Lễ hội Nàng Hai

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 89)

6. Bố cục

3.4.6. Lễ hội Nàng Hai

Lễ hội nàng Hai hay còn gọi là hội “mởi Nàng Hai”, từ “Hai” tiếng Tày nghĩa là Trăng, “mởi Nàng Hai”, nghĩa là ““mởi Nàng Trăng”. Đúng như tên gọi này, dù ở nội dung hay hình thức nào thì về thực chất ý nghĩa của lễ hội này vẫn là: tổ chức lễ hội để mời nàng Hai về ban mùa màng và phúc lành cho dân bản. Như vậy về tính chất đây là lễ hội cầu mùa và cầu phúc.

Thời gian tổ chức lễ hội không cố định, có nơi tổ chức vào mùa xuân (tháng 2, 3 âm lịch), có nơi tổ chức vào mùa thu (tháng 7, 8 âm lịch). Có nơi năm nào cũng tổ chức lễ hội nhưng cũng có nơi phải hai, thậm chí tới ba năm mới tổ chức một lần. Nhìn chung đây là một dạng lễ hội dài ngày, tổ chức trong vòng từ một đến hai tháng.

Về quy mô và cách thức tổ chức cũng linh hoạt, đa dạng, tùy thuộc vào đặc điểm cư dân từng địa phương. Vì vậy lễ hội có khi là của một làng bản nhưng có khi là của cả một vùng. Yếu tố lễ và hội không phải lúc nào cũng thể hiện rõ, có nơi phần lễ nổi trội hơn và ngược lại.

Lễ hội nàng Hai được tổ chức với nhiều hình thức và nội dung khác nhau: có nơi thiên về bói và đoán, có nơi thiên về hát đối đáp trình diễn, nơi khác lại mang nội dung cầu mùa có bài bản. Đáng chú ý hơn cả là lễ hội Nàng Hai tổ chức theo hình thức cầu mùa.

Điểm đặc sắc của lễ hội Nàng Hai so với các lễ hội khác là có tính trình diễn mà xuyên suốt là các bài hát lượn Hai (còn gọi là lượn mẹ) đã trở thành truyền thống.

Lễ hội Nàng Hai là một lễ hội đặc sắc trong hệ thống lễ hội của người Tày ở Cao Bằng nói chung và đồng bào các dân tộc Tày ở Bảo Lạc nói riêng.

81

Dưới đây là lễ hội sưu tầm ở xã Nam Quang (xưa là Mường Bang) thuộc huyện Bảo Lâm ngày nay. Tư liệu do ông Ma Thế Quang xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm cung cấp.

- Chuẩn bị lễ hội

Chọn một sân bãi rộng, bằng phẳng làm địa điểm tổ chức lễ hội. Tại đây người ta dựng sạp sàn bằng những cây vầu (một dạng tre nứa) ghép lại, đặt cao cách mặt đất khoảng một mét như một dạng sân khấu để quần chúng phía dưới nhìn được rõ.

Chọn hai cô thiếu nữ có tiếng “nhẹ vía” (hoặc hợp vía) để ngồi Sở - như miền xuôi gọi là ngồi nhập hồn (nhập đồng). Nếu là người già thì phải là bà góa - nghĩa là những người không có chồng. Nếu đã quen ngồi lễ thì hàng năm họ sẽ được tín nhiệm mời ngồi. Không có quy định chặt chẽ về cách ăn mặc nhưng nhìn chung họ phải mặc đẹp, sạch sẽ.

Những thanh niên nam nữ trong bản là những người được chọn tham gia lễ hội. Trước ngày vào hội, đêm đêm họ thường tụ tập ở nhà nàng Sở hoặc những trung tâm gần nhà nàng Sở để luyện giọng, tập hát những bài lượn Hai đã có sẵn.

Người ta làm một hình nộm thường là một chiếc sọt đan bằng tre nên có một chiếc đòn dài xỏ ngang, mục đích để nàng Hai nhập hồn vào (hồn Nàng Hai sẽ được truyền vào thông qua hai nàng Sở). Hai bên đòn có kê hai miếng gỗ vào vừa tầm để mỗi khi dân bản hỏi Nàng Hai sẽ trả lời bằng cách đặt đòn xuống (bên phải hoặc bên trái). Hai nàng Sở sẽ ngồi hai bên phía sau hình nộm và có nhiệm vụ giơ ngón tay trỏ đặt hờ dưới thanh ngang của hình nộm. Trong suốt buổi lễ hai người này tuyệt đối im lặng.

Chọn hai thanh niên có giọng hát hay nhất đứng hai bên hình nộm để hát những bài lượn đã được luyện tập.

