Canh tác lúa nước

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 68)

6. Bố cục

3.1.1. Canh tác lúa nước

Ruộng nước phân bố chủ yếu ở vùng thấp, vùng thung lũng tương đối bằng phẳng nơi sinh sống của đồng bào dân tộc: người Nùng, người Tày ven các con sông Gâm, sông Neo.

Lúa là cây trồng chủ yếu. Đồng bào dùng cày, bừa để cày ải, làm đất ngay từ trước tết, ra giêng khoảng tháng hai, tháng ba thì gieo mạ, sau khoảng hai tháng sẽ nhổ mạ để cấy (trước khi cấy phải dẫn nước vào ruộng, dùng bừa làm nhũn đất) bốn tháng sau thì được thu hoạch : “các châu huyện Để Định, Vĩnh Điện làm ruộng nơi sớm, nơi muộn khác nhau …., hằng năm cứ tháng 2,

60

tháng 3 gieo mạ, tháng 4, tháng 5 cấy và gặt vào tháng 8, tháng 9”[29, tr.34] Như vậy, Bảo Lạc “chỉ có lúa vụ thu”[32, tr.871].

- Kỹ thuật khai phá và làm đất

Trong việc chọn đất canh tác, đồng bào thường chọn đất làm ruộng ở những nơi tương đối bằng phảng, chất đất tốt và gần nguồn nước. Sau đó san phẳng rồi đắp bờ phát cỏ để giữ nước. Với những ruộng đã canh tác nhiều vụ, sau vụ thu hoạch còn nhiều gốc rạ, nếu đất và rạ khô thì đồng bào sẽ đốt ra cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đất phần nào diệt những loại sâu bọ hại lúa. Nếu đất và rạ đều ướt đồng bào sẽ cấy úp thân cây rạ tạo thành “phân bón tự nhiên” giúp cho đất thêm màu mỡ.

Sau phần làm sạch ruộng, theo tập quán sản xuất của địa phương cư dân bắt đầu cày ruộng vào tháng 11, 12 âm lịch vì đồng bào cho rằng: “Nà thây bươn lạp tháp khẩu khỏ khửn ba” (Ruộng cày tháng chạp gánh thóc khó lên vai). Cày ải, phơi đất vào thời điểm này khi gặp mưa ngấm nát ngay cho đỡ tốn công làm đất, lại tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho cây trồng.

Nhìn chung quy trình làm đất, cấy lúa của cư dân Bảo Lạc khá kỹ lưỡng: “ Slong phày thây, slam phày phưa” (Hai lần cày, ba lần bừa) Nghĩa là: Cày ải, cày lại sau đó ngâm nước bừa, gánh phân ra ruộng (bón lót) “lầm” bừa dàn đều phân trong ruộng và cuối cùng là “loạt” bừa kỹ lần cuối rồi cấy.

Công cụ làm đất chủ yếu vẫn dùng cày, bừa, cuốc, mai, dao…. và dùng sức trâu kéo. Chiếc cày phổ biến là cày chìa vôi. Cày của đồng bào được làm từ loại gỗ tốt, lưỡi cày bằng gang được đúc to bản và dày, bắp cày to phù hợp với các loại đất miền núi. Bừa có 2 loại là bừa đơn và bừa kép. Trong đó bừa đơn là phổ biến hơn vì ruộng ở Bảo Lạc chủ yếu là những mảnh nhỏ.. Ngoài 2 công cụ này còn có dao để phát những cây bụi xung quanh và cuốc để vạch bờ.

- Thủy lợi

Trong canh tác lúa nước với kinh nghiệm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì thủy lợi chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Người dân ở Bảo Lạc

61

thường sử dụng nguồn nước chính là nước mưa và nước của sông Gâm, sông Neo, sông Nho Quế và hệ thống các con suối, các khe mạch từ trên rừng chảy xuống. Theo kinh nghiệm cổ truyền hệ thống mương, phai đập và cọn nước được đồng bào đặc biệt coi trọng.

