Lễ lên đồng (Roọng khoăn vài gọi vía trâu)

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 86)

6. Bố cục

3.4.4. Lễ lên đồng (Roọng khoăn vài gọi vía trâu)

Tiếp sau lễ tắm lá lúa vào ngày 6 tháng 6 trong hầu khắp các địa phương ở huyện Bảo Lạc có tổ chức lễ roọng khoăn vài tức là gọi vía trâu, thực chất là lễ lên đồng, hay còn gọi là lễ xo lộc(tiếng Tày).

Tục ngữ người Tày có câu: Pẻng tải vài rằng

Pẻng chưng vài hảy Nghĩa là:

Bánh gai trâu cười Bánh chưng trâu khóc

Dân tộc Tày có hai cái tết quan trọng trong năm là Tết tháng Giêng và tết Rằm tháng Bảy. Tháng Bảy là tháng làm vụ xong, trâu được nghỉ ngơi, người Tày làm bánh gai ăn Tết nên trâu “cười”. Còn Tết tháng Giêng làm bánh chưng, sau tết bắt đầu cày bừa làm ruộng, trâu mệt mà “khóc”.

Con trâu cũng là “đầu cơ nghiệp” của người Tày có vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất nông nghiệp của họ. Từ sau tết nguyên đán, nhất là các tháng chính vụ (tháng tư và tháng năm) trâu phải quần quật kéo cày, kéo bừa cho người, mệt mỏi gầy sút đi “bạt cả hồn vía”. Mặt khác người cũng bận mải không có thời gian chăm sóc trâu. Đến đầu tháng sáu, mùa vụ xong xuôi, họ làm lễ lên đồng cho trâu - thực ra là cũng cho cả người nữa.

Buổi lễ do một bản hoặc vài ba bản góp tiền chung mua lễ vật tổ chức. Địa điểm tế lễ là một gốc cây cổ thụ to như cây đa, cây đề hoặc một cụm tre to.

78

Tại địa điểm làm lễ người ta dựng lán tạm thời hoặc đơn giản hơn thì đặt một chiếc bàn hoặc chiếc chõng làm nơi đặt lễ vật.

Lễ vật gồm một con trâu mộng hoặc một con lợn (phải từ 50kg trở lên) mổ để cúng sống và các lễ vật khác giống như lễ tế thần nông. Về lễ vật, một số nơi giản tiện bằng cách chặt cây núc nác, đầu đuôi khúc cành có mấu tựa như đầu gối trâu đem cúng tượng trưng thay cho trâu thật. Ông chủ tế được chọn phải là người có uy tín trong làng bản.

Ngày hôm ấy con trâu được chăm sóc rất cẩn thận. Họ làm bánh gai và nấu cháo gạo nếp, tắm rửa cho trâu sạch sẽ rồi cho trâu ăn bánh, cháo và cỏ non. Trên hai sừng trâu người ta dán những mảnh giấy nhỏ viết chữ Hán hoặc vẽ hình tượng trưng.

Buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm. Nội dung những lời cúng chủ yếu nói lên lòng biết ơn của con người với trâu. Phần nữa là lời cầu mong cho trâu khỏe mạnh, sinh sôi, đông đúc, biết vâng lời chủ, biết gọi nhau về chuồng, không phá hoại mùa màng…Các bài cúng lễ sắp xếp theo trình tự: cúng vía trâu, “luyện” gọi vía trâu, kết đoàn vía trâu. Sau đó đến các bài mừng: mừng trâu đực, mừng trâu cái, mừng trâu nghé, mừng trâu bò và ngựa…

Sau buổi lễ dân bản sẽ mổ lợn, tập trung ăn bữa cơm vui vẻ rồi chia phần, (xin lộc) mang về nhà làm phước.

Lễ gọi vía trâu là một tục lễ hay phản ánh sự trân trọng yêu thương và biết ơn con vật của người Tày ở Bảo Lạc. Trâu bò khỏe mạnh, sinh sôi giúp người cày bừa tốt cũng có nghĩa là việc sản xuất cày cấy của con người được thuận lợi, hanh thông. Về thực chất đây cũng là một hình thức lễ cầu mùa.

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)