6. Bố cục luận văn:
2.2.2.2. Thái độ với nước Pháp
Trong du kí, Phạm Quỳnh nhiều lần gọi nước Pháp với tên “Đại Pháp”, “quý quốc” biểu thị một thái độ tôn kính, ngưỡng mộ, thần phục nước Pháp. Hai chữ “Đại Pháp” chủ ý một nước Pháp rộng lớn, bao gồm cả các nước thuộc địa trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đúng như hàm ý của vị đại tướng Mangin diễn thuyết tại Marseille mà Phạm Quỳnh được chứng kiến: “nước Pháp không phải là một nước có 38 triệu người mà thôi đâu, nước Pháp chính là một nước có một trăm triệu người đó.” [60, tr. 223] Việc gọi nước Pháp là Đại Pháp đã củng cố thêm cái chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa bành trướng của Pháp, công nhận sự to lớn, vĩ đại của nó. Trong nhiều bài du kí, Phạm Quỳnh xác nhận quyền bảo hộ của nước Pháp tại Đông Dương như một tất yếu lịch sử: “nước Pháp là chúa tể của các dân tộc trong các dân tộc Đông Dương” [60, tr. 506]; ông thừa nhận sự tòng thuộc của các xứ trong khối Đông Pháp: “Người Đông Dương ở ngoài xứ sở mình chỉ có thể theo một pháp luật, là pháp luật của nước Pháp có chủ quyền thống nhất cả Đông Dương mà thôi.” [60, tr. 507]
Đến thăm nước Pháp, Phạm Quỳnh tự thấy mình đi với tư cách một thần dân đến thăm người bảo hộ: “Khi tôi khởi sự đi Pháp, trong bụng có rắp một điều: là người mình bấy lâu nay sinh trưởng dưới quyền bảo hộ của Đại Pháp, vẫn một lòng
cảnh ngưỡng cái văn minh quý quốc nhưng khác nào như người đứng xa ngắm bức tranh đẹp, bức tranh ấy tuy có truyền ảnh sang bên này, nhưng mập mờ phảng phất, không hình được hết cái chân tướng, nay được thân hành du lịch bên quý quốc, nên ra sức dò xét xem cái chân tướng ấy thế nào.” [60, tr. 422-3] Chính tâm lí ấy đã khiến ông miêu tả rất tỉ mỉ, chi tiết về những biểu hiện văn minh của nước Pháp, nhằm thâu nhận được hết vẻ kì vĩ, hoành tránh, to tát, bề thế của văn hóa nước mẹ bảo hộ. Cũng bởi kiến văn được mở rộng sau chuyến đi Pháp, ông đã suy tư về việc học tập để đưa đất nước tiến về phía trước.
Thần phục nước Pháp và thực tế là một người cộng tác của chính phủ bảo hộ Pháp trong việc cai trị An Nam, nhưng Phạm Quỳnh không hoàn toàn tin vào sự thành công hoàn toàn của chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề, vốn là chủ thuyết nêu cao tinh thần hòa hợp giữa người Nam và người Pháp, được giương lên để lấy lòng dân Việt. Trong Một tháng ở Nam kì, ông đã bộc bạch: “Lại thuộc về cái chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề, nhiều người tin rằng nước Pháp nước Nam có thể lấy tình thân mà sum hiệp một nhà, coi nhau như anh em và cùng nhau ra công giúp sức cho nước Nam được tiến bộ. Tôi thiết tưởng cứ chủ nghĩa ấy cứ lí thuyết thì còn gì hay bằng, mà cứ sự thực thì khó lòng mà thành hiệu được. Một người đối với một người, họa may có cái tình thân ái, coi nhau như anh em một nhà chăng. Chớ lấy toàn thể mà nói thì khó lòng cho được như vậy. Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên, người Nam bao giờ cũng chịu phần dưới, có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái mà gây thành một nền Pháp - Việt vững bền, thì e còn sớm quá.” [60, tr. 130] Lời bộc bạch cho thấy sự suy ngẫm của ông về tư thế bất bình đẳng giữa kẻ đi xâm lược và người bị lệ thuộc, giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa sức mạnh và sự yếu hèn. Trong mọi mối quan hệ, bất bình đẳng không thể dẫn tới sự hòa hợp, hay một tình bạn thực sự.
