Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Các giải pháp làm tăng lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam (Trang 83)

Mặc dù Ấn Độ chưa phải là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam nhưng với tốc độ gia tăng đều đặn và nhanh chóng của thị trường này trong những năm gần đây thì việc đáp ứng đội ngũ nhân lực phục vụ trong ngành du lịch có hiểu biết về dòng khách này là việc làm cần thực hiện ngay của Tổng cục Du lịch và các Ban ngành có liên quan.

Tổng cục Du lịch cần tổ chức đánh giá thực trạng nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách du lịch Ấn Độ cả về số lượng và chất lượng. Từ đó, có các chương trình hỗ trợ như mở ra các hội thảo chuyên đề về khách du lịch Ấn Độ do các chuyên gia người Ấn Độ hoặc các nhà làm du lịch có kinh nghiệm chuyên phục vụ khách Ấn Độ ở các nước lân cận về dạy; mở các lớp bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn cho hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khách Ấn Độ. Các Sở quản lý du lịch ở các địa phương cũng cần vừa kết hợp và thông qua Tổng cục du lịch, vừa tự lập ra những kế hoạch cụ thể cho mình để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ khách du lịch Ấn Độ. Cần thường xuyên mở các chương trình đào tạo

nâng cao nghiệp vụ dịch vụ trong các ngành trong du lịch đạt trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế như nghiệp vụ hướng dẫn, nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng... Giảng viên phải là những chuyên gia có hiểu biết và kinh nghiệm cao trong mỗi chuyên đề, có thể là trong nước hoặc mời các chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt là các chuyên gia đã nghiên cứu sâu về dòng khách du lịch Ấn Độ.

Tổng cục Du lịch và các Sở du lịch nên có kế hoạch liên kết và phối hợp thường xuyên với Đại sứ quán Ấn Độ và một số tổ chức có liên quan để đề nghị hỗ trợ tổ chức đào tạo cung cấp thường xuyên những thông tin cập nhật, những kiến thức về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, về kinh tế xã hội của hai nước để học viên có thể nắm bắt được một cách tốt nhất; trang bị kiến thức về hội nhập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, am hiểu thị trường, luật lệ quốc tế, hành vi tiêu dùng của khách du lịch Ấn Độ cho đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch và cho đội ngũ hướng dẫn viên.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mà chủ đạo là Tổng cục Du lịch cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở các khóa học tiếng Anh tại các trường đại học và cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các cuộc thi nói tiếng Anh, các cuộc thi hành trình hướng dẫn viên bằng tiếng Anh để khích lệ tinh thần và nâng cao chất lượng học tập, nhằm cung cấp nguồn nhân lực nói tiếng Anh du lịch dồi dào cho đất nước nói chung và cho ngành du lịch nói chung. Theo TS. Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Du Lịch thì mục tiêu lâu dài của ngành là thúc đẩy tăng cường kỹ năng tiếng Anh cho lao động ngành du lịch, nên chuẩn tiếng Anh sẽ là căn cứ để thực hiện.

Tổng cục Du lịch cũng nên thường xuyên tổ chức các buổi hội họp, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của một số quốc gia đi trước và đang có kinh nghiệm trong

việc thu hút thị trường du khách Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới như Malaysia, Singapore, Thailand, Úc...

Tổng cục Du lịch nên cung cấp thường xuyên các tài liệu về nghiệp vụ chuyên môn, về tiêu chuẩn nghề, về những thông tin cập nhật nhất liên quan tới chuyên môn và nên tổ chức thường xuyên hơn, chặt chẽ, công khai hơn, về các hội thi và kiểm tra về trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ nhân viên phục vụ du khách quốc tế nói chung cũng như du khách Ấn Độ nói riêng. Tổng cục cũng nên tiến hành kiểm tra thường xuyên với những hướng dẫn không có thẻ hành nghề và xử lý theo pháp luật.

Tổng cục cũng nên thường xuyên cử các cán bộ tham gia làm việc tại các tổ chức du lịch của Ấn Độ, tạo môi trường đào tạo và điều kiện để cán bộ du lịch Việt Nam được giao lưu, nắm thêm thông tin, tranh thủ thêm hỗ trợ, chương trình, dự án hợp tác quốc tế cho Du lịch Việt Nam.

Một phần của tài liệu Các giải pháp làm tăng lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam (Trang 83)