+ Các giải pháp về thị trường
Các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu kỹ xu hướng biến động và đặc điểm tiêu dùng của thị trường khách Ấn Độ để có những chính sách Marketing cho phù hợp với từng phân đoạn của thị trường.
Ấn Độ là thị trường lớn và mới nổi nên có nhiều quốc gia đặt mục đích thu hút với những chiến lược marketing độc đáo, hấp dẫn. Hiện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mới chỉ đón được khách Ấn Độ từ một số lượng rất ít khách du lịch Ấn Độ. Chính vì thế các doanh nghiệp du lịch cần kết hợp với Tổng cục Du lịch để khẩn trương có những chiến lược marketing phù hợp nhằm cạnh tranh thu hút họ đến với du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng nên có những chiến lược marketing phân biệt cho một số đoạn thị trường để có cách phục vụ và khai thác hiệu quả. Ví dụ, khách du lịch giải trí thuần túy, khách hội nghị hội thảo, các nhóm khách trên 20, dưới 40 tuổi là khách du lịch có mức độ chi tiêu trung bình, có sức khỏe, thiên nhiều về các hoạt động sôi nổi như
thể thao, vui chơi giải trí, các câu lạc bộ đêm; khách du lịch trên 40, dưới 60 tuổi là khách có mức độ chi tiêu cao, tour giải trí nhẹ nhàng...
+ Các giải pháp về sản phẩm du lịch
Các doanh nghiệp du lịch cần định hướng chung về sản phẩm du lịch. Hiện nay, sản phẩm du lịch Việt Nam đang phục vụ thị trường khách Ấn Độ vẫn là sản phẩm du lịch truyền thống. Cần hoàn thiện hơn các khâu phục vụ một cách chuyên nghiệp hơn. Đồng thời xây dựng và tiếp thị sản phẩm theo chuyên đề như tour di sản, tour văn hóa, tour nghỉ dưỡng biển, tour khám phá...
Kết hợp với các nước trong khu vực để xây dựng các sản phẩm liên kết, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Xây dựng hệ thống nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ tại các tuyến điểm du lịch trọng yếu. Các công ty lữ hành và nhà hàng có thể liên kết với nhau để mở các nhà hàng này. Đặc biệt tại các thành phố lớn cần xây dựng nhà hàng Ấn Độ có quy mô lớn hơn nhằm phục vụ cho các đoàn khách đông và hội nghị hội thảo.
Các khách sạn từ 3* trở lên cần phái có ít nhất một đầu bếp biết nấu đồ ăn Ấn Độ để phục vụ ăn sáng tại khách sạn cho khách và các bữa ăn khác để chủ động phục vụ theo yêu cầu của khách
Các trung tâm mua sắm hàng hóa và quà lưu niệm cần nghiên cứu kỹ đặc điểm về nhu cầu, sở thích, tâm lý tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp của khách Ấn Độ để có thể cung cấp những sản phẩm du lịch cho phù hợp và đem lại sự hài lòng cho du khách ví dụ khách Ấn Độ rất thích những sản phẩm trang sức cao cấp là đá quý, quần áo vải vóc, đồ lưu niệm làm bằng tay, đồ gia dụng mỹ nghệ cao cấp.
Giá của sản phẩm du lịch là một yếu tố nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn của du khách và ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, thành công, thất bại của các doanh nghiệp, công ty, cơ sở phục vụ du lịch. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm mua sắm hàng hóa và quà lưu niệm cần có những chiến lược định giá và điều chỉnh giá cho phù hợp theo từng đối tượng khách và theo thời điểm khách đi du lịch. Đặc biệt khách Ấn Độ là dòng khách chi tiêu rất chặt chẽ, hay mà cả giá thì vấn đề định giá phù hợp luôn là yếu tố quan trọng nhất để khách chịu chi tiêu tại Việt Nam. Giá tour, giá khách sạn hay chi phí vận chuyển nên có các mức từ thấp tới cao để phù hợp với nhiều đối tượng du khách khác nhau.
Theo đối tượng khách, cần tập trung định giá theo 2 nhóm sau:
* Nhóm khách có khả năng chi trả cao
Chú ý nhiều tới uy tín và chất lượng sản phẩm hơn giá thành vì ở nhóm này khách thường không quan tâm nhiều tới giá cả. Với họ, giá thành cao đồng nghĩa với chất lượng cao. Nhóm khách này thường đi theo đoàn riêng và nhỏ lẻ, đi nhiều vào giữa mùa đông, thời điểm lạnh nhất của Ấn Độ, đi vào những dịp lễ, tết, những kỳ nghỉ dài ngày của Ấn Độ.
