Canh tác nương rẫy

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 74)

6. Bố cục

3.1.2. Canh tác nương rẫy

Đối với hình thức canh tác nương rẫy, đồng bào thường làm 2 loại nương: nương bằng và nương dốc.

Nương bằng là khoảnh đất bằng phẳng có thể dùng trâu cày bừa, loại nương này thường được canh tác để trồng lúa và các loại hoa màu phụ. Vì đất tương đối bằng phẳng mức độ rửa trôi ít hơn nên có thể canh tác ổn định, lâu dài, đồng bào thường sau khi trồng lúa 1-2 vụ sau đó chuyển sang trồng ngô.

Nương dốc là những nương có độ cao lớn, không cày bừa được, phải sử dụng cuốc để làm đất và trồng lúa nương, do độ dốc cao nên mức độ rửa trôi của đất diễn ra mạnh làm mất đi chất dinh dưỡng nhanh vì vậy thường chỉ canh tác được từ 2- 3 vụ đồng bào lại phải bỏ hoang vài năm cho đất nghỉ, tiến hành du canh, du cư đi nơi khác rồi quay lại trồng trọt vào các vụ sau.

Quá trình canh tác nương rẫy luôn tuân theo một chu trình khép kín gồm các bước: tìm chọn đất, phát và đốt dọn mặt bằng, làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.

- Tìm chọn đất

Khu vực được chọn làm nương thường là rừng già có nhiều mầu, đất rừng tơi xốp và có màu nâu mới được chọn. Theo tập quán sản xuất của đồng

66

bào Tày nơi đây, họ thường chọn những khoảnh đất ở sườn đồi và chân núi nơi có ánh nắng mặt trời chiếu tới. Kinh nghiệm để chọn được những khoảng đất màu mỡ, người ta chọn những khoảnh đất có màu nâu, có nhiều mùn và nhiều giun. Trên khoảnh đất đã chọn, họ kiểm tra xem đất có tốt hay không bằng cách cắm lên mặt đất một cái cọc (hoặc cắm dao) sau đó nhổ nó lên. Nếu đất dính vào đầu cọc nhiều chứng tỏ đó là đám đất tốt có thể gieo cấy được.

Phần lớn nương được chọn để trồng lúa là đất thịt, những nơi đất pha cát thường được dùng để trồng ngô vì ngô là cây chịu hạn nên không cần nhiều nước như lúa.

Đa số đồng bào đều muốn chọn những nơi có địa hình ít dốc để đỡ phải leo trèo và hạn chế sự sói mòn, rửa trôi bạc màu của đất vì thế có thể canh tác được lâu dài hơn.

Theo một số đồng bào dân tộc Dao ở xã Vĩnh Quang (huyện Bảo Lâm ngày nay) việc chọn đất canh tác của người dân tộc Dao rất được coi trọng. Tìm chọn và quyết định đất canh tác là công việc quan trọng nhất đối với nông nghiệp nương rẫy. Công việc này thường do người đàn ông- người chủ gia đình đảm nhiệm và được tiến hành vào tháng 8 âm lịch hàng năm, trước khi thu hoạch lúa nương. Theo kinh nghiệm họ thường chọn rừng già, cây to, lá xanh đen, nơi đất bằng phẳng và có màu đen sẫm (đất nhiều mùn) và ở gần sông suối. Khi chọn được nơi vừa ý, người Dao làm lễ cúng xin phép thần linh cho phát nương làm rẫy. Sau đó, chặt một số cây xung quanh làm dấu để xác định chủ quyền.

Trước kia, nương của người Dao còn mang nặng tính chất đa canh, cách phân bố các loại cây trồng trên nương cũng có những nét đặc trưng riêng độc đáo. Các loại cây được phân bố trên nương như sau: Vòng ngoài nương chủ yếu trồng chuối, cà và các loại dây leo như bầu, bí xanh, bí đỏ, mướp, dưa, đỗ….và vòng tiếp theo trồng sắn, khoai lang. Người Dao coi hai vòng này là những hàng bảo vệ của các cây lương thực chính trong nương của họ là lúa, ngô, vừng… các cây trồng vòng ngoài thường được trồng và thu hoạch trước lúa.

67

- Phát và đốt

Phát và đốt là hai khâu quan trọng và tất yếu của quá trình canh tác nương rẫy. Phát nương thường tiến hành theo thời vụ và tùy thuộc vào giống cây trồng trên nương. Như người Dao nếu trồng lúa, thường phát nương vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, trồng ngô vào tháng 10, tháng 11 âm lịch. Công cụ phổ biến để phát nương là con dao quắm và chiếc rìu sắt. Thông thường khi tiến hành phát nương, trước hết là phải phát quang, sau đó cắt rễ cây vun thành từng đống, để khô rồi đốt, những thân cây to được để mục.