Trong kỹ thuật canh tác ruộng nước, đồng bào đã phát huy trí tuệ của mình trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, họ đã biết dựa vào hoàn cảnh thiên nhiên tạo ra nhiều sáng kiến để giải quyết vấn đề tưới nước cho đồng ruộng như đào mương dọc chân núi, làm phai đập chắn nước sông, suối dẫn vào ruộng, xây dựng hệ thống guồng nước, cọn nước để tưới cho những chân ruộng bậc thang, kể cả những đám ruộng cheo leo trên sườn núi.

Nhiều con mương đưa nước từ trên cao xuống, có những quãng phải bắc máng bằng tre hay bằng thân cây móc đưa nước từ sườn đồi bên này sang sườn đồi bên kia….Các mương, phai, đập ở Bảo Lạc chỉ có thể dâng nước đến một chiều cao nhất định. Muốn đưa nước đến độ cao lớn hơn, đồng bào đã dựa vào hệ thống cọn nước để tưới cho đồng ruộng.

Cọn nước được làm bằng tre, bương, nứa, gỗ, mây và những thứ mà thiên nhiên cung cấp và sẵn có ở địa phương. Đó là những chiếc bánh xe có đường kính rộng hẹp khác nhau trên dưới chục mét tùy theo sự cao thấp của mặt ruộng so với mặt nước của sông hay suối, ở bánh xe có những cánh quạt cản nước vào các ống bương đựng nước buộc chếch ở ngoài vành bánh xe, nước chảy đẩy bánh quay, đưa nước vào ống bương và khi ống bương quay lên phía trên, tự đổ vào máng dẫn nước đặt ngang và nước theo các ống máng nối liền với ruộng. Cọn nước chỉ tưới cho các vùng ruộng gần sông suối, các ruộng ở xa phải đào mương dẫn nước.

Các bản người Nùng, người Tày của Thị trấn Bảo Lạc, xã Hồng Trị, Bảo Toàn….sinh sống ven sông Gâm, sông Neo, khi nước sông cạn thường dùng đá đắp chắn ngang sông để nước dồn vào khu vực có cọn nước, đảm bảo cho sức nước làm cọn quay, đưa nước lên ruộng đồng. Ở các bản ven sông, hệ thống cọn nước khá dày, trung bình 100 - 200 m lại xuất hiện một cọn nước.

62

Ở đây cũng phải thấy rằng, mặc dù việc đắp mương, phai, đập và xây dựng cọn nước ở Bảo Lạc đã phát triển nhưng do cách làm thủ công và quy mô còn nhỏ nên không sao đảm bảo đủ nước tưới cho đồng ruộng, hơn nữa ruộng ở đây lại hay thấm nước. Cho nên đa phần năm nào trời ít mưa, khô hạn đồng bào đành bỏ ruộng không, không cấy được lúa.

Nhìn chung hệ thống thủy lợi còn đơn giản, chủ yếu dựa vào nguồn nước có sẵn trong tự nhiên. Tuy nhiên có thể thấy rằng ngay từ sớm đồng bào các dân tộc Bảo Lạc đã biết sử dụng sức nước để phục vụ cho đời sống sinh hoạt cũng như trong hoạt động sản xuất nông nghiệp như: “cối giã gạo dùng sức nước, làm cọn để lấy nước vào ruộng”[29, tr.342]

- Thời vụ

“Nhất thì nhì thục”. Câu nói này đã nêu rõ tầm quan trọng của thời vụ. Ở Bảo Lạc do rét sớm và rét nhiều nên vấn đề thời vụ lại càng đặc biệt quan trọng, nó liên quan trực tiếp đến năng suất cây trồng: Đồng bào Tày vẫn truyền nhau một số kinh nghiệm về thời vụ như sau: “Slíp co lả, bấu táy hả co thua” (Mười cây cấy muộn không bằng năm cây cấy sớm). Hoặc là: “Đăm lập mảu, chăm nua têm các. Đăm quá mảu, thai tẳm tác phần văng” (Cấy kịp vụ nếp tẻ đầy gác. Cấy quá vụ chết rũ thành văng)

