Thực trạng hoạt động xúc tiến trực tiếp của ngành Du lịch Việt Nam tới thị

Một phần của tài liệu Các giải pháp làm tăng lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam (Trang 67)

tới thị trường KDL Ấn Độ

Vừa qua diễn ra các hoạt động quan trọng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Ấn Độ và Việt Nam, 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ và 20 năm thiết lập quan hệ Ấn Độ - ASEAN vừa diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều người chợt nhận ra: Mỗi năm có hàng chục triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài, trong đó có hàng triệu người sang các nước ASEAN nhưng lại chẳng có mấy ai đến Việt Nam. Vì sao? Câu trả lời là công tác xúc tiến Du lịch với thị trường này hầu như không có, hoặc không đáng kể.

Việt Nam được coi là trụ cột trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ. Phát biểu tại hội thảo "Giao thương Việt Nam - Ấn Độ" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 3/1, thay mặt Chính phủ Ấn Độ, Bộ trưởng Du lịch K.Chiranjeevi Konidala nhấn mạnh: "Việt Nam là một trụ cột trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ. Chúng tôi ưu tiên cao quan hệ với Việt Nam về mặt song phương lẫn đa phương trong khuôn khổ ASEAN, sẵn sàng tăng cường mối quan hệ chiến lược đặc biệt về kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, khoa học kỹ thuật, văn hoá, du lịch...".

Đại sứ đặc mênh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae khẳng định mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã có truyền thống tốt đẹp lâu đời, đặc biệt sự kết nối bằng đường biển, sự giao thoa về mặt văn hoá giữa hai nước đã có từ hàng nghìn năm nay thông qua hành trình cổ xưa của các thương gia, các nhà truyền giáo Ấn Độ sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ông nêu rõ: "Khi Ấn Độ bắt đầu triển khai chính sách "hướng Đông" và cải cách nền kinh tế vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước thì Việt Nam cũng tiến hành công cuộc "đổi mới". Đến thời điểm này chính sách "hướng Đông" đã bước vào giai đoạn rất sâu rộng, nền kinh tế Ấn Độ đã có sự phát triển vượt bậc và hội nhập mạnh mẽ sâu rộng vào thị trường thế giới. Chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ và công cuộc "đổi mới" của Việt Nam đã mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước hợp tác!".

Tương tự, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ đang phát huy rất có hiệu quả và thực chất dựa trên 5 trụ cột then chốt là: chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Quan hệ đó được tiếp sung lực mới sau khi Hiệp định thương mại song phương ASEAN - Ấn Độ (FTA) chính thức được ký kết. Ông cho rằng quan hệ Ấn Độ - Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong

thời gian tới. Nền tảng lâu đời của mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ cũng như công cuộc đổi mới của Việt Nam là những yếu tố thuận lợi giúp mang lại cơ hội thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, là điểm trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác, hữu nghị lý tưởng giữa hai nước như nêu trên, lẽ ra trao đổi khách du lịch hai chiều cũng sẽ tăng trưởng tương ứng. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: "Hàng năm có khoảng 14,5 triệu lượt người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài, trong đó có gần 2,5 triệu lượt khách Ấn Độ sang các nước ASEAN. Tuy nhiên số khách Ấn Độ tới Việt Nam hiện không đáng kể, chủ yếu là khách công vụ, thương gia và các nhà đầu tư".

Từ năm 2001, Việt Nam và Ấn Độ đã ký Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ. Tại các phiên họp Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, nội dung hợp tác du lịch luôn được coi trọng, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện đi lại thuận lợi... Với trên 1 tỉ dân, tỉ trọng dân số có thu nhập cao có nhu cầu đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng, Ấn Độ đang thực sự trở thành thị trường nguồn khách quan trọng, nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Tuy nhiên trên thực tế, hợp tác du lịch giữa hai nước vẫn còn hạn chế, chưa đi vào thực chất. Trao đổi khách giữa hai nước còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn của hai bên. Hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Ấn Độ mới chỉ dừng ở mức độ tìm hiểu thông tin, khả năng, nhu cầu hợp tác, còn việc trao đổi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch giữa hai nước vẫn chưa nhiều. Theo các chuyên gia trong ngành cho rằng nguyên nhân do cơ quan du lịch quốc gia của hai nước chưa thực sự chủ động phối hợp xây dựng chương trình hợp tác cụ thể, chưa tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch. Vì vậy thông tin về sản phẩm du lịch, các điểm du lịch

cũng như về các doanh nghiệp du lịch còn rất thiếu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch phù hợp thị hiếu, nhu cầu, hấp dẫn đối với khách du lịch hai nước. Bên cạnh đó, việc hiện chưa có đường hàng không trực tiếp kết nối giữa hai nước đang là rào cản lớn đối với việc đi lại của khách du lịch hai bên.

Để thúc đẩy hợp tác khai thác tiềm năng du lịch Việt - Ấn, hai bên cần tăng cường hợp tác trên cả phương diện nhà nước, giữa cơ quan du lịch của hai quốc gia lẫn giữa các doanh nghiệp du lịch, các địa phương với nhau. Một trong những điều kiện có ý nghĩa quyết định là hai nước cần sớm mở các đường bay thẳng trực tiếp kết nối các trung tâm của nhau. Đồng thời tập trung tháo gỡ các rào cản như thủ tục visa vốn chưa tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa khách du lịch hai bên...

