2.2.2.1. Khu vực kinh tế nông – lâm - thuỷ sản
Sản xuất nông lâm thủy sản phát triển ổn định, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến.
a) Sản xuất nông nghiệp:
- Cây hàng năm:
Tổng diện tích gieo trồng trong năm 2013 trên toàn huyện là 10.061 ha, đạt 100,9% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực được 18.045 tấn, đạt 100,8% kế hoạch.
- Cây lâu năm:
Theo số liệu thống kê 2013, diện tích đất trồng cây lâu năm là 5.610,07 ha, trong đó diện tích trồng xoài 2.732 ha, diện tích đã cho thu hoạch 2.380 ha, giảm 172 ha so với cùng kỳ, năng suất bình quân 114,55 tạ/ha, tăng 3,64 tạ/ha, sản lượng đạt 27.263
tấn (chủ yếu tập trung vào một số giống xoài có năng suất và hiệu quả cao như xoài Cát Hòa Lộc, xoài Úc). Diện tích xoài giống mới đã chuyển đổi được 815 ha.
b) Sản xuất lâm nghiệp:
Công tác chăm sóc và trồng rừng được quan tâm, đã triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2013 với diện tích 176,24ha và 150ha rừng phòng hộ; ban hành kế hoạch thực hiện trồng rừng ngập mặn ven Đầm Thủy Triều cho giai đoạn 2011-2015.
c) Sản xuất thủy sản:
Đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, hạn chế sử dụng kháng sinh, phát triển nuôi trồng theo công nghệ sinh học, đảm bảo sản phẩm sạch cung ứng cho xuất khẩu, khắc phục ô nhiễm môi trường, góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường Đầm Thủy Triều, diện tích nuôi trồng thủy sản 787,87 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 2.529 tấn, đạt 60,2% kế hoạch, bằng 98,9% so với năm 2012; sản lượng khai thác hải sản được 1.458 tấn, đạt 149% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2012.
2.2.2.2. Khu vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp
Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Suối Dầu. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển trên cơ sở sự phục hồi của nền kinh tế. Tổng giá trị sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp toàn ngành năm 2013 là 2.271,274 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2012; trong đó, doanh nghiệp Nhà nước 24,7 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, kinh tế ngoài Nhà nước 1.588,4 tỷ đồng, bằng 7% so với cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 587,9 tỷ đồng, tăng 8%, kinh tế cá thể 70,2 tỷ đồng, tăng 8,6%.
2.2.2.3. Khu vực kinh tế thương mại - dịch vụ
Ngành dịch vụ phát triển đa dạng với nhiều loại hình hoạt động, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và dân sinh. Giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ (theo giá cố định năm 1994) ước được 504 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch, tăng 18% so với năm 2012.
Tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn 170 triệu USD, đạt 89,4% kế hoạch, tăng 8,28% so với 2012.
Du lịch là một trong những thế mạnh của huyện cũng như một trong những ngành kinh tế phát triển mạnh của tỉnh Khánh Hòa. Với chiều dài bờ biển là 13 km, có bãi cát trắng mịn và nhiều tiềm năng cho phát triển, mở ra khả năng phát triển nhiều
loại hình du lịch, chủ yếu thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (xã Cam Hải Đông) là nơi tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại gắn liền với biển, đảo.
Theo quyết định 101/TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển vịnh Cam Ranh thời kỳ đến năm 2010 và Quyết định số 3005/2010/QĐ-UBND ngày 19/11/2010 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu vực Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 thì khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) sẽ được đầu tư xây dựng trở thành khu du lịch quốc gia. Đây là sự khởi đầu thuận lợi và là tiền đề phát triển cho huyện Cam Lâm mới thành lập.
Tuy nhiên, đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thời gian qua ở Bắc bán đảo Cam Ranh do các cá thể, tư nhân kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống, tắm biển mang tính tự phát. Mặc dù có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký đầu tư vào khu du lịch nhưng do trong quá trình còn vướng về thủ tục pháp lý (quy hoạch chi tiết xây dựng, suất đầu tư .v.v...), nên chưa được triển khai xây dựng.