Miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật tào tháo và lưu bị trong tác phẩm tam quốc diễn nghĩa của la quán trung (Trang 44)

6. Cấu trúc của khóa luận

3.1. Miêu tả ngoại hình nhân vật

Ngoại hình là khái niệm nhằm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… Đó chính là toàn bộ những biểu hiện tạo nên hình dáng bề ngoài của nhân vật. Giáo sư G. N. Pospelov cho rằng, đối với các giai đoạn văn học trước chủ nghĩa hiện thực, tiêu biểu là lối miêu tả lý tưởng hóa và kệch cỡm hình dáng bề ngoài, đầy ẩn dụ ví von, những định nghĩa mang sắc thái đánh giá chủ quan. Kiểu chân dung này được giữ nguyên trong văn học cho mãi đến thời đại lãng mạn chủ nghĩa. Chẳng hạn khi miêu tả ngoại hình Trư Bát Giới, Ngô Thừa Ân đã viết: “Mõm dài tai lớn, sau gáy có lông bờm thân thể thô lỗ đáng

sợ, đầu, mặt chẳng khác gì hình bóng con lợn” [2, I, 346]. Dùng những hình ảnh

kệch cỡm hóa về hình dáng bề ngoài, Ngô Thừa Ân nói lên sự thô kệch, quái dị, khác thường của nhân vật này.

Cũng theo tác giả này trong văn học hiện thực chủ nghĩa lại lưu hành một loại chân dung kết hợp tính hội họa và phân tích tâm lý, khắc họa tính phức tạp và nhiều bình diện của diện mạo con người. Chẳng hạn Nam Cao miêu tả nhân vật Hoàng trong Đôi mắt: “… anh Hoàng đi ra, anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả bởi vì khí to béo quá, vừa bước vừa đưa cánh tay kềnh kệnh ra hai bên, những khối thịt ở bên nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá. Cái dáng điệu nặng nề ấy, hồi còn ở Hà Nội anh mặc quần áo Tây cả bộ, trông chỉ thấy chững chạc và hơi oai vệ. Bây giờ nó lộ ra khá rõ ràng, trong bộ áo ngủ màu xanh nhạt, phủ một cái áo len trắng nó nịt người anh đến nỗi không thở

được” [8, 369]. Cách miêu tả ngoại hình đã góp phần bộc lộ tính cách nhân vật.

Hoàng là một kẻ chỉ biết sống vụ lợi, lối sống cá nhân vun vén cho bản thân, trong khi cả nước đang chiến tranh, nhân dân đói khổ.

Đối với La Quán Trung, xây dựng ngoại hình nhân vật là một dụng ý nghệ thuật. Việc miêu tả ngoại hình nhân vật góp phần quan trọng trong việc thể

hiện nhân vật, những chi tiết miêu tả ngoại hình góp phần bộc lộ thế giới nội tâm phong phú bên trong của nhân vật.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung miêu tả nhân vật Tào Tháo là người có ngoại hình: “mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài”. “Mình cao bảy

thước” với ngoại hình này bước đầu ta nhận thấy Tháo có dáng dấp của con nhà

võ, dáng dấp của một anh hùng xuất chúng. “Mắt nhỏ”, phải chăng y thuộc vào loại ti hí mắt lươn mà nhân dân Việt Nam thường bảo:

Những người ti hí mắt lươn

Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

Như vậy, ngoại hình đã phần nào nói lên bản chất gian hùng của nhân vật Tào Tháo.

Bằng những chi tiết cụ thể, chân thực La Quán Trung đã để cho Tào Tháo hiện lên mang dáng vẻ uy nghi của một người quyền quý: “Tháo đầu đội mũ

vàng khảm ngọc, mình mặc áo bào gấm xanh, giày kết hạt châu” [27, II, 295].

Sự kết hợp của trang phục và trang sức làm nổi bật vẻ uy nghi của Tào Tháo. Nói đến ngoại hình không chỉ nói đến phục sức bên ngoài của nhân vật mà ngoại hình bao gồm cả hình dáng, điệu bộ, cử chỉ, cách đi đứng, nói năng của nhân vật. Bên cạnh miêu tả vẻ ngoài bệ vệ của Tào Tháo, La Quán Trung còn chú ý đến việc miêu tả nét mặt, nụ cười, điệu bộ, cử chỉ của y trong mọi hoàn cảnh, khi vui mừng hay buồn bã, tức giận, sợ hãi… Tào Tháo đều thể hiện ra mặt một cách rõ nét và sinh động. Khi cha Tào Tháo là Tào Tung từ Lương Gia tới Duyện Châu định dưỡng lão nhưng không may bị đô úy của Đào Khiêm là Trương Khải sát hại, Tào Tháo nghe tin dữ “khóc lăn xuống đất, mọi người vực dậy, Tháo nghiến răng lại nói rằng: Đào Khiêm hỡi! Dám thả cho quân giết bố tao. Thù này mày với tao không đội trời chung được! Nay tao khởi hết đại

quân, sang giết sạch cả Từ Châu mới hả được giận này!” [27, I, 198]. Cơn giận

dữ, đau xót vì mất những người thân yêu đã được thể hiện qua cử chỉ “nghiến

răng” của Tào Tháo, báo hiệu một sự trả thù đẫm máu để hả giận.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung còn chú ý miêu tả các tư thế ngồi của Tào Tháo. Có khi “Tháo ngồi chót vót tầng trên” [27, II, 174], lúc thì

