Điểm nhìn hướng nộ

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 99)

1. Điểm nhìn trần thuật

1.2.Điểm nhìn hướng nộ

Theo Nguyễn Khải, dòng chảy tinh thần lặng lẽ phía sau dòng chảy sự kiện mới chính là nơi ẩn chứa nguồn gốc của nhiều vấn đề của hiện thực. Mảng hiện thực tinh thần đặc biệt này phản ánh một cách sâu sắc, lí giải một cách sáng tỏ sự vận động của đời sống và là một trong những phương diện quan trọng thể hiện diện mạo con người thời đại.

Nói như giáo sư Trần Đình Sử, đối với Nguyễn Khải: "Đời sống- đó còn là tư tưởng. Những tư tưởng sống trong đầu óc những người đang sống hôm nay".

Ông đi sâu vào đời sống tinh thân bên trong của con người, tập trung khám phá, tái hiện những nét mới trong quan hệ giữa con người với con người (tình đồng đội, tình bạn, tình yêu, nghĩa vợ chồng...). Người đọc không chỉ nhìn thấy diện mạo cuộc sống (không khí lao động hăng say, ý thức tập thể..) mà quan trọng hơn, tìm thấy chính những ảnh hưởng của cuộc sống mới này đối với tâm tư, tình cảm, nhận thức của những người lao động.

Dân chủ hóa văn học là một trong những yêu cầu của trào lưu đổi mới văn học sau 1975. Là một nhà văn "nhạy cảm " và sắc sảo, Nguyễn Khải là một trong số những nhà văn nhận thức rất sớm về sự thay đổi mối quan hệ giữa nhà văn với hiện thực, với công chúng độc giả và với chính mình. Nhà văn quan niệm mỗi nhân vật như một ý thức, một tiếng nói, một lập trường một chủ thể độc lập. Nhà văn để cho họ quyền phát biểu nhận thức của mình trước hiện thực được mô tả. Nhân vật có quyền phát ngôn như một chủ thể đối thoại với nhân vật khác. Những phát ngôn ấy có thể đồng hướng hoặc trái ngược mà không phụ thuộc vào ý thức của tác giả.

Văn xuôi sau 1975 chú ý đến con người hướng nội "con người bên trong ". Nhân vật không được chú ý nhiều ở hành động bên ngoài, điều cốt yếu là nó được phản ảnh bởi những hoạt động bên trong - hoạt động diễn ra trong thế giới tinh thần của nó. Con người nội tâm với những giằng xé hoặc bi kịch, hoặc hài kịch được khắc họa đậm nét.

Với cách thức trần thuật hướng nội, truyện ngắn Nguyễn Khải thường xuất hiện nhiều nhân vật cái tôi cá nhân, cái tôi tự bộc lộ tâm tư tình cảm của mình, chủ thể trần thuật được "nhân vật hóa", trực tiếp làm người kể chuyện, kể lại câu chuyện của mình, tự trình bày, tự nhân tích trong dòng độc thoại nội tâm. Anh ta có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm với các nhân vật để giới thiệu các nhân vật, kể lại các sự kiện và biểu hiện chiều sâu tâm lí nhân vật, cùng đối thoại với nhà văn về nhân vật trong truyện, đánh giá đúng nhân vật theo cách riêng của mình. Kiểu "tự kể về mình" có những ưu điểm rõ rệt, đó là lối kể bộc lộ tính chủ quan một cách đầy đủ và sâu sắc, tạo nên sự gần gũi nhất giữa văn bản nghệ thuật và người thưởng thức. Với cách kể này, hiện thực phản ánh mang tính trung thực cao, người đọc dễ dàng tin tưởng và cảm nhận được ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm, không thấy sự khác biệt giữa cuộc sống và thế giới nghệ thuật của truyện.

Theo thống kê của chúng tôi, thời kỳ trước 1975, Nguyễn Khải trần thuật chủ yếu ở ngôi thứ ba không nhân vật hóa. (Người kể chuyện chỉ xưng Tôi chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần trong truyện dài Chiến sĩ và 2 lần trong 2 truyện ngắn Hãy đi xa hơn nữa Bố con).

Đến thời kì sáng tác sau Nguyễn khải trần thuật chủ yếu ở ngôi thứ nhất nhân vật hóa. Thống kê 42 truyện ngắn sau 1980 của ông, có đến 36 truyện xuất hiện người kể chuyện xưng "tôi", số liệu này với tiểu thuyết là 5/7 tiểu thuyết.

