Cảnh quan thuộc địa

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 46)

6. Bố cục luận văn:

2.1.2.1. Cảnh quan thuộc địa

Khi đề cập đến không gian thuộc địa, Phạm Quỳnh đều nhắc đến vị trí địa lí, đặc điểm phong thổ, cảnh quan đặc trưng cùng những đánh giá về dân cư bản địa. Cũng trong các ghi chép về các vùng đất thuộc địa, Phạm Quỳnh đặc biệt nhấn mạnh đến công cuộc khai hóa của thực dân thông qua nhận xét sự thay đổi của người dân bản địa trước và sau khi có sự xuất hiện của mẫu quốc. Những thông tin mà Phạm Quỳnh cung cấp sẽ cho ta hình dung về các nước thuộc địa ở thời điểm những năm 1920. Qua đó có thể thấy được quyền lực, sức bành trướng của chủ nghĩa thực dân, và cũng qua đó thấy cách nhìn của Phạm Quỳnh đối với những nước có cùng thân phận như dân tộc mình.

Trong chuyến Pháp du năm 1922, Phạm Quỳnh dừng lại quan sát nhiều vùng thuộc địa của Anh và Pháp. Các thuộc địa của Anh có: Singapore, Penang, Colombo. Trong ba địa danh này thì Tân Gia Ba (Singapore) và Penang gần nhau về mặt địa lí, cùng nằm trên bán đảo Malaca. Cả hai đều là những hải cảng lớn, nhưng mỗi hải cảng có một vị thế riêng: Singapore có lợi thế đắc địa: “địa thế thật là tiện lợi cho đường buôn bán và cũng tiện lợi cho sự quân bị.” [60, tr. 179] Bến cảng rất hoàng tráng: “Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể.” Singapore hiện lên với vẻ sầm uất, sôi động của một thương cảng với những hãng buôn, các công ty lớn và đường phố nhộn nhịp xe hơi: “Xe hơi ở Sigapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi.” Trong khi đó, Penang, - nơi trồng nhiều cau nên gọi là “cù lao cây cau” cũng “là một chốn đô hội to” nhưng “lại có vẻ phong phú riêng khác

với Singapore.” [60, tr. 182] Theo quan sát của Phạm Quỳnh, Penang có dáng dấp của một “chốn nghỉ ngơi”: “ngoài mấy phố buôn bán, toàn là những nhà riêng của các phú thương người Anh, người Khách.” [60, tr. 182] Hai cảng cũng đều là nơi cư trú của người Khách (tức dân tộc Hoa) và người Chà (tức người Ấn Độ) với nhưỡng dấu vết văn hóa tâm linh của họ. Người Khách có chùa Cực lạc, “thắng cảnh tuyệt thú”, “cảnh trí đã đẹp, kiến trúc lại công phu và có vẻ là một nơi cực kì tráng lệ” [60, tr. 183]; người Chà có ngôi đền thờ thần Siva, Vishne, bày trí đơn giản. Cả hai giống người đều siêng năng nhưng người Tàu có tài kinh lược hơn, nên chiếm được lợi phần làm ăn rất lớn ở cả hai hải cảng này.

Từ Penang, tàu đi bốn ngày đến Colombo, cũng là một đất thuộc địa Anh. Colombo thuộc phía nam của đảo Ceylen (Tích Lan), “cũng là một nơi hải cảng và một chốn thương phụ to, ở giữa khoảng con đường giao thông Đông Á với Tây Âu, các tàu lớn đi lại tất phải qua đó.” [60, tr. 185] Quy mô cảng: “Cửa Colombo này thật là một cửa bể to lớn, tàu bè các nước đậu san sát, thuyền thời ngổn ngang như lá tre.” [60, tr. 415] Hải cảng thuộc vùng nhiệt đới “Thật là nóng như rang, nắng như lửa, cho nên người xứ này đen hơn củ súng.” [60, tr. 185] Thành phố Colombo, theo ghi nhận của Phạm Quỳnh “lớn hơn Penang, hơn Singapore nhiều.” Về dân cư, “suốt trong đường phố không có một hiệu Khách nào, bao nhiêu nghề nghiệp buôn bán ở tay người bản địa Chà hết thảy.” [60, tr. 186] Nhưng người Chà ở đây lại “nhũng” hơn người Chà ở Singapore và Penang “hễ thấy khách lạ thời sán đến tận nơi, kèm ngay bên cạnh, bám lấy không rời, đuổi không đi nữa.” [60, tr. 186]

