6. Bố cục luận văn:
2.1.2.2. Cảnh quan chính quốc
Không gian chính quốc, ở đây là nước Pháp được gợi tả qua hai tác phẩm:
Pháp du hành trình nhật kí và Thuật chuyện du lịch ở Paris. So với các không gian
thuộc địa, thì chính quốc hiện lên trong sự đối lập với không gian thuộc địa về cả quy mô, tính chất lẫn thứ hạng của chúng. Không gian phản ánh trình độ xã hội, đằng sau đó là cái nhìn của Phạm Quỳnh về thế giới văn minh.
Trước hết, các không gian của nước Pháp hiện lên với vẻ hoành tránh, hùng vĩ, to lớn: “cái cảnh tượng ấy lớn lao phiền phức vô cùng, ví như bức tranh trăm nghìn thước, không thể nhìn một lượt mà thu quát được hết, phải tế nhận từng phần, suy xét cho kĩ, thời thưởng giám mới được hét, bình phẩm khỏi sai.” [60, tr. 202] Các thành phố hiện đại của Pháp, với sự hoành tránh đã không ngừng khiến du khách bàng hoàng, sửng sốt, choáng ngợp. Đó là tâm lí chung của những du khách bước ra từ thế giới từ thuộc địa, với xuất phát điểm thấp hơn chính quốc của họ. Khi cảm giác choáng ngợp trước cái đại thể to lớn, hoàng tráng ấy đi qua, người quan sát mới có sự bình tâm để chú ý thâu nhận rõ hơn về nước Pháp. Đối với Phạm Quỳnh, càng quan sát, ông càng ngưỡng mộ trước nền văn hóa kì vĩ, lớn lao của nước Pháp qua hai phương diện: Cảnh quan - gắn với những công trình được xếp
hạng rất cao trong thế giới Tây phương (cùng với các số liệu để minh họa cho thứ hạng ấy) và đời sống, phong vị, bản sắc văn hóa của các miền trong nước Pháp.
Marseille, cửa ngõ Đông phương đối với nước Pháp, thuộc về phía Nam, hiện lên với những công trình mang tầm vóc thế giới: “Thời cửa Marseille nghiễm nhiên thành nơi thương cảng thứ nhất của nước Pháp. Ngày nay đứng vào bậc thứ chín trong các hải cảng lớn trong thế giới, số hàng hóa xuất nhập mỗi năm hơn 8 triệu tấn, số tàu bè của các nước đi lại trong năm 1920 là 14.459 chiếc (trong số, ngoài tàu Pháp, có tàu Anh, Nhật, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Hòa Lan).” [60, tr. 203] “Nghe đâu thành Marseille này là một nơi đô hội có nhiều xe điện nhất ở Pháp, cả thảy ngót một trăm đường chạy khắp các phố phường và ra cả các nơi phụ cận chung quanh cho tới một vòng 20, 25 cây-lô-mét” [60, tr. 201] Cuộc sống ở Marseille hoạt náo, vui vẻ: “Người Marseille hay nói hay cười, hay ba hoa bả lả, hay ngao du ngoài đường phố, hay tụ tập chỗ đông người, lại hay đùa nhau, bỡn nhau, chửi nhau, đánh nhau, nên trong thành phố lúc nào cũng ồn ào tiếng người, rộn rịp tiếng xe chạy. Lại thêm trời thường sáng sủa, nắng ráo, ấm áp, bảnh bao, cho nên đầy trong không khí như có vẻ tươi cười.” [60, tr. 238]
Lyon, thành phố lớn thứ ba của nước Pháp, thuộc phương Bắc, là “tổ nghề tơ lụa” của cả nước, nổi tiếng bởi công trường Bellecour “người ta nói nội các công trường (places publique) trong thế giới, nơi này có lẽ vào bậc nhất nhì trong thế giới.” [60, tr. 240] Lyon đối ngược với Marseille về cả phong thổ, sinh hoạt, con người. Đây là nơi đất cũ, có nhiều di tích từ thời La Mã, liên quan đến lịch sử cổ đại của Pháp. Bởi vậy, thành phố mang “vẻ bình tĩnh nghiêm trang, không có phiền náo rộn rịp như ở Marseille”, “cảnh sắc thường u ám, hay có sương mù ở sườn núi mặt sông;” con người thì “trầm tĩnh, điềm đạm, ít nói, ít cười; coi bộ những người đi ngoài phố như ai cũng có việc gì mới đi, chứ ít người đi chơi phiếm”. “Cảnh ấy, người ấy làm cho thành phố Lyon có một khí vị nghiêm và buồn.” [60, tr. 238]
Paris hiện lên như là trái tim, khối óc của nước Pháp, nơi có “phong vị tuyệt trần”. “Paris không phải là một đô thị, mà là một thế giới,” [60, tr. 424] bởi “[t]rong ấy không thiếu vẻ gì, mà vẻ gì cũng mười phân vẹn mười, nghĩa là đến cực điểm cả: cái xấu có, cái tốt có, cái hay có, cái dở có, cái thanh có, cái thô có,…” [60, tr. 425]
