Như đã nói ở trên, do tập trung phản ánh những cuộc nội loạn trong xã hội phong kiến Việt Nam, mà trong bối cảnh hỗn loạn của đất nước như vậy đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những anh hùng cứu nước, cứu dân, vì thế ở các tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, đề tài viết về người anh hùng cũng là một trong những đề tài tiêu biểu.
Người anh hùng đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập tới đó chính là Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết Treo bức chiến bào. Trong tác phẩm này, Lan Khai xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ thực đúng là một “anh hùng áo vải”: “dưới ánh nến lung linh, trong khói trầm nghi ngút, viên thượng tướng trẻ tuổi và nóng tính nọ oai nghiêm, hách dịch như một vị thiên thần. Khổ người của
66
Nguyễn Huệ không cao, không thấp mà hai vai nở, ngực rộng, tay dài, cử chỉ mạnh, tỏ ra đã từng quen sự gian lao của chiến trận, khuôn mặt chữ dụng, hai mắt sáng quắc, đôi mắt đã lừng tiếng một thời về những tia nhỡn quang chói lào, như ánh điện, làn môi dày đỏ thắm nghiêm nghị. Trên gương mặt khẳng khái, lẫm liệt ấy luôn hiện rõ vẻ đa nghi của một người lúc nào cũng phải phấn đấu với muôn nghìn nỗi hiểm nguy của địa vị, mà những lần quyết chiến nào, tính cương nghị và tài năng quân thế cũng đắc thắng một cách lẫy lừng”. [ 21, tr. 24 – 25]. Với tài năng võ võ nghệ và tổ chức của mình, Quang Trung đã chiến thắng quân Chiêm Thành và quân Bồn Man, đem lại no ấm cho nhân dân một vùng rộng lớn. Nhận thấy tình hình trong nước rối loạn, nhân dân lầm than, trước lời đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh “ra dẹp đất Bắc Hà, trước là trừ khử họ Trịnh, sau ngăn giữ sự nhóm ngó của Tàu”, Nguyễn Huệ đã đồng ý ngay và chính ông đã thân chinh dẫn quân ra Bắc. Mặc dù thế và lực của nhà Trịnh lúc đó đã yếu, nhưng để đánh thắng quân của Đinh Tích Nhưỡng cũng không phải là điều dễ dàng vì thế Nguyễn Huệ đã suy nghĩ và đưa ra chiến lược rất cụ thể. Treo bức chiến bào viết về giai đoạn trước khi Nguyễn Huệ lên làm vua nhưng Lan Khai đã giúp chúng ta nhìn thấy những phẩm chất tuyệt vời của của một ông vua ở người anh hùng áo vải này qua câu nói của Nguyễn Huệ với vua Cảnh Hưng: “chúng tôi xuất thân ở lều tranh vách đất, bao giờ cũng lấy dân vi bản” [21, tr. 35]. Thế nhưng người anh hùng ấy cũng có những phút xao động khi bất giác thấy “những cử chỉ giống hệt như một cô khuê nữ phong lưu” của chàng áo xanh (tức Đỗ Quyên). Con người này, thậm chí còn quên hết địa vị của mình, thể diện của mình khi ngay trong đám cưới của mình với công chúa Ngọc Hân, phát hiện không thấy chàng áo xanh đâu cả, chợt hiểu ra chàng áo xanh chính là Đỗ Quyên, là người mà mình vẫn cảm mến và ngờ ngợ bấy lâu, Nguyễn Huệ đã lập tức ra lệnh cho người đi tìm Đỗ Quyên. Việc sai người đi tìm Đỗ Quyên có thể chưa
67
hẳn đã xuất phát từ tình yêu, bởi do hoàn cảnh, tình cảm giữa hai người chưa phải là tình yêu nhưng nó xuất phát từ một cảm xúc thiêng liêng, vô hình mà nhiều khi lí trí không giải thích được.
