a) Mục tiêu và vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
Doanh nghiệp nhà nước có vai trò đáng kể trong nền kinh tế Đài Loan, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển ban đầu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Đài Loan, doanh nghiệp nhà nước đã cung cấp nhiều cơ hội việc làm, góp phần đào tạo cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, góp phần ngăn chặn áp lực lạm phát đối với nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự ổn định xã hội và chính trị. Ngoài ra, khi kinh tế Đài Loan còn trong thời kỳ khởi động, doanh nghiệp nhà nước có vai trò lớn trong cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giảm bớt chi phí hoạt động và rủi ro. Đây là những đóng góp rất quan trọng của doanh nghiệp nhà nước đối với một nền kinh tế chuyển từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, trong quá
trình phát triển kinh tế của Đài Loan trong hơn 5 thập kỷ qua, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế ngày càng giảm (về vốn và đóng góp GDP). Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Đài Loan có 105 doanh nghiệp nhà nước, chiếm tới 14,7% GDP và 29,1% trong tổng vốn nội địa nhưng đến năm 2001 chỉ còn 35 doanh nghiệp với tổng số tài sản là 528,5 tỷ USD trong đó cổ phần nhà nước chiếm 289,5 tỷ USD (54,7%), trên 216 nghìn lao động, thu nhập hàng năm là 78,8 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế là 5,6 tỷ USD, chiếm 9,2% GDP [46, tr. 14].
b) Khuôn khổ pháp lý tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn có vốn nhà nước
Đài Loan quan niệm các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước được coi là doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, đặc thù của hầu hết các doanh nghiệp nhà nước Đài Loan là đa sở hữu; ví dụ: tất cả 12 doanh nghiệp nhà nước do Bộ Kinh tế Đài Loan quản lý đều là các doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó Tổng công ty chế tạo máy Đài Loan có vốn của chính quyền TW cao nhất là 97,78% và vốn của khu vực tư nhân chiếm 0,3% tổng số cổ phần hoặc vốn của chính quyền TW chỉ chiếm 13,32%, vốn của các tổ chức công cộng khác chiếm 56,25% và vốn của khu vực tư nhân chiếm 30,43% tổng số cổ phần của Công ty thép Tang Eng. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp nhà nước ở Đài Loan đều hoạt động theo quy định của Luật Công ty; đồng thời lại bị chi phối bởi Luật Doanh nghiệp Quốc gia và Điều lệ quản lý vốn nhà nước. Ngoài ra pháp luật Đài Loan còn qui định: doanh nghiệp có phần vốn nhà nước ít hơn 50% thì hoạt động theo quy định của Luật Công ty; Quốc hội chỉ có quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật Ngân sách.
Ở Đài Loan các công ty lớn (như Tập đoàn điện lực Đài Loan) chỉ có các nhà máy hoặc chi nhánh mà hầu như không có công ty con có tư cách pháp nhân độc lập với công ty mẹ và các công ty lớn có các công ty con, cháu
khác có tư cách pháp nhân độc lập với công ty mẹ đều gọi là tập đoàn (corporation). Các công ty lớn và công ty con này (nếu có) đều hoạt động theo hình thức pháp lý công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Công ty (không có luật riêng điều chỉnh tập đoàn) [46, tr. 15].
2.3.2.2. Tổ chức quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu
a) Phân cấp quản lý thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định, Chính phủ hoặc các cơ quan đại diện chỉ có các quyền lựa chọn, cử người tham gia làm thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước; tham gia vào các quyết định chiến lược của doanh nghiệp tại đại hội cổ đông; được chia lãi cổ tức; có quyền tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp, v.v… Người được nhà nước cử tham gia hội đồng quản trị có thể là giáo sư, nhà nghiên cứu, có trách nhiệm phải báo cáo với Chính phủ hoặc bộ quản lý ngành về các thông tin, phương án trước khi họp và xin ý kiến về vấn đề biểu quyết. Hàng năm, một ủy ban đặc biệt về tư nhân hóa thay mặt nhà nước sẽ kiểm tra mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao đối với người tham gia hội đồng quản trị hoặc đại diện cho cổ phần nhà nước ở công ty này, trường hợp họ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế.
Chính phủ Đài Loan quản lý các doanh nghiệp nhà nước thông qua các bộ, ngành, riêng Bộ Kinh tế là cơ quan trực tiếp quản lý nhiều doanh nghiệp với qui mô lớn và có vai trò quan trọng hơn các bộ khác nên đã lập Hội đồng quản lý công ty Quốc gia để quản lý các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc (12 doanh nghiệp) và trực tiếp quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp hoạt động đơn thuần theo Luật Công ty (vốn nhà nước nhỏ hơn 50% tổng vốn điều lệ của công ty).
Về chế độ báo cáo, kế toán, kiểm toán: Hàng năm, các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước phải gửi báo cáo kế hoạch tài chính cho Bộ Tài chính để tổng hợp trình Quốc hội. Chính phủ quyết định chỉ tiêu kế hoạch về mức
lãi hàng năm cho tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và nếu vượt chỉ tiêu kế hoạch sẽ thưởng từ 1-2 tháng lương cho mọi người làm việc trong tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
b) Tổ chức quản lý doanh nghiệp và tập đoàn
Cơ cấu tổ chức quản lý của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước gồm hội đồng quản trị và ban điều hành.
