Vấn đề ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 59)

6. Bố cục luận văn:

2.2.1.2. Vấn đề ngôn ngữ

Định vị văn hóa nước ta thuộc “thế giới Chi Na”, nhưng Phạm Quỳnh cũng nhận ra làn sóng Âu hóa đang xâm nhập vào lối sống, khiến cho những lề thói cũ bị đảo lộn. Chính trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề thiết yếu của nền văn hóa mới cần được nhận thức một cách sáng suốt, bình tĩnh và cẩn trọng, trong đó, ngôn ngữ là vấn đề Phạm Quỳnh rất tâm huyết. Nhân chuyến thăm Nam kì, chứng kiến những luồng ý kiến khác nhau về việc sử dụng chữ viết (trí thức Tây học thì ủng hộ sử dụng chữ Pháp, bỏ chữ nho, các nhà cựu học thì kêu gọi giữ chữ nho, bỏ chữ tây), Phạm Quỳnh bày tỏ chủ ý của mình một cách nghiêm túc và chân thành. Đối thoại với trí thức Tây học, Phạm Quỳnh đưa ra một câu hỏi hệ trọng: “chữ Pháp có thể truyền bá khắp trong nước được hay không? Có thể mượn làm quốc văn được hay không? Túng sử được nữa có phải là một điều hay, một điều lợi, một sự người mình nên mong mỏi hay không? Đó là mấy cái vấn đề phàm người có bụng với nước nhà phải lưu tâm mà cứu xét và cố giải quyết cho hợp lẽ vậy.” [60, tr.118] Trước các nhà cựu học, Phạm Quỳnh cho rằng tiền đồ tiếng nói dân tộc không thể trông cậy vào lối rèn văn luyện chữ của các cụ. Phạm Quỳnh không hoàn toàn phủ nhận cũng không đồng tình với chủ thuyết nào. Ông cho rằng nên “khéo điều hòa mới cũ mà giữ được cái nếp nhà, thì sự tiến hóa của dân ta sau này chắc được vững vàng chắc chắn mà không đến nỗi sai lạc đường vậy.” [60, tr. 118]

Phạm Quỳnh rất lo lắng trước hiểm tượng: “phàm là những bậc thượng lưu, những người có học thức, thông giỏi chữ Pháp, phần nhiều khinh rẻ tiếng An Nam, không thèm nhìn đến, cho là một thứ chữ đê tiện đẻ cho những hạng tầm thường dùng mà thôi”, khiến cho quốc ngữ có “địa vị yếu hèn”. Ủng hộ việc sử dụng quốc ngữ nhưng ông cũng nhận ra chữ quốc ngữ không đủ để điễn đạt trí nghĩ, do đó ông đưa ra hai đề xuất. Trước hết “ai đã có bụng thương đến tiếng nước nhà, muốn gây dựng cho thành một nền quốc văn có thể sống được ở đời này thì phải noi theo lấy

văn điển cũ của cha ông, mà cái văn điển cũ của cha ông ấy ngoài chữ nho không kiếm đâu cho thấy được.” [60, tr. 88] Trước tình trạng những người thông chữ Nho “mỗi ngày một ít dần”, Phạm Quỳnh tỏ ra “nóng lòng sốt ruột” theo ông, đó là dấu hiệu không tốt cho sự tiến hóa của văn hóa Việt Nam, bởi toàn bộ văn hóa, lịch sử của dân tộc trong mười thế kỉ đã nương tựa vào chữ Nho, nay nếu bỏ đi thì không tạo ra được sự tiếp nối. Nhưng chủ ý Phạm Quỳnh không phải là khuyến khích quốc dân học chữ Nho theo lối trường quy như trước nữa, mà học chữ thời nay để “vị quốc văn” mà học, do vậy “chỉ học cho đủ sự cần dùng về quốc văn mà thôi.” [60, tr. 88] Mặt khác, ông bày tỏ sự “trông cậy ở các nhà tân học ngày nay ra công giúp sức vào, đem cái tinh thần của học thuật thái Tây mà đúc vào cái khuôn văn cũ của nước nhà, khiến cho thành được một nền văn thiết dụng với đời, không phải mang tiếng hư văn như xưa nữa.” [60, tr. 89]

Như vậy, với tư cách một nhà văn hóa, ông đã nhìn ra sự hủ lậu của nạn từ chương khoa cử, dùng chữ Hán - thứ tử ngữ để hành văn, chỉ làm u mê đồng bào, nhưng với tư cách một trí thức, ông vừa chống đối khai tử chữ Hán, vừa không đồng tình phổ cập Pháp ngữ như một số nhà Tây học trong Nam kì. Chủ ý Phạm Quỳnh là sử dụng quốc ngữ, nhưng phải dựa vào cả chữ Nho và tiếng Pháp để làm giàu cho thứ tiếng dân tộc đang trong thời kì non nớt, không đủ dùng. Chủ ý đó sẽ giúp bảo lưu được văn hóa cổ truyền, đồng thời khai sáng cho câu văn quốc ngữ, giúp nó thiết dụng hơn với đời.

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)