Cảnh quan nông thôn, miền núi

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 40)

6. Bố cục luận văn:

2.1.1.2.Cảnh quan nông thôn, miền núi

Nông thôn, miền núi nước Việt được Phạm Quỳnh phác họa qua Một tháng ở

Nam kì, Trẩy chùa Hương, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng. Với nhãn quan văn hóa, nhà

văn đã khám phá ra những nét văn hóa bản địa tại các vùng nông thôn. Từ các tỉnh thượng du miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ cho đến lục tỉnh Nam kì, các vùng đất nông thôn hiện lên với những sắc thái riêng biệt, biểu hiện ở: phong thổ, cảnh quan, tập quán sinh hoạt đến những đặc sản của vùng. Nông thôn trong du kí Phạm Quỳnh do đó hiện lên như một bức tranh đa sắc.

Trước hết, miền núi phía Bắc được khắc họa trong Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng. Đường ngược lên miền thượng du được tác giả ghi nhận: “càng lên lại càng

ngổn ngang những đồi cùng núi, liên tiếp không dứt, thật là cái cảnh đèo heo quạnh quẽ” [60, tr. 467] Phong thổ khác, con người cũng có dáng vẻ khác vùng đồng bằng: “người thì đã thấy đổi lốt, (…) không phải là những sắc nâu bùn như dưới ta nữa mà là những người sắc chàm xanh về mạn ngược.” [60, tr. 463] Hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn được phác họa với vẻ hoang sơ, “khi khu” (tiêu sơ, hiu hắt) của núi rừng: “Chỗ thời hết núi đá cây rậm đến đồi đất cỏ xanh, ngổn ngang bát ngát, coi xa rập rờn như sóng bể. Lại có chỗ thời đột ngột ngọn cô phong, cách nhau bằng những thung lũng nhỏ, có ngòi nước chảy, có ruộng cấy cày.” [60, tr. 470] Tràn

ngập trong trang du kí là núi rừng cheo leo, hiểm trở, cho thấy một miền thượng du còn khá nguyên sơ.

Viết về thượng du, Phạm Quỳnh đặc biệt nhấn mạnh một đặc sắc văn hóa của vùng, đó là “cuộc phụ tiện” - tức hát then, hay bụt. “Then hay Bụt thường là

những người đàn bà con gái óng ả lắm, đã học thuộc nhiều các bài văn cúng, nhà nào muuốn làm lễ kỳ yên thời mới đến gẩy đàn đọc văn, cầu nguyện cho trong nhà được bình yên mạnh khỏe.” Nhà văn mô tả cuộc hát: “Trên giường bày lễ vật hương hoa, cô then ngồi bên cạnh, tay cắp cây đàn, chân đeo tràng nhạc, miệng hát, tay

gẩy, chân rung, dịp dàng lắm. Giọng hát tỉ tê thánh thót, nghe rất là buồn, như giọng gọi hồn vậy. (…) Cô then ngồi đọc văn gảy đàn như thế, thường là suốt đêm, có khi cả đêm cả ngày, không dịch chỗ, không đứng dậy, mà không đổi giọng, không dứt tiếng…” [60, tr. 473-4] Cũng theo mô tả của ông, then gợi nên cái thú “âm thầm não ruột”, khiến đồng bào mê mệt: “không trách đàn bà con gái có người mê lắm, quyến luyến then, sắm sửa chăm chút cho then như đối với người có tình vậy.” [60.

tr. 473] Như vậy, qua miêu tả của Phạm Quỳnh, có thể thấy then là một loại hình

văn hóa nguyên hợp giữa âm nhạc với tâm linh, thể hiện tâm tình của người thượng du. Nắm bắt được then, Phạm Quỳnh đã nắm được linh hồn của núi rừng phía Bắc.

Bên cạnh vẻ tiêu sơ, hoang dã của thiên nhiên, miền thượng du bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phi cổ truyền. Theo hành trình của Phạm Quỳnh, có thể thấy những công trình phỏng theo lối Tây đã được xây dựng: nhà ga, xe lửa, cầu sắt tây, khách sạn, nhà mát, sở làm việc, nhà hội. Bên cạnh hát then, một đặc sản văn hóa của vùng là những hình thức sinh hoạt văn hóa theo lối mới như diễn thuyết, nhảy đầm, mặc dù những hoạt động này chỉ giới hạn trong số lượng ót ỏi quan lại (gồm cả người Pháp và Nam) trong tỉnh.