Ứng xử với kẻ xâm lược dân tộc mình, Phạm Quỳnh luôn phải thận trọng. Trong Pháp du hành trình nhật kí, ông đã nói lên một tâm sự nhân việc đặt bút viết bài “Sự tiến hóa của dân An Nam từ khi đặt Bảo hộ Pháp” cho buổi diễn thuyết tại trường Thuộc địa, ngõ hầu giúp ta hiểu được một phần cách ứng đối của ông với những áp chế từ phía Pháp: “Bài này nghĩ đã mấy tuần nay, thảo cũng được khá rồi.
tiến hóa của dân An Nam từ khi đặt Bảo hộ Pháp. Trị cái đề này cho cứng và cho
ổn cũng khó thật; khó là muốn cho vừa cứng vừa ổn. Nếu ổn quá thì thành ra nịnh rồi, mà nịnh thì mình không mặt mũi nào; mà nếu cứng quá tất sẵng, mà sẵng cũng không xong. Thật là một sự khổ tâm. Phải xoay làm sao cho êm thấm mà không hại đến cái chí bình sinh của mình. Khó, khó quá!...” [60, tr.273] Chỉ qua một bộc bạch rất ngắn này, Phạm Quỳnh đã tỏ cho ta thấy sự cân nhắc, đắn đo của ông trước khi đặt bút, qua đó thấy những éo le trong thế đứng của ông. Một mặt, ông phải viết sao cho không quá “cứng”, nghĩa là không viết quá gay gắt tâm trạng của người dân mất nước, mà cũng không quá “ổn”, nghĩa là không trở thành nịnh. Ông luôn phải cố gắng điều hòa giữa hai thái độ “vừa cứng vừa ổn” - vừa nói được cái hiện thực lòng dân, vừa không làm mất lòng người Pháp. Ở thế đứng của ông, “sẵng” với thực dân cũng “không xong”, do vậy ông đã chọn lối dung hòa để vừa nói lên được hiện trạng, tình thế đất nước vừa không làm mất lòng thực dân (cốt để bảo toàn cơ hội được nói), có như vậy tiếng nói của ông mới đến được giới cầm quyền Pháp. Đoạn tâm sự còn cho thấy mục đích cuối cùng của việc ông luôn phải cân nhắc, khôn
khéo là để “không hại đến cái chí bình sinh của mình”. Cũng trong Pháp du hành
trình nhật kí, Phạm Quỳnh bộc bạch “chí bình sinh” của mình một cách tha thiết:
“đối với nước nhà làm thế nào giúp cho quốc hồn được tỉnh táo để mong cho quốc vận được sáng sủa; cũng biết rằng tài có khi không kịp chí, nhưng khu khu một tấm lòng thành, chỉ sở nguyện có thế mà thôi (…).” [60, tr. 356] Thực hiện tâm nguyện đó, ông đã chọn cách cộng tác với Pháp để có cơ hội thực hiện ý đồ chấn hưng đất nước, khai sáng cho quốc vận. Cách thức đó đã khiến ông trở nên là một trí thức phức tạp, dễ gây hiểu lầm nhất trong lịch sử giai đoạn Pháp thuộc. Đằng sau sự éo le đó vẫn là tinh thần dân tộc ẩn dấu, suốt một đời đau đáu của học giả Phạm Quỳnh.
Ý thức được hết sự éo le của mình, do vậy khi đã có cơ hội lên tiếng, Phạm Quỳnh nhiều lần thể hiện được tâm thế bình đẳng khi đối thoại với nước Pháp. Trong chuyến Pháp du, ông được mời diễn thuyết năm lần, tất cả các bài diễn thuyết đều nói về thơ ca, tiếng nói, văn hóa Việt Nam, thể hiện niềm tự hào về một truyền thống văn chương, lịch sử lâu đời. Nói về thơ ca Việt Nam trước cử tọa Pháp, ông
ngợi ca Kiều, kết luận rằng: “tiếng An Nam cũng là một thứ tiếng hay, chớ không phải là một cái thổ âm mán mọi gì.” [60, tr. 456] Đặc biệt, trong bài diễn thuyết nhan đề: “Một vấn đề giáo dục cho nòi giống chúng tôi” tại Viện Hàn lâm Pháp ngày 22/7/1922, thông qua những suy nghĩ về các chủ thuyết giáo dục được chính phủ bảo hộ thực thi tại Việt Nam, Phạm Quỳnh đã bày tỏ được tiếng nói chủ ý của mình. Ông cho rằng:
“Tôi nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hóa cũ, nhưng cái văn hóa mới đời này thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ. Cái văn hóa mới ấy, dân chúng ta nhờ quý Đại Pháp truyền bá cho, hồi đầu quý chánh phủ dạy người An Nam chẳng qua là dạy lấy ít tiếng Tây để sai khiến các công việc cho dễ, chưa phải là truyền bá văn minh học thuật gì. Gần đây mới gọi là bắt đầu ban bố một cái học cao hơn trước một chút, nhưng trong sự truyền bá cái học mới ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn, quý chánh phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thỏa. Nếu dân Việt Nam là một dân mới có, chưa có nền nếp chưa có lịch sử gì, thì quý quốc cứ việc hóa theo Tây cả, dạy cho học chữ Tây hết cả, đồng hóa được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng, muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi, nếu bây giờ viết đè một thứ chữ mới nữa lên trên, thì e thành giấy lộn mất. Cho nên bây giờ dạy khắp chữ Tây cho người An Nam từ tuổi nhỏ đến tuổi lớn như ở các trường Pháp - Việt ngày nay, kết quả chỉ đủ làm cho người An Nam mất giống An Nam mà chửa chắc đã hóa được theo Tây hẳn, thành ra một giống lửng lơ, thật là nguy hiểm. Muốn tránh sự nguy hiểm ấy chỉ có một cách: là dạy con trẻ An Nam bằng tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học, lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc cho nền giáo dục trong nước, như thế vừa tiện mà vừa mau vì không mất thì giờ học một tiếng nước ngoài, dở dang không đến nơi và không dùng được việc gì.” [60, tr. 457]
Đằng sau ý kiến rốt ráo như trên là một phản biện dành cho phía chính phủ bảo hộ Pháp về vấn đề giáo dục người An Nam mà ẩn sâu sau đó là dự đồ chính trị đồng hóa người Nam của chủ nghĩa thực dân. Giáo dục là khâu then chốt trong việc nuôi dưỡng sức mạnh xã hội tương lai. Vấn đề dạy những gì, bằng cách nào bao giờ cũng thể hiện chủ ý của hệ thống chính trị đối với việc giáo dục thế hệ kế cận. Tiếng nói của Phạm Quỳnh cho thấy vấn đề giáo dục không đơn giản là việc đào tạo thợ lành nghề, người giúp việc trong các công sở của chính phủ. Giáo dục nếu không
xuất phát từ nền tảng văn hóa sẽ chỉ đào tạo ra những con người mất cội rễ. Tiếng nói của Phạm Quỳnh thực chất là một đòi hỏi được tôn trọng và được nhìn nhận một cách toàn vẹn, không thiên lệch và không áp đặt về một nước Nam có lịch sử, có bản sắc chứ không phải một tờ giấy trắng để thực dân muốn viết gì trên đó cũng được. Đó chính là tiếng nói phản áp chế của Phạm Quỳnh trong vấn đề giáo dục, cho thấy tầm vóc trí thức lớn lao của ông trước ý chí thống trị của bộ máy cai trị thực dân tại Việt Nam.
*
Như vậy, từ những bộc bạch của Phạm Quỳnh liên quan đến thái độ của ông đối với vương triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp, có thể thấy tư thế của ông trong ứng xử với hệ thống quyền lực: Phạm Quỳnh vừa thần phục nước Pháp, nhưng đồng thời ông cũng không phản đối Nam triều, ủng hộ cái mới nhưng ông không đánh mất bản sắc của mình, hợp tác với chính phủ bảo hộ nhưng lại luôn đau đáu cho vận mệnh dân tộc, từ những vấn đề văn hóa, tâm linh đến dân sinh quốc kế. Một bên ông tôn trọng vì là nơi lưu giữ quốc hồn của dân tộc, một bên ông cộng tác để dựa vào đó chấn hưng dân tộc. Đó chính là chủ nghĩa yêu nước của ông.
Du kí Phạm Quỳnh do đó cũng thể hiện được ý thức hệ mà ông thuộc về: quán tính Nho giáo đã ăn sâu trong nếp nghĩ, nếp cảm, nhưng lí trí khiến ông biết đón lấy cái luồng tư tưởng mới để lợi dụng hô hào cho sự chấn hưng dân tộc. Du kí cho ta thấy một thế đứng của ông giữa những giao thoa. Đằng sau tất cả những trái ngược ấy là một tâm huyết Phạm Quỳnh: vì sự tiến hóa của nước Việt có bản sắc, như chính ông bày tỏ: “từ khi khôn lớn biết nghĩ đến giờ, chỉ nuôi một cái chí ở trong lòng, là đối với nhà làm thế nào nối nghiệp được ông cha, đắp được cái nền “sĩ phong” cho xứng đáng để chống đối với những phong trào mới đời nay, đối với nước nhà làm thế nào giúp cho quốc hồn được tỉnh táo để mong cho quốc vận được sáng sủa; cũng biết rằng tài có khi không kịp chí, nhưng khu khu một tấm lòng thành, chỉ sở nguyện có thế mà thôi (…).” [60, tr.356]
Tiểu kết
Như vậy, trong toàn bộ chương 2 này, chúng tôi đã trình bày toàn bộ nhãn quan văn hóa, trí thức của Phạm Quỳnh qua khảo sát các cảnh quan du kí. Trước hết, các cảnh quan mà Phạm Quỳnh đề cập trong du kí tự nó nói lên sự phân cực của thế giới theo hai phía: các nước thuộc địa và chính quốc. Sự phân cực này là một sự thật lịch sử, du kí đã thể hiện trạng huống bị áp chế giữa các nước phương Tây đối với phương Đông.