Vùng Bảo Lạc chỉ cấy được một vụ. Vấn đề thời vụ có tính chất quyết định đối với năng suất lao động, hơn nữa đây lại là huyện ruộng đất khô rắn, xấu chỉ cấy được vụ mùa, không có vụ chiêm, tháng 4 cấy, tháng 8, tháng 9 thu hoạch, nếu cấy hơi muộn đến cuối mùa thu khí hậu giá lạnh, lúa không trổ bông được mà bị chết khô.

- Gieo mạ và cấy

Đây cũng là biện pháp góp phần tăng cường năng suất cây lúa, vì vậy khâu này cũng được đồng bào khá coi trọng. Tục ngữ Tày có câu: Nà đây nhờ chả, lục mả nhờ nồm (Ruộng tốt nhờ mạ, con lớn nhờ sữa mẹ).

- Gieo mạ và làm mạ mỗi nơi có cách riêng. Thóc giống thường là hạt chắc, phơi khô, cất giữ cẩn thận, trước khi gieo thường mang vào ngâm nước

63

mấy hôm. Cứ 20 kg thóc giống bỏ vào ngâm cùng 1 lạng muối. Khi hạt nảy mầm đem gieo vào ruộng mạ, ruộng gieo mạ thường là ruộng tốt được cày sâu bừa kỹ, rắc nhiều phân gấp ba lần ruộng thường.

Cách gieo mạ của các dân tộc ở Bảo Lạc khác với cách gieo mạ của đồng bào vùng xuôi ở chỗ: Người Kinh thường tháo nước ruộng mạ rồi mới gieo, còn người Tày - Nùng ở Bảo Lạc lại gieo mạ vào ruộng còn đầy nước, khi mạ đã mọc mầm hơn đốt ngón tay mới tháo nước. Sau khi gieo được 20 ngày, người ta lấy phân chuồng trộn lẫn với tro và nước tiểu rắc đều lên trên đám mạ, cung cấp thức ăn cho cây. Khi mạ đã cao khoảng 40 cm, tuổi mạ từ 25 đến 30 ngày thì tháo nước ruộng mạ cho khô để dễ nhổ. Và cuối cùng, người ta nhổ mạ bó thành từng bó, cắt một ít trên ngọn mạ rồi mang đi cấy.

- Chăm sóc lúa

Khi cấy được khoảng 20 - 40 ngày, người ta làm cỏ lần thứ nhất bằng cách sục bùn, ít nhất một lần. Ở những chân ruộng sẵn cỏ dại, đồng bào làm cỏ lần thứ hai. Dùng chiếc nạo làm sạch cỏ, lấp bùn lên cỏ. Sau đó tháo nước ra khỏi ruộng, để cho ruộng khô nứt rồi tháo nước vào nhằm mục đích làm chết cỏ, giúp cây lúa cứng hơn.

Để cây sinh trưởng và phát triển tốt người ta cũng đã chú ý đến việc bón thúc, phân được bón thành nhiều đợt khác nhau như: Bón lót, bón thúc, bón đón đòng cho lúa. Bón lót thường dùng phân chuồng tươi, bón thúc và bón đón đòng chủ yếu là dùng phân khô hay là tro nước tiểu nhằm mục đích làm cho cây lúa để nhanh, đẻ nhiều nhánh….

- Thu hoạch

Đồng bào Bảo Lạc thu hoạch lúa vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Dụng cụ để thu hoạch phổ biến là liềm, hái. Dùng quang treo, đòn gánh, đòn sóc để vận chuyển.

