6. Cấu trúc của khóa luận
2.3.2.3. Khôn ngoan
Không chỉ có lòng nhân nghĩa, tín nghĩa, Lưu Bị còn là người rất khôn ngoan. Trong những hoàn cảnh gian nan, nguy cấp, phải tạm nương nhờ dưới trướng của kẻ thù, người anh hùng Lưu Bị đã khẳng định được trí tuệ sắc bén của mình trong việc đối phó với kẻ thù gian xảo. Lúc còn long đong lận đận, bốn bể không nhà, nhiều phen thất trận, người anh hùng Lưu Bị từng tạm phải nương nhờ dưới trướng Tào Tháo và Viên Thiệu. Nguy hiểm kề cổ, kẻ thù soi mói từng giây, chú ý từng hành vi cử chỉ của mình, với sự mưu lược, Lưu Bị không những giữ được an toàn, che mắt được quân địch mà còn khẳng định được nhân cách cao quý và nghĩa khí sáng ngời của người anh hùng ôm ấp mưu đồ bá nghiệp.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung miêu tả Tào Tháo vừa thu nhận phái Lưu Bị bại trận vừa đánh phá Hạ Phì diệt Lã Bố, lại dụ hàng được Trương Liêu. Từ đó Tháo uy danh lừng lẫy, trên ép thiên tử, nắm lấy binh quyền, dưới tìm cách diệt các thế lực chư hầu hòng làm làm bá chủ thiên hạ. Hán Hiến Đế mật chiếu cho Đổng Thừa tìm cách giết kẻ gian. Đổng Thừa đã bí mật lập tờ nghĩa trạng gồm những người trung quân ái quốc. Lưu Bị cũng có tên trong đó. Bấy giờ Lưu Bị mới thua Lã Bố ở Từ Châu, phải nương nhờ Tào Tháo nhưng ý chí diệt Tào, đồ vương vẫn chưa tắt. Chứng kiến Tào Tháo lấn quyền, đặc biệt là vụ đi săn ở Hứa Điền, các quan ai cũng căm tức Tháo, “Quan Vân Trường giận lắm, mày tằm dựng ngược, mắt phượng giương to, cầm dao, thúc
ngựa định ra chém Tào Tháo” [27, I, 389]. Lưu Bị cũng bất bình trước hành
động lộng quyền của Tào Tháo, nhưng đã giữ được bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo đã ngăn cản Quan Vân Trường: “Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý, Tháo đứng cách vua chỉ có một đầu ngựa, mà những người tâm phúc nó đi xúm xít cả chung quanh, nếu em nhân cơn giận làm liều không nghĩ, nhỡ việc không xong,
hại đến thiên tử thì có phải tội tại chúng ta không?” [27, I, 390]. Qua hành động
khuyên bảo của Lưu Bị với Quan Công cho thấy Lưu Bị là một người rất khôn ngoan, ông luôn phán đoán, nhìn nhận sự việc một cách sáng suốt.
Trong Thủy hử, Thi Nại Am cũng xây dựng thành công hình tượng nhân vật Võ Tòng là một người anh hùng mưu trí và khôn ngoan. Cụ thể là qua những việc làm để tìm ra chân tướng cái chết của anh trai mình. Võ Tòng suy nghĩ, từng bước để tìm ra mấu chốt của vụ án: Tìm gặp Hà Cửu Thúc, Vận Kha, một người nắm giữ vật chứng và một người là nhân chứng. Tiếp đó mời bà con đến chứng kiến, nhờ người ghi lời khai, giết Phan Kim Liên khi đã vạch rõ tội, tìm giết Tây Môn Khánh rồi nộp tất cả cho quan trên để chịu tội. Võ Tòng làm như vậy mục đích để giảm nhẹ tội cho mình, khẳng định với mọi người: Phan Kim Liên là người có tội giết chồng, còn Võ Tòng chỉ trả thù cho anh. Điều đó thể hiện tính cách khôn ngoan, làm việc có sự suy nghĩ thận trọng của nhân vật Võ Tòng.
