6. Bố cục luận văn:
2.1.1.1. Cảnh quan đô thị
Đô thị trong du kí Phạm Quỳnh được thể hiện qua hình ảnh Huế, nơi kinh đô của triều Nguyễn và Hải Phòng, Sài Gòn là những thành phố mới đánh dấu sự hiện diện của người ngoại quốc. Các không gian đô thị trong du kí như là nơi tập trung nhất những diễn tiến văn hóa của thời đại.
Trước hết, hình ảnh kinh thành Huế hiện lên như một chứng tích rõ nét nhất về văn hóa cổ truyền của Việt Nam. Đến Huế, Phạm Quỳnh nhận ra ngay vẻ thâm trầm, khí vị cổ xưa ở cảnh vật, phong vị cuộc sống và con người nơi đây. Xứ Huế được gợi nên với cảnh quan mơ mộng, dịu dàng: “Người khách mới đến thành Huế tưởng bước chân vào bức tranh cảnh: chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một tòa thành cổ bao la, thâm nghiêm kín cổng.” [60, tr. 35] Sông Hương núi Ngự được mô tả như một bức tranh nên thơ: “Hương giang là châu báu của xứ kinh. Nước trong vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy”, “nhưng đã có sông Hương lại có núi Ngự nữa, cái cảnh mới thực là toàn xinh. Ngự Bình không phải ngọn núi cao như núi Phú Sĩ nước Nhật, Hương giang không phải con sông rộng như sông Hoàng Hà nước Tàu, nên nói rằng sông ấy núi ấy làm hiểm trở cho chốn đế kinh thì cũng là nói quá, nhưng sông ấy núi ấy thực là vẽ nên phong cảnh xứ Huế vậy.” [60, tr. 35] Thiên nhiên xứ Huế trong du kí Phạm Quỳnh toát lên “khí vị mĩ diệu” của một “bức sơn thủy”: “cảnh Huế mà xinh đẹp, không phải là hùng mà cường, đáng yêu mà không là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí tượng.” [60, tr. 36] Qua sự miêu tả của Phạm Quỳnh, có thể thấy hình ảnh Huế hiện lên hữu tình, mềm mại, có chiều sâu bởi vẻ trầm mặc, trang nghiêm.
Miêu tả Huế, Phạm Quỳnh chú trọng nhiều đến những di tích, thành quách của vùng đất. Du kí Phạm Quỳnh cho ta thưởng ngoạn các lăng tẩm cố cung: Thiên thụ lăng, Hiếu lăng, Xương lăng, Khiêm lăng; cùng cảnh vật nơi cung điện: Thái miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên, điện Thái Hòa, Cần Chánh, Kiền Thành; những danh thắng: chùa Thiên Mụ, làng Thọ Xương. Tất cả gợi nên cái vẻ “tiêu sắt mà có ý vị vô cùng”, trầm mặc mà u uẩn: “Hoàn cầu dễ không đâu có chốn nhà mồ bậc vua chúa nào mà khéo hòa hợp cái cảnh thiên nhiên với cái cảnh nhân tạo, gây nên cái khí vị riêng não nùng, như thương nhớ, như lạnh lẽo, như hắt hiu mà lại như đầy những thơ những mộng, khiến người khách vãn cảnh luống những ngẩn ngơ trong lòng.” [60, tr. 49] Phong cảnh in dấu thời gian, khơi gợi khí vị lịch sử, nỗi niềm hoài nhớ là vì thế. Đó chính là chiều sâu không gian Huế. Những quan sát trên cũng cho thấy Phạm Quỳnh là người hiếu cổ, rất trân trọng những di tích của cha ông.
Thông qua mô tả, ông bộc lộ niềm tự hào về những công trình mà cha ông để lại, ông coi đó như bằng chứng về một quá khứ vàng son của dân tộc.