Sau khi gặt, lúa được bó thành từng bó nhỏ, mỗi bó gồm 4 -5 nắm. Khi vận chuyển về nhà, đồng bào bó lúa thành những bó lớn, dùng đòn sóc xuyên

64

qua để gánh về. Ở những vùng cao hơn, đồng bào thường để lúa chín, khô rồi gặt và đập ngay tại ruộng. Thường là cắt bằng liềm rồi chải ra, đập bằng Lỏong. Lỏong là cây to được khoét ruột thường dài 2 -3 m, rộng trung bình 80 cm. Người đập đứng hai bên đập lúa. Đập xong sẽ gánh về cho vào bồ, khi ăn mới giã lấy gạo. Cũng có nơi dùng trâu quần trên sân đến khi thóc rụng hết ra khỏi rơm. Thóc được loại sạch rơm, rác phơi trên sân cho khô rồi dùng quạt tay hoặc quạt hòm quạt cho sạch những hạt thóc lép. Sau đó đem cất trữ vào bồ. Khi ăn đem giã thành gạo theo kiểu “dùng sức nước để giã gạo”.

Đối với lúa nếp người ta thường cắt từng bông bằng liềm, bó thành từng bó, cứ ba bó làm một gánh mang về phơi trên vách. Khi cần lấy gạo thì cho cả bó vào bao đập lấy gạo.

Ngoài lúa là cây trồng chính, đồng bào nơi đây còn trồng các loại cây khác: “đậu, khoai, ngô, dưa, vải, nhãn…..huyện châu nào cũng có”[29, tr.363]. Như người Nùng sau khi cày cấy xong thì trồng khoai, lúa mạch ở chân núi. Người Mèo, Mán thì tìm chỗ hơi bằng phẳng trên đỉnh núi, sườn núi phát cây trồng khoai, lúa mạch, rải rác cũng gieo được lúa nương (lúa dẻo)”[32,tr.871]. Bên cạnh đó, người dân cũng trồng được một vài loại nông sản khác như bông. Bông Bảo Lạc nổi tiếng từ lâu đời, người dân quanh vùng vẫn thường truyền nhau câu nói “thóc Thông Nông, bông Bảo Lạc” “lê Xuân Trường” sách Đồng Khánh Dư địa chí có chép: “Tổng Đông Quang có giống quả lê thơm mà ngon nổi tiếng [32, tr.872]. Hiện nay ở Bảo Lạc lê Xuân Trường là nổi tiếng nhất. Về mùa lê tại những phiên chợ người dân xã Xuân Trường lại gùi, thồ những sọt lê to, vàng sạm xuống chợ bán rất nhiều. Xung quanh huyện Bảo Lạc, chỉ Xuân Trường mới trồng được lê, do khí hậu của xã rất lạnh, phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây lê.

Trải qua quá trình lâu dài, canh tác, sản xuất nông nghiệp, đồng bào các dân tộc ở Bảo Lạc đã tích lũy được những kinh nghiệm sản xuất quý báu. Nhà nông đã biết dựa vào tình hình thời tiết mà có kế hoạch sản xuất, sắp đặt công

65

việc đồng áng phù hợp cho mình. Đến nay người làm ruộng ở Bảo Lạc vẫn truyền bảo nhau câu ngạn ngữ xưa: “Ngày 8 tháng 4 không mưa, ruộng trũng đừng bừa, đi phát ruộng cao”[29, tr.341].

Do đặc trưng sản xuất nông nghiệp miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Bảo Lạc phần lớn dựng nhà ngay trên những mảnh đất bằng phẳng gần sông suối xung quanh chính là những thửa ruộng trồng trọt.

Theo số liệu thống kê 20 tập địa bạ của 18 xã huyện Bảo Lạc có địa bạ triều Nguyễn, ruộng đất của Bảo Lạc 100% đều là ruộng tam đẳng, thu điền, đất xấu, xa nguồn nước, canh tác rất khó khăn, nên nhìn chung hoạt động sản xuất nông nghiệp của Bảo Lạc nửa đầu thế kỷ XIX còn kém phát triển.

Một phần của tài liệu Ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)