VÀ YORKSHIRE
4.2.1. Các chỉ tiêu về sinh lý sinh dục của Landrace và Yorkshire
Sinh dục là quá trình sinh lý quan trọng và cơ bản nhất của gia súc trong việc duy trì nòi giống. Đối với lợn cái hậu bị sự thành thục về tính dục, thể vóc, sinh lý của cơ quan sinh dục là những vấn đề đáng được lưu tâm. Biết được đặc điểm sinh lý sinh dục của lợn nái hậu bị giúp chúng ta đề ra các biện pháp nuôi
dưỡng, chăm sóc và sử dụng lợn nái một cách có hiệu quả nhất.
Lợn cái sau khi thành thục về tính thì có biểu hiện động dục. Đối với lợn nội có biểu hiện động dục sớm hơn lợn ngoại, lợn nội động dục lúc 4 – 5 tháng tuổi, lợn ngoại động dục lúc 6 – 7 tháng tuổi. Tuy lợn cái thành thục về tính nhưng không nên cho phối giống sớm vì chưa thành thục về thể vóc. Thông thường ta bỏ qua 1 – 2 chu kỳ động dục đầu tiên, chu kỳ 3 thì phối giống. Khi đó bộ máy cơ quan sinh sản đã hoàn thiện cả về cấu tạo và chức năng, tạo điều kiện cho quá trình phối giống đạt hiệu quả. Nếu phối giống quá sớm thì ảnh hưởng đến hiệu quả thụ thai, số con đẻ ra, sự phát triển của nái sau này.
Tiến hành điều tra theo dõi một số chỉ tiêu sinh lý động dục của 51 lợn Landrace và 50 lợn Yorkshire nuôi tại Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương – trại lợn Ba Vì. Kết quả được trình bày ở bảng 4.6:
Bảng 4.6. Một số chỉ tiêu sinh lý sinh sản của lợn Landrace và Yorkshire
Chỉ tiêu Yorkshire (n=50) Landrace (n=51)
X ± SE X ± SE
Tuổi động dục lần đầu 231,90 ± 2,89 230,60 ± 2,09
Tuổi phối giống lần đầu 252,92 ± 2,88 251,58 ± 2,08
Tuổi đẻ lứa đầu 366,80 ± 2,86 365,02 ± 2,09
Thời gian mang thai 113,88a ± 0,12 113,44b ± 0,10
Thời gian chờ phối 4,64 ± 0,13 4,96 ± 0,13
Khoảng cách lứa đẻ 143,74a ± 0,44 141,60b ± 0,53
Chú thích: Trong cùng hàng chữ số mang những chữ cái khác nhau là sai khác có ý nghĩa thống kê (P < 0,05)
– Tuổi động dục lần đầu
Tuổi động dục lần đầu của lợn nái Landrace và Yorkshire là từ 5 – 8 tháng tuổi và khối lượng đạt khoảng 1300 – 180 kg. Khi lợn động dục lần đầu ta không nên phối giống ngay mà tốt nhất bỏ qua 1 – 2 chu kỳ đầu vì động dục lần đầu mà phối giống này sẽ dẫn đến tỉ lệ thụ thai thấp do trứng rụng ít, thể vóc sinh lý chưa hoàn thiện.
Tuổi động dục lần đầu của lợn nái Landrace tương đương với Yorkshire lần lượt là 230,60; 231,90 ngày.Theo Nguyễn Khắc Tích (1997) đưa ra theo dõi
đặc điểm sinh lý sinh dục hai giống Landrace, Yorkshire nuôi tại Xí nghiệp giống vật nuôi Mỹ Văn Hưng Yên lần lượt là 203,36; 208,62 ngày. Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với kết quả của tác giả.
– Tuổi phối giống lần đầu
Đây là một chỉ tiêu sinh lý sinh sản của lợn cái hậu bị. Chỉ tiêu này đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của lợn cái hậu bị, tuổi phối giống lần đầu sớm hay muộn đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của lợn nái sau này. Phối giống cho lợn nái sớm sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, tuy nhiên có ảnh hưởng đến sinh sản ở lứa thứ nhất do lợn nái chưa tích lũy đủ khối lượng cơ thể cho hoạt động sinh sản hay ảnh hưởng ở các lứa đẻ sau.
