6. Bố cục luận văn:
1.2.1.2. Du kí, diễn ngôn về không gian
Như trên chúng tôi đã trình bày, du kí thường nở rộ ở những thời điểm đặc biệt của lịch sử, khi những giới hạn của không gian bị phá vỡ, hay nói đúng hơn, khi nhận thức về giới hạn bị đả phá bởi chính những phát hiện hay nhận thức mới
của con người về không gian. Nghĩa là, không gian, cái ta tưởng là tồn tại khách quan lại luôn bị/được nhận thức một cách chủ quan, phụ thuộc vào tầm nhìn, thái độ và ý thức của người quan sát. Vì thế, khi ta xem xét một không gian trong hình dung của con người, thì đó không còn là không gian thuần túy, trong suốt nữa mà luôn gắn với một thời đại, một bối cảnh, một trình độ phát triển và bao trùm tất cả là hệ ý thức mà không gian vừa dung chứa nó lại vừa được nó cấu thành. Không gian càng trở nên phi trong suốt khi chính người quan sát cũng vô tình bị chi phối bởi một hệ ý thức trong cách nhìn về không gian. Khám phá không gian do đó là một quá trình dịch (translation) của những hệ ý thức đã vô hình kiến tạo nên mỗi chủ thể quan sát, cũng như, đã kiến tạo nên mỗi không gian - đối tượng quan sát của chủ thể.
Dựa theo quan niệm của Michel Foucault về mối quan hệ giữa tri thức, quyền lực và chủ thể xã hội mà ông gọi là thiết chế chân lí (regime of truth, theo đó, không có tri thức nào tồn tại trong suốt, phi chính trị, nó luôn bị chi phối bởi một ý thức hệ cấu thành nên chủ thể và cũng được chính chủ thể tạo tác nên), Edward W. Said, trong công trình Đông phương học (tên gốc Orientalims, xuất bản năm 1987) đã phân tích và chỉ ra tính chính trị của không gian, đặc biệt dưới những thời điểm mà sự chiếm hữu không gian, lãnh thổ trở thành vấn đề nhức nhối của quyền lực như đã từng xảy ra suốt từ thời kì tích lũy tư bản chủ nghĩa thế kỉ XVI đến sự bùng nổ của chủ nghĩa đế quốc thế kỉ XX và cho đến nay, vấn đề này vẫn đang được giải thích theo những hệ ý thức khác nhau, cho thấy tính phức tạp trong cách nhìn về không gian, và càng chứng tỏ vấn đề không gian không nằm ngoài sự chi phối của quyền lực. Trong công trình của mình, Edward W. Said đã chỉ ra tính mơ hồ trong cách hình dung về không gian của con người: ranh giới địa lí cấu thành/thiết lập dựa trên sự tưởng tượng. Ông viết: “thông lệ phổ biến là xác định trong tư tưởng và đó là một cách để tạo ra những phân biệt về địa lí mà có thể là hoàn toàn võ đoán. Tôi dùng chữ võ đoán ở đây bởi vì cái địa lí tưởng tượng về “đất của ta” và “đất của bọn man di” không đòi hỏi những người man di thừa nhận sự phân biệt đó. Chỉ cần “chúng ta” thiết lập đường ranh giới trong trí óc mình; và do điều đó, “họ” trở thành “họ” và lãnh thổ cùng trạng thái tâm lí của họ đều được coi là khác với mình.” [14,
tr. 59] Nhưng sự tưởng tượng có vẻ võ đoán trong hình dung về địa lí lại gắn chặt với chủ thể, và do đó, gắn với chính trị của anh ta, điều này được Edward nhấn mạnh: “ranh giới địa lí đi kèm theo ranh giới xã hội, sắc tộc và văn hóa theo những cách có thể dự kiến được.” [14, tr. 5] Từ đó, học giả chỉ ra rằng, suốt một thời gian rất dài, phương Tây đã hình dung về phương Đông như một khám phá của thế giới phương Tây, và do đó, toàn bộ khu vực phương Đông trở thành cái “Khác” (Other), cái rìa vực, bên lề, cái ngoài phương Tây. Phân cách không gian thực chất được phân định bởi sức mạnh chinh phục mà phương Tây tự cho mình là đại diện của văn minh, tiến bộ trước thế giới phương Đông thất bại, xa xôi; Edward nhấn mạnh: “mối quan hệ thiết yếu về chính trị, văn hóa và cả tôn giáo giữa phương Tây và phương Đông là mối quan hệ giữa kẻ mạnh và kẻ yếu.” [14, tr. 45] Tự cho mình là đại diện của văn minh, tiến bộ, phương Tây tự chuẩn uy quyền khai hóa, giúp đỡ, thuần phục thế giới phương Đông mà thực chất là thôn tính, vơ vét, biến phương Đông thành khu vực sân sau, kẻ nô lệ, tòng thuộc của mình. Trong nhiều diễn đàn của chủ nghĩa thực dân, phương Đông bị coi là “chủng tộc lệ thuộc”, và việc hiểu biết về phương Đông - theo cách nhìn của phương Tây - sẽ càng tăng thêm quyền lực tối hạn của phương Tây trong việc cai trị. Từ đó, những thuộc tính của hai phía (qua lăng kính của kẻ chinh phục) được chỉ ra: “châu Âu hùng mạnh và trình bày ý kiến lưu loát” [14, tr. 62], châu Á mông muội, huyền bí, trì trệ, u tối, không thể tư duy logic, không có óc tổ chức khoa học. Việc chỉ ra những thuộc tính này đã hợp thức hóa việc cai trị mà phương Tây khoác lên nó cái vẻ ban ơn khi gọi đó là: “sứ mệnh khai hóa”.