Cả ba địa danh trên đều xuất hiện những dấu vết của thực dân Anh. Đó đều là những vùng đất hoang vu, qua bàn tay người Anh, trở nên những thương cảng lớn. Tại Singapore, người Anh áp dụng chế độ “mậu dịch tự do”, khiến “cái phong trào buôn bán phồn thịnh hơn các cửa bể khác nhiều.” [60, tr. 179] Tài quản lí của người Anh đã biến một “đảo nhỏ cùng tịch, bỏ hoang không ai đi đến bao giờ” trở nên là “hải cảng và thương phụ nhất nhì trong thế giới.” [60, tr. 17] Cũng tương tự, Penang vốn là nơi rậm rịt toàn cau, dừa, gần như một đảo hoang vì rất ít người bản địa sinh sống nay đã biến thành nơi nghỉ dưỡng hiện đại của người Anh và các nước phương Tây tại khu vực biển Nam Dương. Trên hai hải cảng này, Phạm Quỳnh

cũng nhận thấy “có một điều lạ là ô tô ở đây đều chạy về bên trái cả, không chạy tay phải như bên ta, trông cũng lạ mắt” [60, tr. 184] Xe chạy bên tay trái - đó là cách tổ chức giao thông đặc thù của nước Anh. Còn tại Colombo, một vị trí rất tốt để lập thương cảng nhưng địa thế không phải nơi hiểm yếu, tàu bè không trú lại được, người Anh cũng đã tạo nên “cái cảnh tượng vĩ đại” khi xây “một cái đê dài bằng đá, chạy thẳng ra bể, bao lấy hai mặt, làm thành ở giữa như một cái vũng bể nhân tạo cho tàu bè đậu lại được.” Phạm Quỳnh ghi nhận: “Đó thật là cái công trình to lớn, mắt trông đã đủ biết”, “cái đê lớn nó bao bọc bên ngoài bến như một con trường sà nằm quanh trên làn sóng biếc.” [60, tr. 186] Dấu vết của thực dân Anh tại Colombo còn được chứng thực bởi sự kiện nghênh tiếp Hoàng Thái tử nước Anh đến “kinh lược Ấn Độ”. Trên bến cảng, hạm đội, tàu bè của Anh “hết thảy đều kéo cờ xí nhiều lắm, xanh đổ trắng vàng, phấp pha phấp phới coi rất ngoạn mục”, trong thành phố thì nhộn nhịp bởi “cửa khải hoàn”, “rạp điểm binh”, “đấu xảo kỹ nghệ của người bản xứ” mở ra nhân dịp Hoàng tử sang chơi. Sự xuất hiện của Hoảng tử Anh ở đất cảng này giống như một ông chủ xa xôi nhưng có địa vị thống trị. Như vậy, phác họa của Phạm Quỳnh cho thấy ba vùng đất thuộc địa của Anh đều là những hải cảng có vị trí trọng yếu trong hành trình biển từ Tây sang Đông. Phạm Quỳnh không khỏi thán phục trước tài trí và khả năng kinh lược của chính phủ Anh trong việc cải tạo các vùng đất này.

