6. Cấu trúc khóa luận
2.2.1. Địa hình
Có thể chia lãnh thổ Yên Bái thành hai khu vực có quá trình phát triển địa chất khác nhau, lấy đứt gãy sông Hồng làm ranh giới. Phía Tây bao gồm các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Đây là khu vực có quá trình địa chất diễn ra khá phức tạp. Phía Đông bao gồm Lục Yên, Yên Bình, TP Yên Bái và phía Đông các huyện Văn Yên, Trấn Yên.
Yên Bái là vùng chuyển tiếp từ trung du (Phú Thọ) lên khu vực núi cao (Lào Cai). Địa hình Yên Bái thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Nơi thấp nhất ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (20m), nơi cao nhất là ở đỉnh Phu Luông, Trạm Tấu (2.985 m).
Địa hình chủ yếu là đồi núi. Trên địa bàn toàn tỉnh có ba dãy núi lớn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Tây là hai dãy Hoàng Liên Sơn và Phu Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà. Đây là các dãy núi trẻ, đỉnh nhọn, độ cao trung bình của các ngọn núi từ 1700 - 2800 m, độ dốc 40 - 70°, bị cắt xẻ mạnh. Phía Đông là dãy núi cổ Con Voi nằm giữa sông Chảy và sông Lô có độ cao trung bình từ 400 – 800 m.
Xen kẽ đồi núi là địa hình thung lũng, bồn địa, đồng bằng, miền núi. Đáng kể nhất là các bồn địa Mường Lò (Văn Chấn), Đại Phú An (Văn Yên), Mường Lai (Lục Yên).
Địa hình Yên Bái có hai tiểu vùng:
+ Tiểu vùng cao: Độ cao trung bình trên 600 m, gồm 70 xã, chiếm 67,5% diện tích tự nhiên của cả tỉnh.
+ Tiểu vùng thấp: Độ cao trung bình dưới 600 m, bao gồm các bồn địa, thung lũng dọc sông suối, là địa phận của 89 xã, chiếm 32,5% toàn tỉnh.
Địa hình Yên Bái có nhiều thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - xã hội theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dọc thung lũng của các con sông. Trong khi đó các mối liên hệ kinh tế theo hướng Bắc Nam hết sức khó khăn do địa hình núi cao, đèo dốc.