Lợn Landrace có tuổi phối giống lần đầu là 251,58 ngày tương đương với lợn Yorkshire là 252,92 ngày thấp hơn so với nghiên cứu của Đinh Văn Chỉnh (2001), tuổi phối giống lần đầu của Landrace là 254,11 ngày, Yorkshire là 282 ngày. Sự sai khác này có thể do đàn lợn nhập về đã thích nghi tốt với điều kiện nuôi dưỡng, khí hậu nên phát dục sớm.
– Tuổi đẻ lứa đầu
Chỉ tiêu này đánh giá được tuổi đưa lợn cái hậu bị vào chu trình khai thác có hợp lý hay không. Nếu đưa lợn cái vào khai thác quá sớm khi thể vóc chưa phát triển hoàn thiện sẽ ảnh hưởng tới tính năng sản xuất của nó sau này. Nếu đưa vào khai thác muộn sẽ lãng phí vòng đời khai thác, chi phí cho chăm sóc nuôi dưỡng vì vậy không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuổi đẻ lứa đầu được quyết định bởi tuổi phối giống lần đầu và thời gian mang thai lứa đầu. Ở bảng 4.6 kết quả nghiên cứu tuổi đẻ lứa đầu của Landrace, Yorkshire lần lượt là 365,02; 366,80 ngày. So sánh với kết quả nghiên cứu của một số tác giả: Đặng Vũ Bình (1999) cho thấy tuổi đẻ lứa đầu của Landrace, Yorkshire tương ứng là 409,3; 418,54 ngày. Theo Phan Xuân Hảo (2001) tuổi đẻ lứa đầu của Landrace, Yorkshire là 367,91; 374,94 ngày. Kết quả nghiên cứu này thấp hơn các tác giả trên. Nguyên nhân của sự sai khác này có thể là do chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng khác nhau.
– Thời gian mang thai
Ở lợn nái thời gian mang thai thường ổn định từ 113 – 115 ngày. Theo Đặng Vũ Bình (2003) thời gian mang thai của Landrace, Yorkshire là 114,19; 114,20 ngày. Kết quả nghiên cứu thời gian mang thai của Landrace là 113,44 ngày thấp hơn so với Yorkshire là 113,88 ngày. Sự sai khác này có ý nghĩa thống kê vì P < 0,05.
– Khoảng cách lứa đẻ
Khoảng cách giữa hai lứa đẻ là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng suất sinh sản và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn nái. Kết quả nghiên cứu khoảng cách lứa đẻ của Landrace là 141,60 thấp hơn Yorkshire là 144,66 ngày (P < 0,05).
Kết quả nghiên cứu thấp hơn so với báo cáo của tác giả Võ Ngọc Hoài (2007) cho rằng khoảng cách lứa đẻ của Landrace, Yorkshire là 144,01; 156,16 ngày. Điều này cho thấy trại đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học trong chăn nuôi về thức ăn, chuồng trại, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nên đã làm giảm được khoảng cách giữa hai lứa đẻ, tăng hiệu quả chăn nuôi.
4.2.2. Năng suất sinh sản trung bình của Landrace và Yorkshire
Tiến hành nghiên cứu trên 208 lợn nái Yorkshire và 233 lợn nái Landrace. Kết quả năng suất sinh sản của Landrace và Yorkshire được thể hiện ở bảng 4.7 như sau:
– Số con đẻ ra/ổ
Số con đẻ ra/ổ là chỉ tiêu đánh giá số trứng được thụ tinh, sự phát triển của hợp tử. Số con đẻ ra nhiều hay ít phụ thuộc vào số hợp tử được hình thành và khả năng nuôi thai của lợn mẹ, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng lợn mẹ. Bao gồm số con đẻ ra còn sống, số con chết khi sinh, số con chết lưu.
Qua bảng 4.7 cho thấy số con đẻ ra của Landrace, Yorkshire tương ứng là 10,64 con; 10,65 con. Đặng Vũ Bình (1999) cho biết số con đẻ ra của Landrace, Yorkshire lần lượt là 9,86; 9,77 con. Theo Đinh Văn Chỉnh (1995), số con đẻ ra
của Landrace, Yorkshire tương ứng là 9,55; 9,5 con. Kết quả nghiên cứu cao hơn so với các tác giả.
