3.3.1. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tạo ra sản phẩm cũng như duy trì, phát triển hoạt động du lịch. Để xây dựng và duy trì một nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, nhằm phục vụ thị trường khách du lịch Ấn Độ đầy tiềm năng, các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam nên thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:
Có chính sách trả lương cho nhân viên và hướng dẫn viên phù hợp với mức giá của thị trường như hiện nay để động viên họ toàn tâm toàn ý cho công việc. Khen thưởng và xử phạt xứng đáng, rõ ràng với những nhân viên và hướng dẫn viên làm việc tốt hoặc kém, cả về tinh thần và vật chất. Có thể giữ lại một phần lương tháng hay hồ sơ gốc trong một thời gian nhất định để giữ cho nhân viên không phá hủy hợp đồng.
Cần chú trọng nhiều tới đội ngũ hướng dẫn viên vì họ chính là khâu cuối cùng và quan trọng quyết định sự hài lòng của du khách. Có chính sách ràng buộc hoặc khuyến khích động viên để giữ được những hướng dẫn viên tốt. Có chiến lược đào tạo và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên còn non yếu về tay nghề. Đặc biệt nên có chính sách để giúp đội ngũ hướng dẫn viên cộng tác không chuyên thành đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Ví dụ, bảo đảm cho họ lương hợp lý, ký hợp đồng dài hạn, được hưởng quyền lợi và bảo
hiểm lâu dài...Hiện nay, phần nhiều các hướng dẫn viên không phải là hướng dẫn viên chính thức của một công ty riêng biệt nào. Họ thường làm hướng dẫn cộng tác viên cho một vài công ty. Có những hướng dẫn cộng tác coi hướng dẫn là nghề phụ của mình.
Cần ưu tiên các hướng dẫn viên kỳ cựu có kinh nghiệm, nhưng đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên trẻ để có thể phục vụ dài lâu. Có thể đưa ra biện pháp như: “Hướng dẫn viên có kinh nghiệm sẽ kèm cặp, giúp đỡ hướng dẫn viên mới”. Thời gian đầu, các hướng dẫn viên mới có thể đi cùng tour để vừa quan sát thực tập nghề, vừa thực hành tiếng và hỗ trợ cho đoàn.
Cần tạo điều kiện về thời gian cho hướng dẫn viên như gửi những chương trình tour đơn giản qua email, thanh toán luôn ngay sau khi hướng dẫn viên nộp đầy đủ các chứng từ. Có thể thanh toán qua tài khoản của hướng dẫn viên, nhận chương trình qua email để hướng dẫn viên đỡ tốn kém thời gian đi lại. Thực tế cho thấy rằng, khi vào mùa tour, hầu như các hướng dẫn viên có kinh nghiệm cao đều kín lịch làm việc. Do vậy, việc mất nhiều thời gian để đến văn phòng là không cần thiết. Nhiều hướng dẫn viên đã tranh thủ cho khách nghỉ ngơi ở khách sạn hay xem múa rối để tới văn phòng nhận chương trình và muộn ít nhiều thời gian khi trở lại là không tránh khỏi. Điều này đã làm ảnh hưởng tới chất lượng tour và sự hài lòng của du khách.
Nghiêm túc và chặt chẽ với việc tuyển chọn hướng dẫn viên nhằm mục đích đảm bảo chất lượng phục vụ, thu hút có hiệu quả thị trường khách Ấn Độ tiềm năng. Chỉ nên sử dụng những hướng dẫn đã có thẻ hướng dẫn viên, đã qua những lớp học về chuyên môn có cấp văn bằng chứng chỉ. Ví dụ, đã tốt nghiệp về du lịch, đã qua các lớp học bổ túc về du lịch hoặc lớp nghiệp vụ hướng dẫn du lịch…
Tuyển chọn điều hành du lịch là người nói được tiếng Anh thành thạo vì điều hành du lịch phải giải quyết rất nhiều công việc liên quan trong tour, hiện nay có nhiều công ty sử dụng nhân viên điều hành tiêng Anh còn kém. Có chính sách cử nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp đi học và thực tập tại Ấn Độ, mời các chuyên gia du lịch người Ấn Độ về tư vấn cho nhân viên vào những thời gian thấp điểm. Khách du lịch Ấn Độ có những đăc điểm riêng nên các doanh nghiệp du lịch cần nắm bắt được điều này để có biện pháp phục vụ tốt thị trường khách Ấn Độ.
Một số doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng lưu niệm và các dịch vụ bổ sung nên học tập Thái Lan, dùng nhân viên là người Ấn Độ ở vị trí bán hàng giúp việc bán hàng thêm hiệu quả.