Nếu như không gian thượng du được gợi tả trong tổng hòa thiên nhiên, sinh hoạt văn hóa thì miền đồng bằng trung tâm của Bắc kì hiện lên chủ yếu với đời sống tâm linh, tập trung chủ yếu qua Trẩy chùa Hương, tác phẩm viết về tập tục lễ chùa đầu năm của người Việt ở Bắc bộ. Nhãn quan văn hóa thể hiện ở ngay xuất phát điểm của chuyến đi: “Bình sinh vốn ưa sách Phật, mến mùi Thuyền, những lúc chán ngán nỗi đời tưởng giá đem gửi mình ở chốn thanh cảnh vắng cũng ngoan. Lại

mang cái tư cách nhà học giả, phàm sự lí muốn sưu sách cho cùng, lắm lúc nghĩ đến cái lòng tôn giáo bạc nhược của người mình, sánh với cái bụng tín ngưỡng cao thượng của người ta, mà riêng than rằng giống mình thật lắm nỗi kém hèn, muốn tìm xem có kế nào chấn hưng được tôn giáo ở nước nhà không, nên vẫn có ý muốn du lãm những nơi danh lam cổ sái để chiêm nghiệm cho biết chân tình.” [60,156] Với cái nhìn của một nhà văn hóa, nhà văn cho rằng chùa Hương là nơi giữ được “cái bụng tin thành” của dân gian, “cái thú thiên nhiên của một nơi phong cảnh có một trên cõi Bắc với cái nghĩa màu nhiệm một đạo tu hành rất cao của trời Tây, là chốn cao thượng hữu tình hơn cả” chứ không bị biến thành nơi bày trò mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” như Phủ Giày, Kiếp Bạc.

Không gian chùa Hương được khắc tả với bến Đục, đền Trình, chùa Thiên Trù, giếng Giảo Oan, động Hương Tích; cảnh quan lễ hội sống động với hàng hàng lũ lượt người đi trẩy chùa Hương “đi dạo chơi một lượt khắp chùa, gian nào, buồng nào, thậm chí đến ngoài sân, đến đường đi cũng chật ních người” [60, tr. 167], cho thấy lòng yêu mến đạo Phật của người dân. Nhưng cũng chính tri thức văn hóa giúp nhà văn dễ dàng nhận ra những khuyết điểm trong cách bày tỏ tín ngưỡng của người dân cũng như cách tổ chức lễ hội của nhà chùa. Nhìn thấy cảnh đồng bào khi chen nhau lấy nước ở giêng Giải Oan vì tin rằng “ai đau mắt kinh niên rỏ một giọt thời khỏi ngay,” cạo bột của viên đá vôi ở cạnh giếng để trị đau mắt, Phạm Quỳnh phản tỉnh: “Không biết hai thư thuốc đó có chữa được cho nhiều người khỏi đau mắt không, nhưng chắc cũng lắm người đau thêm hoặc hỏng mắt vì nó.” [60, tr. 163] Ông phê phán lòng tín ngưỡng của người mình: “Hình như thần Phật là của chung, đi lỡi được nhiều phúc nhiều, nên tranh nhau mà cầu lỡi, tranh nhau mà thắp cho nhiều nến, đốt cho nhiều hương, thành ra đám họp chợ, không phải là nơi cầu nguyện. Ôi! Cái lòng tín ngưỡng của người mình phát biểu ra một cách thô bỉ sỗ sàng thay!” [60, tr. 164] Và chỉ ra căn nguyên của sự “không có kỉ luật” ấy: bởi sự độc tôn Nho giáo đã làm mất vị thế của các tôn giáo khác, gây nên tình trạng mất kỉ cương trong cách tổ chức tôn giáo. Bằng hiểu biết của mình, Phạm Quỳnh so sánh cách tổ chức tôn giáo ở với các nước: “Nhiều nhà bác học phương Tây thường lấy làm lạ là rằng nước mình theo đạo Phật mà Phật giáo ở đây không có thành giáo