Một ông thầy có tiếng là cao tay của bản (thường là thầy mo hoặc thầy tào) đã quen với lễ tục và biết niệm thần chú được mời đến để làm thủ tục mời Nàng Hai về và tiễn Nàng Hai đi, tức là thủ tục mở đầu và kết thúc lễ hội.

82

Ông thầy buộc một chiếc khăn vải mộc trắng dài chừng một sải tay (khoảng 4 ô vuông) ngang lưng, núm buộc được xoay về hướng mà thầy niệm thần chú.

Mâm lễ vật do dân bản đóng góp gồm có gà luộc, xôi, bánh trái, hương….Ngoài ra còn đặt các lễ vật tượng trưng như: xấp lá chuối tượng trưng cho vải vóc lụa là, một quả trứng tượng trưng cho nhiều gà vịt…Có nghĩa là ông thầy có thể tùy theo sự tưởng tượng mà khấn khứa.

Mâm lễ vật được đặt trước hình nộm. Tất cả hình nộm, lễ vật đều được đặt trên sàn. Buổi lễ được tiến hành ngoài trời dưới ánh trăng sáng vằng vặc và sự chứng kiến của nhân dân.

- Diễn biến buổi lễ

Ông thầy ra thắp hương rồi bắt quyết, đọc bài niệm chú mời Nàng Hai về. Tiếp đó hai người được chọn hát sẽ hát bài mời Nàng Hai về. Đây là bài hát có sẵn, được họ luyện hát từ trước.. Khi hai người cất lời hát, hình nộm bắt đầu vận động bằng cách gõ nhịp đều đều lên hai miếng gỗ hai bên thông qua lực truyền từ ngón tay trỏ của hai người ngồi Sở. Điều đó chứng tỏ là Nàng Hai đã “về”.

Thủ tục này được thực hiện rất nghiêm túc. Có khi chỉ một lần mời là xong, cũng có khi phải làm đi làm lại tới vài ba lần.

Cuộc hỏi đáp giữa Nàng Hai và dân bản:

Khi đã yên tâm chắc chắn là Nàng Hai đã về, ông thầy sẽ khấn trình bày lý do mời nàng về là xin nàng chỉ bảo chuyện làm ăn (mùa màng), sức khỏe và chuyện tình duyên của dân bản…Đến đây vai trò của ông thầy chấm dứt, ông sẽ lui vào để nhường cho Nàng Hai đối thoại với dân bản.

Các vấn đề đem hỏi được xếp theo thứ tự ưu tiên: việc mùa màng, chăn nuôi, việc sức khỏe, bệnh tật và cuối cùng mới là việc tình duyên của trai gái…

Các câu hỏi về mùa màng liên quan đến chuyện thu hoạch, chuyện sâu bọ…Ví dụ câu hỏi đặt ra là: “Xin nàng cho chúng tôi biết năm nay mùa màng thu hoạch tốt hay xấu, cây lúa có bị sâu bọ phá hoại không. Nếu thu hoạch tốt

83

thì nàng hãy “cách” (gõ) bên phải, nếu thu hoạch kém thì nàng hãy “cách” (gõ bên trái). Nàng sẽ trả lời bằng cách gõ thanh ngang vào bên phải hoặc bên trái, dân bản sẽ theo đó mà suy luận.

Người ta đặt ra nhiều câu hỏi về chủ đề bệnh tật, sức khỏe. Mục này thiên nhiều về dự đoán, bói toán. Chẳng hạn trong bản có người ốm lâu, đi bói nhiều nơi về cúng rồi mà chưa khỏi. Vậy có phải người ấy bị con ma (nêu tên một loại ma cụ thể nào đó) làm không? Nếu đúng thì xin nàng “cách”… Hoặc trong bản có người già cả, người ta hỏi nàng đoán xem người già ấy sống được bao nhiêu năm nữa. Sau đó về nhà người ta sẽ nhất nhất thực hiện theo các chỉ dẫn của Nàng, nhất là trong việc chữa bệnh.

Các câu hỏi về chủ đề nhân duyên chủ yếu xoay quanh chuyện trai gái yêu nhau, lấy nhau có hợp không nên cưới vào ngày tháng nào..

Giữa các câu hỏi người ta dừng lại hát các bài lượn Hai. Lúc này hình nộm lại tiếp tục “nhảy” “đập” đều đều trên hai miếng gỗ để chứng tỏ sự hiện diện của Nàng Hai trên thế gian. Hát xong mỗi bài, có khi đang hát dở thì người ta hô lớn: “Nàng nhảy nhiều rồi hãy dừng lại để chúng tôi hỏi đã”. Cứ thế việc hỏi đáp giữa những người trần và Nàng Hai sẽ lần lượt diễn ra.

