2.1.1.1 Vị trí địa lý, tiềm năng và lợi thế
Huyện Cam Lâm nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa, là một trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa, được thành lập năm 2007, Huyện có ranh giới hành chính như sau:
- Phía Đông của huyện giáp biển Đông với đường bờ biển dài 13 km; - Phía Tây giáp huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn;
- Phía Nam giáp thành phố Cam Ranh;
- Phía Bắc giáp thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh.
Nguồn: UBND huyện Cam Lâm, năm 2014 Hình 2.1. Bản đồ huyện Cam Lâm.
Diện tích tự nhiên toàn huyện là 55.025,83ha, dân số là 102.784 người (tính đến 31/12/2009). Huyện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 13 xã và 01 thị trấn. Theo số liệu kiểm kê đất đai 2010, Cam Hải Tây là xã có diện tích nhỏ nhất (chiếm
2,17% diện tích tự nhiên của huyện) và xã có diện tích lớn nhất là xã Suối Cát (chiếm 18,25% diện tích tự nhiên của huyện).
Bảng 1. Diện tích tự nhiên theo đơn vị hành chính
STT Tên đơn vị hành chính Diện tích tự nhiên (ha)
Tỷ lệ (%)
1 Cam Tân 2.929,97 5,32
2 Cam Hòa 3.800,54 6,91
3 Cam Hải Đông 3.763,55 6,84
4 Cam Hải Tây 1.191,67 2,17
5 Sơn Tân 5.532,38 10,05
6 Cam Hiệp Bắc 1.489,17 2,71
7 Thị trấn Cam Đức 1.754,03 3,19
8 Cam Hiệp Nam 2.010,24 3,65
9 Cam Phước Tây 8.769,74 15,94
10 Cam Thành Bắc 2.096,19 3,81 11 Cam An Bắc 2.137,83 3,89 12 Cam An Nam 1.934,45 3,52 13 Suối Cát 10.042,11 18,25 14 Suối Tân 7.573,96 13,76 Tổng diện tích tự nhiên 55.025,83 100,00
(Nguồn: Kết quả Kiểm kê đất đai năm 2010) Huyện Cam Lâm có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội và cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hoà, có Khu công nghiệp Suối Dầu; khu du lịch Hòn Bà, khu du lịch Bãi Dài sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu Du lịch - Thương mại mang tầm khu vực và quốc tế, có không gian đầm Thủy triều, gần hệ thống cảng biển Nha Trang, Cam Ranh và cảng hàng không Cam Ranh; có đường Quốc Lộ 1A chạy qua trung tâm huyện và đường sắt chạy từ phía Bắc đến phía Nam huyện; nằm giữa hai đô thị lớn của tỉnh là thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh, vị trí này là lợi thế rất lớn trong việc giao lưu, thông thương cũng như hỗ trợ đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Huyện có đường bờ biển và vịnh Cam Ranh dài gần 40 km, có hồ chứa nước
Suối Dầu, hồ Cam Ranh. Vì vậy, huyện Cam Lâm có vị trí rất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Khánh Hòa và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Vị trí này là lợi thế rất lớn trong việc giao thương cũng như hỗ trợ đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh cũng như trên cả nước.
Tuy nhiên cũng đặt ra thách thức rất lớn cho huyện Cam Lâm trong điều kiện mới thành lập, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện để thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế xã hội địa phương.
2.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Cam Lâm có địa hình đặc trưng của vùng chuyển tiếp bán sơn địa của vùng duyên hải miền Trung: có cả biển, đồi và vùng đất bằng, cùng với phần đất liền còn có thềm lục địa và vùng lãnh hải khá rộng. Phần phía Tây của huyện giáp với Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, địa hình chủ yếu là núi thấp và đồi, song khó khăn là độ dốc lớn và địa hình chia cắt mạnh, độ dốc 15-250, cao trung bình 700m, gồm các xã: Sơn Tân, Cam Phước Tây, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Bắc và Cam Tân. Vùng đồi thoải là vùng đan xen - giao thoa giữa vùng núi cao và vùng đồng bằng ven biển, có độ dốc 3-80. Đây là vùng đất phì nhiêu, rộng lớn, có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Vùng kế tiếp là vùng đồng bằng ven biển nhỏ hẹp phân bố ở Cam Tân, Cam Hoà địa hình thấp dần từ Tây sang Đông với các dạng địa hình núi, đồi, đồng bằng, ven biển và biển khơi. Tiếp đến là dạng địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, thỉnh thoảng có núi đá chạy ra sát biển chia cắt dải đồng bằng ven biển thành những đồng bằng nhỏ hẹp. Vùng bờ biển và thềm ven bờ là khu vực có nhiều tiềm năng trong việc hình thành và phát triển kinh tế biển trong tương lai. Huyện Cam Lâm có bờ biển dài 13 km, dọc bờ biển và Đầm Thủy triều là bãi cát mịn rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Nhìn chung, địa hình huyện thấp dần từ Bắc vào Nam và từ Tây sang Đông. Địa hình toàn huyện chia làm 3 dạng chính như sau:
- Địa hình núi cao:
Dạng địa hình này có nhiều núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, có diện tích 18.350 ha, chiếm 33,35% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Độ cao trung bình so với
mặt biển khoảng 500 m; có ngọn núi cao 1.554 m (Hòn Bà). Vùng này chủ yếu là đất lâm nghiệp và đất đồi núi chưa sử dụng.