Cách Colombo bảy ngày đi biển là Djibouti, vùng đất thuộc Pháp, Phạm Quỳnh háo hức muốn khám phá vùng đất này bởi đây là vùng thuộc Pháp đầu tiên mà tàu ghé đến. Djibouti ở ngay bể Hồng Hải (Mer Rouge), được miêu tả: “cả một miền hải tần này là nơi cùng tịch, toàn thị là sa mạc hết, mà khí hậu nóng như lửa đốt, cả năm không có được mười ngày mưa. Trông xa chỉ cực mực một vùng cát trắng, không có một cái cây, không có một ngọn cỏ.” [60, tr. 192] Trong con mắt Phạm Quỳnh, đó là nơi “thiên cùng thủy tận”, “cõi đất cháy”, đã thế “thổ dân lại là một giống dã man hung hãn, không có một chút văn hóa gì”, rất khó khăn trong gây dựng kinh tế. Cái nhìn này phản ánh mặc cảm kép của tác giả. Một mặt, xuất thân từ một nước thuộc địa, ông cảm thấy đất nước mình thấp kém hơn nước Pháp về nhiều mặt, nhưng mặt khác, khi đứng trước một vùng đất xa ngái, chưa được “khai hóa”

với những người thổ dân giữ nguyên tập tính cũ của họ, ông lại thấy chính họ là “dã man”, không có văn hóa. Vô hình chung, Phạm Quỳnh đã bị ảnh hưởng bởi cách nhìn của chủ nghĩa thực dân về các nước thuộc địa. Cũng mang thân phận thuộc địa như những người dân vùng Djibouti nhưng ông lại dùng chính những từ ngữ mà thực dân dùng để gán cho thuộc địa những đặc tính mang tính miệt thị, hạ cấp, thể hiện một tư thế bề trên khi đánh giá, nhìn nhận đối tượng yếu hơn mình. Sử dụng cách đánh giá của người chính quốc về một vùng đất có cùng thân phận như đất nước mình, điều đó chứng tỏ Phạm Quỳnh không phản đối công cuộc khai hóa (nhất là về văn hóa) của thực dân trên các nước thuộc địa. Tâm lí này có tính lịch sử của nó, theo chúng tôi, nó xuất phát từ chính mặc cảm nhược tiểu, được khuyếch đại do bản thân tác giả đã hình thành cho mình một thế giới quan rộng mở, có óc phán xét – những điều đó có được do sự tiếp xúc với văn minh Pháp mà chính Phạm Quỳnh được thừa hưởng qua sách vở và giao tiếp. Chính bởi vậy, ông tự thấy mình đứng ở khoảng cách rất xa so với thổ dân vùng Djibouti. Phạm Quỳnh không đồng lợi ích với nước Pháp nhưng đã coi văn hóa Pháp như một chuẩn mực cho các nước có xuất phát điểm thấp hơn học tập theo.

Nhấn mạnh những khó khăn cùng cực của vùng đất Djibouti, Phạm Quỳnh càng làm tô đậm thêm công lao khai phá của thực dân Pháp: “Thế mà quý quốc trong khoảng hơn hai mươi năm gây dựng thành một nơi đô hội cũng khá to, thế thì đủ biết người Đại Pháp có cái công khai thác, có tài kinh doanh mạnh bạo là dường nào.” [60, tr. 192] Phạm Quỳnh nhắc lại một câu chuyện thú vị từ cách đây hai mươi năm trên mảnh đất này: “bấy giờ trong suốt thành phố không có một cây nào, chỉ trong dinh quan thống đốc có trồng một cây chà là bằng sắt tây sơn xanh để hình tượng loài thực vật mà thôi!” thì nay Djibouti đã đổi khác: “thế mà bây giờ không những dinh quan thống đốc có một cái vườn khá xinh mà trong đường phố nhiều nơi đã trồng cây hai bên”, “bây giờ các dinh thự công sở đã dựng lên san sát, nhà buôn cũng có dăm ba nhà lớn”. Những dẫn chứng trên cho thấy thái độ thần phục công lao khai hóa của người Pháp của người viết. Trong con mắt của Phạm Quỳnh, sức mạnh của nước Pháp có khả năng làm những điều lớn lao, to tát, tưởng như không thể thực hiện, đó là hồi sinh cõi đất cháy, thiên cùng thủy tận. Qua đó cũng

ẩn dấu sự ủng hộ của ông đối với công cuộc khai hóa của chính quốc, bởi nó giúp các nước Đông phương thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập, bị yếm thế do xuất phát điểm rất thấp kém của mình.