- Hội đồng quản trị: Toàn bộ thành viên hội đồng quản trị ở hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn là người do Chính phủ cử vào nhưng không phải mọi thành viên được cử là những cán bộ của các cơ quan nhà nước, trong nhiều trường hợp người được cử thuộc thành phần kinh tế tư nhân như ở Tập đoàn dầu khí Trung Hoa, Ngân hàng Thương mại Quốc tế, Thị trường Chứng khoán Đài Loan. Hội đồng quản trị bao gồm: chủ tịch, một số thành viên làm việc thường xuyên và thành viên kiêm nhiệm (phần lớn là các cán bộ nhà nước thuộc những ngành nghề có liên quan). Trong các mối quan hệ với bên ngoài, chủ tịch hội đồng quản trị thường được gọi là chủ tịch công ty - là người có thẩm quyền quyết định cao nhất trong doanh nghiệp. Nhà nước can thiệp vào doanh nghiệp thông qua việc cử người vào hội đồng quản trị doanh nghiệp, bổ nhiệm chủ tịch ban điều hành, các kiểm toán viên (bộ chủ quản bổ nhiệm chủ tịch ban điều hành, các kiểm toán viên theo đề nghị của hội đồng quản trị).
- Ban điều hành: Hội đồng quản trị chỉ là cơ quan quản lý và là đại diện những quyền lợi cơ bản của chủ sở hữu, còn việc điều hành kinh doanh có tính tác nghiệp hàng ngày thì được giao cho ban điều hành. Ban điều hành bao gồm các giám đốc phụ trách những lĩnh vực chuyên môn riêng của doanh nghiệp như giám đốc marketing, giám đốc nhân sự, giám đốc sản xuất, v.v. Các giám đốc trong ban điều hành là những người chuyên nghiệp, trực tiếp do hội đồng quản trị thuê theo cơ chế thị trường [46, tr. 17].
2.3.2.3. Vấn đề đa dạng hóa sở hữu và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Đài Loan
Vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Đài Loan có quan hệ chặt chẽ với việc xác định vai trò và vị trí của Chính phủ (nhà nước) đối với hoạt động của nền kinh tế trong từng giai đoạn phát triển.
Trong một số năm đầu, do nền kinh tế Đài Loan chưa phát triển, số người dân có vốn để thành lập doanh nghiệp quy mô lớn còn rất ít và không có trong những ngành quan trọng hoặc có tác dụng hỗ trợ các ngành khác phát triển hoặc ổn định nền kinh tế.Vì vậy, nhà nước phải thành lập các doanh nghiệp nhà nước với 100% vốn nhà nước; hoạt động trong các ngành, nghề và lĩnh vực mà nhà nước thấy nhất thiết phải chi phối, nắm giữ, nhằm ổn định kinh tế đất nước trong giai đoạn khởi sự, v.v.
Tiếp theo, cùng với sự phát triển của một nền kinh tế thị trường, của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giàu lên và có quy mô lớn hơn, có khả năng quản lý tốt hơn; nhu cầu mở cửa nền kinh tế dẫn đến nhu cầu buộc phải xác định lại chức năng, vai trò và những thay đổi quan trọng về tổ chức, quản lý của Chính phủ. Đồng thời, việc đầu tư quá mức vào các doanh nghiệp nhà nước ở một số lĩnh vực dẫn đến nhu cầu giảm bớt năng lực; việc nhiều doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động độc quyền kém hiệu quả; nhu cầu đòi hỏi phải nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này khi tự do hóa, mở cửa nền kinh tế đã dẫn đến nhu cầu cải cách sâu rộng khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước ở Đài Loan được hiểu là quá trình bán bớt số cổ phần của nhà nước ở doanh nghiệp và sau khi số cổ phần của nhà nước giảm xuống dưới 50% thì được coi là việc tư nhân hoá doanh nghiệp nhàđược hoàn thành. Chính phủ Đài Loan xác định mục tiêu chủ yếu của cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm:
- Điều chỉnh lại vai trò của nhà nước theo hướng giảm bớt sự can thiệp vào thị trường, vào quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thiết lập cơ chế cạnh tranh trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực; hỗ trợ phân phối một cách có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Hiện nay, Đài Loan phân ra thành 5 loại doanh nghiệp nhà nước có thể được đa dạng hóa sở hữu, đó là:
a) Các cơ quan tài chính và ngân hàng: đặc điểm của lĩnh vực này là
các điều kiện làm việc của người lao động trước và sau chuyển đổi không khác nhau nhiều; khả năng thu lợi nhuận lớn. Vì vậy, phần lớn các ngân hàng và công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể tư nhân hóa thành công.
b) Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: doanh nghiệp nhà nước thua
lỗ thường có điều kiện tài chính yếu kém; vì vậy, không thu hút các nhà đầu tư lớn và rất khó thanh toán cho người lao động trong quá trình chuyển đổi. Việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự đồng thuận, tham gia tích cực của người lao động; đồng thời, Chính phủ cũng phải hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính.
c) Các doanh nghiệp nhà nước hữu dụng: bưu chính, hóa dầu, điện, đường sắt, thuốc lá, rượu là những doanh nghiệp nhà nước cần phải bổ sung các chính sách, đặc biệt là các chính sách trong vấn đề độc quyền trước khi tư nhân hóa và đa dạng hóa sở hữu.
d) Các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Hội Cựu chiến binh: các doanh nghiệp này được thành lập dành cho quân nhân xuất ngũ. Đặc điểm của các doanh nghiệp này là có nhiều đất đai, song đạt lợi nhuận thấp. Hầu hết các doanh nghiệp này không thu hút được các nhà đầu tư. Hoạt động của chúng là hợp tác với các công ty liên doanh với tư nhân bằng cách góp vốn cổ phần dưới dạng tài sản, trong trường hợp thất bại thì bị đóng cửa.