6. Cấu trúc của khóa luận
2.3.2.2. Tín nghĩa
Bên cạnh tính nhân nghĩa điển hình, Lưu Bị còn là một con người có tính cách tín nghĩa. Tín nghĩa là cơ sở tồn tại lâu bền cho những mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống. Xét trong mối quan hệ kết nghĩa vườn đào Lưu - Quan - Trương, tín nghĩa giữa ba anh hùng này là hết sức sâu sắc và bền chặt. Ý nghĩa của chữ “tín” được thể hiện hết sức triệt để. La Quán Trung đề cao tinh thần tín nghĩa, sống chết có nhau của ba nhân vật anh hùng này. Cùng chiến đấu với giặc Khăn Vàng, loạn thần Đổng Trác, gian hùng Tào Tháo, giúp Lưu Bị xây dựng nghiệp lớn, dường như trong tác phẩm mỗi lần miêu tả Lưu Bị, người đọc lại bắt gặp sự hiện diện ngay sau đó của Trương Phi và Quan Công. Bộ ba Lưu - Quan - Trương không rời xa nhau nửa bước, đi đâu cũng là hình ảnh Lưu Bị ở giữa, Quan, Trương đứng hầu hai bên không biết mệt mỏi, tuy ba mà như một vậy. Có thể thấy, Lưu Bị hết sức trung thành với lời thề kết nghĩa vườn đào, không vì lợi ích bản thân mà quên tình nghĩa anh em. Ngược lại, Quan Công và Trương Phi cũng chưa phút giây nào sao nhãng tình huynh đệ. Sống trong thời loạn lạc, kết nghĩa từ thuở cơ hàn, từ buổi ban đầu gặp nhau cho đến lúc lập nên nghiệp lớn, rồi cả đến lúc suy tàn, tín nghĩa giữa họ vẫn luôn vẹn toàn thủy chung như nhất. Lưu Bị long đong bốn biển không nhà, một tấc cắm dùi chưa có, sự nghiệp vương bá còn quá nhiều gian nan, chưa một lần giữa ba con người này xảy ra hiềm khích, nếu có khó khăn thì cùng kề vai gánh vác, sẻ chia. Họ tụ họp, thất tán, cách trở, rồi lại tìm về với nhau. Đến khi nghiệp lớn thành công họ cũng không hề mảy may đố kị, tranh giành ngôi vị, tước lộc, ghen ghét và rời bỏ nhau. Cả đến lúc suy tàn cơ nghiệp, tình nghĩa anh em giữa họ liền biến thành hành động trả thù cho nhau, dù cho sự trả thù ấy phải đánh đổi bằng tất cả.
Khi Trương Phi để mất Từ Châu vào tay Lã Bố, phạm phải quân lệnh, tội đáng phải chết, Trương Phi rút gươm toan tự vẫn, nhưng ngay lập tức Lưu Bị kịp thời ngăn lại. Hành động của Lưu Bị không chỉ xuất phát từ tấm lòng nhân
từ độ lượng của vị minh quân mà còn bởi tín nghĩa vườn đào không hề phai nhạt giữa ba con người này.
Không những vậy, nhắc đến lòng tín nghĩa của Lưu Bị xét trên quan hệ anh em bằng hữu phải kể đến cả ân tình giữa Lưu Bị với Triệu Vân. Chữ
“nghĩa” trong mối quan hệ giữa hai người không chỉ xét trên quan hệ vua tôi mà
thực chất còn là chữ “tín” của tình bằng hữu. Người anh hùng Triệu Vân suốt đời chiến đấu dũng cảm không ngại khổ chống lại mọi nguy hiểm là đã giữ trọn lòng trung với Lưu Bị trên quan hệ vua tôi. Vậy chữ “tín” của tình bằng hữu giữa hai người anh hùng này được thể hiện cụ thể ra sao? Chúng ta thấy rằng ngay từ lần gặp đầu tiên hai người “đã có bụng yêu mến ngay, không
muốn rời xa nữa” [27, I, 140]. Đến hồi hai mươi tám, Triệu Vân mới thực sự
theo Huyền Đức thế nhưng thực tình họ đã hiểu thấu phẩm chất cao đẹp của nhau từ rất sớm. Lưu Bị nói: “Từ khi ta mới gặp được Tử Long, đã có tình lưu
luyến không bỏ được” [27, I, 540], còn Tử Long cũng đáp lại rằng: “Tôi đã đi
khắp bốn phương chọn chủ để thờ mà chưa từng thấy ai bằng tướng quân. Nay được theo hầu thực là mãn nguyện bình sinh; dẫu gan óc lầm đất cũng không
hối hận gì” [27, I, 540]. Như vậy, quan hệ giữ Lưu Bị với Triệu Vân hình thức
là vua tôi nhưng thực chất chữ “nghĩa” ấy lại được xây dựng nên từ tình bằng hữu bền chặt, sâu sắc. Trong suốt quá trình lập nghiệp của Lưu Bị, thấy những việc không nên không phải Triệu Vân đều can ngăn Lưu Bị một cách chân thành và ngược lại Lưu Bị cũng thường hỏi ý kiến Tử Long vì viên tướng ấy vốn chín chắn, sáng suốt, cẩn trọng và toàn tài.
Như vậy, bên cạnh lòng nhân nghĩa sâu sắc, Lưu Bị còn có tín nghĩa. Tín nghĩa là yếu tố quan trọng quy định cách xử thế giữa Lưu Bị với mọi người, góp phần làm cho nhân cách Lưu Bị thêm sáng rõ trong một thời kì lịch sử còn tối tăm.