Năm 2012 nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên nền kinh tế các nước phát triển vẫn tiếp tục gặp nhiều biến động và thách thức biến động và thách thức trong quá trình hồi phục và còn gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư vốn. Đối với môi trường kinh tế trong nước, hoạt động kinh doanh tiền tệ vẫn còn phải đối mặt với khó khăn về nguy cơ lạm phát, căng thẳng về thanh khoản, diễn biến phức tạp của tỉ giá, cung cầu ngoại tệ. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, đặc biệt giữa các nhóm ngân hàng cổ phần, các ngân hàng nước ngoài hoạt động 100% vốn tại Việt Nam và các kênh đầu tư khác. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân hàng Nhà nước Khánh Hoà tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế.
Căn cứ vào định hướng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 của NHNN, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh xác định các chỉ tiêu định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hoạt động của ngành ngân hàng Khánh Hòa năm 2013 như sau:
Một số chỉ tiêu định hướng:
- Dư nợ tín dụng: Dự kiến tăng khoảng 12% so với cuối năm 2012 theo định hướng tăng trưởng tín dụng chung cả nước.
- Tỷ lệ nợ xấu: dưới 5%
Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
- Các Chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2013, cụ thể:
- Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
- Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp thông báo của ngân hàng Nhà nước và Hội sở chính. Ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án có hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển KTXH địa phương. Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp với khả năng huy động vốn và chủ trương hạn chế đô la hoá trong nền kinh tế. - Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
- Tổ chức, triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: cho vay mua nhà ở xã hội, cho vay mua nhà ở với lãi suất thấp nhằm kích cầu bất động sản; chính sách cho vay phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu, chăn nuôi và chế biến xuất khẩu tôm theo công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012, …
- Thực hiện mục tiêu giảm lãi suất, các Chi nhánh TCTD chấp hành nghiêm các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
- Tăng cường và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa các rủi ro và hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Chủ động và quyết liệt trong xử lý nợ xấu, không thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ ngân hàng [7].