Thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các cuộc hội nghị khoa học và hoạch định chính sách, đặc biệt trong việc thẩm định các chiến lược thích ứng. Các tài liệu khoa học về sự thích ứng tập trung giải quyết những tác động, tính dễ tổn thương và những hạn chế của chiến lược thích ứng (Adger, 2006; Smit and Wandel, 2006; Smit et al., 2001), nhưng có rất ít tài liệu đề cập phân tích những lợi ích và chi phí của chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Phân tích các lựa chọn thích ứng yêu cầu phải có sự đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu, thiết kế và lựa chọn các chiến lược thích ứng trong sự tham vấn chặt chẽ với các tác nhân liên quan và các chuyên gia, và phân tích những lựa chọn thích ứng dựa vào một tập hợp các mục tiêu. Các chiến lược thích ứng tốt nhất được lựa chọn nhờ vào sử dụng các công cụ hỗ trợ ra quyết định khác nhau, dựa vào những mục tiêu khác nhau như hiệu quả, hiệu suất và tính khả thi.
Những đánh giá định lượng và định tính tập trung phân tích toàn diện những khía cạnh cụ thể của từng chiến lược thích ứng: chi phí, lợi ích, kết quả sau khi thực hiện chiến lược, hiệu quả xã hội… (Ebi and Burton, 2008; Rosenzweig et al., 2007) và nó được thực hiện để chọn ra các chiến lược thích ứng cấp quốc gia. Nhiều phương pháp kinh tế khác nhau được phát triển với mục đích là nhận dạng và đo lường những chiến lược thích ứng như phân tích hiệu quả - chi phí (Cost-Effectiveness Analysis), phân tích lợi ích - chi phí (Cost - Benefit Analysis) và phân tích đa mục tiêu (Multi- Criteria Analysis). Hiện nay, những phân tích trên được phát triển rộng hơn gồm hai khái niệm liên quan là phân tích tài chính và phân tích kinh tế. Phân tích tài chính chỉ liên quan đến dòng tiền vào và dòng tiền ra của nhà đầu tư, hay người ta thường gọi dạng phân tích này là dựa trên quan điểm cá nhân. Còn phân tích kinh tế không chỉ tính toán đến dòng tiền vào và dòng tiền ra của nhà đầu tư mà còn liên quan đến những tác động tiêu cực và tích cực tới môi trường và xã hội, do vậy dạng phân tích này thường được gọi dựa trên quan điểm xã hội. Như vậy đều là CBA hoặc CEA nhưng
kết quả phân tích tài chính sẽ có sự khác biệt so với phân tích kinh tế, đây là điểm mấu chốt đòi hỏi các nhà làm CBA hoặc CEA cần hết sức lưu ý. Đối với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu thường sử dụng phân tích kinh tế sẽ phù hợp hơn (Nguyễn Thế Chinh, 2009). Các nhà kinh tế học thường sử dụng CBA để phân tích các chiến lược thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc định lượng lợi ích do đầu tư mang lại đối với môi trường và xã hội gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể, để khắc phục tồn tại này người ta đã sử dụng phương pháp phân tích đa mục tiêu và phân tích chi phí hiệu quả, trường hợp này vận dụng rất tốt cho biến đổi khí hậu khi lựa chọn công nghệ cho giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và CH4, bởi lẽ việc tính toán cho giảm một đơn vị phát thải tiến hành dễ dàng nhưng lợi ích của việc giảm thải đó có tính xã hội không thể định lượng được.