Từ Djibouti qua Hồng Hải vào kênh Suez. Suez được Phạm Quỳnh xác nhận về địa lí: “Ai cũng biết tên kênh Suez là một cái sông đào thông Địa Trung Hải với Hồng Hải, khiến cho cho các tàu đi tự Âu châu sang Á châu không cần phải vòng qua Phi châu như xưa.” [60, tr. 195] Quang cảnh tự nhiên của kênh Suez ít được nhắc đến, chỉ là nét thoáng qua: “Bờ sông bên Á châu (Arabie) thì thấy những đất cát cây cằn, đủ biết là cõi sa mạc, bờ bên Phi châu (Egypte), nhờ có ngòi nước ngọt, nên có chỗ nhiều cây cối xanh tươi.” [60, tr. 195] Suez chủ yếu được phác họa qua những dấu vết của Tây phương tạo đó. Theo ghi nhận của Phạm Quỳnh, kênh không là thuộc địa của riêng nước nào mà thuộc quyền quản lí của “công ty kênh Suez” (Compagnie du Canal de Suez), hay còn gọi là công ty vạn quốc, đảm trách việc điều hành kênh đào, cổ phần do các nhà tư bản châu Âu nắm giữ, mà Phạm Quỳnh cho biết Pháp “giữ quyền lợi to”. Con kênh này cũng được chỉnh trang, xây dựng bởi một người Pháp: “Kênh ấy là công trình của một người Pháp, ông

Ferdinand de Lesseps khởi ra tự năm 1857, đào mất mười năm, phí hành trăm

triệu.” [60, tr. 195] Phạm Quỳnh cho biết Suez là cửa ngõ về Âu châu nên có các phái viên của hội đồng vệ sinh vạn quốc kiểm tra từng hành khách để “phòng bị cho các bệnh nguy hiểm khỏi truyền nhiễm sang Âu châu” [60, tr. 196] Chi tiết này cho thấy hội đồng vệ sinh vạn quốc thời đó thừa hành nhiệm vụ khám bệnh nhân danh sự an toàn của Âu châu chứ không phải nhân loại nói chung.

Điểm cuối của kênh Suez trước khi đổ ra Địa Trung Hải là Port-Said, “nơi tụ họp đủ các giống người phần nhiều là người Italines và người Grecs.” Người bản xứ được phác họa: “đàn bà Ả rập, cách ăn mặc hình như cũng cầu kì lắm: chùm một tấm vải đen kín cả đầu, cả mặt, cả người, chỉ có hai con mắt và mũi thì che bằng cái ống đồng, trông không biết rằng già hay trẻ, xấu hay đẹp”; nhà cửa của người Ả rập “lạ lắm: mái toàn bằng gác sân, và tường thời hình như có khung gỗ cả.” [60, tr. 197] Phạm Quỳnh cũng giới thiệu các đặc sản của vùng: mứt quả lucum, cà-phê turc “là cà-phê pha để uống cả cặn.”

Dấu vết của Tây phương tại đây được hiển thị ở phố xá: “phố Tây thời nhiều nhà cao đường rộng, người các nước Âu châu mở những cửa hàng lớn để buôn bán, gần bờ bể lại có nhiều những nhà mát để ra hóng gió bể”. Trong khi đó thì “[p]hố Ả rập thời chật hẹp hơn, toàn những người Ả rập ở.” [60, tr. 197] Quy mô phố cho thấy sự lấn lướt của Âu châu đối với người bản xứ. Tại đây, dấu vết Âu châu xâm nhập mạnh mẽ vào văn hóa bản địa, từ tiếng nói “thông dụng nhất là tiếng Pháp” cho đến báo chí “nhật báo của người Ai Cập cũng bốn năm tờ làm bằng chữ Pháp, coi đó thì biết chữ Pháp ở Ai Cập thịnh hành là dường nào.” [60, tr. 197] Chưa hết, “[ở] đầu đê, ngoài cửa biển có cái tượng ông Ferdinand de Lesseps đứng chỉ tay