– Số con đẻ ra sống đến 24h
Đây là chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật quan trọng nói lên khả năng đẻ nhiều hay ít con của giống, nói lên kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái chửa và kỹ thuật thụ tinh của dẫn tinh viên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy số con đẻ ra còn sống đến 24h của Landrace, Yorkshire đều là 9,68 con. Theo báo cáo của Đặng Vũ Bình (1999) số con đẻ ra sống/ổ của Landrace, Yorkshire lần lượt là 9,86; 9,77 con; Phan Xuân Hảo (2002) cho biết kết quả tương ứng là 10,30; 9,97 con. Như vậy kết quả nghiên cứu này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của các tác giả.
Bảng 4.7. Năng suất sinh sản trung bình của Yorkshire, Landrace
Chỉ tiêu ĐVT Yorkshire (n=208) Landrace (n=233)
X ± SE X ± SE
Số con đẻ ra/ổ Con 10,65 ± 0,17 10,64 ± 0,15
Số con sơ sinh sống đến 24h/ổ Con 9,68 ± 0,16 9,68 ± 0,14
Số con để nuôi/ổ Con 9,63 ± 0,16 9,50 ± 0,14
Số con cai sữa/ổ Con 8,53 ± 0,14 8,53 ± 0,14
Khối lượng sơ sinh/ổ Kg 13,18 ± 0,27 13,46 ± 0,23
Khối lượng sơ sinh/con Kg 1,38b ± 0,02 1,43a ± 0,01
Khối lượng cai sữa/ổ Kg 56,11 ± 1,32 53,77 ± 1,24
Khối lượng cai sữa/con Kg 6,51 ± 0,08 6,36 ± 0,09
Tỷ lệ sống đến 24h % 91,56 ± 0,78 91,69 ± 0,67
Tỷ lệ sống đến cai sữa % 89,26 ± 0,77 90,27 ± 0,98
Chú thích: Trong cùng hàng chữ số mang những chữ cái khác nhau là sai khác có ý nghĩa thống kê (P < 0,05)
– Số con để nuôi/ổ
Số con để nuôi/ổ phụ thuộc nhiều vào số núm vú, tình trạng sức khoẻ của lợn mẹ. Từ bảng 4.7 số con để nuôi của Landrace, Yorkshire tương ứng là 9,50; 9,63 con. Theo báo cáo của Phùng Thị Vân (1995), số con để nuôi của
Landrace, Yorkshire nuôi tại trung tâm nghiên cứu Thụy Phương lần lượt là 9,35; 9,73 con. Còn theo Đặng Vũ Bình (2003) kết quả nghiên cứu tương ứng là 9,23; 9,12 con. Kết quả nghiên cứu với lợn Landrace thì cao hơn còn Yorkshire thì thấp hơn kết quả của tác giả.
– Số con cai sữa/ổ
Chỉ tiêu này đánh giá sức sống của lợn con, khả năng tiết sữa và nuôi con của lợn mẹ. Kết quả theo dõi số con cai sữa/ổ của của Landrace, Yorkshire đều là 8,53 con. Theo báo cáo của tác giả Nguyễn Khắc Tích (2002), số con để nuôi của Landrace, Yorkshire cụ thể là 8,15; 8,27 con, Đặng Vũ Bình (1999): 8,68; 8,61 con. Như vậy kết quả nghiên cứu này thấp hơn so với các tác giả đã công bố.
– Khối lượng sơ sinh/ổ
Đây là chỉ tiêu đánh giá sức sống và khả năng nuôi dưỡng lợn nái chửa (đặc biệt trong giai đoạn chửa cuối). Theo kết quả nghiên cứu thu được thì khối lượng sơ sinh của Landrace, Yorkshire tương đương nhau và lần lượt là 13,46; 13,18 kg. So sánh với kết quả nghiên cứu của Đinh Văn Chỉnh (1995), khối lượng sơ sinh/ổ của Landrace, Yorkshire tương ứng là 9,12; 10,18 kg. Kết quả nghiên cứu cao hơn tác giả.
