Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hai cách tiếp cận đã được xác định để đối phó với nguyên nhân và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sự giảm thiểu (Mitigation) tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong khi sự thích ứng (Adaptation) lại tập trung vào giảm những thiệt hại tiềm năng do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra (Kariannede Bruin, 2011). Sự giảm thiểu được sử dụng để giảm những tác động tiềm năng của biến đổi khí hậu (hạn chế phát thải khí CO2) trong khi sự thích ứng được dùng để giảm những tổn thương xã hội do những tác động của biến đổi khí hậu (European Commission, 2010). Sự giảm thiểu tạo ra những lợi ích (toàn cầu) trong dài hạn (30 - 40 năm), sự thích ứng tạo ra những thích ứng trong ngắn và trung hạn. Sự giảm thiểu được dùng cho tất cả các lĩnh vực ở tất cả các quốc gia, trong khi sự thích ứng chỉ dùng cho những lĩnh vực và quốc gia cụ thể (European Commission, 2010). Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung vào những chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự thích ứng liên quan đến việc đưa ra các quyết định đầu tư để giảm thiểu những thiệt hại tiềm năng của biến đổi khí hậu và tận dụng những cơ hội mới. Thông qua việc thực hiện các chiến lược thích ứng, khả năng thích ứng của hệ thống tăng lên và mức độ nhạy cảm giảm đi, do đó làm giảm tính dễ tổn thương của xã hội do sự tác động của biến đổi khí hậu (Mastrandrea et al., 2010). Có nhiều dạng thích ứng khác nhau được phân biệt, bao gồm thích ứng phản ứng (Reactive), thích ứng chủ động (Proactive), thích ứng tự trị (Autonomous) và lên kế hoạch thích ứng (Planned), trong đó thích ứng chủ động là một phần không thể thiếu trong các chiến lược thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu (Fankhauser et al. 1999). Sự thích ứng được thực hiện theo quy mô không gian khác nhau và đòi hỏi phải có sự tích hợp nhiều phản ứng. Thích ứng cũng có thể chia làm 2 loại: thích ứng cứng (Hard Adaptation) và thích ứng mềm (Soft Adaptation) (World Bank, 2009). Thích ứng cứng là chúng ta thực hiện các chiến lược thích ứng như: xây đê ngăn mặn, xây đê ngăn nước biển dâng, xây nhà trú bão… Còn thích ứng mềm là chúng ta thực hiện các chiến lược thích ứng như: dựa vào cộng đồng để nâng cao nhận thức người dân, tái định cư hộ gia đình… Người làm chính
sách đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thực hiện những chính sách tối ưu nhất nhằm giảm tính dễ tổn thương với biến đổi khí hậu (Klein et al, 2003). Theo IPCC, thách thức đối với người ra quyết định là “tìm ra một hành động thích hợp với hiện tại và có khả năng chống chọi với những yếu tố không chắc chắn trong dài hạn” (Klein et al, 2007). Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, đòi hỏi các nhà lập chính sách phải phân tích kinh tế các chiến lược thích ứng, từ đó chọn ra những chiến lược cấp thiết nhất để thực hiện phù hợp với mục tiêu đã xác định.
Ước tính thiệt hại kinh tế của biến đổi khí hậu cho ta nhiều giá trị khác nhau. Tol (2002a) ước tính thiệt hại do biến đổi khí hậu toàn cầu trung bình nằm trong khoảng từ -3% đến 2% GDP toàn cầu. Báo cáo tổng hợp của Stern (Stern, 2006) đã trình bày ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế thế giới và chỉ ra những thiệt hại tăng gấp đôi so với báo cáo trên (5 - 20% GDP toàn cầu). Tuy nhiên, có nhiều phê bình về báo cáo trên của Stern (Byatt et al., 2006; Carter et al., 2006; Dietz et al., 2007; Mendelsohn, 2006; Nordhaus, 2007; Weitzman, 2007) vì đã áp dụng lãi suất chiết khấu thấp, lợi ích và chi phí lớn, đánh giá quá cao tác động của biến đổi khí hậu, lo ngại rủi ro, và thiếu xem xét tính không chắc chắn của biến đổi khí hậu.
Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu và những chi phí của sự thích ứng ở các nước đang phát triển đã nhận nhiều sự chú ý. WorldBank (2009) đã lượng giá chi phí của sự thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển và đã kết luận rằng “chi phí thích ứng với sự ấm lên khoảng 20C trên thế giới từ 2010 đến 2050 sẽ nằm trong khoảng từ 75 đến 100 tỷ USD mỗi năm. Watkiss và các cộng sự (2010) đã sử dụng mô hình đánh giá tổng hợp để ước tính thiệt hại do biến đổi khí hậu ở châu Phi, với sự không chắc chắn cao có thể dao động từ 1,5-3% GDP mỗi năm. Hơn nữa, tìm ra sự thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới là một chủ đề quan trọng của các cuộc hội nghị của UNFCCC tổ chức ở Copenhagen (UNFCCC, 2009) và Cancun (UNFCCC, 2010b) và được bàn luận trong nhiều tài liệu (Dellink et al., 2009; Paavola and Adger, 2006).
Tuy nhiên, vẫn có những dự đoán không chắc chắn về biến đổi khí hậu cũng như những tác động của nó, và chi phí và lợi ích của những biện pháp thích ứng/ giảm thiểu cũng không chắc chắn vì còn có những tác động tiềm ẩn sau khi đầu tư vào những chiến lược thích ứng/ giảm thiểu. Ví dụ, nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu đối với nguy cơ lũ lụt ở lưu vực sông chỉ ra nhiều kết quả, mô tả trong một
số trường hợp cho thấy xu hướng lũ liên quan tới dòng chảy tại các sông (Milly et al., 2002; Petrow and Merz, 2009), nhưng những báo cáo khác nhau cho kết quả khác nhau, có báo cáo nêu ra sự thay đổi tăng trong khi có báo cáo lại cho rằng sự thay đổi đã giảm và có báo cáo lại cho rằng nó không đổi trong thời gian dài (Kundzewicz et al., 2005; Mudelsee et al., 2003).