Về phía chính phủ

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến việt nam (Trang 64)

5. Kết cấu của luận văn

4.2.2Về phía chính phủ

Để có thể thúc đẩy và gia tăng khả năng tham gia thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp, ngoài sự chủ động và nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp thì các cấp quản lý và nhà hoạch định chính sách cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thông qua các công cụ chính sách hiệu quả, chính phủ có thể hỗ trợ và tạo ra một môi trường thuận lợi giúp cho doanh nghiệp phát huy lợi thế cạnh tranh và gia nhập thành công vào thị trường thế giới. Kết quả nghiên cứu từ đề tài này, dù vẫn còn hạn chế về các yếu tố môi

trường bên ngoài, nhưng vẫn có thể đưa ra một số kiến nghị cho các cấp quản lý nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường xuất khẩu hơn trong tương lai. Một số gợi ý chính sách được trình bày dưới đây.

Thứ nhất, xuất phát từ kết quả ước lượng về ảnh hưởng của các đặc trưng doanh

nghiệp đến khả năng tham gia xuất khẩu, chính phủ có thể tạo điều kiện để hỗ trợ những đối tượng doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm xuất khẩu, doanh nghiệp trẻ đang mong muốn mở rộng thị trường qua kênh xuất khẩu thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, thương mại (Cục xúc tiến thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,…) cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa trong việc hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Vai trò này có thể được thực hiện thông qua việc đứng ra tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm xuất khẩu của các doanh nghiệp có kinh nghiệm; hoặc phối hợp tổ chức các hội chợ triễn lãm ngành; giới thiệu các hội chợ triễn lãm trên thế giới về các thị trường xuất khẩu tiềm năng đến với doanh nghiệp để từ đó tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp bạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xây dựng và cập nhật thường xuyên hồ sơ thị trường xuất khẩu bao gồm: quy định về nhập khẩu; chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao gói, nhãn mác; quy định về kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; các địa chỉ hữu ích khi có nhu cầu nhập khẩu đến thị trường này,…Tất cả những thông tin này sẽ là kênh chính thống và hữu ích giúp cho doanh nghiệp có những kiến thức cơ bản về thị trường nước ngoài để giúp họ giảm bớt chi phí và thời gian gia nhập thị trường.

Thứ hai, kết quả ước lượng cho thấy áp lực cạnh tranh trong nước (Competition) có

ảnh hưởng ngược chiều và có ý nghĩa đến khả năng tham gia xuất khẩu của các doanh nghiệp. Điều này cũng phản ánh một thực tế rằng khi doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nước và doanh nghiệp có vốn FDI thì sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất từ đó ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả hoạt động khiến cho doanh nghiệp khó có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như tham gia thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, về phía nhà hoạch định chính sách thì tác động ngược chiều này cũng không hẳn là vấn đề quá lo ngại vì nó thường xảy ra trong ngắn hạn và có thể đóng vai trò là cơ chế sàng thử thách và

lọc tự nhiên và hiệu quả trong dài hạn để thị trường loại bỏ những doanh nghiệp năng lực quá yếu kém và không tạo được lợi thế cạnh tranh để tồn tại. Điều này không đồng nghĩa với việc loại bỏ hẳn sự can thiệp của chính phủ, mà thay vào đó cần có những cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, loại bỏ cơ chế ‘đặc quyền đặc lợi’ cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ chế sàng lọc qua cạnh tranh chỉ thực sự phát huy tác dụng trong một môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh.

Thứ ba, kết quả ước lường từ mô hình cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô với chính

sách phù hợp, thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, mở rộng thị trường và từ đó gia tăng khả năng tham gia xuất khẩu. Đây là một kết quả không nằm ngoài kỳ vọng về vai trò điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách về tỷ giá và lạm phát, của chính phủ đối với quyết định xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế mở, tỷ giá thực ảnh hưởng đến giá cả tương đối giữa các hàng hóa sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu. Việc thay đổi giá cả tương đối này đẫn đến sự thay đổi về nhu cầu đối với từng loại hàng hóa đó, cuối cùng dẫn đến thay đổi tổng cầu từ đó tác động đến lạm phát. Thay đổi tỷ giá cũng có thể tác động trực tiếp đến lạm phát thông qua thay đổi giá cả tính bằng đồng nội tệ của hàng hóa nhập khẩu và qua đó ảnh hưởng đến chỉ số giá. Giảm giá đồng nội tệ được xem như con dao hai lưỡi, một mặt nó làm khuyến khích tăng trưởng xuất khẩu mặt khác lại kéo theo tình trạng lạm phát tác động ngược trở lại làm giảm dần đi tăng trưởng. Quản lý tỷ giá được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế cùng với các vấn đề khác như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và lạm phát. Điều hành tỷ giá hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại luôn được coi là những mục tiêu chính sách quan trọng của Việt Nam. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thì chính phủ cần có sự cân nhắc kỹ lường về ảnh hưởng của mỗi thay đổi trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, chính sách thuế cũng là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định có

tham gia xuất khẩu hay không của mỗi doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đánh giá chính sách thuế thuận lợi, hiệu quả thì sẽ gia tăng khả năng tham gia thị trường xuất khẩu. Đây cũng là một kết quả đúng như kỳ vọng ban đầu. Chính sách thuế và thuế suất, đặc biệt là

thuế xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến chi phí xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường thì hoạt động quản lý thuế cần được thực hiện theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi và giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp như: giảm tần suất kê khai thuế, rút ngắn thời gian hoàn thuế, tạm hoãn nộp thuế, giãn nộp TNDN trong bối cảnh kinh tế khó khăn…Để thực hiện được những mục tiêu này nhà nước cần nghiên cứu xây dựng hệ thống thuế, phí, lệ phí đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển thị trường có sự quản lý của nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia (đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát, gian lận thuế). Một hệ thống thuế đồng bộ, bền vững với mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế có thể là cơ sở để tạo động lực khuyến khích sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến việt nam (Trang 64)