5. Kết cấu của luận văn
3.3.3.2 Môi trường bên ngoài đối với quyết định tham gia xuất khẩu
Biến Mức độ cạnh tranh (Competition) có tác động ngược chiều và có ý nghĩa đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp với P_value= 0.033 và hệ số ước lượng là - 0.491. Theo Michael Porter thì “Cạnh tranh, một mặt thúc đẩy cho doanh nghiệp đầu tư
máy móc thiết bị, nâng cấp chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, mặt khác nó sàng lọc và loại bỏ khỏi thị trường các doanh nghiệp không có khả năng phản ứng hoặc chậm phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh”. Hay nói cách khác, khi thị trường
cạnh tranh gay gắt có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ hoặc có thể áp lực cạnh tranh nội địa đã làm gia tăng chi phí sản xuất từ đó ảnh hưởng đến năng suất từ đó doanh nghiệp khó có thể sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như tham gia mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (Nguyễn Thị Hồng Đào và Phạm Thế Anh, 2012; Sun, 2009; Kneller và Pisu, 2007).
Biến chính sách kinh tế vĩ mô (Marcoeconomic) có ảnh hưởng đến quyết định
tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp với giá trị P_value=0.002 có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Khi việc quản lý chính sách kinh tế vĩ mô được đánh giá tốt (tỷ giá ổn định, lạm phát ở mức vừa phải), thì việc tăng mức độ đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về chính
sách tăng lên sẽ làm cho doanh nghiệp tăng khả năng tham gia xuất khẩu. Chính sách kinh tế vĩ mô được nói đến ở đây là tỉ lệ lạm phát và tỉ giá. Tỷ giá luôn được coi là một trong những công cụ chính sách vĩ mô rất quan trọng, có thể thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện nhất định và khác nhau giữa các sản phẩm và theo thời gian.Việc giảm giá đồng nội tệ có thể thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán. Trong nền kinh tế mở, tỷ giá thực ảnh hưởng đến giá cả tương đối giữa các hàng hóa sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu. Việc thay đổi giá cả tương đối này đẫn đến sự thay đổi về nhu cầu đối với từng loại hàng hóa đó, từ đó dẫn đến thay đổi tổng cầu và tác động đến lạm phát. Ngoài ra tỷ giá cũng có thể tác động trực tiếp đến lạm phát do việc thay đổi giá cả tính bằng đồng nội tệ của hàng hóa nhập khẩu và qua đó ảnh hưởng đến chỉ số giá. Có thể nói, tỷ giá là một trong những nhân tố có ảnh hưởng rất lớn và tích cực tới trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tác động này phụ thuộc vào cả hai yếu tố là sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu.
Biến Chính sách quản lý thuế (Tax) có hệ số ước lượng dương (0.19) có ý nghĩa
thống kê ở mức 5% (P_value= 0.037). Kết quả này cho thấy khi việc quản lý chính sách thuế tốt thì việc tăng mức độ đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về chính sách quản lý thuế tăng lên sẽ làm cho doanh nghiệp tăng khả năng tham gia xuất khẩu. Trong hoạt động xuất khẩu thuế quan là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hay không? Xuất khẩu bao nhiêu? Thị trường nào? Thuế xuất khẩu là loại thuế đánh vào từng đơn vị hàng xuất khẩu. Việc đánh thuế xuất khẩu được chính phủ ban hành nhằm quản lý xuất khẩu theo chiều hướng có lợi nhất cho nền kinh tế trong nước (bảo vệ nguồn cung trong nước, ổn định một số mặt hàng, bảo vệ nền kinh tế trong nước, khuyến khích hoặc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng…) và mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, thuế quan cũng gây ra một khoản chi phí xã hội do sản xuất trong nước tăng lên không có hiệu quả và mức tiêu dùng trong nước lại giảm xuống. Công cụ này thường áp dụng đối với một số mặt hàng nhằm hạn chế số lượng xuất khẩu và bổ sung cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Cuối cùng, biến Điều kiện vận tải (Transport) có hệ số ước lượng âm nhưng không có ý nghĩa thống kê do P_value = 0.153 do vậy không ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp.
Chương IV: KẾT LUẬN VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH 4.1 Kết luận
Hành vi xuất khẩu và các nhân tố tác động là đề tài được nghiên cứu khá rộng rãi cho các nước trên thế giới. Tuy nhiên, với trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam thì hướng nghiên cứu này còn khá mới mẻ với chỉ một số ít các nghiên cứu được thực hiện. Hơn thế nữa, xuất khẩu được xem là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới nền kinh tế Việt Nam từ đầu những năm 1990 với nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế và xã hội. Tuy vậy, trong một thời gian dài Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại và mới chỉ đạt được thặng dư trong năm 2012. Những biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại với trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu vẫn luôn là ưu tiên trong chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô của Việt Nam. Do vậy, tác giả đã lựa chọn đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp chế
biến Việt Nam” cho luận văn thạc sỹ.