Việc phát nương cũng có nguyên tắc thực hiện cơ bản là phát từ dưới lên, phát cây to trước, cây nhỏ sau. Đối với cây to, họ chặt hết cành xuống rồi mới ngả cây. Người Dao và người Nùng có nhiều kinh nghiệm làm nương rẫy nên thường chọn những cây to chặt đứt một nửa rồi chọn hướng đẩy cây xuống. Cây đổ sẽ kéo theo nhau và kéo theo các cây nhỏ cùng đổ đỡ tốn công hơn là tỉa và chặt từng cây một. Sau đó chỉ việc chặt cành, dọn dẹp chờ cây khô rồi đốt.

Nương rẫy sau khi phát xong sẽ để khoảng 15 ngày đến 1 tháng là cây khô ròn. Khi đó, tùy theo điều kiện thời tiết mà tiến hành đốt nương.

- Làm đất và gieo hạt

Sau khi đốt nương khoảng 5 - 7 ngày đồng bào sẽ dọn nương.

Đối với nương phát từ rừng già và rừng tái sinh, đất còn tương đối tơi xốp, sau khi đốt dọn xong có thể tra hạt được ngay. …Trên những nương ruộng đó, họ thường sử dụng những phương tiện hết sức thô sơ như chiếc hái phát cỏ, chiếc gậy chọc lỗ bỏ hạt: “ đồng bào thường đốt rừng làm nương, moi đất gieo hạt”[29, tr.342] người đàn ông cầm gậy chọc lỗ, người phụ nữ theo sau gieo hạt vào rồi lấy chân lấp.

Với những nương làm lần thứ hai, thứ ba sau khi thu hoạch, người dân chỉ cắt ngọn đối với lúa và bẻ bắp đối với ngô còn lại để cây tự hoại mục. Theo tập quán sản xuất của người Tày, họ thường làm hai đến ba vụ lúa sau đó chuyển sang trồng ngô. Với người Dao, Sán Chỉ sau khi làm hai ba vụ thấy đất bạc màu sẽ chuyển đi khai phá những vùng nương rẫy mới.

68

- Chăm sóc và thu hoạch

Các nương lúa, ngô thường được làm cỏ 2 lần: lần 1 thường làm sau khi gieo 1 tháng, lần 2 trước khi ngô, lúa sắp ra đòng. Nương mới ít cỏ, đồng bào chỉ cần làm một lần, nương cũ cỏ mọc nhiều có khi họ phải làm tới 3 lần. Làm cỏ chủ yếu dùng nạo xới cỏ, lật úp rồi dùng chân xoa, dẫm cho cỏ chết.

Dụng cụ làm cỏ là nạo, cuốc rẫy và dao phát. Quá trình chăm sóc, bón phân cũng tùy thuộc vào tính chất của từng thửa ruộng. Nếu đất mới tiến hành gieo trồng vụ đầu thì đất còn tốt, không phải dùng phân bón, sau khi làm được hai đến ba vụ, người dân sẽ dùng phân chuồng bón cho ngô, lúa để cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao.

Để có sản phẩm thu hoạch sau mỗi vụ gieo trồng, người dân thường phải tiến hành các biện pháp bảo vệ nương rẫy ngay từ khi mới gieo hạt. Họ làm lều trên nương để ở luôn trên đó trông coi, đuổi chim thú. Đặc biệt khi lúa chín, ngô vào hạt, sắn khoai có củ chim thú bay về ăn, đồng bào xua đuổi bằng cách buộc các ống tre, gõ mõ để gây tiếng động xua đuổi, hoặc dùng súng kíp để bắn chim thú. Ngoài ra, có nơi còn làm bù nhìn đan bằng tre có hình người cho mặc áo để đuổi chim thú.

Ngô thường được thu hoạch trước lúa, tháng 9 ngô vào hạt chắc mẩy, đồng bào thường bẻ gập cờ ngô xuống cho cây và hạt khô. Khi thu hoạch, dùng tay bóc hết vỏ ngay trên nương rồi cho vào giành gánh về để dự trữ trên gác bếp, khi cần ăn mới đem tẻ ra. Do phần lớn là những nương cao nên khi ngô, lúa được thu hoạch, đồng bào sử dụng gùi, giậu để đem nông sản về nhà.

Tháng 10 khi lúa chín vàng có thể thu hoạch được. Hình thức thu hoạch là cắt từng bông bằng liềm hay nhíp. Cắt ngang thân cây lúa bó thành từng bó, phơi khô một vài ngày rồi đập và tiếp tục phơi cho đến khi khô hẳn thì đem đi cất trữ.

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)