Anh em Vũ Uyên, Vũ Mật trong tiểu thuyết Ai lên phố Cát cũng là một trong những anh hùng tiêu biểu trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. Vũ Uyên vốn được nhân dân vùng đất Tuyên Quang gọi là Biều Vương. Cha mất sớm từ khi hai anh em còn nhỏ nên việc học hành của Vũ Uyên cũng bị dở dang, tuy nhiên ông lại có "quyển sách lớn lao, đầy đủ của tạo vật thay vào [...]" nên với Vũ Uyên, tự do là đáng quý hơn cả. Uyên cũng rất thích truyện Đinh Tiên Hoàng nên thường cùng lũ trẻ chăn trâu "giả cách đóng đồn trên gò cao, bày trận đánh thật". Chả thế mà khi được ông thày Tàu, vì cảm kích trước sự hiếu khách thương người của ba mẹ con Vũ Uyên, dạy võ nghệ cho thì Vũ Uyên và em trai đã học rất nhanh và ngày càng giỏi. Gặp đúng lúc tình hình đất nước rối ren, Mạc Đăng Dung chuyên quyền định cướp ngôi nhà Lê, ở Tuyên Quang, Vũ Uyên và Vũ Mật đã đứng lên đối kháng. Hai anh em đã cho xây dựng thành trì, chiêu mộ dũng sĩ, "lấy võ lực phản đối sự bạo hành của Mạc Đăng Dung và duy trì hạnh phúc cho nhân dân một vùng sông Lô non Lịch" [53, tr. 128 – 129]. Cũng với tinh thần ấy, khi nhận được thư của Thái sư, muốn có được sự giúp đỡ của Vũ Uyên để phù Lê cự Mạc thì Vũ Uyên và em trai sẵn sáng hợp tác. Như vậy ở Biều Vương, chúng ta nhận thấy một anh hùng tài giỏi, nhân đức, có tinh thần nghĩa hiệp, luôn lo lắng cho sự an nguy của nhân dân, đất nước. Chẳng thế mà trong dân gian vẫn lưu truyền bài thơ:
"Đào mênh có Vũ Uyên cường quật Đồng bào thêm Vũ Mật kiêm tề Tuyên Quang một cõi vỗ về
68
Vận lượng hướng giúp thêm binh dịch Giữ cô thành đông mặt thượng du Lẫy lừng trong chốn hoang vu
Gồm hai văn vũ, riêng gò Biều Vương"
Chế Bồng Nga trong tiểu thuyết cùng tên cũng là một trong số những người anh hùng mà Lan Khai xây dựng trong tiểu thuyết của mình. Trải qua mười lăm năm sóng gió, phiêu bạt Chế Bồng Nga mới có điều kiện trở về cố quốc, quyết tâm cùng nhân dân chiến đấu để giành lại dân tộc, giành lại địa phận và sự tự do cho dân tộc mình. Thế nhưng không nằm ngoài quy luật anh hùng, mỹ nhân, Chế Bồng Nga cũng rất say đắm với tình yêu của mình. Trước cuộc chiến đấu sinh tử để giành lại cố quốc, Bồng Nga vẫn quyết tâm phải gặp bằng được Nam Trân, mặc cho quần thần can ngăn, mặc cho đầy rẫy hiểm nguy. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng, Chế Bồng Nga là vua Chiêm Thành, bản thân Chế Bồng Nga đã từng ba lần mang quân sang xâm lược nước ta, đốt cháy kinh thành Thăng Long, thế nhưng trong tác phẩm này nhà văn Lan Khai lại xây dựng Chế Bồng Nga như một anh hùng. Đứng về một khía cạnh nào đó, đối với nhân vật Chế Bồng Nga, Lan Khai đã xây dựng được hình tượng người anh hùng đẹp nhưng rõ ràng việc ca ngợi Chế Bồng Nga chứng tỏ đôi lúc nhà văn chưa đứng trên quan điểm dân tộc đúng đắn. Với Đỉnh non Thần, Lan Khai đã bước đầu xây dựng được hình ảnh người anh hùng trong phong trào Cần Vương – Bàn Tuyết Hận. Sau khi mối thù giữa hai bên gia đình họ Ma và họ Bàn đã được xóa sạch, nếu là người con trai không có chí lớn chắc hẳn Tuyết Hận sẽ tiếp quản cơ nghiệp của gia đình, sẽ cưới nàng Nhạn để hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhưng đứng trước cảnh "phía Tây thì quân Xiêm La, Lào sang quấy nhiễu, quân Pháp thì ngày một tìm cách bắt nạt triều đình" Tuyết Hận quyết "phải giết cho kỳ không còn một mống nào nữa" và thế là chàng tham gia phong trào Cần Vương của đảng
69
Văn thân [53, tr. 467]. Chàng đã chiến đấu vô cùng dũng cảm và giành được nhiều chiến công, tiếc thay cuối cùng chàng đã ngã gục trên bãi chiến trường bởi trúng đạn của thực dân Pháp. Dù cuối cùng nhà văn Lan Khai đã miêu tả về sự hi sinh của Bàn Tuyết Hận nhưng sự hi sinh vì nghĩa lớn ấy càng nâng cao hơn tầm vóc anh hùng của nhân vật này.
