Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO)

Một phần của tài liệu Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (Trang 44)

Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) là tổ chức lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá. Các tiêu chuẩn của ISO có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế-xã hội, không chỉ mang lại hiệu quả cho các nhà sản xuất mà chúng còn có tính thực tế rất cao mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng trên toàn cầu.

ISO được thành lập năm 1946 tại Luân Đôn với 25 thành viên ban đầu, tổ chức này chính thức bắt đầu hoạt động từ 23/2/1947. Tổ chức ISO là mạng lưới toàn cầu bao gồm 159 quốc gia thành viên. ISO đã thành lập trên 200 Ban kỹ thuật của 6 ban chuyên môn nhằm nghiên cứu xây dựng các phương pháp luận thống nhất về tiêu chuẩn hoá cho các quốc gia và công bố 16.000 tiêu chuẩn quốc tế cho các đối tượng và lĩnh vực khác nhau.

ISO có nhiệm vụ:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa và thống nhất các tiêu chuẩn quốc gia và ban hành những kiến nghị cần thiết cho các nước thành viên;

- Xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế;

- Trao đổi các tài liệu, thông tin về hoạt động của các nước thành viên và của các Ban kỹ thuật;

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế trong những vấn đề có liên quan, đặc biệt là theo yêu cầu của các tổ chức này tiến hành nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công tác tiêu chuẩn hoá.

Kết quả của các hoạt động kỹ thuật của ISO là các Tiêu chuẩn quốc tế ISO. Các Tiêu chuẩn quốc tế mà ISO đã ban hành rất hữu ích cho nền công nghiệp, các tổ chức kinh tế, các Chính phủ, các Tổ chức thương mại, các Cơ sở kinh doanh nhà nước và tư nhân và cuối cùng là cho con người (bao gồm cả người cung cấp và người sử dụng). Các tiêu chuẩn của ISO đảm bảo cho các sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho con người được an toàn, vệ sinh và hiệu quả, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong thương mại giữa các nước với nhau. Hơn nữa ISO còn cung cấp cho các chính phủ cơ sở kỹ thuật về sức khỏe, môi trường pháp lý an toàn, sự trao đổi và giúp đỡ về công nghệ cho các nước đang phát triển.

Tổng số thành viên ISO tính đến cuối năm 2006 là 159 (96 thành viên đầy đủ, 40 thành viên thông tấn, 23 thành viên đăng ký). Ngân sách hoạt động của ISO ước khoảng 140 triệu CHF/ năm (trong đó 80% từ nguồn đóng góp của 36 thành viên chủ chốt, 20% còn lại lấy từ nguồn đóng niên liễm, bán tiêu chuẩn).

Là một tổ chức phi chính phủ và hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, để có thể thoả mãn được các yêu cầu cần thiết của cả kinh tế và xã hội, mục tiêu của ISO là thúc đẩy sự phát triển của công tác tiêu chuẩn hoá và các hoạt động có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ trên phạm vi toàn thế giới và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ, khoa học-công nghệ và kinh tế.

Một thành tựu quan trọng của ISO là đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn ISO 9000 từ 1987. Đây là Bộ tiêu chuẩn quy định Hệ thống quản lý chất

lượng mang tính thống nhất quốc tế. ISO 9000 đã được 159 quốc gia áp dụng và ước tính trên 800.000 các doanh nghiệp và tổ chức được chứng nhận (đến 8.2006). Bộ Tiêu chuẩn ISO 9000 là cơ sở để phát triển thương mại thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các quốc gia là tấm giấy thông hành để sản phẩm, hàng hóa có thể vào được thị trường các nước, các vùng lãnh thổ.

Việt Nam là thành viên của ISO từ năm 1977. Việt Nam ngày càng tham gia tích cực các hoạt động của ISO như là thành viên của các Ban chuyên môn và Ban kỹ thuật ISO, thường xuyên góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn ISO, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn ISO, ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trên cơ sở các khuyến nghị của ISO, đẩy mạnh chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn ISO đặc biệt là Bộ tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, ISO 17000…

Việt Nam đã thành lập gần 100 Ban kỹ thuật để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia tương ứng với các Ban kỹ thuật ISO. Các doanh nghiệp đã quan tâm áp dụng tiêu chuẩn ISO đặc biệt là các Tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, ISO 17000, ISO 22000. Từ năm 1990, Việt Nam đã công bố áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000 bằng việc chuyển đổi các tiêu chuẩn này thành tiêu chuẩn Việt Nam. Giữa năm 1995, chứng chỉ ISO 9000 đầu tiên đã cấp cho doanh nghiệp. Đến nay đã có 3500 doanh nghiệp đã được chứng nhận có hệ thống phù hợp tiêu chuẩn ISO 9000, 115 doanh nghiệp chứng nhận hệ thống môi trường (ISO 14000), 300 phòng thí nghiệm được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025...

Một phần của tài liệu Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (Trang 44)