hội, không có đặt chế độ gì, không có một nơi trung ương để quản trị cả giáo đoàn, không có một bậc giáo chủ hay là giáo trưởng để giám đốc hết thảy, các chư tăng cũng không có phẩm truật hạng ngạch gì, chỉ chùa nào biết chùa ấy mà thôi, các chùa không có sự liên lạc với nhau mà thành một giáo hội như ở Cao Miên, Xiêm La, Ấn Độ.”[60, tr. 164] Chứng kiến cảnh lộn xộn, chen lấn ở chùa Hương, tác giả đã đề xuất những kiến nghị để chấn hưng hoạt động tín ngưỡng của đồng bào. Tất cả những giải pháp đó đều thể hiện ý thức văn hóa của ông chủ báo Nam phong

trước vấn đề tâm linh của dân tộc.

Nếu nông thôn, miền núi phía Bắc gợi lên với bề dày văn hóa thì nông thôn Nam Kì lại hiện lên là một vùng đất mới, với lịch sử “chưa đầy ba trăm năm”. Cảnh quan văn hóa Lục tỉnh được thể hiện đậm nét qua Một tháng ở Nam kì với các tỉnh: Mỹ Tho, Long Xuyên, Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long. Quan sát những mảnh đất mới này, ông chú ý đến phong thổ, sinh hoạt của người dân. Mỹ Tho hiện lên là “một tỉnh trù mật, đông người nhất, và thành phố là một nơi đô hội nhất nhì trong Lục châu.” [60, tr. 110] Cảnh quan Mỹ Tho: “trông ra trời nước mênh mông thật rõ cái cảnh tràng giang đại hải”, “thuyền bè đậu san sát, đèn lửa thắp lô nhô, tiếng hát dưới đò, giọng ca trên bến, không gì vui bằng.” [60, tr. 111] Long Xuyên lại là một tỉnh “thuần nông nghiệp”, địa lí hành chính tách làm hai khu vực: khu chợ có “hàng quán phố xá đông”, khu tỉnh có “dinh các quan và các công sở.” [60, tr. 123] Cần Thơ “có cái vẻ mĩ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang,” “đường phố thênh thang, nhà cửa san sát”, nơi đây “các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn các tỉnh khác.” [60,139] Sa Đéc “coi phồn thịnh đông đúc lắm” nhưng lại là tỉnh nhiều Khách trú nhất trong Lục châu. Vĩnh Long là “một cái tỉnh cũ, nên sánh với các tỉnh khác còn là nơi cổ tích. Cái khí vị trong tỉnh thành cũng ra cái khí vị cũ, hơi giống như các tỉnh ngoài ta.” [60, tr. 143] Vĩnh Long có hai di tích cũ: Văn Miếu và miếu thờ Phan Thanh Giản, nhưng đều “có cái vẻ bỏ hoang cả” bên cạnh những dấu ấn mới: các hội sở của làng được trang hoàng “rực rỡ phong quang”, treo biển lớn khắc “lời nghị định quan phó soái Gourbeil khen làng ấy đã biết tỏ hết lòng trung thành với “tân triều” Đại Pháp.” [60, tr. 144] Khắp trong Lục tỉnh, ngoài những dấu hiệu Âu hóa lẻ tẻ: “tỉnh nào cũng có một nhà khách sạn sắp đặt theo lối Tây, có buồng

ngủ sạch sẽ, cơm ăn chỉnh đốn, thường là người Tây lĩnh chứng mà quan cai trị chủ tỉnh giám đốc” [60, tr.141] thì cảnh mênh mông của cánh đồng, sông nước, lay sậy, cây cỏ vẫn chiếm lĩnh không gian. Sự thuần phác của các tỉnh khiến tác giả bật lên một so sánh: “Trong này cũng như ở ngoài ta, chỉ nơi tỉnh thành mới chóng nhiêm cái phong thói đời mới, chốn nhà quê, nhất là mấy tỉnh cũ về miền trung ương và miền đông bắc, hiện nay vẫn còn tồn cổ nhiều.” [60, tr. 115]

