Cảm hứng luân lý

Một phần của tài liệu Lan Khai và thể loại tiểu thuyết lịch sử (Trang 43 - 47)

Cảm hứng luân lý là một trong những cảm hứng truyền thống của văn học Việt Nam thời kì trung đại. Sang đến thế kỉ XX, trước những thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, nguồn cảm hứng này có phần vơi đi trong các tác phẩm. Tuy nhiên, do viết về đề tài lịch sử, đối tượng chính trong các tác phẩm của Lan Khai là các triều đại phong kiến, các nhân vật sống dưới chế độ phong kiến nên cảm hứng luân lý vì thế vẫn trở thành một trong những cảm hứng chính của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai.

Với cảm hứng luân lý, khi viết về lịch sử, Lan Khai đã ca ngợi những con người có tinh thần trung quân ái quốc, có tinh thần xả thân vì nước. Đứng trước cảnh Mạc Đăng Dung chuyên quyền, đất nước loạn lạc, nhân dân đói khổ, cha con Lan Anh đã lập nên đội quân phản Mạc, phù Lê diệt Mạc. Cũng

45

vì sự nghiệp lớn này mà Lan Anh, dù chỉ là phận nữ nhi cũng không quản ngại khó khăn, tìm lên vùng Tuyên Quang mong nhận được sự hỗ trợ của anh em Vũ Mật. Rồi khi hay tin Chiêu Tôn Hoàng đế bị bắt giải về kinh, Lan Anh và những người cốt cán của nghĩa quân không nề hà nguy hiểm để vào thành cứu giá. Trong Chế Bồng Nga, ta một lần nữa được thấy sự trung quân kiểu như Kỉ Tín đem thân mình chết thay cứu thoát cho Cao Đế ngày xưa, đó chính là việc Bố Gia Luân nhận chết thay cho Bồng Nga khi căn cứ của họ bị bại lộ: “chúa công (tức Bồng Nga) hiện nay là hy vọng của một dân tộc, là linh hồn của ba quân, tấm thân nghìn vàng ấy, há nên quăng vào nơi miệng hùm nọc rắn hay sao? Giặc đến đây, chủ ý bắt chúa công. Nhân nó chưa tường mặt, tôi xin bắt chước Kỷ Tín khi xưa, chết thay vua Cao Đế” [53, tr. 316]. Trong Chiếc ngai vàng, không chấp nhận sự lộng quyền của Trần Thủ Độ, Hồng Châu và Đoàn Thượng – vốn là hai thượng tướng của Huệ Tôn đã dấy quân chống lại. Họ còn sai người đến tận nơi Huệ Tôn đang tu hành để dâng mật thư thể hiện rõ lòng trung nghĩa với vị vua già: “Kẻ hạ thần phận là biên trấn, nhưng ngày đêm lúc nào cũng lưu tâm đến việc trong triều. Những sự lộng quyền của gian tặc Trần Thủ Độ vẫn khiến hạ thần phải thâm gan tím ruột [...]. Kẻ hạ thần, nghĩ mình chịu ân vua lộc nước, đã thề cùng giặc Trần chẳng đội trời chung”. [53, tr. 95].

Ngoài ra, ca ngợi sự chung thủy trong tình yêu cũng là một biểu hiện của cảm hứng luân lý trong tiểu thuyết của Lan Khai. Trong Đỉnh non thần, nàng Nhạn và Bàn Tuyết Hận đã nảy sinh tình cảm với nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sức mạnh tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi trở ngại, mọi thù hằn ân oán giữa hai gia đình họ Bàn và họ Ma, vượt qua tất cả ràng buộc của lễ giáo phong kiến để rồi sau đó, khi Bàn Tuyết Hận tham gia phong trào Cần Vương, trước khi hi sinh, chàng còn cố gượng nói tên nàng Nhạn, còn nàng Nhạn thì

46

chiều nào cũng lên đỉnh non Thần dõi theo hình bóng Tuyết Hận: “nàng ngóng đợi tin chàng đến mòn mỏi như đã hóa tượng đá Vọng Phu”.