Đường phố Paris rộng lớn, có nhiều đại lộ và các phương tiện giao thông hiện đại, đủ cho người khách lạ phải rối trí: chẳng những “xe ô-tô ở Paris thật không biết cơ man nào mà kể” mà còn có xe điện chạy trên phố, xe điện ngầm dưới lòng đất chằng chịt như “mạng nhện”. Paris còn có nhiều công trình mang tầm vóc thế giới: đại học Sorbonne “quy mô hùng tráng, thật là xứng đáng một sở học lớn nhất của một kinh đô lớn nhất thế giới” [60, tr. 436], “sở Invalides và lăng Napoleon kể cũng là một cái kì công trong nghề kiến trúc của thế giới,” [60,437] “cung Le Louvre nay chính là một cái mỹ thuật bảo tàng viện lớn nhất trong thế giới” [60,446], tháp Eiffel - “kì công có một trong nghề kiến trúc bằng sắt” [60,444], Cộng hòa trường (Place de la Concorde) “kể các nơi công trường trong thế giới thì nơi này là to đẹp hơn nhất” [60, tr. 449], Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe de l‟Etoile) “là cửa khải hoàn lớn nhất và đẹp nhất trong thế giới.” [60,450] Paris có nhiều thắng cảnh đẹp đến mức Phạm Quỳnh phải thốt lên: “Nói đến những kì công thắng cảnh ở Paris không thể không dùng đến những chữ: „lớn nhất đẹp nhất trong thế giới‟, dùng lắm tựa hồ như nhàm, song chính thật như thế, không phải là một câu khẩu đầu như ở bên mình phàm tiệc gì hội gì cũng là „rất trọng thể‟ hết cả.” [60, tr. 450]
Paris còn hiện lên như là nơi trung tâm của văn minh thế giới, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt văn hóa: diễn thuyết, tranh luận, hùng biện, tham quan, thu hút các nhà học giả hàng đầu, cho thấy một trình độ văn hóa rất cao. Người dân Paris thanh lịch, học thức, không cười nói bả lả như người Marseille; cuộc sống Paris có cái phong vị lịch duyệt, phong lưu, nhã nhặn, là một nơi lí tưởng cho giới trí thức.
Như vậy, thông qua các quan sát của Phạm Quỳnh về ba thành phố: Marseille, Lyon, Paris, có thể thấy chính quốc hiện lên trong cảm quan của một người dân nước thuộc địa như là thiên đường của trí tuệ, nơi trung tâm của văn minh thế giới. Sự ưu việt, thượng đẳng của nước Pháp trong cái nhìn của một trí thức nước nhược tiểu đã càng củng cố thêm địa vị của chính quốc trong nhãn quan của người quan sát. Những thứ hạng nhất, nhì thế giới của các công trình vốn là niềm tự hào của người dân Pháp đã trở nên là thiết chế quyền uy dưới con mắt người dân thuộc địa, bởi vẻ hùng tráng, vĩ đại, bởi lịch sử lâu đời và bởi nó là những minh chứng hùng hồn nhất cho sự thưởng đẳng của văn minh chính quốc.
Các tính từ được sử dụng để miêu tả vẻ lộng lẫy, học thức, sang trọng càng làm tăng thêm hào quang của chính quốc, cho thấy niềm ngưỡng mộ của tác giả đối với văn minh phương Tây qua hình ảnh đại diện là nước Pháp.
Tựu chung lại, các cảnh quan được miêu tả trong du kí đã nói lên được phần nào sự phân cực, cách biệt giữa hai thế giới Đông - Tây. Các nước thuộc địa hiện lên với những dấu hiệu Tây hóa bên cạnh những dấu hiệu đặc trưng cho lịch sử, văn hóa bản xứ. Ngược lại, nước Pháp, đại diện cho Tây phương hiện lên với một trình độ vượt bậc về mọi mặt so với các thuộc địa. Hai không gian cách biệt nhưng thực ra lại liên hệ mật thiết với nhau bởi những dấu hiệu đại diện cho văn minh, tiến bộ được thực dân nhân rộng, cấy ghép sang các nước thuộc địa. Do đó, bộ mặt cảnh quan thuộc địa dù về cơ bản vẫn hiện lên với vẻ nghèo khó, chậm phát triển, nhưng lại mang những dấu ấn, hình ảnh của chính quốc, cho dù nó chỉ là những bản sao không hoàn hảo. Điều đó cho thấy những dấu hiệu của phương Tây được phát tán gần như toàn cầu, đánh dấu sức mạnh của chủ nghĩa thực dân trên thế giới, đồng thời chính những dấu ấn đó đã tạo nên một chuẩn mực cho sự phát triển mà các nước tòng thuộc của nó phải hướng đến.