giờ, Văn tôi thì khác kẻ ra người vào ồn ào, nói năng băm bổ, chõ vào mặt nhau mà nói”. “Nếu được ông Nguyễn Tuân khen có lẽ tôi thích hơn vì ông Nguyễn là một uy quyền trong văn giới. Được ông Nguyễn Đình Thi khen thì càng vui vì ông Thi là người lãnh đạo Hội. Còn được ông Tố Hữu khen thì nhất vì ông ấy là Đảng và Chính phủ” (Đất kinh kì). Tất cả đều rất vui vẻ, suồng sã, quả đúng là nụ cười hóm hỉnh, hồn hậu của người từng trải.

Xưa nay, người ta vẫn thường biết đến một Nguyễn Khải sắc sảo, tỉnh táo trong cảm hứng nghiên cứu, phân tích thực tại, trong tranh luận, triết lí, với một giọng điệu và một lối sử dụng ngôn ngữ lí trí, khô khan mà quên đi mất một Nguyễn Khải nghệ sĩ rất mực tài hoa, lãng tử, đa tình. Con người nghệ sĩ ấy càng về sau càng thăng hoa, càng bay bổng. Nó quyện thấm với chất thơ trong

ngôn ngữ khiến cho nhiều trang văn của ông đẹp đến một cách lạ kì. “Cái vườn cụ là thượng uyển của tao nhân mặc khách với muôn vàn vẻ đẹp của thiên nhiên đã thành mực thước cổ điển, đã thành thơ văn tự bao đời. Là chính thiên nhiên, có sự sống của thiên nhiên nhưng đã được rút nhỏ lại, được gạn lọc lại để cái

đẹp được biểu lộ một cách toàn vẹn. Là hội họa, điêu khắc, thi ca cộng lại. Là những tác phẩm hoàn mỹ có tác giả của nó. Là hiện thực và siêu thực. Là một cuộc sống bị câu thúc trong hiện tại và những mộng mơ của con người muôn thủa, có những ngôi chùa trong hẻm núi nhưng tường và mái ngói đã bị nứt ra trong chùm rễ si buông xoã xuống. Là một con thuyền ẩn dưới một vòm hang có những nhũ đá long lánh…”.

Có những trang văn ông miêu tả về Hà Nội trong mắt tôi, về phố phường và con người Đất kinh kì đầy xúc động, sâu lắng như vọng nghe tiếng hời gọi của thẳm sâu kí ức, yêu thương. “Dạo ấy cũng là cuối thu, là mùa đẹp nhất ở Hà Nội. Đạp xe dọc đường Nguyễn Du vào buổi chiều, nhìn lên các tán cây chợt thấy vàng rực, vừa có chút nắng, vừa có chút sương, và gió thổi vào mặt đã hơi lạnh. Người như nhỏ lại, mặt đường như rộng ra và các biệt thự ẩn mình trong các vòm cây trở nên cổ kính và bí mật…(Nghệ nhân ở làng) “Những tiếng rao hàng ăn Hà Nội vào lúc mờ sáng và lúc đêm xuống, người giọng gắt, người giọng khàn, có giọng lại lảnh lót như hát, là những cung bậc không có cách gì có thể quên được của một giọng Hà Nội thời thơ ấu…” ( Một giọt nắng nhạt),

“Người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng” ( Một người Hà Nội).

Có thể nói những trang văn thấm đẫm cảm xúc, yêu thương ấy như một dòng nước mát ngọt lành làm người đọc thỏa thuê, sung sướng sau những giây phút bộ hành mệt mỏi trên dặm đường xa. Nó là chất thơ của hồn người và của cuộc sống. Nó cuốn hút, hấp dẫn, ám ảnh người đọc bởi đó là thứ ngôn ngữ của đời sống được nhà văn gạn lọc ra. Nó luôn sống, luôn đổi mới và đi sát với cuộc đời.

Sức chinh phục của truyện ngắn Nguyễn Khải trong những năm gần đây một phần cũng chính là ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trần thuật của nhà văn. Đó là một thứ ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, dễ tiếp nhận mà cũng rất ý vị, có duyên. Nó thể hiện tài năng, phong cách nghệ thuật của nhà văn mà không lẫn

vào ai khác. Nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Giá như có một công

trình nghiên cứu riêng về phong cách Nguyễn Khải, thì theo chúng tôi, cuối cùng người ta phải đi đên kết luận rằng, trong những trường hợp thành công nhất của mình, Nguyễn Khải hiện ra như một người kể chuyện thông minh, la cà khắp nơi chia sẻ với mọi người vui buồn khi quan sát việc đời”.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 105)