Để mưu thành nghiệp lớn, Lưu Bị dùng kế che mắt địch, bèn làm một vườn rau ở sau nhà, ngày ngày vun xới, tưới tắm để chờ thời cơ. Tình thế nguy nan được đẩy lên cao trào khi Tào Tháo mời Lưu Bị đến bàn luận vấn đề anh hùng trong thiên hạ, điều đó cũng có nghĩa là Lưu Bị đã bị lọt vào tầm ngắm của Tào Tháo, rơi vào thế nguy hiểm, dễ bị lộ bất cứ lúc nào. “Lưu Bị đã bị Tào
Tháo liệt vào anh hùng tức là Tào Tháo đã có ý định giết Huyền Đức rồi” [5,
86]. Khi nghe Tào Tháo gọi mình là anh hùng, Lưu Bị đã giật mình, nhưng ông đã khôn ngoan biết “giấu mình”, nhanh chóng nói tảng sang rằng: “Gớm ghê!
Lưu Bị đã chuyển nguy thành an, từ thế bị động thành thế chủ động. Lưu Bị trong lòng lo sợ tìm cách cố giấu và đã che giấu được nỗi lo sợ ấy cùng mưu đồ chính trị của mình, còn Tào Tháo bề ngoài có vẻ như chủ động, bình tĩnh mà thực ra tâm can đang bất an, ngờ vực, thụ động vô cùng, càng muốn tìm hiểu ý đồ của địch thủ lại càng mờ mịt, bế tắc. Sự khôn ngoan của Lưu Bị ở đây hơn hẳn Tào Tháo.
Lần ly tán thứ hai, khi bị Tào Tháo đánh đuổi Lưu Bị phải đơn phương một thân một mình tạm nương nhờ Viên Thiệu. Quan Công lúc bấy giờ đang ở dưới trướng Tào Tháo. Việc Quan Công hai lần chém Nhan Lương, Văn Sú - hai tướng yêu của Viên Thiệu là hai lần Lưu Bị rơi vào tình thế nguy nan, cận kề cái chết. Biết Viên Thiệu là người hay do dự, tính không quyết đoán, lập trường thiếu vững vàng cho nên với bản lĩnh hơn người, Lưu Bị không hề lo sợ, đấu lý với Viên Thiệu một cách khôn ngoan, khéo léo: “Minh công chỉ nghe một lời mà muốn dứt tình ngay? Bị từ khi ở Từ Châu thất tán, em là Quan Vũ không biết còn hay mất! Thiên hạ người giống mặt nhau không ít, chắc đâu tướng mặt đỏ
râu dài là Vân Trường, minh công sao không xét cho kỹ” [27, I, 487]. Hoặc như
“Xin để tôi giãi bày một lời rồi hãy giết: Tào Tháo vốn ghét tôi, nay biết tôi ở chỗ minh công, sợ tôi giúp minh công, nên sai em tôi giết hai tướng. Minh công
biết, tất nhiên giận tôi đó. Xin minh công nghĩ lại cho” [27, I, 492]. Sự khôn
ngoan, khéo léo đã giúp Lưu Bị thoát khỏi nguy hiểm. Nếu chỉ có cái dũng của kẻ võ biền và thiếu đi sự khôn ngoan tuyệt vời của bậc quân vương thì Lưu Bị đâu có được cái bản lĩnh vững vàng ấy. Khôn ngoan của Lưu Bị cũng thực đáng để người đời ca tụng, khen ngợi.
Như vậy, Lưu Bị là con người khôn ngoan, có trí tuệ sáng suốt. Sự khôn ngoan làm cho hình tượng nhân vật Lưu Bị có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.
Tóm lại, tìm hiểu sự khác nhau trong tính cách của Tào Tháo và Lưu Bị giúp chúng ta thấy được bản chất của hai con người này. Tào Tháo là con người có tính cách: đa nghi, nham hiểm, tàn bạo, cơ trí và ngoan cường. Lưu Bị là con người nhân nghĩa, tín nghĩa và khôn ngoan. La Quán Trung đã xây dựng nhân vật của mình hết sức đa dạng và phong phú về mặt tính cách. Điều này tạo nên sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với độc giả. Sự khác nhau về tính cách làm cho họ không lẫn vào nhau.