THÀNH NHÀ HỒ

Một phần của tài liệu chuyen de BDTX -THPT (Trang 83)

- Biết viết bài giới thiệu di tích, danh thắng của địa phương.

THÀNH NHÀ HỒ

Thành Nhà Hồ là tên gọi dân gian của thành Tây Đô - Tây Giai - An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hoá gần 50 km.

Thành được Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397 nhằm chuẩn bị cho việc thay đổi triều đại và phòng thủ đất nước trước dã tâm xâm lược của triều Minh. Án ngữ quanh thành là 4 ngọn núi. Thổ Tượng ở phía bắc, Hắc Khuyển ở phía đông, Ngưu Ngọa, phía tây và Đốn Sơn, phía nam. Ngoài ra, sông Mã từ hướng tây chảy qua, sông Bưởi từ hướng đông đổ về tụ hội, vừa tạo nên bức bình phong tự nhiên che chắn, vừa làm cho nơi này thành chốn sơn thuỷ hữu tình. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất nhà Trần, lập nên nhà Hồ, ông đã dời kinh đô từ Thăng Long về đây, gọi là Tây Đô. Thành có chu vi 3058m, diện tích gần 1 cây số vuông. Mặt ngoài ghép

bằng đá khối, phần lớn dài 2m, rộng 1m, dày 0,7m ; một số có kích thước 4m x 1,2m x 0,7m. Bốn cửa chính ra vào thành cũng bằng đá khối. Cửa Tiền, ngoảnh hướng nam, lớn nhất, rộng 38m, cao hơn 10m gồm 3 vòm cuốn mà vòm giữa cao 5m75 m, rộng 5,82m. Hai vòm bên đều cao 5m35 m, rộng 5,15m. Trong thành là hệ thống cung điện. Bao quanh thành là hệ thống hào nước rộng 50m, sâu vài mét và luỹ tre.

Thành Nhà Hồ, cách đây hơn 600 năm vừa là quốc đô vừa là thành luỹ quân sự vô cùng kiên cố. Người đời sau vô cùng kinh ngạc trước kĩ thuật xây đá nguyên khối, có khối nặng 16 tấn ở độ cao trung bình 6m cùng tốc độ xây dựng - trong 3 tháng - như sử cũ đã ghi của toà thành đô này. Hồi đầu thế kỉ XX, nhà nghiên cứu người Pháp Bê-da-xi-en đã khẳng định “đây là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam”. Thành Nhà Hồ được công nhận là “Di sản văn hoá thế giới” năm 2011.

(Viết lại theo Địa chí Thanh Hoá, tập II - NXB Khoa học xã hội-2004)

VĂN BẢN 3

LAM KINH

Lam Kinh hay Lam Sơn nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 50 km về phía tây bắc. Từ 1418 đến 1424, Lam Sơn là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, lập nên nhà Lê, Lê Lợi - Lê Thái Tổ (1428-1433) đã cho khởi công xây dựng nơi đây thành Kinh đô tinh thần của vương triều nên Lam Sơn được gọi là Lam Kinh. Các đời vua Lê sau, kế tiếp mở mang, tôn tạo, khiến Lam Kinh càng ngày càng bề thế.

Lam Kinh phía bắc tựa lưng vào núi Du Sơn, quay mặt hướng nam nhìn ra sông Chu, hai bên đông-tây là rừng núi uốn lượn. Bốn mặt tường thành, dài 314m, rộng 254m, bề dày trên 1m, chính diện hình cánh cung, bán kính 164m. Qua cổng thành là sông Ngọc, một con sông đào, rộng 19m, vượt Tiên Loan Kiều (cầu Bạch), hình cánh cung, có mái che, đi khoảng 50m vào đến Ngọ Môn. Ngọ Môn 2 tầng mái, 3 gian, 3 cửa, rộng 11m, dài 14,1m. Qua Ngọ Môn là Sân Rồng, diện tích hơn

3.500 mét vuông, lát gạch. Hai bên Sân Rồng là nhà tả vu, hữu vu (nhà phục vụ). Sân Rồng lên Chính Điện theo 3 lối, 9 bậc. Hai bên lối đi giữa trang trí rồng vờn ngọc, tạc tròn, thân uốn khúc. Chính Điện, bề ngang 38m, sâu 46m, cao 1,8m so với Sân Rồng, gồm 3 toà 2 tầng mái theo hình chữ “công” (I). Điện phía trước là Quang Đức, ở giữa là điện Sùng Hiếu, sau cùng là điện Diên Khánh. Phía tây Chính Điện là 2 điện thờ thân phụ và hai anh của Lê Thái Tổ, mỗi điện 5 gian. Phía đông, nhà ở của quan lại và binh lính trông coi. Sau Chính Điện có một sân hình cánh cung, chiều dài nhất 177m, có 9 khoảng cách chiều sâu khác nhau. Tiếp đến là 9 toà Thái Miếu - khu “nhà thờ” của dòng tộc vua Lê, cao hơn mặt sân 90cm, mỗi toà đều có diện tích 200 mét vuông. Lối đi giữa các Thái Miếu đều rộng 4m.

Lam Kinh còn có một hệ thống lăng tẩm với bia ghi công đức, là nơi an nghỉ của các vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Thánh Tông.

Khu thành điện Lam Kinh mang dáng vẻ trang nghiêm, huy hoàng của hoàng thành, dáng vẻ linh thiêng, trầm mặc của tôn miếu giữa một vùng sông núi hữu tình. Thời xưa, hàng năm, các vua cùng triều đình nhà Lê đều về đây bái yết. Ngày nay, vào ngày 21 tháng 8 âm lịch, ngày giỗ Lê Lợi - Lê Thái Tổ, nhân dân Thanh Hoá lại làm lễ trọng để tưởng nhớ trong 3 ngày. Khách thập phương nô nức kéo về tham gia Lễ hội Lam Kinh.

(Viết lại theo Địa chí Thanh Hoá, tập II - NXB Khoa học xã hội-2004)

Chú thích

* Di tích : dấu vết vật chất của quá khứ xa xưa còn lưu lại ; Thắng cảnh : phong cảnh đẹp nổi tiếng. Danh lam thắng cảnh (thắng tích) : di tích và phong cảnh đẹp nổi tiếng.

Tuỳ theo giá trị mà thắng tích được công nhận là di sản- vốn quý của một tỉnh, một quốc gia hay toàn nhân loại. Hiện nay, nước ta có những di sản sau đây được Tổ chức văn hoá-khoa học-giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới :

- Di sản văn hoá thế giới : Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mĩ Sơn, Khu trung tâm hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ.

- Di sản thiên nhiên thế giới : Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

- Di sản nhân loại (Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại) : Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng và Hát Xoan.

- Di sản tư liệu thế giới : Mộc bản triều Nguyễn và 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

HƯỚNG DẪN DẠY - HỌC

1- HV đọc, ghi nhớ nội dung chính, vẽ lại sơ đồ (sa bàn) của 3 văn bản ; Tìm hiểu thêm ít nhất một di tích ở địa phương (ở nhà).

Một phần của tài liệu chuyen de BDTX -THPT (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)