Hiện nay Jet Airways Ấn Độ và Vietnam Airlines đang cố gắng xúc tiến các thủ tục để đến cuối năm 2013 có thể mở đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam, dự kiến nối hai thủ đô New Dehli và Hà Nội hoặc TP Mumbai với TP.HCM. Đặc biệt, sau khi hoàn tất việc sửa đổi Hiệp định Hàng không dân dụng giữa hai nước sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp hàng không của hai nước mở đường bay thẳng với nhau.

Năm 2011, lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam đưa Ấn Độ vào nhóm thị trường tiềm năng mà ngành du lịch phải có những hoạt động xúc tiến thị trường, xây dựng sản phẩm để thu hút khách. Cuối năm 2011 tổng cục đã thực hiện chuyến khảo sát thị trường Ấn Độ để tìm cách phát triển thị trường này. Hiện tại, du khách từ Ấn Độ đang là nguồn khách lớn của du lịch một số nước lân cận như Thái Lan hay Singapore. Tuy nhiên, du khách từ nước này đến Việt Nam vẫn rất ít, chủ yếu là một số đoàn khách du lịch kết hợp công vụ, hiếm khách du lịch thuần túy và rất ít công ty du lịch khai thác thị trường này.

Ông Eracham V. Saleem – giám đốc marketing của công ty TNHH Kỳ nghỉ Tầm Nhìn Thái đã nhiều lần sang Ấn Độ để tiếp thị thị trường cho điểm đến Việt Nam nhận định Ấn Độ có nguồn khách khá tốt, tiềm năng rất cao, nhưng khó khai thác vì khách chưa biết đến du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí tour đến Việt Nam cao hơn so với các nước lân cận, đi lại không thuận tiện vì chưa có đường bay thẳng nên phải quá cảnh qua Singapore hoặc Bangkok của Thái Lan. Nếu muốn phát triển thị trường, đặc biệt là hút khách du lịch thuần túy thì trước hết phải có đường bay thẳng

Một số công ty du lịch có phục vụ khách Ấn Độ phản ánh thị trường Ấn Độ hiện khó khai thác hơn một số thị trường khác, chủ yếu là khách công vụ nhưng lượng khách tăng trưởng rất thấp. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến giá cả, đường bay và cả ẩm thực. Tìm được nhà hàng Ấn tại Việt Nam để phục vụ khách rất khó trong khi đó rất hiếm khách Ấn có thể ăn liên tục món Việt Nam như những du khách nước ngoài khác.

Theo bà Điệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch đã cân nhắc rất nhiều vấn đề trước khi đưa Ấn Độ vào nhóm thị trường tiềm năng cần phát triển: "Có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn vấn đề không có đủ nhà hàng cho khách Ấn cũng là điều mà chúng tôi tính toán. Trước hết, ngành du lịch phải khảo sát để tìm hiểu nhu cầu để chuẩn bị dịch vụ, tiếp thị".

Hiện nay Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt ra đề án thu hút khách du lịch từ 8 thị trường du lịch trọng điểm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Úc, Pháp, Nga. Hoạt động xúc tiến thực tế Ấn Độ còn là một thị trường còn xa lạ với công tác xúc tiến của ngành Du lịch Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở ý tưởng và còn đang nghiên cứu tiếp. Hầu như chưa hề có một hoạt động quảng bá Du lịch thực sự nào cũng như hoạt động cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam được các cơ quan quản lý về Du lịch Việt Nam xúc tiến thực hiện tại Ấn Độ. Một vài doanh nghiệp Du Lịch Việt Nam thực hiên công tác xúc tiến du lịch tại thị trường này mới

chỉ dừng lại ở mức thăm dò thị trường. Toàn ngành Du lịch Việt Nam chưa hề có một kế hoạch hay chiến lược cụ thể bắt tay vào xúc tiến khai thác khách Du lịch tại Ấn Độ.

Hàng năm Ấn Độ thường xuyên tổ chức một số hội chợ quốc tế về Du lịch rất lớn tại các thành phố lớn của nước này, thu hút số lượng lớn các đơn vị/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia. Cụ thể như là 2 hội chợ du lịch quốc tế rất lớn như SATTE (South Asia’s Leading B2B Travel and Tourism Event), hội chợ OTM (Outbound Travel Mart) đều được tổ chức thường niên tại Mumbai, New Delhi và một số bang khác tại Ấn Độ. Năm 2012 Hội chợ Quốc tế SATTE tại New Delhi thu hút 550 đơn vị tham gia đến từ 33 nước trên thế giới và 23 bang của Ấn Độ, thu hút 6249 Buyers và Sellers. Năm 2012 Hội chợ OTM với 941 đơn vị quảng bá đến từ 35 quốc gia và 25 bang của Ấn Độ thu hút 22098 khách thăm quan. Hầu hết đại diện du lịch của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á tham gia những hội chợ này như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên không có đại diện của Việt Nam. Những năm gần đây mỗi năm những hội chợ này cũng thu hút 1 hoặc 2 doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam tham gia, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quảng bá đơn lẻ manh mún, không tạo được ấn tượng và sức hấp dẫn cho đối tác cũng như du khách thăm quan. Chính vì vậy thường các doanh nghiệp này chỉ tham gia một năm rồi lại bỏ không tham gia những năm tiếp theo.

Có thể nói công tác xúc tiến của ngành Du lịch Việt Nam trực tiếp tới thị trường khách Du lịch Ấn Độ là chưa đáng kể, nhạt nhòa. Hầu hết mới nằm trong kế hoạch, tìm hiểu nghiên cứu, chưa có những hoạt động quảng bá nào được tiến hành có quy mô.

Một phần của tài liệu Các giải pháp làm tăng lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam (Trang 67)