Như vậy chúng ta có thể thấy, trong các tác phẩm của Lan Khai, người anh hùng có thể xuất thân từ mọi tầng lớp, từ tầng lớp quan lại đến những người nông dân nghèo khổ, từ miền xuôi cho đến miền ngược...Với tinh thần nghĩa hiệp, các anh hùng trong tiểu thuyết của Lan Khai đều chiến đấu chống lại các ác, chống giặc ngoại xâm để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình cho nhân dân. Và có một điều đáng chú ý trong tiểu thuyết của Lan Khai khi viết về những người anh hùng của dân tộc, đó là nhà văn không hoàn toàn nhìn họ như những con người phi thường, những vĩ nhân của thời đại mà ở họ cũng có những tính cách, những ham muốn, những hờn ghen…rất đỗi đời thường như những con người bình thường. Chính bởi cách nhìn “giải thiêng lịch sử” đối với các nhân vật anh hùng dân tộc đã khiến cho các nhân vật này trong tiểu thuyết của Lan Khai giàu sức sống hơn và đời hơn bao giờ hết. Từ việc tìm hiểu những đề tài chính trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai chúng tôi nhận thấy một số vấn đề cơ bản sau. Một là, cùng viết về đề tài lịch sử như rất nhiều tác giả đương thời nhưng Lan Khai không đi vào ca ngợi những chiến công của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như Nguyễn Tử Siêu, Tân Dân Tử mà chủ yếu ông tập trung vào các nội loạn của triều đình, của dân tộc, vào các triều đại có nhiều biến động, nhiều sóng gió để qua đó càng khắc họa sâu sắc hơn tính cách của các nhân vật. Cũng qua đó, nhà văn Lan Khai đã phản ánh những mâu thuẫn, tranh giành quyền lực của các triều đại, sự thống khổ, cơ cực của nhân dân, đặc biệt là số phận của những người phụ nữ. Từ đó tác giả phê phán, tố cáo sự độc ác của các bạo
70
chúa, của kẻ thù xâm lược và ca ngợi tinh thần yêu nước, chiến đấu, xả thân vì nước của các anh hùng: Lý Công Uẩn, anh em họ Vũ, Nguyễn Huệ, Bàn Tuyết Hận... Việc dựng lại những bài học của quá khứ trong tình hình nước ta đang nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, triều đình phong kiến thối nát, suy tàn như vậy chắc hẳn Lan Khai muốn khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Hai là, cũng chính vì thích xoáy sâu vào các triều đại có nhiều biến động và sóng gió nên Lan Khai cũng thường tập trung xây dựng các nhân vật lịch sử "có vấn đề", các nhân vật lịch sử vốn gây nhiều tranh cãi và từ đó đưa ra cách biện giải riêng của mình về nhân vật ấy, nhìn nhân vật dưới góc độ con người cá nhân chứ không hẳn chỉ con người xã hội, qua đó thể hiện sự nhân đạo và tiến bộ của nhà văn.
* * *
Ở trên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một cách cụ thể nhất trong điều kiện có thể về những đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai nhìn từ phương diện cảm hứng sáng tạo và đề tài. Về cảm hứng chủ đạo bao gồm cảm hứng dân tộc, cảm hứng lãng mạn và cảm hứng luân lý. Về đề tài, thông qua những đề tài cụ thể viết về vua chúa, về người phụ nữ và người anh hùng, nhà văn Lan Khai đã nêu lên những chủ đề mang ý nghĩa khái quát cao, đó là thân phận tình yêu, thân phận con người, những suy nghĩ, lựa chọn và cách hành xử của con người trong những biến động của lịch sử, trong những tình huống lịch sử nhất định. Cùng với đó là những tư tưởng ca ngợi những người anh hùng xả thân vì nước, phê phán những tên bạo chúa, kẻ thù xâm lược, tố cáo chiến tranh....
71
Chƣơng 3