- Địa hình núi thấp:
Tiếp giáp với vùng núi cao là vùng núi thấp, có diện tích 15.390 ha, chiếm 27,97% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Vùng này chủ yếu là đất trồng cây lâu năm như xoài, điều, dừa, sắn, mía, rừng trồng, vườn rừng...
- Địa hình đồng bằng, đồi thoải:
Có diện tích 21.285,3 ha, chiếm 38,68% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Vùng này chủ yếu trồng lúa, màu, nuôi trồng thuỷ sản, tập trung các khu dân cư, khu sản xuất công nghiệp – TTCN...
Nhìn chung địa hình huyện Cam Lâm rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tổng hợp Công nghiệp – Thương mại, Dịch vụ, Du lịch, sản xuất Nông - Lâm nghiệp – nuôi trồng và đánh bắt hải sản; song cũng có không ít khó khăn trong việc khai thác sử dụng đất vào sản xuất nông - lâm nghiệp do thiếu nguồn nước và địa hình đồi, núi dốc bị chia cắt mạnh.
2.1.1.3. Khí hậu
Theo tài liệu phân vùng khí hậu tỉnh Khánh Hòa thì huyện Cam Lâm nằm trong tiểu vùng khí hậu đồng bằng và ven biển xen kẽ đồi, núi thấp, có đặc điểm :
Các vùng đất sản xuất nông nghiệp, dân cư sinh sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh đều nằm ở vùng địa hình cao dưới 200 m, tương đối bằng phẳng, xen kẽ gò đồi. Lớp phủ thực vật chủ yếu là lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả lâu năm, rừng trồng và cây phân tán.
- Nhiệt độ: đặc trưng cơ bản của tiểu vùng khí hậu này là nền nhiệt độ cao và lượng mưa thấp nhất tỉnh, gió Tây khô nóng dưới 15 ngày/năm. Biên độ nhiệt độ hàng tháng dao động 6 - 80C. Nhiệt độ trung bình năm là 26-270C. Tổng tích ôn khoảng 9.600-9.7000C, số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.500-2.600 giờ/năm.
- Lượng mưa trung bình năm từ 1.100 - 1.300 mm, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 và tập trung đến 70-80% lượng mưa cả năm; mùa mưa chỉ kéo dài trong 2-4 tháng, các tháng còn lại nắng ấm, rất thuận lợi cho mùa du lịch.
Tóm lại, những đặc điểm khí hậu, thời tiết huyện Cam Lâm rất thuận lợi cho tham quan du lịch biển, nhất là từ tháng 1 đến tháng 8; ánh sáng nhiều là điều kiện tốt cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Song cũng cần chú ý đến các hiện tượng bất lợi như lũ lụt về mùa mưa, khô hạn về mùa khô; gió Tây nóng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, chăn nuôi gia súc, đặc biệt vào mùa trổ bông, ra hoa của cây trồng.
2.1.1.4. Thuỷ văn và hồ chứa
Dãy Trường Sơn thuộc địa phận huyện Cam Lâm chạy gần sát biển. Do vậy huyện không có sông lớn mà chủ yếu chỉ có một số sông nhỏ và suối chảy có chiều dài dòng chảy ngắn và dốc.
Hệ thống sông, suối huyện Cam Lâm khá nhiều, phân bố khá đều về không gian và có lưu vực lớn, có vị trí thuận lợi để đắp đập xây dựng các hồ chứa nước lớn; vùng đầu nguồn còn rừng thưa, rừng nghèo và trung bình nên nguồn nước khá phong phú. Nhiều suối nhỏ, mùa khô không có nước. Các sông, suối chính gồm có :
+ Suối Dầu: là một nhánh bên phải của sông Cái Nha Trang, diện tích lưu vực 272 km2.
+ Suối Thượng: có chiều dài 22 km, diện tích lưu vực 142 km2. Khi đầu tư nâng cấp sẽ tưới 1.700 ha và cấp nước sinh hoạt, cho khu du lịch bãi Dài và khu công nghiệp Bắc Cam Ranh.
+ Suối Tà Rục: có chiều dài 23 km, diện tích lưu vực 173 km2. Trên suối đang xây dựng hồ chứa nước Tà Rục, đang thi công vào giai đoạn chặn dòng.
Trên các suối của huyện đã xây dựng một số công trình thuỷ lợi (đập dâng) như: đập Quyết Thắng, đập Dốc Nùng (xã Cam Phước Tây); đập Đá Dựng, đập ông Tán (Cam Hoà) để khai thác nguồn nước tưới cho cây trồng (chủ yếu là lúa), cấp nước cho sinh hoạt.