Đề tài vận dụng mô hình hồi quy Probit nhằm tìm kiếm những nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài có tác động đến quyết định tham gia xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tại Việt Nam trong năm 2004. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu điều tra cấp doanh nghiệp của Ngân hàng thế giới (2005) gồm 1150 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả hồi quy cho thấy tổng thể mô hình có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và các biến độc lập giải thích được 88.68% sự biến thiên của biến mục tiêu. Hơn thế nữa, cả hai nhóm biến độc lập gồm yếu tố bên trong doanh nghiệp và yếu tố môi trường bên ngoài đều có tác động đến quyết định xuất khẩu của doanh nghiệp với những chiều hướng và mức độ khác nhau.
Đáng chú ý, nhóm biến đặc trưng cá thể của doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định có tham gia xuất khẩu hay không của doanh nghiệp. Thứ nhất, kinh
nghiệm xuất khẩu là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định xuất khẩu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu thì càng có nhiều khả năng tham gia xuất khẩu trong năm tiếp theo. Thứ hai, các doanh nghiệp trẻ
cũng năng động và linh hoạt hơn khi tìm kiếm thêm thị trường nước ngoài nhằm mở rộng thị phần khi thị trường trong nước thường bị chiếm lĩnh bởi những doanh nghiệp hoạt
động lâu năm. Thứ ba, doanh nghiệp có quy mô càng lớn (được đo bằng số lượng lao
động) cũng có nhiều khả năng tham gia xuất khẩu hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Thứ tư, tỷ trọng nhập khẩu thể hiện mối quan hệ thương mại với nước ngoài cũng
góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng tham gia xuất khẩu. Thứ năm,
năng lực sản xuất (được đo bằng tổng doanh thu trong năm) có tác động cùng chiều và có ý nghĩa đến đến quyết định xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo đó, khi năng lực sản xuất tăng 1% thì khả năng tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tăng 0.313%. Thứ sáu, chất lượng đội ngũ lao động (được đo bằng mức lương bình quân trên mỗi lao động) có ảnh hưởng dương và ý nghĩa đến quyết định tham gia xuất khẩu khi mức lương tăng 1% thì khả năng tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp tăng 0.144%.
Những yếu tố thuộc môi trường bên ngoài cũng có ảnh hưởng nhất định đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp. Thứ nhất, kết quả ước lượng cho thấy áp lực cạnh tranh trong nước (Competition) gia tăng là một rào cản đáng kể cho hoạt động xuất khẩu và làm giảm khả năng tham gia xuất khẩu của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp thì sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất từ đó ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả hoạt động khiến cho doanh nghiệp khó có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như tham gia thị trường xuất khẩu. Thứ hai, môi trường kinh tế vĩ mô với chính sách phù hợp giúp kiểm soát lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, mở rộng thị trường và từ đó gia tăng khả năng tham gia xuất khẩu. Theo đó, nếu doanh nghiệp đánh giá mức độ thuận lợi của chính sách KTTV tăng thì sẽ làm tăng khả năng tham gia xuất khẩu lên. Thứ ba, chính sách thuế cũng là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định có tham gia xuất khẩu hay không của mỗi doanh nghiệp. Khi cảm nhận của doanh nghiệp và mức độ thuận lợi của chính sách thuế quan tăng lên thì khả năng doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu sẽ tăng lên tương ứng.
4.2 Các hàm ý chính sách về quyết định xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam Để góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong Để góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ bản thân doanh nghiệp mà còn cần có sự chung tay hỗ trợ và tạo điều kiện từ các chính sách tầm vĩ mô của chính phủ.
Kết quả ước lượng từ mô hình hồi quy Probit có thể giúp xác định được chiều hướng và độ lớn tác động của các yếu tố đặc trưng doanh nghiệp cũng như các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Từ kết quả này, đề tài đưa ra một số gợi ý về biện pháp và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ và nâng cao khả năng tham gia thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến. 4.2.1 Về phía doanh nghiệp
Với kết quả nghiên cứu trên, đề tài xin đưa ra một số kiến nghị và giải pháp căn bản nhằm giúp cho doanh nghiệp có thể nhận diện và tham khảo để sẵn sàng cho việc gia nhập thị trường xuất khẩu và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của mình trong tương lai.