Đông phương học ra đời dựa trên cái nhìn của phương Tây về phương Đông đã chi phối đến nhãn quan của mọi tầng lớp trong xã hội phương Tây. Hành trình khám phá phương Đông của các nhà du hành, thám hiểm, người đi du lịch, nhà văn về sau đã ngày củng củng cố Đông phương học khi họ đã Đông phương hóa chính phương Đông bằng thiên kiến của mình, khiến cho khoảng cách giữa Đông - Tây ngày càng xa nhau và việc nhận thức về phương Đông càng trở nên méo mó, sai lệch. Thế kỉ XIX chứng kiến sự nở rộ của các tác phẩm viết về phương Đông: The
phương Tây của Goeth, Người phương Đông của Hugo, cùng một khối lượng khổng
lồ tác phẩm du kí của các nhà thám hiểm, du hành khác. Các nhà văn có xu hướng mô tả phương Đông như là nơi nguyên thủy, nguyên sơ như cảm nhận của Goeth: “Ở đây, trong sự trong sáng và chính trực, tôi sẽ quay trở lại với cội nguồn sâu thẳm của nhân loại.” [14, tr. 168]; hoặc là nơi để hành hương tìm về cội nguồn các thánh tích. Vẻ thơ mộng được gợi lên không nhằm diễn tả phương Đông mà lại hướng đến chính phương Tây, chủ thể của quan sát. Các thuộc tính huyền bí, nguyên sơ được hình dung cốt để lột tả vẻ mời gọi của một vùng đất xa ngái đối với Tây phương, và do đó, cần được chinh phục, hoặc, ngầm tôn vinh sự chinh phục. Tất cả những thuộc tính gán cho phương Đông đã trở thành điển phạm khi diễn tả phương Đông. Rõ ràng, đó là những điển phạm mang chủ ý thực dân của Tây phương.
Theo thống kê của Edward, từ năm 1815 đến 1914, thuộc địa trực tiếp của châu Âu đã mở rộng từ 35% đến 85% diện tích trái đất. Không gian, địa giới được hình dung, phân chia theo khả năng chinh phục mà các nước đế quốc có thể đạt tới. “Ý thức về quyền lực của phương Tây đối với phương Đông được coi là dĩ nhiên và được thừa nhận là một chân lí khoa học.” [14, tr. 51] Đứng trước sức mạnh Tây phương và sự áp đặt vô lối của kẻ đi xâm lược, ngay ở thời điểm đó, và nhất là nửa sau thế kỉ XX, khi các dân tộc phương Đông giải phóng khỏi ách áp chế phương Tây bằng chính sức mạnh của mình, họ đã có những phản ứng khác nhau trước nguy cơ và thực tế bị áp chế của mình. Những phản ứng này tùy thuộc vào chỗ đứng, tầm nhìn và nhận thức của những người phương Đông. Không thể phủ nhận có những trường hợp chính người Đông phương đã mô tả dân tộc, đất nước mình theo những hình dung của người phương Tây, nghĩa là Đông phương hóa chính mình. Đó là biểu hiện của tâm lí mặc cảm, tự ti do choáng ngợp trước sức mạnh vượt trội của Tây phương. Sự yếm thế đó dĩ nhiên được Tây phương tán dương, chứng tỏ sự nhận thức về bản thể cần rất nhiều dũng cảm và tỉnh táo. Song ngược lại, với lòng tự tôn được phóng đại do từng bị tổn thương, rất nhiều nhà văn phương Đông sau khi giành lại độc lập có xu hướng phủ nhận tất cả những gì mà phương Tây đem đến cho đất nước, dân tộc mình. Xu hướng nhận thức lại, viết lại trang sử của mình trở nên phổ biến trong những thập kỉ cuối của thế kỉ XX.
Tất cả những điều đó cho thấy du kí không nên được nhìn nhận như những thực thể thuần túy văn chương, tồn tại độc lập, không có sự chi phối của các thiết chế chính trị. Bởi lẽ, bản thân sự ghi chép đã mang đầy chủ ý và tính mục đích. Đằng sau mỗi trang viết không chỉ là khả năng hành văn, cá tính tác giả mà còn ngầm ẩn diễn ngôn của ý thức hệ như là một hệ thống ý niệm bão hòa, tác động, chi phối đến từng suy nghĩ, hành vi, lựa chọn của chủ thể xã hội. Tìm hiểu du kí do đó cần phải đặt tác phẩm trong bối cảnh đã tạo sinh ra nó để xơi khới, cắt nghĩa, lí giải cách nhìn của chủ thể, tìm ra diễn ngôn chính trị, tư tưởng, bóng dáng của ý thức hệ ẩn dấu trong đó. Và cũng thông qua du kí, thông qua nhãn quan của tác giả trong khi nhìn các vùng đất, có thể thấy thế đứng, chính trị của chủ thể ghi chép (chính trị hiểu theo nghĩa sự lựa chọn mà chủ thể thực hiện trong sự chi phối của hệ ý thức đã tạo tác nên chủ thể đó). Theo cách đó, người tìm hiểu sẽ nhìn thấy ở du kí những vấn đề rộng lớn hơn phạm vi của văn học, và cũng theo phương pháp đó, sẽ thấy ở chủ thể ghi chép không chỉ tài năng văn chương mà thấy cả tư tưởng, lựa chọn, ý thức hệ của anh ta, cũng như ý thức giải áp chế đối với chính hệ ý thức mà anh ta được tạo thành.