Du kí cũng thể hiện tiếng nói, tư thế của trí thức nước nhược tiểu trong thế giới phân cực - thế giới không bình đẳng mà luật chơi do phương Tây áp đặt. Cách thế ấy thể hiện kín đáo trong du kí, cho thấy một chủ thể Phạm Quỳnh giữa những giao thoa: vừa là kẻ cộng tác, vừa là một người mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Nhưng cộng tác chỉ là phương thức, chủ ý của ông đã thể hiện ở niềm thiết tha cho một Việt Nam tự cường, ở tất cả các phương diện: tư tưởng, văn hóa, tâm linh, kinh tế, tiếng nói dân tộc,…
CHƢƠNG 3
SỰ CHUẨN BỊ CỦA LỐI VIẾT MỚI TRONG DU KÍ PHẠM QUỲNH 3.1. Kết cấu và sự hỗn dung thể loại
3.1.1. Kết cấu du kí
Là một nhánh của loại hình tự sự, nhưng lại không kể chuyện thông qua cốt truyện hư cấu, du kí cốt ghi lại cuộc hành trình có thật của chủ thể trữ tình. Với đặc điểm đó, du kí có kết cấu khá đơn giản so với các tiểu loại tự sự khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là người viết du kí sẽ kể chuyện theo cách có gì ghi nấy, sắp xếp các chi tiết một cách cẩu thả. Kết cấu luôn nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả trước khi đặt bút viết, bởi nó sẽ xác định về mặt cấu trúc văn bản, tạo nên sự mạch lạc, hoàn chỉnh, toàn vẹn cho tác phẩm. Theo Phương Lựu, trong cuốn Lí luận văn
học: “Kết cấu văn bản nghệ thuật của tác phẩm văn học là sự tổ chức ở bình diện
trần thuật. Đó là sự phân bố thế giới hình tượng qua một văn bản ngôn từ nhằm đạt hiệu quả tư tưởng thẩm mĩ.” [39, tr. 307] Kết cấu thể hiện tài năng nhà văn trong tổ chức tác phẩm, đòi hỏi người viết phải có tư duy mô hình hóa của một kiến trúc sư; đối với người đọc, nó là chỉ dẫn cho việc đọc tác phẩm, giúp anh ta nhìn ra những điểm nhấn, ý đồ nghệ thuật ẩn trong mỗi sự sắp xếp đầy chủ ý. Với du kí, nếu tác giả không khéo tổ chức, tác phẩm sẽ thành một mớ lộn xộn các thông tin, dữ liệu, cảm xúc cá nhân. Bởi vậy, việc tìm hiểu kết cấu du kí sẽ hé lộ được những ý định nghệ thuật cũng như tài năng của nhà văn.
Du kí Phạm Quỳnh được kết cấu theo mạch hành trình của người đi du lịch. Chọn cách thuật chuyện theo mạch tiếp nối, Phạm Quỳnh có thể vừa đi đường vừa viết, thuật lại các sự việc, các quan sát, cảm tưởng của mình theo đúng trật tự thời gian tuyến tính, sự việc diễn ra trước được kể trước, sự việc sau được kể sau. Ông thường trở về sau cuộc hành trình rồi mới kể lại toàn bộ chuyến đi, nhưng điều đó không làm xáo trộn các sự kiện bởi nhà văn vẫn tuân thủ đúng tiến trình các sự kiện khi tổ chức tác phẩm. Điều đó khiến người đọc hình dung chính xác được bước chân người đi và đồng hành cùng tác giả trong mỗi cảm nhận và ý nghĩ.
Trong số các tác phẩm, Pháp du hành trình nhật kí sử dụng lối ghi nhật kí - loại ghi chép tuân thủ đúng mạch hành trình nhất - để thể hiện những quan sát, cảm