Thứ nhất, kết quả ước lượng cho thấy biến ‘Experience’ có tác động cùng chiều
với hệ số ước lượng lớn nhất (8.211) và có ý nghĩa đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã từng có kinh nghiệm xuất khẩu thường có xu hướng tiếp tục xuất khẩu vì không phải tiêu tốn thêm chi phí gia nhập thị trường. Những chi phí này thường phát sinh trước khi xuất khẩu và được gọi là chi phí chìm (sunk-costs) hay chi phí cố định vì chúng không thể bị thu hồi lại ngay cả khi doanh nghiệp ngừng xuất khẩu (ví dụ: chi phí nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu, tìm kiếm đối tác, gửi mẫu hàng, tìm hiểu về luật pháp nước sở tại, xây dựng văn phòng đại diện,…) (Aitken và cộng sự, 1997; Bernard và Jensen, 2001). Nói cách khác, một khi doanh nghiệp có thể bắt đầu tham gia thị trường xuất khẩu thì sẽ có nhiều động lực để họ duy trì và mở rộng thị phần ở nước ngoài. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với những doanh nghiệp mới đang có ý định xâm nhập thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cần có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm cũng như kiến thức về thị trường mới để giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường, từ đó vượt qua được rào cản ban đầu và mở rộng hoạt động xuất khẩu. Để giảm chi phí gia nhập thị trường mới, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực học hỏi kinh nghiệm và kiến thức xuất khẩu từ các doanh nghiệp bạn, đặc biệt là những doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu vào thị trường tương tự. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước cũng là một kênh quan trọng giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng tích lũy kiến thức về thị trường mới, đặc biệt là những thị trường nhiều tiềm
năng cho các mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp, để từ đó thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài và bắt đầu quá trình xuất khẩu.
Thứ hai, năng lực sản xuất của doanh nghiệp (biến ‘Sales’) có hệ số ước lượng
dương có ý nghĩa và có ảnh hướng lớn thứ hai đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp (0.313). Theo đó, những doanh nghiệp có mức doanh thu càng cao thì càng có nhiều khả năng tham gia xuất khẩu. Kết quả này cũng thể hiện một quy luật của thị trường về cân đối cung – cầu khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì nhu cầu tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua xuất khẩu ra nước ngoài sẽ trở thành một yêu cầu bức thiết. Như vậy, kết quả này đưa ra một gợi ý cho các doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược mở rộng quy mô sản xuất cần có sự nhanh nhạy và chủ động trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu để có thể một mặt đáp ứng nguồn cung gia tăng và mặt khác tạo được ưu thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh có mục tiêu tương tự. Gợi ý này cũng được áp dụng cho kết quả ước lượng của biến ‘Size’ khi quy mô doanh nghiệp tăng 1% thì khả năng tham gia xuất khẩu tăng 0.294%. Doanh nghiệp quy mô càng lớn thì nhu cầu gia tăng thị phần, đặc biệt là thị phần nước ngoài, càng trở nên quan trọng.
Thứ ba, trình độ lao động (biến ‘Skill’) có tác động cùng chiều (0.144) và có ý
nghĩa thống kê đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp. Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực đối với khả năng gia nhập thị trường mới của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đội ngũ lao động có trình độ cao thì càng dễ dàng tham gia thị trường xuất khẩu (Greenaway và cộng sự, 2004; Sun, 2009; Anwar và Nguyễn Phi Lân, 2011; Nguyễn Thị Hồng Đào và Phạm Thế Anh, 2012). Do vậy, với những doanh nghiệp mong muốn mở rộng thị trường thông qua xuất khẩu có thể bắt đầu từ việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Trong đó, các chính sách tuyển dụng và đào tạo của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp thu hút và tái đào tạo được nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách đãi ngộ tài chính và phi tài chính một cách hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân được lao động có trình độ cao.
Thứ tư, kết quả ước lượng cho thấy độ tuổi của doanh nghiệp (biến ‘Age’) có tác
động ngược chiều (- 0.028) và có ý nghĩa đến quyết định tham gia thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp. Nói cách khác, các doanh nghiệp trẻ có nhiều khả năng và động cơ lớn
hơn trong việc tìm kiếm và gia nhập thị trường xuất khẩu. Kết quả này có thể khá bất ngờ nhưng có thể được giải thích từ những đặc trưng của doanh nghiệp trẻ và thị trường trong nước. Doanh nghiệp trẻ thường năng động và linh hoạt hơn trong việc quản lý, điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng (Sun, 2009). Hơn thế nữa, áp lực tìm kiếm thị trường mới gia tăng đối với doanh nghiệp trẻ khi thị trường trong nước thường bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm (Abor, Adjasi và Hayford, 2008). Vì vậy, doanh nghiệp trẻ cần nhận diện và xác định được những ưu thế này của mình để chủ động và tích cực hơn nữa trong hoạt động tìm kiếm thị trường nước ngoài và bắt đầu quá trình xuất khẩu.
Cuối cùng, tỷ trọng nhập khẩu (biến ‘Import’) có hệ số ước lượng dương (0.0065)
và có ý nghĩa thống kê đối với quyết định có xuất khẩu hay không của doanh nghiệp. Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của quan hệ giao thương với đối tác nước ngoài trong