Tình hình xuất khẩu chung của Việt Nam

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến việt nam (Trang 29)

5. Kết cấu của luận văn

2.1Tình hình xuất khẩu chung của Việt Nam

Việt Nam xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu. Sau khi thống nhất đất nước chúng ta gặp vô vàn khó khăn khi vừa phải ổn định tình hình trong nước, mặt khác vừa bị Hoa Kỳ cấm vận trên trường quốc tế. Giai đoạn trước những năm 1986, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế kế hoạch theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thực hiện được do những sai lầm về tổng điều chỉnh giá - lương - tiền cuối năm 1985 đã đưa nền kinh tế đất nước đến những khó khăn mới. Nền kinh tế-xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng: siêu lạm phát xuất hiện và kéo dài, số người bị thiếu đói tăng, bội chi ngân sách lớn,... Tình hình này làm cho trong Đảng cộng sản Việt Nam và ngoài xã hội có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh ba vấn đề lớn đó là cơ cấu sản xuất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, cơ chế quản lý kinh tế. Trước những bức thiết cần phải cải tạo chính trị lẫn kinh tế đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã vạch ra nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu.

“Đổi mới” chính là định hướng mà Đảng đã chỉ ra để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá VII tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng tháng 6 năm 1996 khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại... Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi...”. Với khẳng định sáng suốt trên Việt Nam đã gửi tới cộng đồng quốc tế

“thông điệp về hội nhập”, khẳng định Việt Nam muốn làm bạn với bốn phương, và đã, đang có thế cùng lực mới để làm đối tác tin cậy của bốn phương. Quá trình chuẩn bị cho

việc tham gia tổ chức WTO sân chơi của toàn thế giới được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Tháng 7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Tháng 12/1995 chính thức tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tháng 3/1996, Việt Nam cùng với 9 nền kinh tế Châu Á và 15 nền kinh tế thuộc Liên minh Châu Âu, là những sáng lập viên Diễn đàn Kinh tế Á - Âu (ASEM). Ngày 18/11/1998, trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt tháng 7/2000 chúng ta ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), có hiệu lực từ tháng 12/2001 – việc gia nhập WTO trở nên dễ dàng hơn với Việt Nam. Quá trình trên thực sự là những bước đi quan trọng, là sự "cọ xát" từng bước trong tiến trình hội nhập.

Sau 12 năm ròng rã theo đuổi mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam cuối cùng trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức vào tháng 1 năm 2007. Trong hơn 5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát luôn được kiềm chế, tiềm lực và quy mô kinh tế tăng lên. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Trong giai đoạn 5 năm gia nhập (2007-2011) tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%/năm. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, đạt 42,9% GDP. Quy mô GDP năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỉ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000. GDP bình quân theo đầu người 1.168USD. Trong 5 năm 2006-2010, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 45 tỉ USD, vượt 77,8% so với kế hoạch. Tổng số vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đạt 146 tỉ USD, gấp 7 lần so với giai đoạn 2001-2005. Hội nhập kinh tế thế giới, đã phá được thế bao vây cấm vận, tạo được sự bình đẳng trong thương mại quốc tế. Hoạt động kinh tế đối ngoại trong đó nòng cốt là ngoại thương thay đổi rõ rệt. Thị trường được rộng mở tới 149 nền kinh tế thành viên. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng qua các năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam tăng hàng năm từ chỗ 699 triệu USD năm 1986 lên mức 15 tỷ USD năm 2001 và 114,6 tỷ USD năm 2012 tức tăng hơn 7,6 lần so với năm 2001

Biểu đồ 2.1: Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và cán cân thương mại của Việt Nam giai đoạn 2005-2012

(Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2012) Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng qua các năm. Trong 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của thế giới nên xuất khẩu gặp khó khăn kim ngạch xuất khẩu giảm 1,1% so với năm trước đó, bên cạnh đó trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 - 2009 thâm hụt cán cân thương mại cũng bị ảnh hưởng lớn luôn ở mức hai con số. Năm 2011 tình hình đã dần được cải thiện, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2010 đồng thời vượt xa so với mức kế hoạch đề ra (80 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người 2011 đạt 1127 USD/người, cao hơn nhiều so với mức 831 USD/người đã đạt được vào năm 2010 và trước khi gia nhập WTO (năm 2006 là 559,2 USD/người). Tỷ lệ xuất khẩu/ GDP 2011 đạt 80% (năm 2010 là 70,9%). Mức tăng tuyệt đối hoạt động xuất khẩu 2011 so với 2010 lên đến hơn 24 tỷ USD, cũng là mức tăng lớn nhất từ trước tới nay tương ứng với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 33.3%. Tốc độ tăng này có ý nghĩa quan trọng xét về 4 mặt: cao nhất tính từ năm 1997 đến nay; cao nhất so với tốc độ tăng của các ngành, lĩnh vực khác; cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra (10%); hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/ tốc độ tăng GDP lên

đến 5,5 lần- cao nhất từ trước tới nay. Có thể thấy xuất khẩu đã trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2012 đạt gần 228,37 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2011, trong đó xuất khẩu đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng 18,9%, và nhập khẩu là 113,79 tỷ USD, tăng 6,6%. Cán cân thương mại hàng hoá cả nước xuất siêu 780 triệu USD (trong khi năm 2011 nhập siêu 9,84 tỷ USD).

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong năm 2012 tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép,... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp. Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 0,6 điểm phần trăm.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của nước ta năm 2012, EU vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EU chiếm tỷ trọng cao là: điện thoại chiếm 43% tổng kim ngạch điện thoại xuất khẩu; giày dép chiếm 36%; máy tính chiếm 19%; hàng dệt may chiếm 16%, tiếp đến là Hoa Kỳ 19,6 tỷ USD, tăng 15,6% và chiếm 17,1%; ASEAN 17,3 tỷ USD, tăng 27,2% và chiếm 15,1%; Nhật Bản 13,1 tỷ USD, tăng 21,4% và chiếm 11,4%; Trung Quốc 12,2 tỷ USD, tăng 10% và chiếm 10,7%.

Có thể thấy được trong hơn 20 năm qua, xuất khẩu đã đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của cả nước đã tăng lên vững chắc từ 37,1% năm 1990 lên 68,1% năm 2008 và 78,3% năm 2011 (Nguyễn Quang Hiệp, 2012). Các điều kiện nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu đã khuyến khích áp dụng các quy

định về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phương pháp sản xuất thân thiện môi trường. Hoạt động xuất khẩu phát triển đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ của người lao động, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với khu vực nông thôn khi các khu công nghiệp dần thay thế diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị của hàng hóa xuất khẩu thấp, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chi phí xuất khẩu của Việt Nam cao hơn gấp khoảng 1,6 - 1,7 lần mức trung bình của khu vực. Năm 2007, chi phí xuất khẩu của Việt Nam là 701 USD, mức trung bình của khu vực khoảng 500 USD1. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững và rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài như sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới hay sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới do nước ngoài áp đặt.

Mặt khác, chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý,… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào việc khuyến khích khai thác tài nguyên thiên nhiên và sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào gây ô nhiễm môi trường. Cơ hội về thu nhập và việc làm dựa vào xuất khẩu chưa thật sự bền vững đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương là người có thu nhập thấp, khu vực nông nghiệp, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Nhìn chung, xuất khẩu đang đang làm thay đổi dần bộ mặt của đất nước ta nhưng kèm theo đó cũng nảy sinh không ít các vấn đề phức tạp. Cần có một cơ chế, biện pháp và đặc biệt là sự định hướng rõ ràng từ phía chính phủ, sự phối hợp với các doanh nghiệp tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm hướng tới một nền xuất khẩu bền vững, nâng cao về chất lượng và mang tính hiệu quả.

1 Theo WB: Chi phí xuất khẩu bao gồm chi phí giấy tờ, hành chính, bốc dỡ, lưu kho, vận chuyển đường bộ cho 1 container 20 ft. Năm 2007, mức chi phí xuất khẩu của Việt Nam là 701 USD, Ấn Độ: 846 USD, Indonexia: 546 USD, Malayxia: 481 USD, Trung Quốc: 335 USD - Nguồn: Doiry Bussiness 2007, WB

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến việt nam (Trang 29)