Như chúng ta đã biết, trong khoảng thời gian từ đầu thế kỉ XX đến 1945, dưới sự bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp và sự thối nát của triều đình phong kiến, đời sống đại đa số nhân dân vô cùng cực khổ. Không giống như rất nhiều nghệ sĩ đương thời thoát li hiện thực, say đắm lạc thú tình yêu, say đắm trong cái tôi cá nhân, Lan Khai viết tiểu thuyết lịch sử và với những bài học lịch sử được nêu lên trong tác phẩm, nhà văn muốn kêu gọi mọi người đứng dậy đấu tranh, do đó cảm hứng dân tộc đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai.
Trong tiểu thuyết của Lan Khai, cảm hứng dân tộc được thể hiện trước tiên ở việc nhiệt thành ca ngợi những anh hùng đã tạo dựng nên những chiến công góp phần vào sự bình yên và hưng thịnh của xã hội: Lý Công Uẩn, Quang Trung, Chế Bồng Nga…. Trong Cái hột mận, nhà văn đã xây dựng
38
hình tượng Lý Công Uẩn là một dũng tướng, hết dẹp giặc Chiêm Thành lại trừ họa tên vua gian ác Lê Long Đĩnh. Với tài năng và lòng nhân đức, Lý Công Uẩn đã trở thành “đấng minh quân” của nước Đại Cồ Việt. Trong Treo bức chiến bào, vua Quang Trung được miêu tả là người “anh dũng xuất chúng, có thể cứu trăm họ ra khỏi sự lầm than”. Sau khi dẹp xong quân Chiêm Thành và quân Bồn Man, Nguyễn Huệ xuất hiện trong cuộc tranh ấn tiên phong ra dẹp loạn đất Bắc Hà, ông được nhân dân chào đón như một vị “anh hùng xuất chúng”, “những tiếng hoan hô dậy đất vang lên”. Tiếp đó Nguyễn Huệ đã thân chinh dẫn quân ra Bắc Hà đánh tan quân của Trịnh Khải và nhận lời giúp vua Lê Cảnh Hưng. Nhân vật Chế Bồng Nga trong tiểu thuyết cùng tên được Lan Khai xây dựng là hoàng tử với tuổi thơ đầy sóng gió, rất tinh thông võ nghệ và đặc biệt là sự hi sinh hết mình vì cố quốc thân yêu. Khi Chế Bồng Nga mới mười lăm tuổi, "phụ vương chàng, Chế Chí bị vua Anh Tôn nhà Trần lừa bắt, tông quốc chàng bị diệt vong" [53, tr. 287], rồi sau đó vương hậu chàng cũng tử tiết trong cung cấm, thì chàng cũng bắt đầu những tháng ngày lưu lạc nơi đất khách quê người. Tuy vậy ở con người ấy dường như chưa bao giờ nguôi ý định phục quốc. Sau mười lăm năm phiêu bạt, từng trải bao mưa nắng, Chế Bồng Nga trở về cố quốc thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng. Chàng được nhân dân gọi là "Đức Quân thượng", và hết thảy đều tự nguyện đi theo. Chàng thương cho tất cả số phận của những con người ấy mà rơi lệ. Phải thực sự thương yêu nhân dân, nghĩ về nhân dân, Chế Bồng Nga mới có những cảm xúc như vậy.