Nhân vật tôi - người kể chuyện trong sáng tác Nguyễn Khải thường có gương mặt riêng, cụ thể và sinh động, có cá tính , có lai lịch tiểu sử, có ý kiến, có tư tưởng riêng trước mỗi vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Người kể chuyện trở thành

một nhân vật văn học. Anh ta cũng có những ưu, nhược điểm như người bình thường, cũng có khi "nông nổi, bốc đồng" thậm chí "hồ đồ" khi đánh giá con người, cũng "ngại va chạm" và hay "né tránh", cũng "háo danh""hay dỗi vặt"... Tuy nhiên điều đáng quý là con người ấy luôn biết tự nhìn lại mình, tự điều chỉnh tư tưởng và hành vi của mình cho phù hợp với chuẩn mực tiến bộ của đời sống xã hội. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn phát hiện ra rằng: "Nhân vật người kể chuyện của Nguyễn Khải "rất gần với chúng ta, cả ở những ưu điểm và nhược điểm trong suy nghĩ và trong cách nghĩ"

Cái tôi kể chuyện có những điểm nào đó trùng hợp với các sự kiện đời sống và tâm tư tình cảm của bản thân nhà văn, cũng có khi chỉ để thể hiện "cái ngoài mình", một hiện thực cuộc sống được "khúc xạ qua lăng kính của nhà văn" và khi đó, cái tôi không hoàn toàn đồng nhất với số phận, tính cách nhà văn. Đó là "hình thức trần thuật bộc lộ chủ quan và mang sắc thái cảm xúc cao độ" Điểm nhìn của người trần thuật và điểm nhìn của nhân vật hòa làm một, người trần thuật trở thành nhân vật chính trong truyện, thể hiện rõ nhất tư tưởng chủ đề tác phẩm.

Điểm nhìn khách quan bên ngoài được chuyển vào nội tâm nhân vật, buộc nhân vật phải nói lên ý nghĩ của mình, do đó bằng hình thức trần thuật hướng nội, có thể tạo nên tính đa giọng thuộc nhiều ý thức khác nhau. Trong truyện ngắn Luật trời, những dằn vặt, đau khổ với những tâm sự u uất, giằng xé tâm can của người cha luôn ám ảnh người đọc bởi điểm nhìn trần thuật hướng nội, như lộn trái từ bên trong của ngòi bút nhà văn.

"...Sau đợt đi mua gỗ từ Hòa Bình về, y mắc chứng sốt rét phải nằm viện cả tháng. Ở bệnh viện về, y vẫn sống trầm lặng như trước nhưng luôn có những giây phút hoảng loạn, tâm thần bất định, nhiều khi vợ hỏi một đằng, y lại trả lời một nẻo, như người đãng trí. Nhiều đêm ngủ y hay nói mơ, chắc là những giấc mơ rất đáng sợ vì y kêu thét, ngột ngạt như bị bóp cổ, nói lảm nhảm...

...Đứa con gườm gườm nhìn bố, nói phụng phịu: "con đã nói con rất thèm cá, rất thèm mà". Y vừa chạm vào cái nhìn hờn giận của con liền buông tay búa, cái búa rơi xuống chân làm tóe máu một đầu ngón. Thằng con nhào lại kêu to: "Máu kìa! máu của bố kìa!" rồi nó quỳ xuống, lấy bàn tay bịt tia máu. Y như bừng tỉnh, hất mạnh tay con ra, nói như người sảng: Rửa tay ngay đi, không được để máu của bố dính vào tay, rửa nhanh lên!" rồi một tay y nắm chặt lấy ngón chân bị thương, người rúm lại, run lẩy bẩy, cái nhìn thất thần như kẻ mất trí...

...Người bố không nói gì, lặng lẽ ngồi xuống ghế, đầu cúi xuống như kẻ chịu tội. Y đã linh cảm từ nhiều chục năm nay, rồi cũng sẽ có một ngày, hoặc sớm hoặc muộn, y phải nghe lời tuyên án lần thứ hai. Lần này chắc là án tử hình. Mong được thế! ..."

Đoạn văn là ngôn ngữ của người trần thuật hay ngôn ngữ nhân vật? Ngòi bút uyển chuyển linh hoạt của nhà văn đã kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ độc thoại nội tâm và ngôn ngữ tác giả, sự hòa trộn tinh vi đến mức người đọc khó lòng nhận biết nhân vật đang suy nghĩ hay nhà văn đang nghĩ. Như vậy, dù người kể vẫn ở ngôi thứ ba nhưng đến đây lại hoàn toàn nhập vào nhân vật để nó kể, suy nghĩ bằng ngôi thứ nhất. Nhờ sự kết hợp tài tình này, đoạn văn trở nên sinh động và sâu sắc hơn, tư tưởng tác phẩm và chân dung tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét. Trong suốt chiều dài của câu chuyện, dòng ý thức với những hồi tưởng, cảm xúc của nhân vật đã được người trần thuật hóa thân một cách tài tình. Tác giả như nhập vào sự dằn vặt, vò xé trong tâm tư nhân vật, có lúc lại tách ra, chỉ rõ cho người đọc thấy được dòng ý thức của nhân vật.

Nguyễn Khải đã rất thành công khi hóa thân vào nhân vật, tái hiện lại thế giới nội tâm của nhân vật như một quá trình khách quan. Thành công của ông là sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật, giúp người đọc hiểu rõ được cả quá trình tâm lí phức tạp của nhân vật, nhờ đó mà nhân vật truyện ngắn của ông tránh được tình trạng nhàn nhạt không gây được ấn tượng cho người đọc.