Văn hóa Huế không chỉ thể hiện ở vẻ thơ mộng của tạo vật, khí vị trầm mặc của cố cung mà còn thể hiện ở chính con người nơi đây: “ở Huế, phong cảnh đã xinh, những nơi cung điện lăng tẩm đã đẹp, mà dễ quý nhất là những nhân vật của xứ Huế vậy.” [60, tr. 59] Con người Huế hiện lên với vẻ nho nhã, dịu dàng, học thức: “phàm những người tôi biết đều có cái tư cách cao thượng cả. Cầm, kì, thi, họa là những ngón chơi thường của các bậc ấy.” [60, tr. 59] Tại Huế, Phạm Quỳnh gặp nữ sĩ Đạm Phương - người có dòng máu hoàng tộc, và vị cao tăng hiệu Viên Thành trong chùa Ba La Mật. Người dịu dàng, kẻ uyên thâm, mỗi người một vẻ, toát lên chất Huế, chính tâm hồn và hành xử lịch duyệt của họ đã khiến Phạm Quỳnh ra về mà lòng “luống những ngẩn ngơ, vì nhớ cảnh, vì nhớ người.” [60, tr. 66]
Cũng chính tại kinh thành, Phạm Quỳnh được chứng kiến lễ tế Giao diễn ra vào đêm 12, rạng sáng 13 tháng 2 năm Mậu Dần (tứ 24-25/3/1918). Nhãn quan văn hóa giúp ông nhận thấy đây chính là hoạt động có ý nghĩa thiêng liêng đối với vận mệnh dân tộc. Bởi “[t]ế Giao là Vua thay mặt con dân mà cầu giời giáng phúc cho dân.” [60, tr.46] Theo Phạm Quỳnh, tế Giao vừa biểu thị giá trị văn hóa ở chỗ nó thể hiện tín ngưỡng “đạo thờ giời” của dân tộc vừa liên quan đến chính chị bởi “[b]a năm một lần tế Giao tức là ba năm một lần Vua trịnh trọng tuyên cáo với giời đất, với tổ tiên, với sông núi rằng cái hồn trong nước vẫn còn mạnh, vẫn còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy.” [60, tr. 46] Đằng sau sự quan sát rất tỉ mỉ và lời giải thích cặn kẽ về lễ tế Giao là sự trân trọng của tác giả đối với các nghi thức truyền thống. Là một người tiếp thu Tây học nhưng Phạm Quỳnh không cho những nghi thức mang vẻ “thần bí” là mê tín, viển vông, trái lại ông thấy chiều sâu thiêng liêng của nó, do vậy theo ông, “tuy bề hình thức có phiền nhưng cái tinh thần rất nên phải giữ lấy.” [60, tr. 46]
Trái với vẻ cổ kính của kinh thành Huế, nơi còn bảo lưu những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc là các không gian đô thị hiện đại như Hải Phòng, Sài Gòn, hai đô thị được miêu tả trong Một tháng ở Nam kì. Hải Phòng là hình ảnh đại diện cho đô thị Bắc kì thời thuộc Pháp. Theo ghi nhận của ông Phạm, Hải Phòng
“thật đáng là nơi đô hội thứ nhì của xứ Bắc Kỳ”, “về đường buôn bán hơn Hà Nội đã cố nhiên rồi.” [60, tr. 71] Đường phố “phần nhiều rộng hơn Hà Nội, nhà cửa đều đặn hơn và thường làm theo một kiểu”, “coi rộng rãi thảnh thơi.” Nhà văn nhìn ra lợi thế “làm nơi cửa bể chung cho cả Bắc kì”, đánh giá triển vọng phát triển của mảnh đất này: “Hải Phòng còn đương vào cái thời kì trai trẻ, chưa biết lớn đến đâu, thịnh đến đâu là cùng,” [60, tr. 71] và coi đây là nơi trọng tâm phát triển kinh tế của cả Bắc Kì. Sự khởi sắc của Hải Phòng từ “một xóm nhỏ ở gần bể” trở nên “mỗi ngày một phát đạt” được Phạm Quỳnh lí giải “thực là bởi công Nhà nước bảo hộ sáng tạo ra vậy.” Cách lí giải này cho thấy Phạm Quỳnh ghi nhận và chịu ơn công lao khai phá của người Pháp tại Việt Nam. Thái độ đó được thể hiện rõ hơn khi ông chứng kiến vẻ trù phú, sôi động tại Sài Gòn.
Ngay từ khi đặt chân lên Sài Gòn, Phạm Quỳnh đã nhận ra cái khí vị khác hẳn so với các xứ trong nước: “mới bắt đầu tiếp xúc cái cảnh sắc ấy là cảnh sắc một nơi thành phố Tây, cái khí vị ấy là khí vị một chốn đô hội lớn.” [60, tr. 77] Nhãn quan văn hóa giúp ông nhận ra ngay các dấu ấn Pháp tại Sài Gòn. Bắt đầu từ tên đường phố, mỗi cái tên chứa đựng một thông điệp của người Pháp khi đặt hệ thống cai trị tại Việt Nam: đường Catinat - “Catinat nguyên là tên một quan nguyên soái nước Pháp về đời vua Louis thứ 14, sau là tên chiếc thuyền sang đánh cửa Sài Gòn trước tiên cả”, đường Charner - “tức là tên quan thủy quân phó nguyên súy coi chiếc tàu Catinat vào đánh Sài Gòn.” [60, tr. 77] Đằng sau mỗi tên gọi và nguồn gốc của nó - liên quan đến việc chiếm đánh cửa Sài Gòn - đã thể hiện