– Khối lượng sơ sinh/con
Khối lượng sơ sinh/con là chỉ tiêu nói lên khả năng nuôi dưỡng thai của lợn mẹ và kỹ thuật nuôi dưỡng nái mang thai của cơ sở chăn nuôi. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng nó tương quan thuận với khối lượng 21 ngày tuổi và khối lượng cai sữa của lợn con.
Kết quả thu được qua bảng 4.7 cho thấy khối lượng sơ sinh/con của Landrace là 1,43 kg lớn hơn Yorkshire là 1,38 kg. Sự sai khác kết quả giữa Landrace và Yorkshire có ý nghĩa thống kê với P < 0,05. So sánh với Nguyễn Thiện và cộng sự (1992) khối lượng sơ sinh/con của Landrace là 1,36 kg còn Yorkshire là 1,33 kg thì kết quả nghiên cứu này cao hơn của tác giả. Điều này
cho thấy kỹ thuật chăm sóc lợn nái của trang trại là khá tốt. – Khối lượng cai sữa/ổ
Chỉ tiêu này chịu ảnh hưởng của khối lượng sơ sinh, thời gian nuôi con của lợn mẹ và số con cai sữa. Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng cai sữa/ổ của Landrace và Yorkshire lần lượt là 56,11; 53,77 kg. So sánh với kết quả nghiên cứu của Phan Xuân Hảo (2002) ở lợn Landrace là 53,07kg; Yorkshire là 50,44 kg thì kết quả nghiên cứu này cao hơn.
– Khối lượng cai sữa/con
Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng cai sữa/con của Landrace, Yorkshire lần lượt là 6,51; 6,36 kg. So sánh với kết quả nghiên cứu của Đinh Văn Chỉnh và cộng sự (1995): 5,22 kg/con đối với Landrace; 5,1 kg đối với Yorkshire, Phan Xuân Hảo (2002): với Landrace là 5,84 kg/con, với Yorkshire là 5,77 kg/con, thì kết quả nghiên cứu cao hơn so với kết quả của các tác giả.
– Tỷ lệ nuôi sống
Chỉ tiêu này dùng để đánh giá sức sống của lợn con trong giai đoạn bú sữa mẹ. Khả năng nuôi con của lợn mẹ, trình độ chăm sóc quản lí của từng cơ sở và đặc biệt đánh giá tỷ lệ hao hụt của lợn con trong giai đoạn cai sữa, tỷ lệ cai
sữa có hệ số di truyền thấp h2 = 0,05.
Từ bảng 4.7 cho thấy tỷ lệ nuôi sống của Landrace là 91,69% tương đương với Yorkshire là 91,56% ( P> 0,05).
Kết quả nghiên cứu thu được có phần cao hơn các kết quả báo cáo của Đinh Văn Chỉnh và cộng sự (2001) với tỷ lệ nuôi sống của Landrace và Yorkshire lần lượt là 90,62% và 90,0%, Nguyễn Khắc Tích (1995) là 89,56% và 82,89%.
– Tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa
Kết quả theo dõi cho thấy tỷ lệ nuôi sống của Yorkshire là 89,26% thấp hơn Landrace là 90,27%. So sánh với kết quả nghiên cứu của Đinh Văn Chỉnh
(2001), tỷ lệ nuôi sống của Landrace 93,77%, của Yorkshire là 92,97%, theo Phùng Thị Vân (2000), tỷ lệ nuôi sống của Landrace là 89,88%, của Yorkshire là 84,22%. Kết quả nghiên cứu thấp hơn tác giả Đinh Văn Chỉnh nhưng cao hơn tác giả Phùng Thị Vân.
Như vậy, để nâng cao tỷ lệ nuôi sống ta phải làm tốt công tác giống quản lí chăm sóc tốt hơn lợn trong thời gian mang thai và nuôi con. Điều chỉnh sự đồng đều giữa các con trong ổ để nâng cao tỷ lệ nuôi sống bằng cách ghép giữa các ổ với nhau, tránh sự chênh lệch lớn.