Buổi lễ diễn ra trong khoảng thời gian nhiều hay ít thường phụ thuộc vào số lượng các câu hỏi. Khi các câu hỏi đã hết thì buổi lễ có thể kết thúc được.

- Thủ tục kết thúc buổi lễ

Ông thầy tào trở ra làm nhiệm vụ mời Nàng Hai về trời. Cách thức cũng như lúc mở đầu. Ông đọc lời niệm chú cảm tạ nàng đã chỉ bảo dân bản rồi mời nàng đi, đọc lại tên những địa danh của địa phương mà nàng sẽ đi qua để trở về trời.

Cuối cùng ông đọc lời cầu hồn cho hai người ngồi Sở nội dung: Hồn Nàng Hai đã đi khỏi người của hai người rồi (nêu tên cụ thể của người ngồi) giờ xin hồn của hai người hãy trở về nhập lại bình thường. Trước đó hai người này hoàn toàn như bị thôi miên, không hề biết gì đến xung quanh, khi tỉnh lại phải có người đỡ, nếu không sẽ ngã vật ra đất.

84

Hình thức lễ hội này không chỉ phổ biến ở Bảo Lạc, mà còn ảnh hưởng đến cả Vị Xuyên, Hà Giang. Xuất phát của lễ hội này là lòng cầu mong mùa màng và phúc lành dẫn đến sự đánh cuộc: đánh cuộc về thu hoạch vụ mùa, đánh cuộc về sức khỏe, đánh cuộc về nhân duyên…Vì vậy người ta làm lễ mời Nàng Hai về để nàng chứng kiến, phân giải cho “khách quan”, mục đích để thỏa mãn những điều ước nguyện. Vì vậy lễ hội vừa nghiêm túc nhưng cũng vui vẻ, gần như một cuộc chơi. Loại trừ yếu tố mê tín ra, đây là một dạng diễn xướng hay có thể khai thác, phát huy được.

Tiểu kết: Bảo Lạc có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc lại có phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống riêng. Những phương thức đó đã làm đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, bên cạnh đó cũng đã phần nào chứng tỏ khả năng ứng xử với môi trường và tự nhiên của đồng bào dân tộc vùng cao. Do đặc điểm cư trú, đồng bào dân tộc nơi đây đã vượt qua khó khăn, linh hoạt và thích ứng cao với môi trường tự nhiên khắc nghiệt.. Tùy vào đặc điểm tự nhiên, môi trường mà có các loại hình canh tác phù hợp.

Trong quá trình sinh sống, lao động, sản xuất đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc cũng sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo gắn liền với kinh tế nông nghiệp thể hiện qua hệ thống tín ngưỡng, lễ hội truyền thống phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Hệ thống những nghi lễ đó không chỉ thể hiện khát vọng chính đáng của cộng đồng dân tộc muốn vươn lên có cuộc sống no đủ mà còn thể hiện quan niệm tin tưởng vào sự chi phối của thế giới tự nhiên đến đời sống con người, mặt khác cũng thể hiện sự tôn trọng tự nhiên của cư dân làm nông nghiệp.

85

KẾT LUẬN

Bảo Lạc là một trong số các huyện của tỉnh Cao Bằng có địa bạ lập năm 1805 và 1840. Sau khi trích dẫn, thống kê và phân tích địa bạ của huyện đã cho chúng ta những hiểu biết về tình hình ruộng đất, bức tranh toàn cảnh về đặc điểm của chế độ sở hữu ruộng đất, cũng như một số đặc điểm về kinh tế -xã hội của Bảo Lạc nửa đầu thế kỷ XIX.

1. Về quy mô các loại ruộng đất chúng ta thấy rằng Bảo Lạc có 100% diện tích là tư điền. Các loại đất thần từ, phật tự, thổ trạch, viên trì không có. Ruộng đất hoang phế chiếm tỷ lệ lớn. Đó cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu khắp các địa phương thời bấy giờ. Nguyên nhân của tình trạng hoang hóa có thể là do sau nhiều năm chiến tranh kéo dài và thiên tai, mất mùa liên tiếp xảy ra làm cho các hộ nông dân phải bỏ làng đi phiêu tán, dẫn đến bỏ hoang đất đai. Ngoài ra nguyên nhân quan trọng phải kể đến là do Bảo Lạc là vùng đất rộng, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt nên ruộng đất không thể canh tác hết được. Mặc dù đến giữa thế kỷ XIX trong một chừng mực nhất định vấn đề này đã được giải quyết. Điều đó chứng tỏ nhà Nguyễn cũng như chính quyền địa phương đã có những biện pháp tích cực để khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất.

