Bên cạnh đề tài về vua chúa, người phụ nữ cũng là một trong những đề tài nổi bật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. Không có một cuốn tiểu thuyết lịch sử nào của Lan Khai vắng bóng người phụ nữ. Viết về người phụ nữ không phải là đề tài mới trong văn học Việt Nam, tuy nhiên khi xây dựng hình tượng người phụ nữ trong các tiểu thuyết của mình, Lan Khai đã làm mới đề tài này qua thái độ, quan niệm của mình về phái yếu.
Nhân vật đầu tiên chúng tôi muốn nói tới trong nhóm này đó chính là Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng trong Chiếc ngai vàng là một trong những nhân vật nữ tiêu biểu của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai. Đối với nàng, quyền thế, giàu sang, tuổi xuân và sắc đẹp đều đủ cả. Người con gái ở địa vị tối cao
61
ấy khi yêu cũng tương tư, cũng giận hờn vu vơ như bao cô gái khác. Chỉ mới gặp Trần Cảnh mà nàng đã ngày đêm thương nhớ, rồi tiếp đó, nàng gửi gắm nỗi niềm nhớ nhung ấy vào những bài thơ tình lãng mạn. Yêu và lấy Trần Cảnh, dù biết rõ âm mưu của Trần Thủ Độ, nhưng nàng vẫn nhường ngôi lại cho chồng, bởi ở Lý Chiêu Hoàng, con người cá nhân lớn hơn con người của xã hội, “nàng có thể mất hết phẩm giá, mất hết cơ nghiệp của ông cha, mất hết sự sung sướng của đời phú quý mà nàng vẫn có thể cam lòng đành phận, miễn sao nàng còn được yêu, sống mà yêu” [53, tr. 111]. Và khi bị Trần Thủ Độ phế ép xuống làm công chúa, chúng ta mới thấy rõ khao khát tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ này còn lớn hơn cả cái ngai vàng mà nàng đã có: "Trời ôi! Có thể nào như vậy được chăng? Chỉ vì một chiếc ngai vàng mà kẻ nhẫn tâm bách hại đến thế ư? Lợi danh là gì mà nó khiến cho loài người sinh lòng tham lam độc địa đến bậc ấy à? Cướp hết cơ nghiệp Liệt Thánh ta. Thủ Độ còn chưa thỏa, còn cướp nốt cả hạnh phúc của đời ta nữa! Phú quý ta có tiếc gì, nhưng một người đàn bà không thể sống không có tình yêu. Tình yêu của ta, Thủ Độ sắp làm cho tan nát, hắn sẽ giết ta một cách tàn nhẫn biết chừng nào!" [53, tr. 117]. Như vậy, với cương vị là người cầm quyền cuối cùng của nhà Lý, nàng đã không làm tròn bổn phận giữ được ngai vàng, nhưng với vai trò là một người phụ nữ, một người vợ, tất cả những gì nàng làm cho chồng đều thể hiện tình yêu và đức hi sinh – những phẩm chất truyền thống đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Khác với Chiêu Hoàng, Thái hậu Trần Thị Dung trong Chiếc ngai vàng lại được Lan Khai tập trung miêu tả ở khía cạnh khác. Sau khi Huệ Tôn bỏ ngôi đi tu, “thái hậu đã trở nên người quả phụ đa sầu. Cuộc đời nhạt nhẽo chốn thâm cung với cái danh hiệu quá tôn nghiêm nó trái hẳn với linh hồn còn trẻ trung của Thái hậu” [53, tr. 80]. Lan Khai đã rất tinh tế để hiểu được tâm trạng của thái hậu, người phụ nữ còn rất trẻ bỗng nhiên phải chôn vùi tuổi xuân của mình vì cái danh hiệu quá
62
tôn nghiêm mà mình đang mang. “Nhiều phen, cả cái khí lực trong người Thái hậu nổi phẫn lên với sự cô đơn ép uổng. Nhưng làn sóng kình rút lại, đành chịu tan nát trước những tảng đá lễ nghi. Sự uất ức càng to, cái trở lực càng vững thì sự sầu khổ càng nặng nề”. [53, tr. 80] Với những miêu tả về Thái hậu Trần Thị Dung, ta thấy ở Lan Khai một sự “giải thiêng” lịch sử, thái hậu cũng là người như biết bao người khác, thái hậu cũng là phụ nữ như biết bao người phụ nữ khác, rất muốn yêu và khao khát được yêu. Chính