ý chí của nhà cầm quyền Pháp muốn tỏ rõ tư thế của người thắng cuộc. Các cơ sở hạ tầng khác như: phủ toàn quyền, dinh thự, nhà công sở, nhà dây thép, tòa án, dinh quan thống đốc Nam kì, nhà hát Tây, nhà thị sảnh, Chợ Mới Sài Gòn,… đều là những thiết chế thực dân, thể hiện quyền hành, uy thế thống lĩnh của chế độ trực trị tại Nam kì. Sự Âu hóa của Sài Gòn còn thể hiện ở các công trình dân sinh khác như nhà chớp bóng, nhà khách sạn, công viên,… và nhất là hệ thống giao thông: “[đ]ường phố như vẽ bằng tay, kẻ bằng thước, đều đặn, thẳng thắn, rộng rãi, khang trang, nhiều đường ở giữa lại để những khoảng rộng trồng cỏ, đặt những tượng đồng kỉ niệm, chiều đến hàng trăm cái đèn điện lớn chiếu sáng như một dãy phố dài những quả ba lông lấp
lánh thả phấp phới giữa đường phố, coi rất ngoạn mục.” [60, tr. 78] Nhịp sống Sài Gòn được miêu tả như chốn đô hội thực thụ: “nhất là ngày chúa nhật, sau khi tan lễ Nhà Thờ Chánh, không cảnh tượng gì đẹp bằng đường Catinat chừng hồi chín, mười giờ. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rất lịch sự, ở nhà thờ ra, đi dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội. Thật là nghiễm nhiên ra cái cảnh tượng một nơi đại đô hội, đương buổi quốc dân phong phú, thiên hạ thái bình.” [60, tr. 78] Ở Sài Gòn, xe hơi là dấu hiệu của sự phong lưu, khá giả, cũng là dấu ấn Tây phương hóa: “trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại.” [60, tr. 78] Một phương diện khác khá thú vị: nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Sài Gòn đã nhập quốc tịch Pháp, theo Phạm Quỳnh “coi đó thì biết các bậc thượng lưu trong Nam kì Tây hóa đã sâu lắm.” [60, tr. 82]
Trong lòng Sài Gòn còn có hai không gian mang khí vị rất khác nhau là Chợ Lớn - “một nơi đô hội theo lối Tàu” và Gia Định - tỉnh lị cũ của Nam triều, “là nơi cổ nhất cả Nam kì, có quan hệ lịch sử bản triều nhiều lắm.” Quan sát Gia Định, Phạm Quỳnh rất chú ý đến hai dấu tích: Lăng Ông - mộ quan tả quân Lê Văn Duyệt và Lăng Cha Cả - mộ giám mục Bá Đa Lộc. Theo Phạm Quỳnh, “hai người đều có công to với đức Cao Hoàng ta ngày xưa.” [60, tr. 90] Điều đó chứng tỏ ông rất lưu tâm đến những dấu tích cổ xưa bên cạnh vẻ tân thời của Sài Gòn. Gợi lại những dấu tích đó, Phạm Quỳnh kín đáo thể hiện sự trân trọng đối với những công thần của nhà Nguyễn.
Như vậy, nhìn một cách tổng quan, cảnh quan Sài Gòn hiện lên như một “nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây.” [60, tr. 80] So với các vùng đất khác trong cả nước, Sài Gòn là nơi sầm uất nhất, xuất hiện sớm nhất những dấu hiệu của văn hóa phương Tây, xứng đáng là “hạt báu của Á Đông (la perle de
l’Extrême Orient)” [60,78]. Sở dĩ các dấu hiệu Âu hóa diễn ra mạnh mẽ ở Sài Gòn
là bởi nơi đây là vùng đất mới, được nhà Nguyễn khai phá cách đó khoảng 300 năm, dấu ấn của văn hóa Hán chưa bám sâu vào đời sống nhân dân. Do vậy, khi người Pháp xâm chiếm, người bản xứ nhanh chóng nhiễm lối sống mới. Quá trình Âu hóa diễn ra tại Sài Gòn toàn diện hơn các thành phố phía Bắc bởi nơi đây áp
dụng chế độ trực trị của người Pháp. Tất cả đã khiến Sài Gòn là một đô thị mới mẻ, tân kì, được Pháp hóa một cách sâu đậm nhất.
Qua hình ảnh các đô thị trong du kí Phạm Quỳnh, có thể thấy những mạch ngầm văn hóa rất khác nhau hiện diện trên đất Việt những năm đầu thế kỉ XX. Trong khi kinh thành Huế hiện lên như một nơi thể hiện tập trung nhất văn hóa truyền thống của dân tộc với tổng thể cảnh quan cung đình, nghi thức, nếp sống con người thì Sài Gòn, Hải Phòng lại đại diện cho những dấu ấn Tây phương bắt đầu bám rễ vào văn hóa nước Việt. Nơi thâm trầm bởi những di tích cổ xưa, nơi sôi động, náo nhiệt bởi sự xâm nhập của lối sống Pháp, du kí Phạm Quỳnh phản ánh sự giao thoa giữa hai luồng văn hóa trong cùng một sinh thể đất nước. Đằng sau sự phản ánh này là thái độ của người quan sát: vừa trân trọng tinh thần của quá khứ vừa muốn đưa đất nước hướng ra cái mới.