2. Về quy mô sở hữu ruộng đất tư, chúng ta thấy rằng chế độ sở hữu ruộng đất của Bảo Lạc nửa đầu thế kỷ XIX là sự thắng thế của sở hữu tư nhân . Ruộng đất tư hữu chiếm 100% tổng diện tích ruộng đất các loại. Tuy nhiên mức sở hữu tư nhìn chung không lớn.

Quy mô sở hữu ruộng đất giữa các xã trong huyện không đều nhau. Điển hình như xã Lạc Nông chỉ có 0.185.4.4trong khi đó xã Yên Đức có hơn 391 mẫu. Mức sở hữu giữa các chủ cũng có sự chênh lệch khá lớn, người có mức sở hữu cao nhất là ông Nông Khắc Tâm xã Gian Lạc tổng Vân Quang với diện tích là 13.7. và người có mức sở hữu thấp nhất là ông Nguyễn Văn Do xã Mông Ân 6 sào.

3. Về quy mô sở hữu ruộng đất của các nhóm họ, điểm đáng chủ ý ở đây là ruộng đất Bảo Lạc phân bố không đều giữa các nhóm họ. Các họ lớn tập

86

trung trong tay nhiều ruộng đất cũng như chiếm đa số về số chủ sở hữu là họ Nguyễn, họ Nông…….Riêng họ Nguyễn luôn chiếm hơn 40% số chủ của toàn huyện ở cả hai thời điểm Gia Long 4 và Minh Mệnh 21.

Cũng do đặc điểm là một huyện miền núi nên chất lượng đất đai của huyện không cao. Các địa bạ cho biết ruộng đất của Bảo Lạc 100% là ruộng loại 3, “ tam đẳng, thu điền” chỉ cấy được lúa vụ thu.

4. Trong đời sống làng xã Việt Nam thời phong kiến, đội ngũ chức sắc thường đóng vai trò quan trọng. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, bên cạnh hệ thống chức dịch do nhà nước bổ nhiệm còn có một hệ thống bộ máy tự quản làng xã do nhân dân địa phương bầu ra thể hiện tính tự chủ cao của các làng bản. Trên thực tế, hai bộ phận này kết hợp với nhau, hình thành tầng lớp thống trị và nắm quyền sở hữu lớn về ruộng đất. Nhưng bên cạnh đó cũng có những chức sắc không có ruộng đất.

Một nội dung quan trọng khác khi nghiên cứu về tình hình ruộng đất huyện Bảo Lạc nửa đầu thế kỷ XIX là chính sách về thuế của nhà nước phong kiến. Cũng giống như các địa phương khác, Bảo Lạc được áp dụng mức thuế cho các địa phương vùng miền núi phía Bắc. Nhìn chung mức tô thuế còn đương đối nặng nề, phức tạp, bên cạnh đó là những nghĩa vụ phu, phen tạp dịch phải thực hiện đối với nhà nước đã làm cho cuộc sống của người nông dân đi đến sự bần cùng, đói khổ, Đó là nguyên nhân sâu sa lý giải cho hàng loạt các cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền nổ ra dưới triều Nguyễn

5. Với đặc điểm chế độ ruộng đất như trên, đồng thời do địa hình bị chia cắt mạnh với nhiều đồi núi, kinh tế nông nghiệp Bảo Lạc nửa đầu thế kỷ XIX là một nền kinh tế trồng trọt truyền thống. Nông nghiệp trồng trọt bao gồm cả canh tác nương rẫy và canh tác lúa nước, trong đó canh tác lúa nước vẫn đóng vai trò chủ yếu. Tuy nhiên phương thức canh tác này còn lạc hậu, năng suất thấp nên đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, trong quá trình sinh sống, sản xuất, xây dựng bản làng, cư dân Bảo Lạc đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất nông nghiệp cũng như những nghi lễ, tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

87

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Sở GDĐT Cao Bằng (2003), Địa lý lịch sử Cao Bằng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

3. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập III, Nxb Sử học, Hà Nội.

4. Phan Đại Doãn (1981), “Về tính chất sở hữu ruộng công làng xã”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử ,(3), tr.10-19.

5. Nguyễn Khắc Đạm (1981), “Vấn đề ruộng công và ruộng tư trong lịch sử Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử , (3), tr.16-25.

6. Bế Viết Đẳng (2006), Dân tộc học Việt Nam - định hướng và thành tựu nghiên cứu (1973 - 1998), Nxb KHXH, Hà Nội.

7. Nguyễn Đình Đầu (1992), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội.

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)