vì thế đối với thái hậu Lan Khai có cái nhìn rất cảm thông. Khác với Lý Chiêu Hoàng và thái hậu Trần Thị Dung, nhân vật Lan Anh trong Ai lên phố Cát được Lan Khai xây dựng như một nữ anh hùng rất mạnh mẽ và đầy quyết đoán. Sinh ra và lớn lên đúng vào thời buổi nhà Hậu Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung chuyên quyền, nhân dân cực khổ, nên Lan Anh dù là phận gái nhưng luôn đau đáu một tâm nguyện được dẹp loạn cứu dân cứu nước. Ngay từ bé, nàng đã “thích ăn vận con trrai và thích được mọi người gọi mình là công tử”. Nàng còn tỏ mình đúng là dòng dõi con nhà võ tướng, thấy gươm báu của cha là “vung múa tơi bời”, “không đầy hai năm, kiếm thuật của nàng đã khá lắm. Hai cha con đua tài, Thái công thường chịu” và “gương mặt nàng diễm lệ bao nhiêu thì tâm hồn nàng cứng cáp, khẳng khái bấy nhiêu […]. Hai bàn tay mềm mại, nõn nà kì thực sử kiếm, gươm cung ít kẻ sánh kịp […]. Ngoài con ngựa, thanh gươm báu và tên thị mã Trần Nghĩa, Lan Anh không yêu quý gì khác nữa” [53, tr. 145]. Qua những miêu tả ban đầu, tưởng chừng như ở nhân vật này chỉ có cung kiếm là bạn, nhưng Lan Khai đã rất tài tình khi khắc họa một thế giới tâm hồn đầy yếu đuối, mộng mơ đã được thức dậy bởi tình yêu đôi lứa của cô thiếu nữ mười tám đôi mươi này: “em yêu chàng lắm […], lòng em bỗng rung động lạ và bây giờ em mới nhận rõ cái bản chất đàn bà của em” [53, tr. 141 – 142]. Trong Treo bức chiến bào, nhân vật Đỗ Quyên cũng được xây dựng có nhiều nét giống với nhân vật Lan Anh của Ai lên phố Cát. Nàng sinh ra và lớn
63
lên vào lúc nhà Hậu Lê ngày một suy yếu, chị em Đặng Thi Huệ dựa hơi chúa làm nhiều điều ngang ngược. Bản thân gia đình Đỗ Quyên cũng tan nát dưới một tay Đặng Thị Huệ, trong hoàn cảnh trước là để giúp dân dẹp loạn, sau là để trả thù nhà, Đỗ Quyên cũng đã giả trai và gia nhập nghĩa quân của Nguyễn Huệ, bởi theo nàng “Nguyện Huệ có lẽ chính là người sẽ thực hiện cái mộng hào hùng của ta bấy lâu” [21, tr. 22]. Với võ nghệ cao cường, Đỗ Quyên dễ dàng vượt qua Nguyễn Quang Diệu để giành ấn tiên phong trong trận chiến dẹp loạn Bắc Hà. Cũng với tài năng võ nghệ và sự nhanh nhẹn hơn người, Đỗ Quyên đã cứu được Nguyễn Huệ khỏi vòng vây của Đinh Tích Nhưỡng: “quát to một tiếng, Đỗ Quyên múa cây họa bích đánh giết quân Trịnh rạt ra bốn bề, đoạn nhanh như cắt, Đỗ Quyên nhấc bổng Nguyễn Huệ đặt lên yên, rồi phóng ngựa chạy như bay”. Thế nhưng người con gái với vẻ ngoài mạnh mẽ ấy lại ẩn chứa bên trong một tâm hồn rất dễ xúc động. Thầm yêu Nguyễn Huệ nhưng chưa có dịp nói ra thì Nguyễn Huệ lại kết thân với công chúa Ngọc Hân khiến Đỗ Quyên “mặt nhợt nhạt như sáp ong, lảo đảo […]. Nàng tê mê, choáng váng, cử động giống hệt một người trong mộng […] nàng vừa ghen hờn, vừa đau đớn. Trái tim nàng như bị vò xé” [21, tr. 87], và việc nàng quyết định ra đi, ôm trọn mối tình thầm kín, ôm trọn bí mật về mình một lần nữa thể hiện tính cách sâu sắc của Đỗ Quyên. Còn như nhân vật Dương hậu trong Cái hột mận là con út riêng của Dương Vân Nga với Đinh Tiên Hoàng, tức chị em cùng mẹ khác cha với Ngọa triều hoàng đế. Khi xây dựng nhân vật này trong tác phẩm của mình, Lan Khai đã để cho Dương hậu bỏ qua mọi lễ giáo phong kiến khắt khe để sống và để yêu theo đúng những gì mình muốn. Vì giấc mơ quái đản của vua Ngọa triều, tất cả những người mang họ Lý đều bị án trầm hà, thế nhưng Dương hậu không chấp nhận việc Lý Công Uẩn cũng phải chịu án, nàng làm tất cả để cứu người mình yêu. Thế nhưng không may mắn, không có được tình yêu của Công Uẩn, Dương hậu ghen ghét với Bội Ngọc,
