- Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng
3.3.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, các ban quản lý dự án, Khu công nghiệp, cũng như các cơ quan thuế các cấp đều phải tuân thủ hệ thống quy định của luật pháp có liên quan: Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài, Luật lao động, Luật đất đai, Luật môi trường, Luật thuế TNDN, các nghị định, thông thư hướng dẫn,… Do vậy nếu các văn bản luật được ban hành với nội dung cụ thể, đồng bộ và áp dụng có hiệu lực thống nhất giữa các cơ quan thi hành luật thì sẽ tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và công tác quản lý của các cơ quan công quyền hiệu quả và thuyết phục hơn.
Tại buổi Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức lần thứ 6 tại thành phố Vinh Nghệ An, Đại diện các DN đầu tư Nhật Bản, ông Atsusuke Kawada – Trưởng
đại diện Jetro Nhật Bản tại HN chia sẻ: “Cuộc khảo sát các DN Nhật Bản đã đầu tư tại Châu Á – Thái Bình Dương chỉ ra 5 điểm quan trọng. Thứ nhất, giá nhân công tăng chiếm 60% số lượng phản hồi; Thứ hai là thủ tục hành chính phức tạp - chiếm 40%; Thứ ba là thiếu minh bạch trong thực hiện chính sách; Thứ tư là thủ tục, chính sách thuế phức tạp và thứ năm là hệ thống pháp lý kém phát triển và việc vận hành hệ thống pháp lý không rõ ràng. Đây là những rào cản cho việc đầu tư hoạt động kinh doanh của các DN Nhật Bản tại VN. Jetro hy vọng, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hỗ trợ và giải quyết các vấn đề mà các DN nước ngoài đang phải đối mặt tại tỉnh nhà”. Chia sẻ của ông Atsusuke Kawada không chỉ là lời góp ý thẳng thắn từ phía nước ngoài mà còn nói lên thực trạng tại Việt Nam. Môi trường pháp lý của Việt Nam còn phải tiếp tục hoàn thiện nhiều hơn nữa để tương đồng với các nước trong khu vực; kịp thời theo dõi diễn biến của thị trường và có những bước tiến phù hợp trong cải cách cơ chế, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để nhằm tạo điều kiện cho các ĐTNT hiểu và thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất.
Cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư đồng bộ, minh bạch, rõ ràng và có tính tiên liệu. Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Cải tiến một cách căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối tác. Công tác quản lý doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng được chú trọng cải thiện hiệu quả, đặc biệt là tập trung chuyển đổi mạnh áp dụng chế độ hậu ưu đãi và hậu kiểm, kết hợp tăng cường chế độ báo cáo, thống kê và giám sát, thanh tra.