3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.4.3.1. Phòng bệnh
- Tiêm phòng bằng vắc xin
Từ năm 1880 đã có nhiều công trình nghiên cứu chế tạo vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng và được đưa vào sử dụng như vắc xin vô hoạt bacterin không có bổ trợ, vắc xin vô hoạt có bổ trợ keo phèn, vắc xin sống giảm độc, vắc xin bổ trợ dầu. Vắc xin được sử dụng rộng rãi là vắc xin bổ trợ keo phèn, được tiêm hai lần trong năm, tạo được hiệu lực phòng hộ cao, độ dài miễn dịch kéo dài đang được sử dụng nhiều nước như Mã Lai, Indonexia, Ai Cập, Irắc và Srilanka (De Alwis, 1984) [51]; FAO, 1991 [56]).
Biện pháp tối ưu nhất được các nhà nghiên cứu nhắc đến trong phòng chống bệnh tụ huyết trùng là sử dụng vắc xin tiêm phòng. Theo Bùi Quý Huy (1998) [12] việc tiêm phòng bệnh cho gia súc bằng vắc xin là một nhu cầu cần thiết và biện pháp phòng bệnh tích cực nhất. Phạm Huy Thuỵ (2000) [32] thông báo khi kết quả tiêm phòng đạt trên 90% thì bệnh được ổn định.
Ở Việt nam, hiện đang có các loại vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu bò như vắc xin tụ huyết trùng trâu bò nhũ hoá với liều tiêm 2ml/con, độ dài miễn dịch 12 tháng (Phan Thanh Phượng, 2000) [21]. Vắc xin tụ huyết trùng nhũ dầu chủng P52 do Trung tâm nghiên cứu thú y, Công ty thuốc thú y TW nghiên cứu sản xuất với liều tiêm 2ml/con, độ dài miễn dịch 12 tháng (Phạm Quang Thái và cs, 2007) [27]. Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò chủng Iran với liều dùng 1 - 2ml/con, độ dài miễn dịch 6 tháng.
56
Để phòng bệnh tốt hơn, Theo De Alwis (1999) [55] ngoài việc tiêm phòng bằng vắc xin, cần phải thực hiện 3 biện pháp kèm theo sau:
- Xây dựng hệ thống chuyên môn, quản lý thông báo dịch tốt. Điều này sẽ làm cho thông tin về những ổ dịch xảy ra được nhận biết nhanh nhất từ đó có biện pháp phòng chống nhanh, hiệu quả, tránh được lây lan bệnh.
- Thúc đẩy nhận thức của người chăn nuôi về bệnh, hướng dẫn họ cách phát hiện bệnh và biện pháp phòng chống. Hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng, sử dụng trâu, bò hợp lý; tránh gây ra các stress.
- Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát, kiểm dịch. Ngăn chặn việc sát nhập, vận chuyển các gia súc từ các vùng có dịch vào hoặc đi qua các địa phương.