64
nàng tìm mọi cách hành hạ Công Uẩn nhưng “rút lại chỉ khiến nàng thêm thương xót Công Uẩn rồi thổn thức khóc thầm” và “giữa lúc căm hờn chàng nhất, hậu càng yêu mến khao khát chàng” [53, tr. 272]. Lan Khai tỏ ra khá am hiểu tâm lý người phụ nữ khi yêu. Vốn có quyền lực nhưng lại không có được tình yêu như mình muốn, tìm mọi cách hạnh hạ người mình yêu nhưng rốt cuộc chỉ làm mình thêm đau xót và càng thêm yêu người đó, Dương hậu đã sẵn sàng đánh đổi phẩm giá của mình để có được một vài phút giây hạnh phúc với Công Uẩn. Chính những suy nghĩ và những tình cảm rất đời của Dương hậu đã khiến cho tác phẩm gần với cuộc sống đời thường hơn.
Nếu như tất cả các nhân vật nữ vừa được kể trên đều là những người phụ nữ miền xuôi thì đến nhân vật Nhạn trong Đỉnh non thần, Lan Khai đã giúp người đọc hiểu được về đời sống, tâm tình của người phụ nữ dân tộc. Đó là người con gái đẹp, sống hồn nhiên, phóng khoáng "suốt ngày chỉ thích phóng ngựa, bắn cung" [53, tr. 384], thế nhưng ở người con gái đó khi yêu thì cũng yêu hết mình. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với Bàn Tuyết Hận, trái tim của nàng đã rung động khiến cho "bao nhiêu vang động của thế giới chỉ còn thấy ở tiếng đập của con tim chàng" [53, tr. 349]. Tình yêu trong người con gái ấy mãnh liệt đến mức ta như bắt gặp một nàng Tô Thị thứ hai khi nàng cứ ngày đêm lên đỉnh non Thần mong ngóng tin Tuyết Hận. Và khi hay tin người yêu mình đã tử trận, nàng hóa điên "cứ chiều chiều nàng lại lủi thủi một tấm lòng đã chết lên đỉnh non Thần, chờ mong cuộc gặp gỡ chẳng bao giờ có lại" [53, tr. 368].
Nếu như trong văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX đến 1945, ta thấy Hoàng Ngọc Phách quan tâm đến khát vọng tự do trong tình yêu, được lấy người mình yêu của người phụ nữ; Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo cũng rất quan tâm đến nỗi khổ tinh thần của người phụ nữ trước những ràng buộc khắt khe của xã hội phong kiến; nếu như trong văn học hiện thực
65
giai đoạn 1930 – 1945, khi viết về đề tài người phụ nữ, các nhà văn thường quan tâm đến những nỗi đau khổ về tinh thần, vật chất, về đời sống cơm áo gạo tiền như Tám Bính trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, chị Dậu trong Tắt đèn
của Ngô Tất Tố thì ở Lan Khai, trong tiểu thuyết lịch sử của mình, nhà văn lại quan tâm đến người phụ nữ ở cả khía cạnh con người xã hội và con người cá nhân. Đa số những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Lan Khai đều là những người phụ nữ đẹp, mạnh mẽ, dũng cảm, họ rất thấm thía nỗi đau trước cảnh đất nước bị xâm lược hoặc lầm than cơ cực dưới tay bạo chúa. Họ chiến đấu để đem lại cuộc sống ấm no và bình yên cho nhân dân như những người anh hùng. Bên cạnh đó, họ còn là những người phụ nữ với khát khao yêu đương, khát khao hạnh phúc mãnh liệt…Lan Khai đã thể hiện con người thật của các nhân vật lịch sử với những ham mê dục vọng thường tình, những yêu ghét giận hờn. Điều này chúng ta thấy ít có được ở các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đương thời mà phải sau đó hơn nửa thế kỉ, với những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh…chúng ta mới lại bắt gặp lối viết sáng tạo này.