Thái độ với triều đình Huế

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 66)

6. Bố cục luận văn:

2.2.2.1. Thái độ với triều đình Huế

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, khi nhận diện các vấn đề của nước Nam, Phạm Quỳnh rất chú ý đến mối thân tình Bắc – Nam. Ông phát hiện ra rằng quốc hồn là giá trị chung cho cả dân tộc, nó gắn mật thiết với triều Nguyễn: “Quốc hồn

của Việt Nam ta ngày nay phải tìm ở đâu cho thấy? Thiết tưởng phi ở Huế không đâu thấy vậy.” Ông giải thích: “Lấy lịch sử mà xét, lấy địa thế mà chứng, lấy cái tình thế chính trị ngày nay mà chiêm nghiệm, lấy lòng khuynh hướng quốc dân sau này mà suy đoán, thành Huế thực là chốn căn cứ, nơi yếu điểm của giống Việt Nam, xưa đã nhờ đấy mà nên bờ cõi, nay lại nhân đấy mà nói nên tư cách dân quốc hoàn toàn.” [60, tr. 33] Tỏ ra cực đoan khi nhận định: “phi ở Huế không đâu thấy vậy”, nhưng luận điểm của Phạm Quỳnh cho thấy ông có sự ý thức rõ ràng về “tư cách dân quốc” của người Việt, cái tư cách ấy đã được chính thể triều Nguyễn chứng thực bằng cơ sở pháp lí của triều đại. Sự liên đới giữa quốc hồn với triều Nguyễn

cũng ẩn dấu trong Một tháng ở Nam kì: “dân ta nhờ ơn Cao Hoàng (tức vua Gia

Long- NTKN chú) nhiều lắm, Ngài đã gồm Nam Bắc làm một nhà mà dựng ra nước Đại Nam ta, nên bao giờ cũng nhớ ơn Ngài mà biết rằng ta là dân một nước.” [60, tr. 149]

Như vậy, từ Mười ngày ở Huế đến Một tháng ở Nam kì là bước phát triển về mặt nhận thức của Phạm Quỳnh về vấn đề dân tộc. Sự cực đoan trong nhận định “phi ở Huế không đâu thấy vậy” trong tác phẩm du kí đầu tiên đã bị thay đổi sau chuyến thăm Nam kì, Phạm Quỳnh nhận ra “quốc hồn” ở khắp các nơi trên đất Việt. Cả hai tác phẩm này cũng cho thấy niềm trân trọng của ông đối với triều đình. Theo ông, chính thể nhà Nguyễn vừa là bảo chứng cho tư cách quốc dân của người Việt vừa là chứng tích của một dân tộc đã từng có một truyền thống lâu dài, vẻ vang, có một thể chế độc lập. Dù chứng kiến và cổ vũ cho xã hội tiến theo lối mới, nhưng Phạm Quỳnh vẫn tỏ ra đặc biệt trân trọng những nghi lễ, dấu tích cũ, cho thấy triều đình Huế vẫn ẩn hiện trong tiềm thức Phạm Quỳnh như một thiết chế cần thiết cho nước Việt. Có thể kiểm chứng điều này trong Mười ngày ở Huế, Phạm Quỳnh tiết lộ không chút giấu giếm khi nhận xét về lễ tế Giao: “Tôi nói đây là lấy cái phương diện nhà hiếu cổ, nhà ái quốc mà nói. (…) Phàm cái hình thức gì nó biểu hiện được cái hồn xưa của Tổ quốc, dù phiền phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái, là xóa mất cái hình ảnh nước nhà trong con mắt bọn hậu sinh vậy.” [60, tr. 45] Phân tích ý nghĩa của lễ tế Giao: “Ba năm một lần tết Giao tức là ba năm lại một lần Vua trịnh trọng ra tuyên cáo với trời đất, với tổ tiên, với sông núi rằng cái

hồn trong nước vẫn còn mạnh, vẫn còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy”, Phạm Quỳnh nhận ra tế Giao “có quan hệ đến chính thể xã hội nước ta. Bởi thế nên tuy bề hình thức có phiền, mà cái tinh thần rất nên phải giữ lấy.” [60, tr. 46] Theo đó, những nghi thức, mà bao trùm hơn là sự hiện diện của triều đình như một ống dẫn nối người Việt đương thời với quá khứ, - điều này ám rất sâu vào tâm não Phạm Quỳnh, về sau được ông phát triển thành chủ nghĩa quốc gia, và cũng không hề võ đoán khi nói rằng, những mầm mống tư tưởng chính trị trong Mười ngày ở Huế (năm 1918) đã tiên báo cho động thái về sau của ông Phạm: từ bỏ vị trí chủ bút Nam phong để gia nhập triều đình Bảo Đại (năm 1931).