Qua những quan sát của Phạm Quỳnh, có thể thấy Lục tỉnh Nam kì hiện lên như một miền đất hứa trong tâm thức thời đại bởi sự phì nhiêu, trù mật, sinh kế dễ dàng. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi cho sông rộng, rạch nhiều, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận tiện cho nghề nông như chính Phạm Quỳnh đã bình luận: “lúc nào cũng có cái cảm giác một sinh hoạt mạnh mẽ của tạo vật phát hiện ra cây cối tốt tươi, đất bùn màu mỡ, đối với sự sinh hoạt êm đềm của người dân hoặc đi lại ung dung trên đường phố không vội không vàng, hoặc đứng ngồi nhàn hạ trong chốn nhà lầu ủ ê kia xây dựng ngay trên bờ sông dưới bóng mát. Trời thì sáng sủa ấm áp, nước sông lấp lánh, cỏ cây xanh tươi, người ta hớn hở, thư thả như rong chơi, thật là một cảnh rất êm đềm, tựa vật như cảnh vật hết sức chiêu đãi người ta cho được nhẹ nhàng sự sống và biết hưởng cái thú ở đời. Một cái cảnh như ảnh này không thể nào khiến cho người ta đem lòng “yếm thế” được: tạo vật tươi cười, không lẽ người ủ dột. Cảnh này là cái cảnh tối “lạc sinh” vậy.” [60, tr. 123]

Nhìn lại toàn bộ những phác thảo, có thể thấy du kí Phạm Quỳnh đã tái hiện được những không gian địa lí - văn hóa - chính trị trong toàn cõi An Nam thời thuộc Pháp. (1) Mỗi vùng hiện lên với một cảnh quan gồm tổng thể: thiên nhiên, phong thổ, sinh hoạt, dấu tích lịch sử, các đặc sắc của vùng đất. Chính nhãn quan văn hóa đã giúp tác giả nhìn ra chiều sâu văn hóa, lịch sử và những khác biệt giữa các vùng đất trong cả nước. Bắc kì, nơi có nhiều dạng địa lí, phong thổ khác nhau, bên cạnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng là miền thượng du tiêu sơ, núi cao hiểm trở. Huế ở Trung kì có phong vị của đất thần kinh, mơ mộng, thâm trầm, gợi niềm hoài cổ. Nam kì lại là một nơi “đất mới” về lịch sử, “mênh mang những đồng ruộng không cùng, sức người mở mang không xuể.” [60, tr. 68] (2) Điều đáng chú ý hơn,

những mạch ngầm văn hóa ẩn dấu trong không gian phản ánh một thực tế lịch sử của đất nước, đó là sự giao tranh giữa các tư tưởng, các luồng văn hóa rất trái ngược nhau. Huế, nơi thủ phủ của chế độ chuyên chế nhà Nguyễn, hiện lên như một không gian bảo lưu trọn vẹn nhất những dấu ấn truyền thống. Chính quyền uy của triều đại nhà Nguyễn đã ngăn không cho những dấu hiệu Âu hóa xâm nhập mảnh đất thần kinh này. Các xứ khác thấp thoáng đâu đó những di tích, những hình ảnh thể hiện dấu ấn của triều đại: hệ thống quan lại địa phương (gắn với phẩm truật) mà Phạm Quỳnh gặp trên đường đi ở Bắc, Trung kì; những đền thờ, miếu mạo khắp các xứ nhưng tất cả những dấu tích đó, và ngay cả cung đình Huế cũng hiện lên trong du kí với một cảm quan hoài nhớ hơn là một sức mạnh hiện hành. Khắp trong các xứ là những biểu hiện của sự Tây hóa ngày càng rõ nét, bắt đầu từ sự xuất hiện của các phương tiện giao thông, hệ thống công sở, các thiết chế văn hóa, tiếp đến là những sinh hoạt văn hóa theo lối Tây,… có thể nhận ra xã hội nước Nam đang dần biến đổi theo lối Âu hóa, mà đi tiên phong là các tỉnh, thành phố lớn. Những thay đổi về cảnh quan đánh dấu đường hướng phát triển phi cổ truyền, được thiết kế bởi chính phủ bảo hộ. Đằng sau những dấu ấn Tây phương hiển thị ở không gian sống là ý chí thống trị của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, với ý chí đó, bộ máy cai trị đã thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc khai thác thuộc địa, truyền bá văn hóa Tây phương để đồng hóa người bản địa, dẫn tới những thay đổi trong lối sống, cách nghĩ, hành vi của người dân. Đó là một căn nguyên cho những thay đổi diện mạo đất nước.

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 40)