Bên cạnh việc ca ngợi những anh hùng dân tộc, cảm hứng dân tộc còn được thể hiện ở nỗi đau xót trước hiện thực đất nước bị xâm lược hay nói đến nỗi khổ của nhân dân trong cảnh nội loạn của dân tộc do những bạo chúa gây ra. Trong Gái thời loạn, ngòi bút miêu tả của Lan Khai nhiều khi như thấm đẫm cả máu và nước mắt trước hiện thực đất nước bị bọn giặc Cờ Đen đàn áp,
39
trước những hành động tra tấn dã man như thời trung cổ của chúng: “Chỉ chớp mắt, tiếp theo tiếng kêu gào của hai người khốn khổ, bốn cái tai đã rụng xuống đất lả tả như mấy cánh hoa tàn”. Không chỉ hành hạ người lớn, lũ giặc Cờ Đen còn hành hạ cả trẻ thơ: “tức mình vì đứa bé cứ bò quềnh bò quành gào khóc rầm rĩ; hắn (giặc Cờ Đen) nghiến răng vùng đứng xuống đất, nắm chân đứa bé tung bổng lên gần nóc nhà, đoạn giơ mũi gươm ra đón […]. Đứa nhỏ chới với rơi xuống, bị mũi gươm xóc qua ngực, ằng ặc được mấy tiếng rồi chết thẳng”. [53, tr. 22]. Hay như trong Treo bức chiến bào, tác giả dựng lại cảnh bối cảnh xã hội những năm nhà Hậu Lê đang suy yếu, Trịnh Sâm thì nhu nhược, toàn bộ quyền hành hầu như đều nằm trong tay chị em Đặng Thị Huệ, Mậu Lân dựa hơi chị làm biết bao điều chướng tai gai mắt khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, đến nỗi cứ tối tối, trong thành chỗ nào có hỗn loạn, nhân dân lại nghĩ ngay đến việc Mậu Lân đi bắt gái đẹp: “tên thị hầu tức khắc xông vào đàn bà con gái, bị dồn tới chỗ, đương xoắn lấy nhau mà kêu khóc. Hắn lôi ra một cô rất xinh, kéo xềnh xệch cô tại lại bên chiếc kiệu sơn có màu hoa phủ kín […]. Một người định cứu cô gái nhưng “tên lính rít gươm, một làn chớp lòa […], một tiếng kêu bị tắc nghẽn” [21, tr. 18]
Cảm hứng dân tộc còn được thể hiện qua việc đề cập đến ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược. Nhân vật Thục Nương trong Gái thời loạn, mặc dù là phận nữ nhi nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược cũng đã sẵn sàng quên đi tình riêng của mình với con tướng giặc Cờ Đen là Hoàng Thiếu Hoa để nghĩ đến trách nhiệm của mình, một người dân của nước Việt Nam bị xâm lược: “Hoàng Lang! Vâng, em yêu chàng lắm! Em thương chàng lắm…Nhưng mà, trời ơi! Trước hết em còn phải là một người con của mẹ, một người dân của nướcNam”.[53, tr. 74]. Hay như nàng Lan Anh trong Ai lên phố Cát, trong hoàn cảnh Mạc Đăng Dung chuyên quyền, toan cướp ngôi, không quản thân phận nữ nhi, không
40
quản đường xá xa xôi, nàng giả trai từ kinh thành lên vùng Tuyên Quang mong nhận được sự trợ giúp của anh em Vũ Uyên, Vũ Mật chống lại vây cánh Mạc Đăng Dung. Cũng giống như nhân vật Thục Nương trong Gái thời loạn, Lan Anh mặc dù rất yêu Vũ Mật nhưng khi biết chàng đứng về phe Mạc Đăng Dung, nàng “rũ liệt đi, cảm giác như trong tâm hồn có cả một cái gì vừa sụp đổ, tan tành”, nàng “phóng mạnh đao vào ngực” toan tự tử nhưng nghĩ đến việc cha mình vừa mất, nghĩa quân cự Mạc không có người lãnh đạo, Lan Anh quyết tâm “thúc ngựa lăn xả vào đám quân Mạc […] xông xáo như vào chỗ không người” [53, tr. 201]. Nhân vật Đỗ Quyên trong Treo bức chiến bào
cũng có nhiều điểm tương đồng với Lan Anh. Vốn là con của Nguyễn Khắc Tuân, sau khi việc cha mình giúp Trịnh Khải lật đổ phe Đặng Thị Huệ không thành và bị mất mạng, Đỗ Quyên đã giả trai gia nhập nghĩa quân của Nguyễn Huệ mong có cơ hội báo thù cho cha. Không những thế, nàng còn nhận thấy trách nhiệm của một người dân trong cảnh đất nước loạn lạc: “nước nhà đang cần phải có những người như Trưng nữ Vương, Lệ Hải Bà Vương, để bênh vực và giải thoát cho nhà Lê” [21, tr. 22]. Chúng tôi nhận thấy một điều, khi viết tiểu thuyết lịch sử, để nhấn mạnh ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, thay vì để cho các đấng nam nhi thể hiện điều đó, những điều tất yếu họ phải làm, Lan Khai đã chú tâm xây dựng những nhân vật nữ đầy khí phách, đầy bản lĩnh và trách nhiệm.