Giai đoạn 1930 – 1945 được coi là “thời đại vàng” của văn học Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của cả văn học lãng mạn, văn học hiện thực và văn học cách mạng. Cầm bút sáng tác chủ yếu trong giai đoạn này nên trong sự nghiệp sáng tác của Lan Khai cũng mang đậm dấu ấn của thời đại. Lan Khai là một trong những trường hợp đặc biệt mà trong các sáng tác có dấu ấn của rất nhiều trào lưu và khuynh hướng văn học với một chút lãng mạn, một chút
41
hiện thực. Trước khi viết tiểu thuyết lịch sử, năm 1928, với việc cho ra đời tiểu thuyết diễm tình Nước hồ Gươm, Lan Khai ngay lập tức đã được xếp vào nhóm tác giả theo chủ nghĩa lãng mạn (cùng với Tam Lang Vũ Đình Chí, Từ Trẩm Á, Tương Phố, Đông Hồ…). Sau đó, khi ông viết Cô Dung và Lầm than, rất nhiều nhà phê bình đã đánh giá ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc, nhưng đúng như GS Hà Minh Đức đã nhận xét: trên hành trình sáng tác của Lan Khai, ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939)..." nên trong các tác phẩm của ông có cả sự giao thoa của khuynh hướng hiện thực”, nhưng ông chủ yếu thuộc khuynh hướng lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn vì thế đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai.
Biểu hiện đầu tiên của cảm hứng lãng mạn chính là việc tìm về với quá khứ, với lịch sử dân tộc, lấy lịch sử dân tộc làm đề tài trong các tác phẩm của mình. Lan Khai đã khắc họa các triều đại đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Từ sự bạo tàn của ông vua cuối cùng nhà Tiền Lê – Lê Long Đĩnh đến sự thay thế của nhà Lý với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn; từ những toan tính của Trần Thủ Độ và sự yếu đuối của người cầm quyền cuối cùng nhà Lý – Lý Chiêu Hoàng đến sự thay thế của nhà Trần với sự lên ngôi của Trần Cảnh; từ sự suy thoái của nhà Lê đến sự chuyên quyền của Mạc Đăng Dung và sự bành trướng thế lực của tập đoàn phong kiến Trịnh Nguyễn; từ sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đến sự tung hoành của lũ giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng…tất cả đã được Lan Khai dựng lại thật cụ thể, chân thực, sinh động.
Cảm hứng lãng mạn còn được thể hiện trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai ở sự đề cao tình yêu đôi lứa. Tình yêu và sự kì diệu của tình yêu luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà văn nhà thơ. Dù viết tiểu thuyết lịch sử, đề tài chủ yếu là các vấn đề lịch sử nhưng Lan Khai vẫn không thể cưỡng lại được
42
sức hấp dẫn của những câu chuyện tình yêu, và từ đó, ông đã tạo ra những tiểu thuyết lịch sử rất thú vị với những câu chuyện tình yêu của chính các nhân vật lịch sử. Qua sử sách chúng ta đã biết Lý Công Uẩn vốn là một dũng tướng, đánh Nam dẹp Bắc, tính tình khẳng khái, cương trực nhưng trong Cái hột mận, ta không chỉ biết được những điều đó mà ta còn biết thêm về tình yêu sâu sắc giữa Công Uẩn và Bội Ngọc – con gái tướng Phạm Cự Lượng. Vì tình yêu ấy, trong lúc đi thảo phạt Chiêm Thành, Công Uẩn lúc nào cũng lo lắng cho sự an nguy của nàng: “nếu giữa lúc chàng đi vắng, thái sư bị búa rìu hôn quân thì Bội Ngọc thoát sao khỏi ánh mắt thèm thuồng sắc dục” [52, tr. 239]. Hay như câu chuyện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng mình là Trần Cảnh, hẳn những ai quan tâm đến lịch sử đều rõ. Cũng viết về chuyện đó trong tác phẩm của mình nhưng bằng cách thêm những “gia vị tình yêu” vào “món ăn lịch sử” quen thuộc ấy, Lan Khai đã lôi cuốn được người đọc. Khi đọc Chiếc ngai vàng, khó ai có thể quên được những đoạn miêu tả cảnh ân ái của Chiêu Hoàng và Trần Cảnh: “Mỗi khi gần chàng thiếp sống một cách đầy đủ, xa chàng, thiếp chỉ héo hắt vì nhớ vì mong […]. Trần Cảnh sung sướng, ôm nàng sát vào lòng. Chiêu Hoàng nhắm mắt lại, quên hẳn cuộc đời…” [53, tr. 88]. Tình yêu của