vào sông Suez, như chỉ đường cho các tàu ở Âu châu đi lại.” [60, tr. 198] Hình ảnh bức tượng và tư thế của nó vượt ra ngoài ý nghĩa của một công trình tưởng nhớ người có công xây dựng con kênh, ẩn sâu trong đó là sự khẳng định ý chí và tư thế thống lĩnh của chủ nghĩa thực dân tại một vùng đất đắc địa, tiềm năng của Đông phương nhưng lại được xây dựng để phục vụ lợi nhuận cho Tây phương.

Tương tự như vậy, năm 1931, trong chuyến đi thăm xứ Lào (chủ yếu ba địa danh: Savannakhet, Vientiane, Thakhek), Phạm Quỳnh đã quan sát và gợi tả thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người Lào. Hình ảnh xứ Lào hiện ra ngay tại giới phận phân chia với Trung kì nước ta với “phong cảnh rừng rú lắm”, “từ đây hàng chục cây số thời không có một người nào” [60, tr. 482]. Mặc dù nằm sát Việt Nam và cùng thuộc khối Đông Pháp, nhưng xứ Lào vẫn hiện lên trong cách nhìn của Phạm Quỳnh với vẻ xa ngái, cách trở: “Tục ngữ có câu “Sang Lào ăn mắm nhái”, đủ biết cái phong vị dã man, khổ sở là nhường nào!” Đất Lào xưa kia chỉ là nơi “lính thú đi viễn chinh, tù phải phát vãng”, “mười người đi một người về”. Phạm Quỳnh đã tự đặt mình vào vị trí trung tâm để đánh giá, nhìn nhận về một vùng đất mà mình cho là biên ải xa xôi. Sở dĩ có thái độ đó bởi ông đứng trên tư tưởng nước lớn trong cách nhìn về nước Lào. Soi vào lịch sử, Phạm Quỳnh nhận thấy nước Việt đã từng là một thế lực lớn ở Đông Dương, từng vươn sức bành trướng chinh phục nhiều dân tộc phía Nam. Chỉ vì dải Trường Sơn quá hiểm trở nên vua nước Việt không thôn tính Lào. Ông cho rằng đó là một sự “dở dang” của lịch sử, bởi: “Thiên chức của giống Việt Nam ta là phải thực dân cả cõi Đông Dương này.” [60, tr.479] Câu nói trên cho

thấy niềm tiếc nuối của ông chủ bút Nam phong trước cơ hội bành trướng của dân tộc đã bị bỏ lỡ mà ông gọi đó là thiên chức. Chính tư tưởng nước lớn đã chi phối đến cái nhìn về đất nước, con người Lào.

Rừng thưa bạt ngàn, đường rộng nhưng bụi mù mịt, sông Mekong êm đềm, nhiều cá sấu, đó là những điểm nhấn của thiên nhiên, phong cảnh xứ Lào. Các tỉnh lị của Lào nhỏ, dân số rất ít, với phong tục lâu đời: “[h]ọ toàn ở nhà sàn cả, giàu nghèo cũng như nhau”. Con người Lào được gợi tả với những thuộc tính: “tâm lí người Lào, chỉ biết thủ thường yên phận, vui vẻ tự nhiên, không muốn khó nhọc lo lắng gì” [60, tr. 4] Xứ Lào được nhấn mạnh ở khía cạnh lịch sử, tâm linh: Không gian đền, chùa được miêu tả trong tác phẩm cho thấy một không khí Phật giáo rất thịnh hành tại xứ này, chẳng những là bảo chứng cho một dân tộc mà còn hòa vào trong đời sống tinh thần của người dân. Xứ Lào có dấu tích của một nền văn minh

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)