“ngồi chễm chệ ở tầng trên” [27, II, 295]. Tư thế ngồi của Tào Tháo cho ta thấy

y là một con người quyền cao chức trọng, lúc nào cũng rất bệ vệ, oai phong. Bên cạnh Tào Tháo, Lưu Bị cũng được La Quán Trung chú ý miêu tả về ngoại hình. Nhân vật Lưu Bị được tác giả La Quán Trung miêu tả ngoại hình theo quan niệm “kỳ hình dị tướng”: “Mình cao bảy thước rưỡi hai tai chảy

xuống gần vai, hai tay buông khỏi đầu gối, mắt trông thấy được tai, mặt đẹp như

ngọc, môi đỏ như son” [27, I, 32]. Tam quốc diễn nghĩa đã dị hóa và kì ảo hóa

nhân vật theo quan điểm xưa của người Trung Quốc: Những người có tướng lạ là dấu hiệu của tài năng, tướng càng lạ càng tài. Cách miêu tả hình dáng bên ngoài kì lạ của Lưu Bị thể hiện quan niệm truyền thống cổ xưa của người Trung Quốc về người anh hùng. Quan niệm này cũng ảnh hưởng tới văn học Việt Nam thời kì cổ, trung đại. Trong Thủy hử của Thi Nại Am, ngoại hình của nhân vật cũng có những điểm lạ, khác biệt, kì ảo. Chúng ta dễ dàng nhận thấy biệt danh của nhân vật cũng đã nói lên phần nào cái kì về ngoại hình nhân vật. Ví dụ: Lâm Xung, người anh hùng đầu giống báo nên mọi người gọi là Báo Tử đầu Lâm Xung. Dương Chí mặt xanh nên người đời gọi là Thanh diện thú Dương Chí, Lưu Đường hình dáng giống quỷ gọi là Xích phát quỷ Lưu Đường… Chính cái không bình thường của diện mạo là dấu hiệu nhận biết người anh hùng. Nếu như

Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử dùng chi tiết kì lạ để miêu tả ngoại hình nhân vật

thì Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần lại dùng những chi tiết chân thực để miêu

tả ngoại hình nhân vật. Cái thần thái “đa sầu, đa cảm, lấy nước rửa mặt” của Lâm Đại Ngọc đã hiện ra qua cách miêu tả nhân vật: “Đôi lông mày điểm màu khói nhạt, dường như cau mà lại không cau, đôi con mắt chứa chan tình tứ, dường như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu, người hơi mệt trông

càng tha thướt, lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ” [3, I, 562].

Trong Tam quốc diễn nghĩa, ngoài việc miêu tả diện mạo nhân vật Lưu Bị theo quan niệm “kỳ hình dị tướng”, La Quán Trung còn vận dụng linh hoạt bút pháp ước lệ tượng trưng để miêu tả ngoại hình của nhân vật này. Cụ thể là tác giả đã dùng lối nói tượng trưng, sử dụng hình ảnh những con vật được coi là linh thiêng, cao quý (long, ly, quy, phượng) trong quan niệm văn hóa của người phương Đông để miêu tả Lưu Bị: “Huyền Đức có dáng như rồng như phượng,

uy nghi, đường bệ” [27, II, 273].

Là một con người giàu lòng nhân nghĩa Lưu Bị không có cái “nghiến

răng”, điệu “cười mát” hay “cười sằng sặc” như Tào Tháo, mà người đọc bắt

gặp, cảm nhận nội tâm của Lưu Bị qua tiếng khóc của ông. Khi Quan Công, Trương Phi bị hãm hại, Lưu Bị “khóc sướt mướt, vạt áo lúc nào cũng đầm đìa,

nước mắt đỏ như huyết” [27, III, 5].

Như vậy, chỉ cần qua một số chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật Tào Tháo và Lưu Bị, La Quán Trung đã cho chúng ta thấy vẻ bề ngoài sinh động của hai nhân vật; ẩn đằng sau đó là nét tính cách phức tạp và khác biệt.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật tào tháo và lưu bị trong tác phẩm tam quốc diễn nghĩa của la quán trung (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)