Bàn Tuyết Hận và nàng Nhạn trong Đỉnh non Thần cũng đẹp và mãnh liệt đến mức vượt qua tất cả mọi lễ giáo phong kiến, mọi hằn thù của hai gia đình. Ma Vạn Thắng, cha của nàng Nhạn chính là người đã giết Bàn Văn Nhị, cha của Bàn Tuyết Hận. Mẹ đẻ của Tuyết Hận, sau khi chồng chết lại theo Ma Vạn Thắng, và làm mẹ kế của nàng Nhạn. Thế nhưng khi biết được sự thật “trái tim chàng (tức Tuyết Hận) cứ dấy lên như con chim bị mũi tên bắn trúng mà chưa chết. Đồng thời, hình ảnh của thiếu nữ (tức nàng Nhạn) càng hiện ra trước mắt chàng với những nét say đắm tuyệt với […]. Cái bổn phận báo thù của chàng ngày nay chỉ là một công việc bó buộc do huyết thống hoặc là cái công việc của nhà hiệp sĩ mà thôi. Đem so
43
với mối tình đương sôi nổi trong tim chàng, nhiệt độ kém xa lắm” [53, tr. 371]. Cũng với tình yêu mãnh liệt ấy, Bàn Tuyết Hận đã thể hiện quan niệm của mình về tình yêu, một quan niệm rất mới mẻ so với đương thời: “Tuyết Hận thổn thức đến cái phút được giáp mặt nàng, được nhìn cặp mắt trong sáng, làn môi tươi, gương mặt êm đềm, mĩ lệ và nhất là cái giọng nói […] Trong lúc ấy thì dù có phải chết, Tuyết Hận cũng vui lòng vì chết giữa lúc cả tấm lòng đương rung động chẳng hơn là sống mãi mà trái tim đã thành ra cái mả vùi lấp tình yêu” [53, tr. 466]. Cũng có điểm tương đồng với tình yêu của Bàn Tuyết Hận và nàng Nhạn, tình yêu của Chế Bồng Nga và tiểu thư Nam Trân trong tiểu thuyết Chế Bồng Nga cũng vấp phải rào cản vô cùng to lớn, đó là mâu thuẫn dân tộc. Chế Bồng Nga vốn là hoàng tử, rồi sau đó là vua của Chiêm Thành, trong khi đó tiểu thư Nam Trân lại là con gái của Đỗ Tử Bình, người được triều đình giao phó đi dẹp tan quân Chiêm Thành....Như vậy dễ thấy, Lan Khai rất ưa dùng thủ pháp gây xung đột, kịch tính khi xây dựng nhân vật bằng cách đặt nhân vật giữa bên tình bên hiếu, giữa tình yêu và nghĩa vụ để qua đó nhân vật thể hiện rõ nhất suy nghĩ, phẩm chất, tính cách của mình.
Trong hơn hai chục cuốn tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, chúng tôi nhận thấy hầu như không cuốn nào vắng bóng tình yêu đôi lứa, thậm chí cả những ham muốn xác thịt trong tình yêu cũng được Lan Khai ghi lại trong tiểu thuyết lịch sử của mình. Trước sự quyễn rũ đầy khêu gợi của Dương Hậu: “nàng chỉ mặc một cái áo lụa mỏng hở hai cánh tay và cái ngực nõn nà. Cặp đùi nàng tròn trĩnh vắt chéo lên nhau, hiện rõ dưới những nếp xiêm là” [53, tr. 270], Lý Công Uẩn dù đã yêu Bội Ngọc cũng không thể cưỡng lại được: “Công Uẩn rùng mình, ngây ngất. Chàng từ từ cúi đầu, từ từ nhắm mắt […] bỗng Công Uẩn nhũn người: chàng cảm thấy hai cánh tay mềm như hai khúc rắn, êm ái rít chặt lấy mình chàng […]. Công Uẩn chỉ cưỡng được tới lúc ấy.
44
Chàng đắm say đặt môi lên nụ cười thơm ngát. Hai tấm linh hồn như tiêu tan trong một phút giây điên cuồng” [53, tr. 273 – 274]. Dù cũng viết về tình yêu nhưng, hầu hết tình yêu trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai là tình yêu cá nhân trong những mối quan hệ với cộng đồng, dân tộc.
Có thể nói, trước hiện thực đất nước bị xâm lược, với cảm hứng lãng mạn, viết về lịch sử, về quá khứ, như là một tất yếu để Lan Khai để phản ứng lại với xã hội đương thời. Như trên đã nói, giai đoạn 1930 – 1945 là giai đoạn mà văn học lãng mạn phát triển rất mạnh. Tuy cảm hứng lãng mạn cũng là một trong những cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai nhưng ta không thấy ở đó sự thoát li thực tế để đề cao, tuyệt đối hóa cái Tôi như các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, cũng không phải là thứ tình yêu thoát li, trốn tránh hiện thực để tìm một cuộc sống hưởng thụ như trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn mà tất cả những nỗ lực của Lan Khai ở mảng tiểu thuyết lịch sử chính là để “dân ta phải biết sử ta”, để khích lệ lòng yêu nước của cả dân tộc.