* Nhóm khách có khả năng chi trả trung bình (mức phổ thông)
Chú ý nhiều tới giá thành nhưng vẫn phải bảo đảm được chất lượng của sản phẩm. Khách nhóm này thường quan tâm nhiều tới giá cả, các chương trình khuyến mại, giảm giá, thường đi theo các đoàn ghép, nhóm khách này thường đi vào mùa hè gồm các đối tượng học sinh sinh viên, gia đình. Nhóm khách này thường có khả năng chi trả trung bình nhưng đi theo đòan với số lượng lớn nên đem lại nhiều lợi nhuận cho du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, cở sở phục vụ liên quan cũng nên điều chỉnh giá hợp lý vào các thời điểm khác nhau của mùa du lịch.
+ Các giải pháp về kênh phân phối sản phẩm
Các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cần phát triển đồng thời kênh phân phối trực tiếp và gián tiếp để du khách Ấn Độ dễ dàng lựa chọn và tiếp cận với du lịch Việt Nam.
- Về kênh phân phối trực tiếp
Các doanh nghiệp du lịch, các nhà cung ứng sản phẩm và dịch vụ du lịch của Việt Nam nên tận dụng đầu tư và phát triển nhiều hơn nữa kênh phân phối trực tiếp cho du khách. Ấn Độ là một quốc gia có trình độ phát triển công nghệ cao, có mạng lưới viễn thông hiện đại, đặc biệt là internet rất phát triển. Vì vậy, du khách Ấn Độ có thể mua sản phẩm và dịch vụ du lịch Việt Nam trực tuyến. Do không qua các khâu trung gian nên giá thành sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ rẻ hơn, thu hút được nhiều khách hơn. Việc xây dựng các webside bằng cả 2 thứ tiếng Anh và Ấn Độ sẽ là công cụ hữu hiệu nhất trong việc phát triển kênh phân phối này của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và dịch vụ du lịch Việt Nam.
- Về kênh phân phối gián tiếp
Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ với các đối tác gửi khách của Ấn Độ. Việc tham gia các hội chợ thương mại và du lịch, hội thảo xúc tiến du lịch tại Ấn Độ, mở các chuyến đi Famtrip cho các công ty du lịch của Ấn Độ tới Việt Nam, giới thiệu và trao đổi thông tin để thuyết phục các hãng lữ hành bán sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách Ấn Độ là những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy việc phân phối sản phẩm qua kênh phân phối gián tiếp này.
Các doanh nghiệp du lịch, nhà cung ứng sản phẩm và dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng cần phát triển kênh phân phối gián tiếp qua một số tổ chức khác như qua các công ty tổ chức Hội nghị, hội thảo, các tổ chức Báo chí tại Ấn Độ, các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ giải trí, trung tâm mua sắm...
+ Các giải pháp về xúc tiến quảng bá du lịch
Mặc dù Việt Nam có lợi thế về sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú để đáp ứng nhu cầu của khách Ấn Độ nhưng nếu các doanh nghiệp không có chiến dịch quảng bá, xúc tiến đến thị trường này thì sản phẩm sẽ không được du khách biết đến.
Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động đề đạt và tư vấn lên Tổng cục Du lịch tổ chức thường xuyên các chương trình quảng bá về du lịch Việt Nam tới khách Ấn Độ. Có thể tranh thủ sự tài trợ của chính các doanh nghiệp thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo, triển lãm và các cuộc giao lưu văn hóa...Các doanh nghiệp du lịch liên kết với nhau trong các hoạt động xúc tiến, liên kết với các cơ sở lưu trú, nhà hàng Ấn Độ nhằm triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá tới thị trường khách Ấn Độ. Có thể thực hiện các biện pháp liên kết xúc tiến, quảng bá như liên kết mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ, hợp tác tham gia các hội chợ du lịch tại Ấn Độ, cùng phát hành các ấn phẩm quảng cáo du lịch đến thị trường này.
Cần thường xuyên cập nhật thông tin để không bỏ lỡ cơ hội trong các cuộc giao lưu, hội chợ, hội thảo, hội nghị trong nước mà có sự tham dự của người Ấn Độ. Tranh thủ xúc tiến và quảng cáo hình ảnh của du lịch Việt Nam tới nước bạn như tặng các ấn phẩm du lịch, các đĩa và sách giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam.
Liên kết với các hãng hàng không quốc tế của Ấn Độ để thực hiện các chương trình tour kết hợp tới Việt Nam
Hiện tại, ở Việt Nam có nhiều người Ấn Độ đang công tác, làm việc và sinh sống. Các doanh nghiệp du lịch cũng có thể thông qua họ để quảng cáo du lịch Việt Nam đến thị trường khách Ấn Độ.