Giai đoạn từ năm 1976-1986:

Một phần của tài liệu Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (Trang 33)

Đây là giai đoạn phát triển hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam trên phạm vi cả nước và những nỗ lực ban đầu để hội nhập với hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế trong thời kỳ đổi mới.

Sự kiện thống nhất đất nước đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho công tác tiêu chuẩn hóa. Từ năm 1976, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được triển khai trong phạm vi cả nước song song với việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Vai trò của công tác tiêu chuẩn hóa một lần nữa được nhấn mạnh trong Nghị quyết và Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức 4 (1976) và lần thứ 5 (1982) của Đảng, được định hướng phát triển nhằm phục vụ cho đường lối chung về xây dựng CNXH và đường lối xây dựng kinh tế XHCN trong giai đoạn mới của cuộc cách mạng nước ta.

Ngày 24/08/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 141/HĐBT ban hành “Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hóa”. Theo điều lệ này, đối tượng tiêu chuẩn hóa đã được mở rộng hơn và tiêu chuẩn được quy định là văn bản pháp chế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc hoặc khuyến khích áp dụng. Hệ thống tiêu chuẩn vẫn bao gồm 4 cấp, trong đó, tiêu chuẩn Việt Nam là tiêu chuẩn Nhà nước được xây dựng và ban hành để áp dụng cho các đối tượng tiêu chuẩn hóa có tầm quan trọng trong nền kinh tế quốc dân hoặc có liên quan tới nhiều ngành, tới an toàn lao động và sức khỏe của nhân dân. Quy trình, quy phạm được quy định là một dạng của tiêu chuẩn và được gọi là Tiêu chuẩn quy tắc và thủ tục.

Trong giai đoạn 1976-1986, hoạt động tiêu chuẩn hóa ở nước ta đã có những bước khai phá đầu tiên để gia nhập vào gia đình tiêu chuẩn hóa quốc tế. Năm 1977, Việt Nam tham gia Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) với tư cách là thành viên chính thức. Cuối năm 1978, Việt Nam là thành viên của Ban thường trực tiêu chuẩn hóa của Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa. Và đến năm 1989, Việt Nam là thành viên của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm (CAC). Hoạt động tiêu chuẩn hoá của nước ta đã không còn chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước và trong những mối quan hệ truyền thống với các nước XHCN khác mà đã bắt đầu vươn rộng hơn và xa hơn. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện sự hội nhập trong những năm tiếp sau. Trong giai đoạn này, chúng ta đã tham gia khá tích cực vào các hoạt động tiêu chuẩn hoá trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ kinh tế nhằm tăng cường

công tác tiêu chuẩn hoá ở nước ta làm cơ sở cho việc thực hiện chuyên môn hoá và hợp tác hoá trong mối quan hệ hợp tác sản xuất với các nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế.

Trong các năm 1984-1986, khoảng 1500 tiêu chuẩn Việt Nam đã được soát xét, đặc biệt là những tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành trước năm 1975, cho phù hợp với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và yêu cầu quản lý kỹ thuật và quản lý sản xuất kinh doanh của đất nước trong thời kỳ mới. Đây là đợt soát xét tiêu chuẩn quy mô đầu tiên được tiến hành trong khuôn khổ một chương trình có cơ sở lý luận và phương pháp thực hiện được văn bản hóa. Việc gia nhập ISO và tham gia vào Ban thường trực tiêu chuẩn hoá của SEV đã giúp chúng ta có được những nguồn tài liệu về tiêu chuẩn quốc tế hết sức quý báu. Chúng ta đã nhận được trên 4000 tiêu chuẩn ISO, trong đó trên 600 tiêu chuẩn ISO đã được dịch để tham khảo trong việc xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam.

Hoạt động phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn cũng được chú trọng hơn và gắn bó chặt chẽ hơn với các hoạt động quản lý đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các khâu của quản lý kinh tế. Việc áp dụng tiêu chuẩn đã cho thấy hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam còn thiếu đồng bộ, mất cân đối và các tiêu chuẩn cần phải được soát xét thường xuyên và định kỳ để đảm bảo phù hợp với thực tế.

Cũng trong giai đoạn 1976-1986, hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta được mở rộng ra phạm vi cả nước. Trong giai đoạn này, tuy đã có những bước tiếp cận ban đầu với hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế song nhìn chung hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta vẫn chịu sự chi phối của cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung. Về cơ bản, những bài bản cũ vẫn được vận dụng tuy đã có những cải tiến và đổi mới nhất định. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, với

việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ sau kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, những hoạt động nghiên cứu và phát triển mang tính cơ sở, nền tảng đã được thực hiện, đưa đến sự ra đời của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa.

Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986 đã đề ra đường lối đổi mới, mở ra một bước ngoặt lịch sử trong công cuộc xây dựng XHCN ở nước ta. Đổi mới cơ chế kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu với mục tiêu chuyển đổi cơ chế quản lý từ kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (Trang 33)