Cảm hứng luân lý trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai còn được thể hiện ở sự ca ngợi lòng hiếu thuận của con cái với cha mẹ. Trong Treo bức chiến bào, nhân vật Đỗ Quyên, sau khi biết tin việc lớn của cha là Nguyễn Khắc Tuấn giúp Trịnh Khải chống lại phe Đặng Thị Huệ bị bại lộ, cha mình không tránh khỏi tội chết, Đỗ Quyên buồn bã vô cùng. Việc nàng tìm đến với nghĩa quân của Nguyễn Huệ, đầu tiên chính là để thực hiện ý muốn cuối cùng của cha nàng, thứ hai là có thể nhờ đó trả được thù nhà, báo thù cho cha. Hay như tình cảm mà Bàn Tuyết Hận – một nhân vật trong tiểu thuyết Đỉnh non thần - dành cho người mẹ của mình cũng vậy. Bàn Tuyết Hận là con của Bàn Văn Nhị và Yến Xuân, tuy nhiên Yến Xuân đã liên kết với Ma Vạn Thắng giết chồng mình, bỏ lại Bàn Tuyết Hận khi đó còn là một đứa trẻ đỏ hỏn. Lớn lên bên người chú của mình, lúc nào Tuyết Hận cũng thèm có được sự chăm sóc ân cần của người mẹ, vì thế, mặc dù sau khi biết được sự thật về người mẹ của mình, Tuyết Hận vẫn yêu mẹ, vẫn cứu mẹ thoát chết. Có lẽ chính lòng hiếu thuận đối với mẹ đã khiến Tuyết Hận tha thứ tất cả cho mẹ.

Cảm hứng luân lý còn được thể hiện ở việc miêu tả những tình huống để nhân vật thể hiện tư tưởng luân lý. Trong Đỉnh non thần, trước sự thù oán của hai gia đình họ Ma và họ Bàn, Tuyết Hận vẫn không muốn dùng máu người để rửa sạch thù oán kia và luôn tự nhủ: “người ta sống trong bầu trời cảnh vật đẹp đẽ nhường này, có sao lại cứ phải thù oán giết hại nhau […]? Cớ sao người ta không yêu mến đồng loại và tất cả các sinh vật khác mà Hóa công đã tạo nên? Cớ sao cứ phải ghen ghét nhau, hằn học nhau, độc ác, ích kỉ? Và như thế để làm gì? Để một ngày kia rồi cùng chết?” [53, tr. 374]. Chính suy nghĩ ấy của Tuyết Hận đã cảm hóa được mẹ chàng – Yến Xuân, đã cảm hóa được chú chàng – Bàn Văn Tam, để rồi trước khi mất, Văn Tam còn cố nói với

47

Tuyết Hận: “trong phút này chú mới cảm thấy như lời cháu đã nói, cần phải xót thương và tha thứ”. Rõ ràng khi xây dựng nhân vật Bàn Tuyết Hận, Lan Khai đã chủ tâm đưa ra quan niệm rất tiến bộ, nhân đạo, đó là sự yêu thương giữa người với người, hãy loại bỏ tất cả những thù hằn, ân oán để xót thương, tha thứ, để sống tốt đẹp hơn.

Như vậy cảm hứng chủ đạo trong những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai là: cảm hứng dân tộc, cảm hứng lãng mạn và cảm hứng luân lý. Với tính chất đa dạng này của cảm hứng đã làm nên tính chất đa dạng trong hệ thống đề tài của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai.

2.2. Đề tài

Đối với các bộ môn nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, đề tài là một khái niệm rất phổ biến. Trong Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, thì đề tài được hiểu là “khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong đời sống văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung văn học […]. Đề tài của tác phẩm là một phương diện trong nội dung của nó, là đối tượng đã được nhận thức, lựa chọn gắn liền với dụng ý, thế giới quan, lập trường tư tưởng quan điểm thẩm mĩ của nhà văn” [16, tr. 110 – 112]. Hay nói cách khác, “đề tài là một phương diện của nội dung tác phẩm, nó chỉ phạm vi hiện thực cụ thể đã được nhà văn nhận thức, lựa chọn và phản ánh trong tác phẩm” [11, tr. 116]. Trong các tiểu thuyết lịch sử của mình, nhà văn Lan Khai không đi vào phản ánh các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như trong tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu- một cây bút viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng đương thời, mà chủ yếu ông đi vào các cuộc nội loạn của dân tộc ta trong xã hội phong kiến, cũng bởi vậy mà trong các tác phẩm của ông nổi lên một số đề tài tiêu biểu: đề tài về vua chúa, đề tài về người anh hùng, đề tài về người phụ nữ…

Một phần của tài liệu Lan Khai và thể loại tiểu thuyết lịch sử (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)