Trong suốt các trang du kí, khi nhắc đến vị vua đứng đầu triều Nguyễn, Phạm Quỳnh đều viết hoa danh xưng: “Đức Cao Hoàng”, “Hoàng thượng”, “Liệt thánh”, “Phụng Hoàng thượng”,… cho thấy sự tôn trọng của ông đối với vị vua của một nước. Tuy nhiên, là một người tiếp thu Tây học từ sớm, phần nào cảm nhiễm tư tưởng dân chủ của Thái Tây, Phạm Quỳnh cũng có cái nhìn khá dân chủ khi nhắc đến vua, nhất là trong Pháp du hành trình nhật kí. Miêu tả cảnh vua Khải Định đề chữ vào cuốn sổ lưu niệm Kim thư của Đông Pháp hỗ trợ hội, Phạm Quỳnh đã dành một đoạn tường thuật với giọng văn rất khách quan, thú vị, đủ tạo nên một góc nhìn về vị vua này: “Cứ thấy quản bút quằn quại trên tay, mà không thấy viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, người đứng xung quanh đã thấy thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài! Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn, tứ tuyệt gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng: năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến dự nhà Hội, thế mà thôi (…)” [60, tr. 388] Tiếng thở dài có chiều hụt hẫng của các phái viên Việt Nam trước cảnh viết chữ của vua Khải Định được che dấu kín đáo bởi lời văn hoàn toàn khách quan.

Song, dẫu khá dân chủ khi nhìn vè vua, nhưng Phạm Quỳnh vẫn rất tôn trọng phép tắc. Theo lời kể của ông trong du kí, khi đón vua đến dự đấu xảo, Phạm Quỳnh vẫn thi lễ “cúi đầu vái một cái.” [60, tr.411] Ông kể tiếp “Lễ xong, ra chơi bên ngoài, gặp ông Tây quen vỗ vai hỏi: „Thế nào, tôi tưởng ông là đảng Dân chủ, sao cũng lạy vua lúc nãy thế? Mình trả lời: „Đảng gì thì đảng, chứ ở nơi đất khác

cũng phải tỏ lòng cung kính ông quốc trưởng; cách lễ phép phải như thế‟.” [60, tr.411] Cung cách này rất khác với cách ứng xử của một nhà trí thức Tây học cùng thời với Phạm Quỳnh, là Nguyễn Văn Vĩnh. Theo lời kể của Vũ Bằng: “lúc vua Khải Định đến ga Hà Nội, Nguyễn Văn Vĩnh là người ngổ ngáo duy nhất dám xông ra bắt tay Khải Định làm cho ông tổng đốc lúc bấy giờ té xỉu đi, (…) xin thiết ngay một phiên triều đặc biệt ngay ở Hà Nội để xử tử tên phiến loạn Nguyễn Văn Vĩnh bút hiệu Tân Nam Tử.” [4, tr. 84] Đối sánh cách hành xử của hai vị trí thức cùng thời đại, cùng tiếp thu tư tưởng phương Tây để thấy sự khác nhau trong thái độ đối với vua, và xa hơn là đối với triều đình. Trong khi Nguyễn Văn Vĩnh có tư tưởng khoáng đạt, bình đẳng trước vương quyền thì Phạm Quỳnh tỏ rõ sự tôn trọng nền nếp cũ của dân tộc. Đó cũng chính là sự khác nhau trong tư tưởng chính trị của hai nhà trí thức, một người ủng hộ chế độ trực trị, còn người kia ủng hộ chế độ bảo hộ.

Một phần của tài liệu Du ký, một bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)