Nhà văn nhập thân vào nhân vật. Các ý kiến, quan điểm khác nhau được xây dựng tồn tại độc lập, có giá trị tương đương nhau trong cuộc thoại, nó cũng được nói lên bằng nhiều giọng điệu khác nhau. Người kể chuyện ở đây dù chỉ là một thành viên tham gia cuộc thoại. Nếu trước đây, Nguyễn Khải hay có kiểu "đi guốc trong bụng" nhân vật, cái gì cũng biết, cũng tham gia tranh luận, đứng trên quan điểm chung của cộng đồng mà phán xét, mà lí sự thì bây giờ, nhân vật Nguyễn Khải hoàn toàn độc lập. Anh ta không biết những gì độc giả không biết, kiểu như: "Chuyện gì thế nhỉ? chuyện gì có vẻ nghiêm trọng đến thế nhỉ? nhưng phải đợi một lát nữa. Những ai sẽ có mặt ở nhà này lát nữa?" {Gặp gỡ cuối năm - Tr. 8}. Anh ta không đứng trên nhân vật mà bị cuốn hút vào cuộc thoại và phát ngôn mọi vấn đề và phát ngôn với tư cách cá nhân. Nghĩa là anh ta (nhà văn) trở thành một trong các nhân vật để dẫn dắt người đọc, đồng thời cho người đọc thấy sự phân thân của mình qua các vị trí khác nhau của nhiều nhân vật. Đây chính là cách thể hiện nội tâm, đời sống tinh thần phong phú của mình một cách hấp dẫn nhất.

Cách tổ chức ấy dẫn đến là: Vai trò của người kể chuyện càng giảm thì điểm nhìn càng được phân tách trên nhiều bình diện. Tác giả Huỳnh Như Phương cũng nhận ra điều này: "Người kể chuyện thường xuất hiện như một nhân vật tham dự vào diễn biến của câu chuyện. Nhà văn chứng kiến, chia sẻ, can thiệp và chèo lái cốt truyện theo ý đồ khai thác của mình".

Người trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải đã di chuyển điểm nhìn trần thuật vào bên trong nhân vật, để tái hiện sinh động thế giới tâm hồn của họ. Khi có sự thâm nhập của chủ thể trần thuật vào trong các nhân vật của mình "khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật trên thực tế bị thủ tiêu, điểm nhìn cả hai phía đều hòa làm một...nhân vật và người trần thuật ghé vào được miêu tả từ bên trong..." Một yếu tố cốt lõi, mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Khải là hứng thú soi sáng đời sống tinh thần từ bên trong, đời sống tinh thần của những

con người đang phải chống chọi với "cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn giữa bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen..." này.

Những người như ông Hai Riềng, ông Mười tưởng chừng bị cuộc đời xô đẩy, đã muốn buông xuôi tất cả cho dòng đời lôi kéo nhưng theo cách miêu tả của nhà văn, họ vẫn tiềm ẩn một sức sống dẻo dai, niềm tin yêu vào cuộc sống. Và họ lại tìm được một sự thích ứng mới dù sự thích ứng của họ hôm nay đã khác với sự thích ứng của các nhân vật Môn, Mẫn trong Xung đột trước kia.

Nhà văn không còn là người đứng trên nhân vật, điều khiển mọi hành vi của nhân vật. "Không phải nhân vật là cái gì trong thế giới này mà trước hết thế giới này là cài gì đối với nhân vật và nó là cái gì đối với bản thân nó" (M. Bakhtin).

2.Ngôn ngữ trần thuật

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện mang tính đặc thù của văn học trong phản ánh hiện thực. Nó là công cụ, là chất liệu để nhà văn xây dựng nên tác phẩm của mình, bắc nhịp cầu giữa cuộc sống – nhà văn- công chúng. Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”(M.Gorki) khi sáng tạo tác phẩm cũng đồng thời là yếu tố đầu tiên mà độc giả tiếp xúc khi tiếp nhận tác phẩm văn học.

Cách thức sử dụng, khai thác ngôn ngữ của mỗi nhà văn khác nhau tạo nên những giá trị khác nhau cho tác phẩm văn học đồng thời thể hiện cá tính, tài năng phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn. Theo nhà văn Tô Hoài: “mỗi chữ đều soi bóng hoàn cảnh và tình hình xã hội lúc chứ đấy ra đời” [12, tr.157]. Chúng tôi nghĩ thêm, chữ nghĩa còn phải soi bóng cả nhà văn trong đấy nữa.

Đối với truyện ngắn, câu chữ tiêu dùng trong nó là cả một sự nỗ lực to lớn mà nhiều khi nó còn là yếu tố quyết định cho sự thành bại của một truyện ngắn. Ai đó nói rằng, truyện ngắn hay ở văn. Điều này thật đúng và thật có ý nghĩa đối với cả người viết lẫn người đọc.

Đối với truyện ngắn Nguyễn Khải, nhiều lúc người đọc như bị mê đi trong trận đồ câu chữ. Chữ nghĩa viết ra cứ như hút lấy hồn người bởi lẽ nhiều lúc nội dung chuyện nào có gì đặc sắc lắm đâu mà vẫn tạo được cảm giác ám ảnh, khắc khoải. Rất tiếc trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chỉ có điều kiện đi vào tìm hiểu đặc sắc ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ trần thuật của nhà văn.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 99)