Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC)

Một phần của tài liệu Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (Trang 46)

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách của ngành công nghiệp điện và điện tử trong việc thống nhất hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thương mại, hợp tác khoa học kỹ thuật giữa các nước, Hội nghị về điện đầu tiên đã được tổ chức năm 1881. Tại Hội nghị này, các đơn vị về điện đã được thống nhất hóa đơn vị về điện này được coi như là một bản “Công ước quốc tế về Điện”, bởi lẽ từ đó đã tạo ra các bước thống nhất hóa tiếp theo cao hơn và không còn giới hạn chỉ ở một số nước phát triển.

Năm 1904, tại Mỹ, Hội nghị các đoàn đại biểu chính phủ tham gia Công ước quốc tế về Điện đã thành công trong việc thống nhất hóa các tiêu chuẩn về tên gọi, định nghĩa và kích thước danh nghĩa của các loại máy điện. Tại Hội nghị lần thứ 3, 13 nước tham gia họp tại Luân Đôn năm 1906 đã thống nhất lấy năm 1906 là năm thành lập tổ chức có tên gọi là Ủy ban Điện quốc tế, viết tắt là IEC. Phạm vi hoạt động của IEC là lĩnh vực công nghiệp điện và điện tử. Đến năm 1963, IEC thông qua được Điều lệ hoạt động đầu tiên cho mình.

IEC có nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực điện và điện tử, giúp cho việc điều hòa các hoạt động và thống nhất hóa các tiêu chuẩn quốc gia;

- Tổ chức việc trao đổi tài liệu, thông tin về tiêu chuẩn hoá, phổ biến và trao đổi kinh nghiệm giữa các nước hội viên;

- Đánh giá, chứng nhận sự phù hợp;

- Thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc gia, khu vực và quốc tế khác về những vấn đề các bên quan tâm. Hiện nay, IEC có quan hệ với hầu hết các tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế, khu vực, trong đó đặc biệt với ISO trong việc thống nhất những văn bản hướng dẫn về nghiệp

vụ tiêu chuẩn hoá, đánh giá chứng nhận chất lượng và thành lập ban kỹ thuật hỗn hợp về lĩnh vực công nghệ thông tin (JTC1), quan hệ hợp tác với Liên đoàn Viễn thông quốc tế (ITU) và với Ủy ban điện Châu Âu (CENELEC).

Từ khi thành lập đến nay, IEC hoạt động nhằm mục đích giúp cho sự phát triển của nền công nghiệp điện thế giới thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn về điện. Các tiêu chuẩn này chỉ nhằm áp dụng tự nguyện ở mỗi nước nhưng đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, kích thích việc nâng cao chất lượng, an toàn, sử dụng một cách hợp lý tài nguyên, kích thích sự cạnh tranh về vật liệu, sản phẩm cũng như hệ thống.

Việt Nam tham gia IEC từ năm 2002 và đã thành lập Ủy ban IEC của Việt Nam. Nhiều tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn thiết bị điện-điện tử được xây dựng trên tiêu chuẩn IEC. Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng Hệ thống chứng nhận phù hợp của IEC nhằm quy định thừa nhận lẫn nhau hàng hóa điện điện tử trao đổi với các nước khác. Việt Nam đã tham gia tích cực chương trình thừa nhận lẫn nhau các sản phẩm điện, điện tử các nước ASEAN phù hợp với tiêu chuẩn IEC.

Một phần của tài liệu Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (Trang 46)